Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Những điều cần biết về tiêm HPV

Ngày 03/06/2022
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tiêm HPV là một vấn đề vô cùng cần thiết và đáng quan tâm đối với phái nữ. Tuy nhiên, không phải ai cũng hiểu rõ HPV là gì và cần tiêm như thế nào. Trong bài viết này, hãy cùng Nhà Thuốc Long Châu tìm hiểu về vaccine HPV và những thông tin liên quan nhé!

Virus HPV là nguyên nhân hàng đầu gây nên ung thư cổ tử cung - căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao thứ 4 trên thế giới và cũng là một trong những căn bệnh phổ biến nhất ở phụ nữ. Việc tiêm vaccine HPV đúng thời điểm có khả năng làm giảm gần 90% nguy cơ mắc căn bệnh này. Trong bài viết dưới đây, Nhà Thuốc Long Châu sẽ gửi tới bạn đọc những thông tin cơ bản xoay quanh vấn đề tiêm HPV và trả lời cho câu hỏi tiêm HPV là gì.

HPV là gì?

Virus HPV (Human Papillomavirus) là một họ bao gồm hơn 150 loại virus, có thể lây nhiễm qua đường tiếp xúc da kề da hay phổ biến hơn là con đường tình dục (qua âm đạo, hậu môn hoặc miệng).

Những điều cần biết về tiêm HPV 1 Virus HPV lây nhiễm phổ biến qua đường tình dục

HPV là một loại virus vô cùng phổ biến, có đến 80% người bị nhiễm HPV trong đời. Tuy nhiên, trong đa số các trường hợp, virus HPV sẽ tự biến mất mà không để lại hậu quả gì về sức khỏe cho người nhiễm phải. Trong trường hợp virus không biến mất, nó có thể gây ra các bệnh vô cùng nguy hiểm cho các cơ quan sinh dục như sùi mào gà hay ung thư cổ tử cung...

  • 2 loại virus HPV tuýp 6 và tuýp 11 là nguyên nhân gây ra đa số các trường hợp mụn cóc bộ phận sinh dục. Mụn cóc không gây nguy hiểm đến tính mạng cho người bệnh nhưng có khả năng tái nhiễm sau khi điều trị thành công.
  • Có hơn 10 loại virus HPV có khả năng gây ung thư. Trong đó, có 2 chủng HPV đặc biệt là tuýp 16 và tuýp 18 - chủng HPV nguy cơ cao, gây ra phần lớn các trường hợp ung thư. Tiêu biểu nhất trong số đó là ung thư cổ tử cung, ngoài ra còn có ung thư âm hộ, ung thư âm đạo, ung thư hầu họng...

Vaccine phòng HPV là gì?

Vaccine HPV là loại vaccine có khả năng giúp cơ thể chống lại các chủng virus HPV gây bệnh ung thư cổ tử cung, u nhú bộ phận sinh dục hay sùi mào gà...với hiệu quả lên đến 90%.

Theo nghiên cứu của CDC, kể từ khi vaccine HPV được sử dụng, tỉ lệ nhiễm HPV và tiền ung thư cổ tử cung đã được giảm đáng kể:

  • Tỉ lệ mắc ung thư và sùi mào gà do nhiễm HPV ở các bé gái tuổi vị thành niên giảm 71%.
  • Ở độ tuổi thanh niên, tỉ lệ mắc ung thư và sùi mào gà ở nữ giảm 61%.
  • Đối với phụ nữ được tiêm chủng, tỉ lệ mắc bệnh giảm 40%.

Bên cạnh đó, vaccine HPV có hiệu quả phòng bệnh kéo dài lên đến 30 năm.

Tại sao nên tiêm phòng HPV?

Trên thực tế, có đến 80% người từng nhiễm HPV ít nhất 1 lần trong đời. Trong đó, có đến 20% trường hợp nhiễm virus HPV trong vòng 4 tháng kể từ khi bắt đầu phát sinh quan hệ tình dục; 50% nhiễm virus trong vòng 2 năm từ khi phát sinh quan hệ tình dục.

Virus HPV có khả năng xâm nhập và tấn công vào biểu mô niêm mạc cổ tử cung, gây tổn thương cho tế bào. Quá trình này có thể kéo dài từ 10 đến 20 năm, tiến triển từ những tổn thương đơn giản như viêm nhiễm cho đến ung thư tại chỗ và xâm lấn. Chính vì vậy, việc tiêm HPV để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh là vô cùng cần thiết.

Khi không tiêm phòng HPV, nguy cơ bị virus HPV tấn công sẽ rất cao nếu:

  • Quan hệ tình dục không an toàn.
  • Quan hệ nhiều bạn tình.
  • Quan hệ tình dục đồng giới.
  • Tiếp xúc với mụn cóc sinh dục.
  • Bị suy giảm miễn dịch.
  • Suy dinh dưỡng.

Đối tượng nên tiêm HPV

Hiện nay, vaccine HPV được khuyến cáo tiêm cho nữ giới trong độ tuổi từ 9 đến 26 tuổi, bất kể đã từng quan hệ tình dục hay chưa. Tuy nhiên, việc tiêm phòng HPV sớm trước khi phát sinh quan hệ tình dục giúp làm tăng tỉ lệ bảo vệ cơ thể trước khi phơi nhiễm loại virus này.

Vaccine HPV chống chỉ định với những người mẫn cảm với bất cứ thành phần nào của thuốc hoặc những người có phản ứng quá mẫn với thuốc trong lần tiêm trước. Ngoài ra, một số đối tượng cần thận trọng khi tiêm HPV có thể kể đến là: Người sốt nhẹ, người giảm tiểu cầu hoặc rối loạn đông máu...

Bên cạnh đó, nếu có ý định lập gia đình, phụ nữ cần chủ động tiêm phòng HPV từ sớm, không tiêm vaccine HPV nếu có thai hoặc có kế hoạch mang thai.

Những điều cần biết về tiêm HPV 2 Không tiêm HPV khi đang có thai hoặc có ý định mang thai

Loại vaccine HPV và phác đồ tiêm

Ở Việt Nam, loại vaccine HPV phổ biến nhất là vaccine Gardasil của Mỹ với khả năng phòng ngừa 4 tuýp HPV có nguy cơ gây bệnh cao (tuýp 6, 11, 16, 18). Vaccine Gardasil có tác dụng phòng ngừa các bệnh như ung thư cổ tử cung, ung thư âm đạo, ung thư âm hộ, mụn cóc sinh dục và ung thư hậu môn.

Những điều cần biết về tiêm HPV 3 Vaccine Gardasil có khả năng phòng ngừa 4 tuýp virus HPV phổ biến

Mới đây, khuyến nghị được WHO đưa ra cho rằng: Nữ giới dưới 21 tuổi chỉ cần tiêm 1 mũi vaccine HPV cũng có hiệu quả tương đương với phác đồ tiêm 2 hay 3 mũi theo hướng dẫn trước đây. Vì vậy, các chuyên gia khuyến nghị nữ giới dưới 21 tuổi cần tiêm 1 - 2 mũi; trong khi nữ giới từ 21 tuổi trở lên nên tiêm 2 mũi vaccine cách nhau 6 tháng; người có hệ miễn dịch bị suy giảm nên tiêm 3 mũi nếu có đủ điều kiện. Tuy nhiên, lịch tiêm và giá tiêm HPV cụ thể đối với từng đối tượng nên được tư vấn chi tiết bởi bác sĩ có chuyên môn.

Một số tác dụng phụ khi tiêm HPV

Sau khi tiêm HPV, bạn có thể gặp phải một số phản ứng không mong muốn. Các tác dụng phụ thường gặp sau tiêm vaccine phòng HPV là:

  • Sưng đỏ, đau tại vị trí tiêm.
  • Sốt.
  • Nổi mày đay.
  • Đau đầu.
  • Đau cơ, khớp.
  • Mệt mỏi.
  • Buồn nôn, nôn.
  • Rối loạn tiêu hóa: Đau bụng, tiêu chảy...
Những điều cần biết về tiêm HPV 4 Buồn nôn và nôn là một trong những tác dụng phụ thường gặp sau tiêm HPV

Đa số các tác dụng phụ này sẽ biến mất sau một vài ngày. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng này xuất hiện trong một khoảng thời gian dài, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ để có cách xử trí phù hợp.

Bên cạnh đó, có các phản ứng phụ hiếm gặp như: Co thắt phế quản, sốc phản vệ. Đây là các tác dụng phụ vô cùng nguy hiểm, cần được cấp cứu kịp thời để tránh nguy hiểm đến tính mạng.

Trên đây là các thông tin cơ bản về tiêm HPV mà bạn cần biết, bao gồm tác dụng của vaccine HPV, đối tượng nên tiêm phòng và một số lưu ý khác. Hy vọng những thông tin trên có thể hữu ích đối với bạn đọc. Chúc bạn đọc thật nhiều sức khỏe và đừng quên tiếp tục theo dõi trang web của Nhà Thuốc Long Châu trong tương lai để cập nhật thêm nhiều kiến thức y khoa khác bạn nhé!

Ánh Vũ

Nguồn tham khảo: Tổng hợp

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm