Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Lithium cation

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Lithium.

Loại thuốc

Thuốc chống loạn thần.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén bao phim: 150, 250 mg, 300, 600 mg lithium cacbonat.

Chỉ định

Lithium là một chất ổn định khí sắc được sử dụng để điều trị hoặc kiểm soát các giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực. Các triệu chứng hưng cảm bao gồm tăng động thái quá, lời nói dồn dập, phán đoán kém, giảm nhu cầu ngủ, hung hăng và tức giận.

Lithium cũng giúp ngăn ngừa hoặc làm giảm cường độ của các giai đoạn hưng cảm.

Lithium được sử dụng cho người lớn và trẻ em từ 7 tuổi trở lên.

Dược lực học

Cơ chế hoạt động chính xác của lithium như một chất ổn định khí sắc vẫn chưa được biết rõ, mặc dù nhiều cơ chế hoạt động tế bào của lithium đã được mô tả.

Lithium có thể ảnh hưởng đến dòng chảy của natri qua các tế bào thần kinh và tế bào cơ trong cơ thể. Natri ảnh hưởng đến kích thích hoặc hưng cảm. Vì vậy, Lithium là một chất ổn định khí sắc được sử dụng để điều trị hoặc kiểm soát các giai đoạn hưng cảm của rối loạn lưỡng cực.

Động lực học

Hấp thu và Phân bố

Một liều uống duy nhất của lithium carbonate 250 mg cho nồng độ đỉnh trong huyết tương khoảng 2 - 3 giờ sau đó, với nồng độ ở thời điểm 24 giờ là xấp xỉ 40% nồng độ đỉnh. Thuốc đi qua nhau thai và được bài tiết qua sữa mẹ.

Chuyển hóa và Thải trừ

Lithi hầu như chỉ được bài tiết qua nước tiểu. Thời gian bán thải của lithi thay đổi đáng kể tùy theo các công thức bào chế, nhưng thường là khoảng 12 đến 24 giờ sau khi dùng một liều duy nhất.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Bất kỳ loại thuốc nào có thể gây suy thận đều có khả năng làm tăng nồng độ lithi, do đó gây độc (NSAIDs, các thuốc kháng sinh có thể gây suy thận, thuốc lợi tiểu, thuốc ảnh hưởng trên hệ renin angiotensin).

Sử dụng đồng thời các loại thuốc sau đây với lithi có thể dẫn đến giảm nồng độ lithi và có nguy cơ mất tác dụng của lithium: Các dẫn xuất xanthine (ví dụ như theophylline, caffeine), các chế có chứa một lượng lớn natri như natri bicacbonat, thuốc ức chế anhydrase carbonic, Urê.

Chống chỉ định

Lithium chống chỉ định dùng trong các trường hợp:

  • Quá mẫn với hoạt chất hoặc với bất kỳ tá dược nào của thuốc
  • Suy giảm chức năng thận nghiêm trọng.
  • Suy giáp chưa điều trị hoặc không điều trị được.
  • Bệnh tim rối loạn nhịp.
  • Hội chứng Brugada hoặc tiền sử gia đình mắc hội chứng Brugada.
  • Mức natri trong cơ thể thấp, ví dụ như bệnh nhân mất nước, những người ăn kiêng ít natri, hoặc những người bị bệnh Addison.
  • Phụ nữ cho con bú.

Liều lượng & cách dùng

Liều lượng & cách dùng

Thuốc dùng đường uống.

Liều lượng ban đầu thấp có thể được sử dụng để giảm thiểu phản ứng có hại của thuốc.

Lithi huyết thanh nên được theo dõi 12 giờ sau mỗi liều thuốc và theo dõi hai lần mỗi tuần cho đến khi nồng độ huyết thanh và tình trạng lâm sàng ổn định, và sau đó theo dõi mỗi tháng một lần.

Tăng liều cho đến khi bệnh nhân dung nạp đạt nồng độ lithi trong huyết thanh mục tiêu là 0,8 - 1,2 mEq/L (đợt cấp) hoặc 0,8 - 1,0 mEq/L (duy trì).

Người lớn

Cơn hưng cảm trong rối loạn lưỡng cực hoặc điều trị duy trì ở bệnh nhân rối loạn lưỡng cực.

Điều trị đợt cấp

  • Liều thông thường: 1800 mg/ngày.
  • Dạng phóng thích kéo dài (Extended release): 900 mg uống vào buổi sáng và buổi tối.
  • Dạng phóng thích đều đặn (Regular release): 600 mg uống 3 lần một ngày, vào buổi sáng, buổi chiều và buổi tối.

Kiểm soát dài hạn:

  • Liều duy trì: 900 đến 1200 mg/ngày.
  • Dạng phóng thích kéo dài (Extended release): 600 mg uống vào buổi sáng và buổi tối.
  • Dạng phóng thích đều đặn (Regular release): 300 mg uống 3 đến 4 lần/ngày.

Trẻ em

Từ 12 tuổi trở lên, liều tương tự như liều người lớn.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Tăng bạch cầu, đa niệu/đa polyp, khô miệng, run tay, lẫn lộn, giảm trí nhớ, nhức đầu, yếu cơ, biến đổi trên điện tâm đồ, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, tăng phản xạ gân cơ, cơn giật cơ, chóng mặt.

Ít gặp 

Triệu chứng ngoại tháp, bướu cổ, suy giáp, mụn trứng cá, tóc thưa.

Không xác định tần suất

Hôn mê, co giật, nhiễm độc thận, độc tính cấp tính của lithium, đa niệu do Lithi, thất điều/rối loạn dáng đi.

Lưu ý

Lưu ý chung

Lithi có cửa sổ điều trị hẹp. Liều cần thiết để điều trị phải được tăng dần và điều chỉnh trên cơ sở theo dõi thường xuyên nồng độ lithi trong huyết thanh. Không nên bắt đầu điều trị bằng lithi trừ khi có đủ phương tiện để theo dõi thường quy nồng độ thuốc trong huyết tương.

Bệnh nhân cao tuổi đặc biệt dễ bị ngộ độc lithi vì khả năng bài tiết lithi có thể bị giảm. Lithi cũng có thể biểu hiện các phản ứng có hại ngay cả ở nồng độ huyết thanh thường được bệnh nhân trẻ tuổi dung nạp.

Trước khi bắt đầu điều trị bằng lithium, điều quan trọng là đảm bảo rằng chức năng thận đã được đánh giá. 

Chức năng tuyến giáp nên được đánh giá. Bệnh nhân nên bình giáp trước khi bắt đầu điều trị bằng lithi.

Cần đánh giá chức năng tim đặc biệt ở những bệnh nhân bị bệnh tim mạch. Nên tránh dùng lithi ở những bệnh nhân có hội chứng kéo dài QT bẩm sinh, và ở những bệnh nhân được điều trị đồng thời với các thuốc được biết là kéo dài khoảng QT. Lithium có thể làm bộc lộ hoặc làm trầm trọng thêm hội chứng Brugada, có thể dẫn đến ngừng tim hoặc đột tử.

Nên tránh dùng đồng thời Lithi với các thuốc chống loạn thần khác.

Liều duy trì Lithium thấp hơn có thể được yêu cầu cho những bệnh nhân đã trải qua một cuộc phẫu thuật cắt dạ dày do sự suy giảm độ lọc cầu thận sau khi giảm cân.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Những phụ nữ được điều trị bằng lithium nên áp dụng các biện pháp tránh thai đầy đủ. Trong trường hợp có thai, bắt buộc phải ngừng điều trị bằng lithi. Lithium chống chỉ định cho phụ nữ có thai.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Vì dữ liệu đầy đủ về việc sử dụng trong thời kỳ cho con bú và các nghiên cứu đầy đủ về sinh sản ở người không có sẵn và lithium được tiết trong sữa mẹ, không nên cho trẻ bú khi mẹ đang dùng lithium.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Vì lithium có thể gây rối loạn thần kinh trung ương, bệnh nhân nên được cảnh báo về những nguy cơ có thể xảy ra khi lái xe hoặc vận hành máy móc.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Quá liều đơn cấp tính thường không quá nguy hiểm và bệnh nhân có xu hướng chỉ biểu hiện các triệu chứng nhẹ, bất kể nồng độ lithi huyết thanh của họ. Tuy nhiên, các triệu chứng nghiêm trọng hơn có thể xảy ra sau đó một khoảng thời gian nếu sự thải trừ lithi bị giảm do suy thận, đặc biệt là khi đã dùng chế phẩm thuốc phóng thích chậm. Liều gây tử vong, trong một lần dùng quá liều, có thể trên 5 g.

Tuy nhiên, nếu một bệnh nhân đang điều trị bằng lithi lâu dài dùng quá liều cấp tính, thì có thể dẫn đến ngộ độc nghiêm trọng xảy ra ngay cả sau khi liều vừa dùng không quá cao vì các mô ngoài mạch máu đã bão hòa với lithium.

Cách xử lý khi quá liều

Không có thuốc giải độc cho ngộ độc lithi.

Nên ngừng sử dụng lithium và định lượng nồng độ huyết thanh sau mỗi 6 giờ. Cần phải chú ý đặc biệt đến việc duy trì cân bằng dịch và điện giải, cũng như chức năng thận đầy đủ. Không nên sử dụng thuốc lợi tiểu cưỡng chế hoặc lợi tiểu trong bất kỳ trường hợp nào. Chăm sóc hỗ trợ thích hợp có thể bao gồm các biện pháp để kiểm soát hạ huyết áp và co giật.

Tất cả bệnh nhân nên được theo dõi trong tối thiểu 24 giờ. Điện tâm đồ nên được theo dõi ở những bệnh nhân có triệu chứng. Cần thực hiện các bước để điều chỉnh tình trạng hạ huyết áp.

Cân nhắc rửa dạ dày đối với các chế phẩm phóng thích không kéo dài nếu người lớn đã uống hơn 4 g trong vòng một giờ hoặc trẻ em đã biết là đã nuốt phải một lượng đáng kể. Viên nén phóng thích chậm không tan trong dạ dày và hầu hết kích thước quá lớn để có thể đi qua ống rửa. Rửa dạ dày không hữu ích cho ngộ độc mạn tính. Tưới rửa toàn bộ ruột có thể hữu ích ở những bệnh nhân uống một lượng lớn chế phẩm phóng thích chậm.

Lưu ý: Than hoạt tính không hấp phụ lithium.

Lọc thận là phương pháp điều trị được lựa chọn cho những trường hợp ngộ độc nặng và cần được xem xét ở tất cả những bệnh nhân có triệu chứng thần kinh rõ rệt. Đây là phương pháp hiệu quả nhất để giảm nhanh nồng độ lithi nhưng dự kiến ​​có thể sẽ có tình trạng tăng nồng độ lithium phản xạ khi ngừng lọc máu và có thể đòi hỏi phải điều trị kéo dài hoặc lặp lại.

Lọc thận cũng nên được xem xét trong trường hợp quá liều ở những bệnh nhân có các triệu chứng nghiêm trọng bất kể nồng độ lithi huyết thanh.

Lưu ý: Cải thiện lâm sàng thường rất lâu hồi phục hơn so với việc giảm nồng độ lithi huyết thanh bất kể phương pháp được sử dụng.

Quên liều và xử trí

Nếu quên dùng một liều thuốc, hãy uống càng sớm càng tốt khi nhớ ra. Tuy nhiên, nếu gần với liều kế tiếp, hãy bỏ qua liều đã quên và uống liều kế tiếp vào thời điểm như kế hoạch. Không uống gấp đôi liều đã quy định.

Nguồn tham khảo
  1. 1EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/10828/smpc#OVERDOSE
  2. Drugs.com: https://www.drugs.com/lithium.html#uses
  3. Medscape: https://reference.medscape.com/drug/eskalith-lithobid-lithium-342934#4