Long Châu

Diethylpropion

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Diethylpropion hydrochloride.

Loại thuốc

Dẫn xuất của amphetamine, thuốc giảm cảm giác thèm ăn.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén 25 mg.

Viên nén phóng thích kéo dài 75 mg.

Chỉ định

Diethylpropion hydrochloride được chỉ định trong các trường hợp sau:

  • Điều trị béo phì như một loại thuốc bổ trợ ngắn hạn (vài tuần) bằng cách hạn chế lượng calo trong chế độ giảm cân ở những bệnh nhân có chỉ số khối cơ thể (BMI) từ 30 kg/m2 trở lên.
  • Những người không đáp ứng với chế độ giảm cân bình thường (chế độ ăn kiêng và/hoặc tập thể dục).

Dược lực học

Diethylpropion hydrochloride là một amin giao cảm với một số hoạt tính dược lý tương tự như các loại thuốc thuộc nhóm này được sử dụng trong bệnh béo phì, amphetamine. 

Tác động của thuốc bao gồm một số kích thích hệ thần kinh trung ương và tăng huyết áp. 

Diethylpropion là một amphetamine kích thích tế bào thần kinh giải phóng hoặc duy trì nồng độ cao chất dẫn truyền thần kinh catecholamine, chúng bao gồm dopaminenorepinephrine. Mức độ cao của các catecholamine này có xu hướng ngăn chặn các tín hiệu đói và thèm ăn. Diethylpropion (thông qua sự gia tăng catecholamine) cũng có thể ảnh hưởng gián tiếp đến nồng độ leptin trong não.

Người ta cho rằng diethylpropion có thể làm tăng nồng độ leptin báo hiệu cảm giác no. Người ta cũng đưa ra giả thuyết rằng mức độ catecholamine tăng lên là nguyên nhân một phần trong việc ngăn chặn một chất truyền tin hóa học khác được gọi là neuropeptide Y. Peptide này khởi phát sự ăn, giảm tiêu hao năng lượng và tăng dự trữ chất béo.

Tác động của thuốc này trong điều trị béo phì chủ yếu là ức chế sự thèm ăn. Các hoạt động khác của hệ thống thần kinh trung ương hoặc các hiệu ứng chuyển hóa có thể liên quan. 

Mức độ giảm cân của bệnh nhân được điều trị bằng thuốc tăng lên so với bệnh nhân được điều trị bằng giả dược, trung bình vài gram một tuần. Tuy nhiên, sự giảm cân của cá nhân có thể thay đổi đáng kể ở mỗi bệnh nhân. Tỷ lệ giảm cân cao nhất trong những tuần đầu điều trị đối với cả đối tượng dùng thuốc và giả dược và có xu hướng giảm trong những tuần tiếp theo.

Động lực học

Hấp thu

Hấp thu dễ dàng và nhanh chóng qua đường tiêu hóa sau khi uống. Tác dụng tồn tại trong khoảng 4 giờ sau khi uống viên nén thông thường.

Phân bố

Diethylpropion và các chất chuyển hóa có hoạt tính có thể qua hàng rào máu não, đi qua nhau thai và được phân bố vào sữa.

Chuyển hóa

Được chuyển hóa thành các chất chuyển hóa có hoạt tính chủ yếu thông qua biến đổi sinh học liên quan đến quá trình khử và khử N -dealkyl hóa.

Thải trừ

Diethylpropion và các chất chuyển hóa của nó được bài tiết chủ yếu qua nước tiểu. Khoảng 75–106% liều dùng (viên nén thông thường) được phục hồi trong nước tiểu trong vòng 48 giờ. Lượng phục hồi sau khi sử dụng viên nén giải phóng kéo dài về cơ bản không khác nhiều so với lượng quan sát được với viên nén thông thường.

Thời gian bán thải khoảng 4–6 giờ (đối với chất chuyển hóa aminoketone).

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Sử dụng đồng thời với thuốc ức chế MAO (monoamine oxidase) có thể làm tăng huyết áp trầm trọng. Chống chỉ định sử dụng diethylpropion đồng thời hoặc trong vòng 14 ngày kể từ khi sử dụng thuốc ức chế MAO.

Sử dụng đồng thời với các thuốc cũng có tác dụng giảm cảm giác thèm ăn làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề nghiêm trọng về tim. Tránh sử dụng đồng thời (bao gồm cả thuốc không kê đơn hoặc các chế phẩm thảo dược). Diethylpropion không được khuyến cáo cho những bệnh nhân đã sử dụng bất kỳ thuốc giảm cảm giác thèm ăn nào trong vòng một năm trước đó. 

Phenothiazines có thể đối kháng với tác dụng biếng ăn của diethylpropion.

Diethylpropion có thể giảm nhu cầu insulin ở bệnh nhân đái tháo đường. Thận trọng khi sử dụng đồng thời.

Sử dụng đồng thời với rượu hoặc các thuốc tác động trên thần kinh trung ương có thể làm tăng nguy cơ xảy ra các tác dụng phụ.

Diethylpropion làm tăng nguy cơ loạn nhịp tim khi sử dụng cùng với các loại thuốc mê nói chung.

Có thể làm giảm tác dụng hạ huyết áp của thuốc hạ áp guanethidine (hiện không còn lưu hành ở Hoa Kì), methyldopa.

Chống chỉ định

Không dùng Diethylpropion hydrochloride cho các trường hợp sau:

  • Tăng huyết áp động mạch phổi, cường giáp, tăng huyết áp nặng, tăng nhãn áp, hoặc xơ cứng động mạch tiến triển.
  • Trạng thái kích động hoặc tiền sử lạm dụng thuốc.
  • Trong hoặc trong vòng 14 ngày điều trị bằng thuốc ức chế MAO (monoamine oxidase).
  • Điều trị đồng thời với các loại thuốc giảm cân khác.
  • Quá mẫn với diethylpropion hoặc với các amin giao cảm hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng

Người lớn 

  • Viên nén thông thường: 25 mg x 3 lần/ngày, có thể dùng thêm 25 mg vào bữa ăn nhẹ buổi tối nếu cần để giảm cơn đói về đêm.
  • Viên nén giải phóng kéo dài: 75 mg x 1 lần/ngày.

Trẻ em trên 16 tuổi

  • Viên nén thông thường: 25 mg x 3 lần/ngày, có thể dùng thêm 25 mg vào bữa ăn nhẹ buổi tối nếu cần để giảm cơn đói về đêm.
  • Viên nén giải phóng kéo dài: 75 mg x 1 lần/ngày.
  • An toàn và hiệu quả không được thiết lập, không khuyến cáo sử dụng ở trẻ em ≤16 tuổi.

Đối tượng khác

Người cao tuổi: Lựa chọn liều lượng một cách thận trọng, bắt đầu với khoảng liều thấp hơn, vì sự suy giảm chức năng gan, thận và /hoặc tim liên quan đến tuổi, các bệnh mắc kèm và các thuốc đang điều trị.

Cách dùng

  • Sử dụng viên nén thông thường, uống 3 lần mỗi ngày, 1 giờ trước bữa ăn.
  • Dùng viên nén giải phóng kéo dài bằng đường uống một lần mỗi ngày, vào giữa buổi sáng, nuốt nguyên viên.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

  • Đau ngực, rối loạn nhịp tim (bao gồm cả loạn nhịp thất), thay đổi điện tâm đồ.
  • Nhịp tim nhanh, tăng huyết áp, đánh trống ngực.
  • Rối loạn vận động, nhìn mờ.
  • Kích thích quá mức, căng thẳng, bồn chồn, chóng mặt, mất ngủ, lo lắng, hưng phấn, trầm cảm.
  • Khó thở, run, giãn đồng tử, buồn ngủ, khó chịu, đau đầu.
  • Giảm bạch cầu.

Hiếm gặp

  • Tăng áp động mạch phổi.
  • Bệnh van tim.
  • Loạn thần.

Không xác định tần suất

  • Co giật.
  • Tai biến mạch máu não.
  • Nôn mửa, tiêu chảy, khó chịu ở bụng, khô miệng, vị khó chịu, buồn nôn, táo bón, rối loạn tiêu hóa.
  • Mề đay, phát ban, bầm máu, ban đỏ.
  • Bất lực, thay đổi ham muốn tình dục, nữ hóa tuyến vú, rối loạn kinh nguyệt.
  • Suy tủy xương, mất bạch cầu hạt.

Lưu ý

Lưu ý chung

Nguy cơ tăng áp động mạch phổi nguyên phát (thường gây tử vong). Nguy cơ tăng gấp 23 lần khi sử dụng các chất giảm cảm giác thèm ăn trong hơn 3 tháng.

Ngừng ngay nếu mới khởi phát hoặc đợt cấp của khó thở gắng sức hoặc các triệu chứng đau thắt ngực, ngất hoặc phù hai chi dưới không giải thích được và đánh giá khả năng tăng áp động mạch phổi.

Bệnh tim van tim được báo cáo sau khi sử dụng một số thuốc giảm cảm giác thèm ăn (ví dụ: Fenfluramine, dexfenfluramine (cả hai đều không còn được lưu hành ở Hoa Kỳ)), đặc biệt khi được sử dụng trong thời gian dài, ở liều lượng cao hơn khuyến cáo và/hoặc kết hợp với các thuốc gây chán ăn.

Cân nhắc thực hiện đánh giá tim ban đầu để phát hiện các bệnh van tim đã có trước khi bắt đầu điều trị. Không khuyến cáo sử dụng ở những bệnh nhân có tiếng thổi ở tim hoặc bệnh van tim. Siêu âm tim trong và sau khi điều trị có thể hữu ích để phát hiện bất kỳ rối loạn van tim nào có thể xảy ra.

Nếu sự dung nạp tăng lên, hãy ngừng điều trị, không cố gắng tăng tác dụng bằng cách vượt quá liều lượng khuyến cáo.

Hiệu suất của các hoạt động đòi hỏi sự tỉnh táo về tinh thần hoặc phối hợp thể chất có thể bị suy giảm.

Có khả năng bị lạm dụng, lệ thuộc thuốc. Hội chứng cai nghiện có thể xảy ra khi ngừng điều trị.

Thận trọng khi dùng cho bệnh nhân tăng huyết áp. Chống chỉ định với những người bị tăng huyết áp nặng.

Thận trọng khi sử dụng cho những bệnh nhân có triệu chứng bệnh tim mạch, bao gồm cả loạn nhịp tim.

Có thể xảy ra co giật ở một số bệnh nhân bị động kinh. Theo dõi cẩn thận những bệnh nhân như vậy. Điều chỉnh liều lượng hoặc ngừng điều trị khi cần thiết.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Không có nghiên cứu đầy đủ ở phụ nữ mang thai. 

Có nghiên cứu đã được thực hiện trên chuột với liều gấp 1,6 lần liều dùng cho người (tính theo mg/m2) không ghi nhận sự giảm khả năng sinh sản hoặc gây hại cho thai nhi do diethylpropion hydrochloride. Cũng có báo cáo về dị tật bẩm sinh đã được ghi nhận ở người nhưng không xác định nguyên nhân có do diethylpropion hay không. 

Do đó, cần sử dụng thuốc thận trọng ở phụ nữ có thai. Lạm dụng diethylpropion hydrochloride trong khi mang thai có thể dẫn đến các triệu chứng cai nghiện ở trẻ sơ sinh.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Vì diethylpropion hydrochloride và/hoặc các chất chuyển hóa của nó được bài tiết qua sữa mẹ, nên thận trọng khi dùng diethylpropion hydrochloride cho phụ nữ đang cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Thuốc có khả năng làm suy giảm khả năng nhận thức và vận động, thận trọng khi lái xe hoặc vận hành máy móc cho đến khi xác định được tác dụng của thuốc đối với bệnh nhân.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Các biểu hiện của quá liều cấp tính bao gồm bồn chồn, run rẩy, tăng phản xạ, hô hấp nhanh, lú lẫn, rối loạn vận động, ảo giác, trạng thái hoảng sợ và giãn đồng tử. 

Mệt mỏi và trầm cảm thường theo sau kích thích trung ương.

Các tác động lên tim mạch bao gồm nhịp tim nhanh, loạn nhịp tim, tăng huyết áp hoặc hạ huyết áp và trụy tuần hoàn. Các triệu chứng tiêu hóa bao gồm buồn nôn, nôn, tiêu chảy và đau quặn bụng. 

Cũng có thể dẫn đến co giật, hôn mê và tử vong.

Cách xử lý khi quá liều

Điều trị triệu chứng và bao gồm rửa dạ dày và sử dụng thuốc an thần barbiturat. 

Kinh nghiệm về chạy thận nhân tạo hoặc thẩm phân phúc mạc không đủ để thực hiện. 

Có thể tiêm tĩnh mạch phentolamine đối với trường hợp tăng huyết áp cấp tính xảy ra.

Quên liều và xử trí

Dùng liều đã quên ngay khi nhớ ra. Bỏ qua liều đã quên nếu gần đến thời gian cho liều dự kiến ​​tiếp theo. Không dùng hai liều cùng lúc.

Nguồn tham khảo