Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh lao hạch có nguy hiểm không?

Ngày 27/12/2020
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Lao hạch là một thể lao ngoài phổi, bệnh lý này khá phổ biến và đối tượng nào cũng có thể gặp. Vậy bệnh lao hạch có nguy hiểm không? Nguyên nhân bệnh là do đâu và cách phòng ngừa như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn tìm hiểu rõ hơn về bệnh lý này nhé!

Lao hạch là một trong những bệnh lý phổ biến và có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào. Hầu hết những trường hợp mắc bệnh đều có xuất hiện hạch ở những vị trí như cổ, nách, bẹn… và bệnh thường đi kèm với lao phổi hoặc lao cơ quan lân cận. Vậy bệnh lao hạch có nguy hiểm không? Nguyên nhân và cách phòng ngừa như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết dưới đây ngay nhé!

Nguyên nhân gây ra bệnh lao hạch là gì?

Bệnh lao hạch được chia thành 2 thể phổ biến là lao hạch ngoại biên và lao hạch sâu. Nguyên nhân chính gây ra bệnh lý này là do sự xâm nhập của các trực khuẩn lao vào cơ thể, điển hình là Mycobacterium tuberculosis.

Thường vị trí xuất hiện hạch viêm ngoại vi là những nơi mà vi khuẩn lao dễ dàng xâm nhập và tấn công để tạo nơi khu trú và phát triển thành lao. Trực khuẩn lao thường sẽ tấn công vào cơ thể người bằng đường bạch huyết do những tổn thương ở các vùng niêm mạc miệng, tổn thương do sang chấn hoặc từ nhiễm khuẩn. 

benh-lao-hach-co-nguy-hiem-khong-3

Bệnh lao hạch xảy ra do sự xâm nhập của các trực khuẩn lao vào cơ thể

Ngoài ra, bệnh lao hạch còn có thể là bệnh thứ phát xuất hiện sau lao phổi. Sau khi vi khuẩn tấn công vào phổi sẽ làm tổn thương phổi rồi di chuyển theo đường máu để đi đến nơi tổ chức hạch và bắt đầu gây bệnh. Tuy nhiên, vi khuẩn lao chỉ khu trú trong hạch và gây viêm chứ sẽ không bị rò rỉ ra ngoài. Chính vì vậy. bệnh lao hạch sẽ không bị lây truyền từ người sang người. 

Triệu chứng điển hình của bệnh lao hạch là gì?

Hầu hết các bệnh nhân bị bệnh lao hạch đều sẽ có biểu hiện phổ biến là sưng to thành một hoặc nhiều hạch. Kích thước của hạch cũng sẽ tăng dần theo thời gian nên các bệnh nhân sẽ không thể xác định được chính xác thời điểm hạch xuất hiện. Mặc dù hạch sưng lên từng ngày nhưng thường sẽ không gây cảm giác đau, mật độ chắc, bề mặt nhẵn, vùng da có hạch không nóng và không bị đỏ. 

Đôi khi chỉ xuất hiện một hạch sưng to duy nhất tại vị trí cổ nhưng cũng có trường hợp nhiều hạch sưng cùng lúc nhưng cái to cái nhỏ không đều nhau và tập trung thành một chuỗi. Nhìn chung, hạch lao thường sẽ phát triển qua các giai đoạn sau: 

  • Giai đoạn đầu: Hạch xuất hiện và bắt đầu sưng to dần, nếu có nhiều hạch thì kích thước của chúng thường sẽ không đều nhau. Lúc này hạch chắc và di động vì còn chưa bị dính vào nhau và chưa bị dính vào da. Mức độ tiến triển của bệnh cũng khá đa dạng, chúng có thể hoàn toàn dừng ở giai đoạn này hoặc cũng có thể chuyển tiếp sang giai đoạn sau. 
  • Giai đoạn sau: Lúc này sẽ bắt đầu xuất hiện tình trạng viêm hạch và viêm xung quanh hạch. Các hạch sẽ phát triển lớn dần lên và thường sẽ kết dính với nhau tạo thành một chuỗi hoặc một mảng lớn. Hoặc chúng có thể dính vào da và các tổ chức xung quanh khiến khả năng di động cũng bị hạn chế. 
  • Giai đoạn nhuyễn hóa: Hạch lao sẽ mềm hơn và khi sờ vào vùng da có hạch sẽ thấy mềm nhũn, dễ ấn sâu. Vùng da có hạch xuất hiện triệu chứng sưng và đỏ tấy mặc dù không có cảm giác đau hoặc nóng. Hạch sẽ xuất hiện mủ và dễ vỡ tạo thành những lỗ rò li ti rất khó liền. Miệng các lỗ rò này thường có màu tím ngắt và dễ tạo thành sẹo gây mất thẩm mỹ. Mủ chảy ra thường có màu xanh nhạt, không dính và trong mủ có bã đậu lổn nhổn. 

benh-lao-hach-co-nguy-hiem-khong-2

Các triệu chứng của bệnh lao hạch tiến triển theo từng giai đoạn

Ngoài những biểu hiện điển hình xuất hiện ở từng giai đoạn thì người bị bệnh lao hạch còn sẽ thấy xuất hiện những triệu chứng chung khi nhiễm lao như sốt nhẹ về chiều, hay cảm thấy mệt mỏi, kém ăn, sụt cân… Một số trường hợp, người bệnh vẫn thấy sức khỏe bình thường trong quá trình mắc bệnh và chỉ phát hiện khi tình cờ thấy hạch xuất hiện ở vùng cổ hoặc ở những vị trí khác trên cơ thể. Để đảm bảo an toàn, người bệnh nên đến gặp bác sĩ để được thăm khám và có cách khắc phục kịp thời. 

Bệnh lao hạch có nguy hiểm không?

Nhìn chung, bệnh lao hạch khá lành tính, có thể chữa khỏi và không gây nguy hiểm đến tính mạng. Bệnh lý này cũng không phải là bệnh lây nhiễm nên người bệnh chỉ cần tuân thủ theo chỉ định của các bác sĩ để có thể điều trị dứt điểm bệnh, đồng thời tránh tình trạng vi khuẩn lao xâm nhập và gây bệnh ở những cơ quan khác trong cơ thể.

Tuy nhiên, bạn cũng không nên quá chủ quan vì đây là một bệnh lý khá phổ biến, diễn tiến của bệnh có thể kéo dài và thường sẽ để lại nhiều di chứng gây ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống cũng như sức khỏe của người bệnh. Đối với những trường hợp bị bệnh nặng, thường sẽ để lại những vết sẹo dị dạng mất thẩm mỹ khiến các bệnh nhân cảm thấy tự ti và gặp nhiều áp lực về tinh thần. 

Một yếu tố quan trọng gây ảnh hưởng đến việc bệnh có được chữa khỏi hay không còn phải dựa vào sức đề kháng của người bệnh. Do đó, mỗi người đều hãy nên chủ động giữ gìn sức khỏe để việc điều trị lao hạch cho kết quả tốt nhất. 

benh-lao-hach-co-nguy-hiem-khong-1

Bệnh lao hạch khá lành tính và có thể chữa khỏi dễ dàng

Cách phòng ngừa bệnh lao hạch hiệu quả

Bất cứ đối tượng nào cũng đều có khả năng mắc bệnh lao hạch. Vậy làm thế nào để hạn chế khả năng mắc bệnh? Cũng giống như những bệnh lý khác, biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa bệnh lao hạch đó là tăng cường sức khỏe và nâng cao sức đề kháng của cơ thể. Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số cách giúp phòng ngừa bệnh lao hạch dưới đây như: 

  • Xây dựng một lối sống lành mạnh và có chế độ nghỉ ngơi hợp lý.
  • Chế độ ăn uống khoa học, luôn đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng và hạn chế sử dụng rượu, bia. 
  • Thường xuyên luyện tập thể dục để rèn luyện sức khỏe, nâng cao thể trạng. Đặc biệt là đối với những người lớn tuổi và trẻ em. 
  • Vệ sinh răng miệng sạch sẽ, ít nhất 2 lần/ngày và cần phải đi khám để có phương pháp chữa trị kịp thời ngay khi mắc các bệnh về răng miệng. 

Trên đây là một số chia sẻ về bệnh lao hạch có nguy hiểm không? Nguyên nhân cũng như cách phòng ngừa bệnh. Hy vọng sẽ giúp bạn có thêm nhiều kiến thức sức khỏe hữu ích nhé!

Thủy Phan

(Nguồn: Tổng Hợp)

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm