Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cây Đinh hương: Loại dược liệu có nhiều tác dụng chữa bệnh

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Đinh hương còn có các tên gọi khác là Teng hom (Tày). Tên khoa học của Đinh hương là Syzygium aromaticum (L.) Merr.et Perry. Công dụng: Chữa đau bụng, nấc, sát trùng trong nha khoa, kích thích tiêu hoá. Đinh hương được dùng ngoài để xoa bóp, nắm bó gãy xương, chữa phong thấp, đau xương, nhức mỏi và chứng lạnh chân tay.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Đinh hương.

Tên khác:  Đinh tử hương; hùng đỉnh hương; đinh tử; công đinh hương; chi giải hương.

Tên khoa học: Syzygium aromaticum (L.) Merr.et Perry.

Họ: Myrtaceae (Sim).

Đặc điểm tự nhiên

Đinh hương cao tới 12 - 15m. Lá mọc đối, hình bầu dục nhọn, phiến lá dài. Hoa mọc thành xim nhỏ nhiều chi chít và phân nhánh ở đầu cành. Hoa gồm lá dài dày, khi chín có màu đỏ tươi.

4 cánh tràng màu trắng hồng, khi nở rụng sớm, có rất nhiều nhị. Quả là những quả mọng dài, mọc quanh có các lá đài, thường chỉ chứa một hạt.

đinh hương 1
Cây Đinh hương 

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây Đinh hương vốn nguồn gốc từ đảo Môluc (Inđônêxya). Khi đảo Môluc bị thực dân Hà Lan xâm chiếm vào đầu thế kỷ 17, họ đã phá gần hết để giữ độc quyền sản xuất Đinh hương. Nhưng Đinh hương vẫn được đưa đi trồng tại nhiều nước nhiệt đới ở châu Phi và châu Á vào thế kỷ 18. Nhiều nhất ở các đảo Zanziba và Penba (Ấn Độ Dương), bờ biển phía đông châu Phi, Mangat, Braxin, Malaixia, Sumatra.

Cây Đinh hương ưa khí hậu nóng và ẩm, độ cao dưới 200 - 300m. Năm thứ 5 và 6 thì cây ra hoa, nhưng thu hoạch cho năng suất cao nhất thì vào năm thứ 20. Tùy theo mỗi  vùng, mỗi năm thu hoạch 1 hoặc 2 lần, khi nụ bắt đầu chuyển đỏ. Hái hoa bằng tay khi còn ở giai đoạn nụ, ngắt bỏ cuống (griffe) nhưng cuống cũng được giữ lại để sử dụng. Có thể phơi hay sấy cho đến khi ngả màu nâu. Mỗi cây thu được khoảng 2kg đến 3kg nụ Đinh hương. Không nên để đến khi kết quả (anthofles) mới hái vì khi ấy chất lượng giảm sút. 1kg Đinh hương chừng 10.000 nụ hoa.

Nước sản xuất Đinh hương nhiều nhất hiện nay là Zanniba và Pemba. Năng suất mỗi năm từ 10.000 tấn, sau đó đến Mangat, đảo Sanh Mari (Saint Marie) mỗi năm sản xuất 4.000 tấn. Indonexia sản xuất chừng 3.000 tấn mỗi năm.

Nước ta trước đây nhập khẩu hoàn toàn Đinh hương. Mới đây ta có thử trồng được một vài cây Đinh hương nhưng chưa phát triển rộng rãi. Hiện tại đã mất giống.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận được sử dụng của Đinh hương là nụ hoa.

đinh hương 2
Bộ phận dùng của Đinh hương

Thành phần hoá học

Mỗi nụ Đinh hương có chứa từ 10 đến 12% nước, 5 đến 6% chất vô cơ, chứa rất nhiều gluxit, 610% lipid, 13% tanin.

Năm 1948 - 1949, Meijer và Schmid đã chiết thành công được từ cao ete của Đinh hương mọc hoang dại các chất chromon: Eugenin và eugenitin và một dẫn xuất ceton gọi là eugenon (trimetoxy 2, 4, 6 benzoylaxeton).

Người ta cho rằng hoạt chất chính của Đinh hương là tinh dầu chiếm tới 15 - 20%. Đây được cho là một nguyên liệu thực vật chứa hàm lượng tinh dầu vào loại cao nhất. Tinh dầu Đinh hương nặng hơn nước (1,043-1,068), nhưng khi bắt đầu cất, có một lượng tinh dầu nhẹ hơn nước bay lên trước. Trong tinh dầu, thành phần chủ yếu là 80 đến 85% eugenola (allygaiacol) kèm theo 2 đến 3% axetyleugenola, các hợp chất cacbua trong đó có một chất sesquitecpen là caryophyllen, một ít dẫn xuất xeton (metylamylxeton) làm ảnh hưởng tới mùi của tinh dầu và các este.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Công dụng của Đinh hương đã được người dân châu Á ghi nhận và sử dụng từ trước dương lịch. Quan lại từ thời phong kiến Trung Quốc đã biết dùng Đinh hương được người Ả Rập nhập vào châu Âu thế kỷ thứ 1 và Đinh hương được xem như một loại gia vị rất quý hiếm. Người ta ước lượng hiện nay nhu cầu sử dụng Đinh hương của thế giới khoảng 20.000 tấn một năm. Công dụng phổ biến là để chế bột cary. Ở Indonexia người ta thái mỏng Đinh hương để trộn vào với thuốc lá.

Khi dùng để làm thuốc, theo tài liệu cổ ghi chép thì Đinh hương có vị cay, tính ôn, quy kinh phế, tỳ, vị, dùng chữa các chứng cam răng, nôn mửa, ỉa lỏng, đau bụng.

Theo y học hiện đại

Trong y học hiện đại người ta dùng Đinh hương để chế rượu, làm thuốc trợ tiêu hoá và làm chất sát trùng mạnh. Trong những thời điểm dịch bệnh người ta nhai Đinh hương để phòng bệnh.

Nhưng công dụng nổi tiếng nhất của Đinh hương là dùng làm nguyên liệu cất lấy tinh dầu, Đinh hương có tác dụng sát khuẩn và diệt sâu bọ mạnh. Người ta thường dùng tinh dầu Đinh hương trong nha khoa để làm thuốc tê và diệt tủy răng.

Ở quy mô công nghiệp, Đinh hương dùng để chiết lấy eugenola, từ eugenola người ta bán tổng hợp chất thơm là vanilin. Muốn vậy người ta cất cả cuống Đinh hương (chứa 5 - 6% tinh dầu có hàm lượng 80 -  95% eugenola), tại Mangat người ta cất cả lá Đinh hương (chứa 4 - 5% tinh dầu có hàm lượng trung bình 85% eugenola và không chứa axetyleugenola). Quả Đinh hương (antofle) chứa ít tinh dầu, hàm lượng eugenola thấp, ít được sử dụng. Ở nước ta chưa có Đinh hương, người ta dùng Hương nhu trắng làm nguồn nguyên liệu cất tinh dầu chứa eugenola.

Bài thuốc Đinh hương

Liều dùng & cách dùng

Không có thông tin.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc giúp ích khí ôn trung, trừ hàn, giáng nghịch:

Đinh hương 2 – 4g, Đảng sâm 8 – 16g, Thị đế (tai hồng) 8 – 12g, Gừng tươi 8 – 12g. Cách dùng: sắc tất cả lấy nước uống, ngày 1 chia 2 lần uống.

Thanh nhiệt giải độc, trấn kinh khai khiếu:

Hoạt thạch 640g, Thạch cao 640g, Từ thạch 1.280g, Hàn thủy thạch 640g, Linh dương giác 200g, Thanh mộc hương 200g, Tê giác 200g, Trầm hương 200g, Đinh hương 40g, Thăng ma 640g, Huyền sâm 640g, Chích thảo 320g, Phác tiêu 1.280g, Tiêu thạch 1.280g, Chu sa 120g (bột mịn), Xạ hương 18g (bột mịn). Trộn đều, mỗi lần uống 1 – 2g với nước chín để nguội, ngày dùng 2 – 4 lần.

Lưu ý

Đinh hương là loài cây dược liệu đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Đinh hương có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo
  1. Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/dinh-huong.html
  2. Cây thuốc và động vật làm thuốc Việt Nam (tập 1) (Trang 790, 791, 792, 793).