Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Bách bộ

Bách bộ: Dược liệu trị ho

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Bách bộ là một loài dây leo có thể gặp ở khắp nơi trong nước, nhưng nhiều nhất là ở các tỉnh phía bắc như Hà Tây (Hà Nội), Hòa Bình, Bắc Cạn, Thái Nguyên. Dược liệu này thuộc nhóm trị ho, ngoài ra còn có tác dụng trị giun và diệt sâu bọ.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Bách bộ.

Tên khác: Dây đẹt ác, dây ba mươi, mần sòi (Tày), bằn sam sip (Thái), pê chầu chàng (H’ Mông), mùi sấy dòi (Dao), hơ linh (Ba Na).

Tên khoa học: Stemona tuberosa Lour. thuộc họ Bách bộ (Stemonaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Bách bộ thuộc loại thân cỏ, moc leo, dài khoảng 6 – 8 m. Lá đơn, mọc đối, phiến lá hình tim, gân lá hình cung. Hoa mọc riêng lẻ hoặc cụm 2 hoa ở nách lá, kích thước lớn, màu vàng đỏ. Bao hoa gồm bốn phiến, 2 phiến ngoài dài 4 cm, rộng 5 mm, 2 phiến trong rộng hơn hai phiến ngoài. Bộ nhị gồm 4 nhị với chỉ nhị ngắn. Quả nang, hình trứng, mang 5 - 8 hạt.

Mỗi cây mang một chùm rễ củ, mập, hình trụ, mọc thành khóm dày thường từ 10 – 30 củ, có khi lên đến 100 củ, dài từ 15 – 20 cm, màu trắng ngả vàng, vị ngọt, hậu đắng.

cây bách bộ
Cây bách bộ

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố: Bách bộ mọc hoang ở nhiều nơi ở nước ta như Hà Tây (Hà Nội), Hòa Bình, Bắc Cạn, Thái Nguyên…

Thu hái và chế biến: Tiến hành đào phần rễ củ vào mùa thu hoặc mùa đông, sau đó rửa sạch rồi phơi hoặc sấy khô.

Bộ phận sử dụng

Rễ đã phơi khô hoặc sấy khô. Rễ bách bộ cong, queo dài từ 5 cm trở lên, đường kính từ 0,5 – 1 cm, đầu trên hơi phình to, phía dưới thuôn nhỏ, mặt ngoài vàng nâu với nhiều nếp nhăn.

rễ cây bách bộ
Rễ cây bách bộ (Radix Stemonae)

Thành phần hoá học

Rễ củ bách bộ chứa nhiều glucid (2,3%), lipid(0,83%), protid (9%), các acid hữu cơ. Ngoài ra, còn chiết xuất được các alkaloid, chủ yếu là stemonin (0,18%) C22H33NO4, tuberstemonin C19H29NO4, stemonidin C17H27NO5, paipunin và sinostemonin.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Tuệ tĩnh toàn tập, bách bộ có vị ngọt đắng, tính hơi ấm, không độc, mát phổi, chữa ho lâu ngày, lao và bệnh cổ độc.

Theo y học hiện đại

Theo Đỗ Tất Lợi, dân gian dùng bách bộ để trị ho, trị giun sán và diệt sâu bọ.

Tác dụng chữa ho

Bách bộ có chứa hoạt chất stemonin có tác dụng ức chế trung tâm hô hấp, do đó ức chế phản xạ ho.

Theo kết quả nghiên cứu của bác sĩ Diệp Đình Thiện (Trung Quốc) cho thấy dùng Bách bộ chữa bệnh lao hạch có hiệu quả tốt.

Tác dụng sát trùng và chữa giun

Dung dịch stemonin 0,15% sẽ làm giun tê liệt sau 5 – 10 phút.

Đem dung dịch bách bộ 10% trong rượu 70% ngâm hoặc phun vào rận sẽ làm chết rận.

Trong thời gian kháng chiến, cao nước bách bộ được uống để tẩy giun (uống 3 thìa cà phê mỗi lần).

Tác dụng kháng sinh

Đã có bằng chứng cho thấy bách bộ có tác dụng sát khuẩn với các loại vi khuẩn trong ruột già, diệt được khuẩn lỵ và phó thương hàn.

Liều dùng & cách dùng

Chữa giun: Sắc phần rễ củ bách bộ, 7 – 10 g/lần, uống vào sáng sớm lúc bụng đói, trong 5 ngày liên tiếp.

Diệt ruồi: Tiến hành sắc bách bộ, sau đó thêm vào một ít đường, để ở vị trí dễ thu hút ruồi.

Diệt bọ gậy: Pha dung dịch 5% để diệt bọ gậy có thể đạt hiệu quả 100%.

Chữa giun kim: 40 g bách bộ tươi (hoặc 20 g khô), sắc với 200 ml nước để được 30 ml nước sắc cuối cùng, bơm vào hậu môn và để khoảng 20 phút. Lặp lại từ 10 – 12 ngày.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị ho lâu năm

Rễ củ bách bộ rửa sạch, bỏ vỏ và lõi, giã rồi vắt lấy nước cốt, cho mật vào cô thành cao, mỗi lần uống 1 muỗng, ngày uống 3 lần.

Rễ củ Bách bộ tươi, gừng sống đem giã, mỗi thứ nửa chén, đem nấu sôi lên rồi uống.

Trị ho lâu năm, phiền nhiệt dần dần thành ho lao

Thiên môn, mạch môn, bách bộ, mỗi thứ 100g, đem bỏ vỏ và lõi; bạch mai 3 quả; tang bạch bì. Dùng 1 chén nước cốt gừng hòa với mật ong, luyện thành viên để ngậm.

tác dụng chữa bệnh của bách bộ
Củ bách bộ có tác dụng chữa ho, viêm phế quản lâu ngày

Lưu ý

Người bệnh có tỳ vị hư yếu không dùng.

Nguồn tham khảo