Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ/
  4. Kiến thức y khoa

Xét nghiệm định lượng methanol trong máu: Quy trình và chỉ định

Ngày 10/02/2025
Kích thước chữ

Xét nghiệm định lượng methanol trong máu đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị ngộ độc methanol, giúp xác định mức độ phơi nhiễm và đưa ra hướng xử trí kịp thời. Vậy xét nghiệm này được thực hiện như thế nào?

Methanol là một loại cồn công nghiệp không màu, có mùi nhẹ, thường được sử dụng trong sản xuất dung môi, sơn, chất chống đông và nhiên liệu. Mặc dù có độc tính thấp khi chưa chuyển hóa, nhưng khi vào cơ thể, methanol chuyển hóa thành formaldehyde và axit formic - hai chất có độc tính cao, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ thần kinh trung ương và thị giác. Vậy xét nghiệm định lượng methanol trong máu là gì?

Xét nghiệm định lượng methanol trong máu là gì?

Xét nghiệm định lượng methanol trong máu là phương pháp giúp xác định chính xác nồng độ methanol trong hệ tuần hoàn, từ đó hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán và điều trị ngộ độc. Kết quả xét nghiệm này có ý nghĩa quan trọng, giúp phân biệt ngộ độc methanol với các tình trạng khác có triệu chứng tương tự như nhiễm toan chuyển hóa do nguyên nhân khác.

Chỉ định xét nghiệm định lượng methanol trong máu

Bên cạnh câu hỏi xét nghiệm định lượng methanol trong máu là gì, nhiều người cũng băn khoăn, không biết khi nào sẽ được chỉ định xét nghiệm. Cụ thể, xét nghiệm này thường được chỉ định khi bệnh nhân có các triệu chứng nghi ngờ ngộ độc methanol như:

  • Rối loạn thị giác: Nhìn mờ, giảm thị lực, mất thị lực tạm thời hoặc vĩnh viễn.
  • Nhiễm toan chuyển hóa: Thở nhanh, thở sâu, rối loạn ý thức.
  • Buồn nôn, nôn mửa, đau đầu: Xuất hiện sau khi uống rượu nghi ngờ có methanol.
  • Lịch sử uống rượu không rõ nguồn gốc: Đặc biệt là các loại rượu pha lẫn cồn công nghiệp hoặc rượu tự nấu.
Xét nghiệm định lượng methanol trong máu: Quy trình và chỉ định 2
Methanol là một loại cồn công nghiệp có độc tính cao khi vào cơ thể

Quy trình xét nghiệm định lượng methanol trong máu

Vậy quy trình của xét nghiệm định lượng methanol trong máu là gì? Việc xét nghiệm định lượng methanol trong máu thường được thực hiện theo các bước sau:

  • Lấy mẫu máu: Thông thường, máu tĩnh mạch được lấy để kiểm tra.
  • Xét nghiệm bằng phương pháp sắc ký khí: Đây là phương pháp chính xác nhất để đo nồng độ methanol trong máu.
  • Định lượng ethanol trong máu: Thực hiện song song để đánh giá mức độ ức chế chuyển hóa methanol trong cơ thể.
  • Thực hiện xét nghiệm nhiều lần: Xét nghiệm được thực hiện lúc bệnh nhân nhập viện, trước và sau khi lọc máu, cũng như khi kết thúc điều trị để theo dõi diễn tiến bệnh.

Theo kinh nghiệm tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai, trong trường hợp không có xét nghiệm định lượng methanol trong máu, chẩn đoán ngộ độc có thể dựa vào ít nhất hai trong ba tiêu chuẩn sau:

  • Người nghiện rượu, uống rượu hàng ngày nhưng nhập viện vì say rượu.
  • Có biểu hiện nhiễm toan chuyển hóa trên lâm sàng như thở nhanh, thở sâu.
  • Có biểu hiện nhìn mờ.
Xét nghiệm định lượng methanol trong máu: Quy trình và chỉ định 1
Xét nghiệm định lượng methanol trong máu đóng vai trò quan trọng trong chẩn đoán và điều trị 

Mức độ nguy hiểm của methanol

Methanol có khả năng hấp thu nhanh qua đường tiêu hóa, với nồng độ đỉnh đạt được sau 30 - 90 phút. Thông thường các triệu chứng ngộ độc thường xuất hiện chậm, sau khoảng 18 - 24 giờ, do thời gian chuyển hóa methanol thành các chất độc hại trong cơ thể. Tuy nhiên, các triệu chứng có thể xuất hiện sớm hơn 18 - 24 giờ nếu bệnh nhân uống nhiều methanol hoặc không dùng ethanol đồng thời.

Sau khi vào cơ thể, methanol được chuyển hóa thành formaldehyde nhờ enzym alcohol dehydrogenase (ADH), sau đó tiếp tục bị oxy hóa thành axit formic - chất có khả năng ức chế cytochrome c oxidase, làm giảm chuyển hóa năng lượng trong tế bào. Điều này dẫn đến:

  • Nhiễm toan chuyển hóa nặng: Gây rối loạn điện giải, suy đa tạng.
  • Tổn thương thần kinh trung ương: Bệnh nhân có thể xuất hiện triệu chứng lú lẫn, hôn mê, co giật.
  • Tổn thương mắt nghiêm trọng: Axit formic tích tụ trong dịch kính của mắt, gây tổn thương dây thần kinh thị giác, dẫn đến mất thị lực không hồi phục.

Trên thế giới, đã có nhiều vụ ngộ độc methanol hàng loạt với tỷ lệ tử vong cao, xảy ra ở Campuchia, Cộng hòa Séc, Iran, Ấn Độ... Tại Việt Nam, theo số liệu của Bộ Y tế, mỗi năm có khoảng 1.000 ca ngộ độc methanol.

Nghiên cứu của Phạm Như Quỳnh tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai (2016 - 2017) ghi nhận:

  • Tổng cộng 37 bệnh nhân ngộ độc methanol nhập viện.
  • Tỷ lệ tử vong lên đến 35,2%.
  • 37,8% bệnh nhân có di chứng nặng nề, chủ yếu là tổn thương thị giác.
Xét nghiệm định lượng methanol trong máu: Quy trình và chỉ định 3
Ngộ độc methanol gây những biến chứng nghiêm trọng

Những lưu ý khi xử trí ngộ độc methanol

Song song với câu hỏi xét nghiệm định lượng methanol trong máu là gì, nhiều người e ngại không biết cách khi xử trí ngộ độc methanol, cụ thể:

Chẩn đoán và điều trị sớm

Do các triệu chứng ngộ độc methanol thường xuất hiện muộn, việc xét nghiệm định lượng methanol trong máu có vai trò quan trọng giúp phát hiện và điều trị kịp thời. Nếu nghi ngờ ngộ độc, cần xử trí nhanh chóng để giảm thiểu tổn thương. Điều trị ngộ độc methanol cần tuân theo các nguyên tắc quan trọng sau:

  • Điều trị cấp cứu: Ổn định đường thở, đảm bảo hô hấp và tuần hoàn, xử trí các triệu chứng nguy hiểm như suy hô hấp hoặc rối loạn tri giác.
  • Loại bỏ độc chất: Sử dụng các biện pháp để loại bỏ methanol khỏi cơ thể như gây nôn (nếu mới uống trong thời gian ngắn) hoặc lọc máu trong trường hợp ngộ độc nặng.
  • Chất đối kháng đặc hiệu: Dùng ethanol hoặc fomepizole để ức chế enzym alcohol dehydrogenase (ADH), ngăn chặn sự chuyển hóa methanol thành các chất độc hại.
  • Điều trị biến chứng, hỗ trợ: Kiểm soát nhiễm toan chuyển hóa bằng bicarbonate, bảo vệ thần kinh thị giác và các cơ quan khác, điều chỉnh rối loạn điện giải và hỗ trợ dinh dưỡng.

Phòng tránh ngộ độc methanol

Cuối cùng, để phòng tránh tình trạng này, hãy:

  • Không sử dụng rượu không rõ nguồn gốc: Cần kiểm tra kỹ nguồn gốc rượu trước khi uống.
  • Tăng cường kiểm soát chất lượng sản phẩm chứa methanol: Cần có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ đối với rượu thủ công và cồn công nghiệp.
  • Giáo dục cộng đồng về nguy cơ ngộ độc methanol: Người dân cần được nâng cao nhận thức về sự nguy hiểm của methanol để chủ động phòng tránh.
Xét nghiệm định lượng methanol trong máu: Quy trình và chỉ định 4
Nếu nghi ngờ ngộ độc cần đến bác sĩ ngay lập tức

Hiểu rõ xét nghiệm định lượng methanol trong máu là gì giúp nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của việc chẩn đoán sớm ngộ độc methanol. Xét nghiệm này không chỉ hỗ trợ xác định mức độ phơi nhiễm mà còn đóng vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn điều trị kịp thời, giảm nguy cơ biến chứng nghiêm trọng. Nếu có dấu hiệu nghi ngờ ngộ độc methanol, việc thực hiện xét nghiệm sớm là cách tốt nhất để bảo vệ sức khỏe và tính mạng.

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại họcTrần Huỳnh Minh Nhật

Đã kiểm duyệt nội dung

Dược sĩ chuyên khoa Dược lý - Dược lâm sàng. Tốt nghiệp 2 trường đại học Mở và Y Dược TP. Hồ Chí Minh. Có kinh nghiệm nghiên cứu về lĩnh vực sức khỏe, đạt được nhiều giải thưởng khoa học. Hiện là Dược sĩ chuyên môn phụ trách xây dựng nội dung và triển khai dự án đào tạo - Hội đồng chuyên môn tại Nhà thuốc Long Châu.

Xem thêm thông tin