Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hoàng liên ô rô: Vị thuốc hỗ trợ điều trị các vấn đề về da từ bên trong.

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hoàng liên ô rô, loại cây phân bố ở các vùng ôn đới ấm áp hoặc cận nhiệt đới của châu Á như Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ và một số nước ở Trung Á. Ở Việt Nam, cây mọc chủ yếu ở các tỉnh phía Tây Bắc. Các tỉnh mọc nhiều loại cây này là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên hoặc dọc một số vùng núi cao như Fansipan (Lâm Đồng), Bát Xát (Lào Cai).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tùy theo vùng mà được gọi là Hoàng liên ô rô hay Thích hoàng bá, Mã hồ, Thập đại công lao, Thích hoàng liên hoặc Tông plềnh (H'mông). Hoàng liên ô rô có tên khoa học là Mahonia bealei (Fortune) Pynaert. Là một loài thực vật có hoa trong họ Hoàng liên gai (Berberidaceae).

Hoàng liên ô rô
Hoàng liên ô rô

Đặc điểm tự nhiên

Hoàng liên ô rô thuộc loại cây bụi, cao từ 2 m đến 3 m. Thân và rễ có màu vàng. Lá dạng kép hình lông chim, mọc so le, dài từ 15 cm đến 35 cm, có từ 7 đến 15 lá chét không có cuống hình bầu dục hoặc hình trứng lệch, dài từ 3cm đến 9 cm, rộng từ 2,5 cm đến 4,5 cm, lá dày và cứng; lá chét tận cùng to hơn, có cuống, gốc lá tròn hoặc hình tim, đầu lá nhọn sắc, mép khía răng, nông giống như gai sắc nhọn, gân chính 3 và gân phụ kết thành mạng nổi rõ.

Cụm hoa Hoàng liên ô rô mọc thành bông ngắn hơn lá ở ngọn; lá bắc nhỏ; hoa nhiều màu vàng; lá đài 9 xếp thành 3 vòng; cánh hoa 6, nhỏ hơn lá đài trong; nhị 6, bao phấn dài hơn chỉ nhị; bầu hình trụ.

Quả thịt, gồm 1 hạt.

Mùa ra hoa vào khoảng tháng 10 đến tháng 11, mùa ra quả khoảng tháng 12 đến tháng 2 năm sau.

dược liệu hoàng liên ô rô
Hoa của cây Hoàng liên ô rô

Phân bố, thu hái, chế biến

Hoàng liên ô rô, loại cây phân bố ở các vùng ôn đới ấm áp hoặc cận nhiệt đới của châu Á như Trung Quốc, Nepal, Ấn Độ và một số nước ở Trung Á.

Ở Việt Nam, cây mọc chủ yếu ở các tỉnh phía Tây Bắc. Các tỉnh mọc nhiều loại cây này là Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình, Điện Biên hoặc dọc một số vùng núi cao như Fansipan (Lâm Đồng), Bát Xát (Lào Cai).

Hoàng liên ô rô được chọn để làm dược liệu phải từ 5 năm tuổi trở lên.

Cây có thể được trồng từ hạt hoặc cây con thu được từ tự nhiên.

Bộ phận sử dụng

Cả cây: Lá, thân, rễ, quả.

Thân, rễ, lá thu hoạch quanh năm.

Quả được thu hoạch vào mùa hè. Đem quả rửa sạch, phơi khô.

hoàng liên ô rô chữa bệnh
Một trong những bộ phận sử dụng của Hoàng liên ô rô là quả

Thành phần hoá học

Hoàng liên ô rô chứa alkaloid nhóm benzyl isoquinolein gồm: Berberin, berbainin, oxyacanthin, isotetrandrine, palmatin và jatrorrhizine.

Hạt gồm: Berberin và jatrorrhizin.

Chiết xuất Berberin HCl: Dùng dung môi H2SO4 0,5%, nước muối 24%, đem chiết ở nhiệt độ 25oC trong 48 giờ, pH 1,5. Dịch chiết để yên khoảng 24 giờ thu kết tinh berberin HCl với hiệu suất 1,45 – 1,47%.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Hoàng liên ô rô có vị đắng, tính mát, có công dụng thanh nhiệt ở phế, vị, can, thận. Quả có công dụng lợi tiểu, làm dịu kích thích.

Theo y học hiện đại

Nghiên cứu của Weicheng Hu cùng cộng sự phát hiện dịch chiết từ lá cây M.bealei tùy nồng độ sẽ có công dụng loại bỏ từ 50% đến 70% gốc oxy hóa. Berberin trong dịch chiết có công dụng ức chế sự phát triển của ung thư ruột kết.

Nghiên cứu của Zeng X cùng cộng sự phát hiện các alkaloid được chiết tách từ rễ cây Hoàng liên ô rô có công dụng ức chế sự nhân lên của virus cúm A ở nồng độ 0,25mg/ml.

Nghiên cứu của Ma WK cùng cộng sự đã chứng minh palmatin là thành phần trong dịch chiết Hoàng liên ô rô có hiệu quả trên lâm sàng khi điều trị viêm ruột và ung thư đại trực tràng.

Tác dụng của berberin, palmatin và các alcaloid khác trong việc kháng khuẩn, kháng nấm, kháng virus chưa được đi sâu nghiên cứu.

Liều dùng & cách dùng

Toàn cây đều có thể dùng chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm ruột, ăn uống khó tiêu, đau mắt đỏ, viêm da dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt, viêm gan vàng da, ho lao, ho ra máu, sốt từng cơn, lưng gối yếu mỏi.

Ngày dùng từ 10 - 20g sắc hoặc tán bột để uống.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa kiết lỵ, tiêu chảy, viêm ruột, ăn uống khó tiêu: Rễ, thân hoặc toàn cây Hoàng liên ô rô 15g, rễ cây cốt khí củ 15g, thái nhỏ đem sắc uống làm 2 lần mỗi ngày, có thể dùng dạng bột trong nhiều ngày.

Chữa đau mắt đỏ, viêm gan, vàng da: Rễ hay thân Hoàng liên ô rô 20g, hạ khô thảo 10g đem sắc uống.

Chữa viêm da dị ứng, mẩn ngứa, mụn nhọt: Rễ hay lá Hoàng liên ô rô 15g, lá khổ sâm 20g đem nấu nước để rửa.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cây Hoàng liên ô rô:

Người bệnh bị tiêu chảy mạn do tỳ hư, tiêu chảy sau ăn đồ sống lạnh không được dùng.

Nguồn tham khảo

1. Tra cứu dược liệu Hoàng liên ô rô: https://tracuuduoclieu.vn/hoang-lien-o-ro.html.

2. Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học.

3. Zeng X, Lao B, Dong X, Sun X, Dong Y, Sheng G, Fu J. "Study on anti-influenza effect of alkaloids from roots of Mahonia bealei in vitro". Zhong Yao Cai. 2003 Jan;26(1):29-30. Chinese. PMID: 12858771.

4. Hu W, Yu L, Wang MH. Antioxidant and antiproliferative properties of water extract from Mahonia bealei (Fort.) Carr. leaves. Food Chem Toxicol. 2011 Apr;49(4):799-806. doi: 10.1016/j.fct.2010.12.001. Epub 2010 Dec 3. PMID: 21130829.