Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dây đau xương (Thân): Vị thuốc có tác dụng bổ gân cốt, trừ phong thấp

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Dây đau xương là loại dược liệu mọc hoang khắp các vùng đồng bằng, trung du và miền núi thấp ở nước ta. Dây đa xương có vị đắng, tính mát, có tác dụng mạnh gân cốt, trừ phong thấp được sử dụng để chữa các triệu chứng của bệnh tê thấp, đau nhức xương khớp.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Việt Nam: Dây đau xương.

Tên khác: Khoan cân đằng, Tục cốt đằng, Khau năng cấp, Chan mau nhây.

Tên khoa học: Tinospora sinensis Merr., họ Tiết dê (Menispermaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Dây đau xương là một loại dây leo bằng thân quấn, dài 8 – 10m. Thân hình trụ, màu xám, có nốt sần và có lông. Lá mọc so le, hình tim, đầu tù hay nhọn, dài 10 – 12cm, rộng 8 – 10cm, lá có 5 gân rõ, hình chân vịt, mặt trên nhẵn, mặt dưới có lông tơ, màu trắng nhạt. 

Hoa mọc ở kẽ lá thành chùm đơn độc hoặc nhiều chùm tụ lại, có lông tơ màu trắng nhạt, hoa màu vàng lục, đài 2 vòng, tràng có 6 cánh đối diện với lá đài trong, có lông tuyến ở gốc, nhị 6, bao phấn hình vuông.

Quả hạch hình bầu dục hoặc hình tròn, khi chín màu đỏ, chứa dịch nhầy bao quanh 1 hạt hình bán cầu. Mùa hoa quả: Tháng 3 – 4.

đau xương 1
Dây đau xương

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Dây đau xương phân bố chủ yếu ở vùng nhiệt đới châu Á (Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Campuchia, Lào, Việt Nam, nam Trung Quốc), châu Phi và Úc. Ở Việt Nam, Dây đau xương mọc hoang ở khắp các vùng đồng bằng, trung du và vùng núi thấp với độ cao dưới 800m.

Thu hái và chế biến

Thân Dây đau xương được thu hái quanh năm. Đối với thân già, cắt thành từng đoạn dài 20 – 30cm, rồi phơi hay sấy khô, có thể dùng sống hay tẩm rượu sao.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của Dây đau xương là thân.

đau xương 2
Thân Dây đau xương phơi khô

Thành phần hoá học

Theo Đỗ Tất Lợi (Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam), toàn cây Dây đau xương có nhiều ancaloid. 

Trong Dây đau xương, người ta đã tách và xác định cấu trúc một glucosid phenolic là tinosinen.

Trong cành người ta tìm thấy 2 chất dinorditerpen glucoside: Tinosinesid A và B.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông ý, Dây đau xương có vị đắng tính mát, quy kinh can, có tác dụng mạnh gân cốt, trừ phong thấp, được nhân dân sử dụng để chữa những triệu chứng của bệnh tê thấp, đau xương, đau người và dùng làm thuốc bổ.

Ngoài ra, Dây đau xương còn dùng chữa sốt rét mạn tính, rắn cắn, làm ngừng nôn mửa.

Theo y học hiện đại

Tác dụng gây động dục

Trong một bài thuốc bổ thận có 9 vị bao gồm Dây đau xương dùng để trị đau lưng, mỏi gối, đã được thử tác dụng nội tiết sinh dục bằng cách cho chuột nhắt cái thiến uống có tác dụng gây động dục.

Hiệu lực chống viêm

Trong một bài thuốc chữa viêm khớp có 5 vị bao gồm Dây đau xương được thử nghiệm dược lý và dược lâm sàng đã chứng minh có hiệu lực chống viêm.

Tác dụng ức chế hoạt tính co thắt cơ trơn của histamin và acetylcholin

Dây đau xương có tác dụng ức chế hoạt tính co thắt cơ trơn của histamin và acetylcholin trong thí nghiệm trên ruột cô lập.

Tác dụng trên huyết áp, TKTW

Các thử nghiệm trên động vật cho thấy Dây đau xương có ảnh hưởng trên huyết áp, có tác dụng ức chế hệ thần kinh trung ương khi quan sát các hiện tượng bên ngoài của động vật tử nghiệm. Bên cạnh đó, Dây đau xương còn có tác dụng hiệp đồng với các thuốc ngủ, tác dụng an thần và lợi tiểu.

Liều dùng & cách dùng

Dùng thân hoặc cành, ngày 12 – 20g dưới dạng thuốc sắc hoặc thái nhỏ, sao vàng rồi ngâm rượu với tỉ lệ 1 : 5 để uống, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 cốc nhỏ. Dùng liên tục trong 10 – 15 ngày.

Bài thuốc kinh nghiệm

Thuốc thấp khớp

Cách 1: Cao bào chế từ 2 vị: Dây đau xương, củ Kim cang, lượng bằng nhau. Ngày uống 6g cao.

Cách 2: Cao chế từ các vị: Dây đau xương, Độc lực, Hoàng lực, Thổ phục linh, Huyết giác, Lá lốt, Bưởi bung, Tầm xuân, Hoàng nàn chế, Kê huyết đằng, Ngưu tất.

Trị đau lưng mỏi gối do thận hư yếu

Dây đau xương 12g, Cẩu tích 20g, Củ mài 20g, Tỷ giải 16g, Đỗ trọng 16g, Bổ cốt toái 16g, Thỏ ty tử 12g, rễ Cỏ xước 12g. Sắc hoặc ngâm rượu uống. 

day dau xuong 5
Dây đau xương với các bài thuốc trị đau lưng mỏi gối

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây Dây đau xương:

  • Chưa thấy có lưu ý gì đặc biệt.

Nguồn tham khảo
  1. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam – tập 1 (Tr. 636)

  2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam (Tr. 492)

  3. Dược điển Việt Nam V – Tập 1 (Tr 1138)