Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hồng hoa: Vị thuốc quý của Y học cổ truyền

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hồng hoa là một trong những vị thuốc quý đã có mặt từ lâu trong các bài thuốc cổ phương của Y học cổ truyền. Tác dụng chủ yếu của vị thuốc Hồng hoa giúp hoạt huyết khử ứ, thông kinh lạc. Với những đặc tính dược lý vượt trội, vị thuốc này đã và đang được tìm hiểu bởi các nhà khoa học. 

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Hồng hoa.

Tên gọi khác: Cây Rum, Hồng lam hoa, Hồng hoa thái, Mạt trích hoa, Đỗ hồng hoa, Lạp hồng hoa, Dương hồng hoa.

Tên khoa học: Carthamus tinctorius L.

Chi Carthamus, họ Asteraceae, bộ Asterales.

Hồng hoa - vị thuốc quý của Y học cổ truyền 1
Carthamus tinctorius L.

Đặc điểm tự nhiên

Hồng hoa là một cây thân thảo, nhỏ, sống hàng năm, chiều cao trung bình từ 0,6 - 1m. Thân thẳng, trơn nhẵn, có các vạch nông, dọc, phân cành ở ngọn. Lá của Hồng hoa mọc so le nhau, cuống rất ngắn gần như không cuống, gốc lá tròn ôm thân. Phiến lá hình bầu dục hoặc hình trứng, dài từ 4 - 9cm, rộng từ 1 - 3cm, chóp nhọn sắc, mép lá có hình răng cưa không đều. Mặt trên nhẵn, có màu xanh sẫm, gân lá lồi cao, gân lá hình xương cá. 

Cụm hoa thường mọc ở ngọn cây hoặc chót cành, bao chung với nhiều vòng lá bắc, vòng ngoài nhỏ hơn vòng trong, xếp xen kẽ nhau, có hình dạng cũng như kích thước khác nhau. Lá bắc có gai ở mép hoặc ở chóp. Hoa tương đối nhỏ, màu đỏ cam, đính trên đế hoa dẹt. Quả bế, có hình trứng, 4 vạch lồi chia quả thành nhiều thùy.

Cây phát triển tốt ở các vùng ấm áp, nhiều ánh sáng, đất tơi, xốp, ẩm.

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố: Cây có nguồn gốc ở Ả Rập. Hiện nay được trồng nhiều ở các nước như Ấn Độ, Iran, Ai Cập, Trung Quốc, Nhật Bản, Liên bang Nga, Hoa Kỳ và các nước ở bán đảo Đông Dương. Tại Việt Nam, Hồng hoa trồng ở nhiều nơi từ Hà Nội, Hà Giang và Đà Lạt.

Thu hái: Mùa hoa rộ vào đầu hè, tháng 5 - 7, mùa quả tháng 7 - 9. Sau khi thu hái, để nơi thoáng gió và trong bóng râm cho khô, giúp các dược liệu như hoa ít bị biến đổi màu và chất (phơi âm can).

Chế biến: Hoa hái về bỏ đài, nếu phơi khô dùng gọi là tán Hồng hoa, nếu gói lại thành từng bánh hoặc vắt thành miếng rồi phơi khô gọi là tiền bính.

Bảo quản: Nơi khô ráo, thoáng mát, đậy kín vì dược liệu dễ hút ẩm, hay vụn và đổi màu. Độ ẩm không quá 13%.

Hồng hoa - vị thuốc quý của Y học cổ truyền 2
Vị thuốc Hồng hoa

Bộ phận sử dụng

Hoa đã phơi khô của cây Hồng hoa. Dược liệu có màu đỏ cam hoặc hồng tím, cánh hoa dạng ống nhỏ dài, dài chừng 13mm, nhị đực màu vàng nhạt, ôm lại thành dạng ống, ở giữa có trụ đầu ló ra màu nâu nhạt. Chất nhẹ xốp, có mùi thơm đặc biệt. Tại Việt Nam, Hồng hoa ở Hà Tây gọi là Hoài hồng hoa rất tốt, cánh hoa dài, màu hồng tím.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tính vị, quy kinh

Tính vị: Vị tân (cay), tính ôn.

Quy kinh: Tâm, Can.

Công năng, chủ trị

Công năng: Hoạt huyết khử ứ, thông kinh lạc, chỉ thống.

Chủ trị: Các chứng khí huyết ứ trệ, bế kinh, thống kinh, hành kinh huyết cục, trưng hà tích tụ, sản dịch tồn lưu, thai lưu, chấn thương.

Hồng hoa - vị thuốc quý của Y học cổ truyền 4
Hồng hoa điều trị thống kinh trong Y học cổ truyền

Theo y học hiện đại

Chống oxy hóa và bảo vệ tế bào thần kinh

Nghiên cứu của Hiramatsu và cộng sự (2009) thực hiện trên tế bào thần kinh đệm C6 của chuột lang với dịch chiết của Carthamus tinctorius trong nước cho thấy có khả năng ức chế sự chết tế bào thần kinh đệm do glutamate gây ra, làm giảm đáng kể sự hình thành malondialdehyde trong não chuột và ức chế sự gia tăng các chất phản ứng acid thiobarbituric và 8-hydroxy-2′-deoxyguanosine (8-OHdG) trong vỏ não của chuột được thử nghiệm tiêm dung dịch FeCl3 vào vỏ não vận động cảm giác.

Hoạt chất chống ung thư

Nghiên cứu của Yasukawa và cộng sự (1996) thực hiện trên chuột bị thúc đẩy khối u bằng 12-O-tetradecanoylphorbol-13-acetate. Kết quả cho thấy hỗn hợp erythro-alkane-6,8-diol chiết xuất từ Hồng hoa có khả năng ngăn chặn rõ rệt tác dụng thúc đẩy của TPA đối với sự hình thành khối u da ở chuột sau khi bắt đầu sử dụng 7,12-dimethylbenz[a]anthracene.

Hoạt chất chống oxy hóa

Nghiên cứu của Choi và cộng sự (2010) thực hiện trên tế bào MC3T3-E1 nguyên bào xương, sử dụng dịch chiết Carthamus tinctorius ngăn ngừa rối loạn chức năng do H2O2 gây ra và tổn thương oxy hóa. Kết quả cho thấy dịch chiết của vị thuốc này có khả năng ngăn chặn những thay đổi do H2O2 gây ra, sự gia tăng sản xuất protein carbonyl và malondialdehyde cũng giảm, C. tinctorius có thể hoạt động như một chất chống oxy hóa sinh học, bảo vệ các nguyên bào xương khỏi độc tính do stress oxy hóa gây ra.

Tác dụng hạ huyết áp

Nghiên cứu của Liu và cộng sự (1992) trên chuột tăng huyết áp tự phát cho thấy dịch chiết hoa Carthamus tinctorius có tác dụng hạ huyết áp, hoạt động renin trong huyết tương và nồng độ angiotensin II giảm.

Hồng hoa - vị thuốc quý của Y học cổ truyền 5
Hoạt tính hạ huyết áp của Hồng hoa

Tác dụng làm tan cục máu đông

Nghiên cứu của Yousefi và cộng sự (2015) cho thấy chiết xuất từ hoa Carthamus tinctorius cho tỷ lệ tan cục máu đông đáng kể được quan sát thấy khi sử dụng ở liều cao hơn (khoảng 13,5%) - không thấy hiện tượng tan máu ở tất cả các nồng độ khác.

Tác dụng đối với buồng trứng và hormone sinh sản

Nghiên cứu của Louei và cộng sự (2013) trên chuột lang cho thấy chiết xuất từ hoa Carthamus tinctorius số lượng nang buồng trứng giảm nhưng số lượng nang teo lại tăng lên, số lượng và kích thước của hoàng thể không bị ảnh hưởng, độ dày của bao trắng tăng lên nhưng trọng lượng tương đối và tuyệt đối của buồng trứng giảm đáng kể, nồng độ FSH và estrogen trong máu giảm.

Tác dụng kích thích cơ trơn

Tác dụng kích thích cơ trơn của Hồng hoa gia tăng phụ thuộc vào liều lượng trong các đặc tính co bóp (tần số và biên độ) của mô tử cung ở động vật như chó, chuột cống, chuột lang và chuột nhắt tiếp tục trong hơn 4 giờ. Khi phát huy tác dụng kích thích lên cơ ruột ở cùng một loài, phản ứng vẫn tồn tại trong một thời gian ngắn. Cơ trơn phế quản của chuột lang cũng bị ảnh hưởng.

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng từ 4g đến 12g, dạng thuốc sắc, thường phối hợp với các vị thuốc khác.

Lưu ý

Người có thể trạng huyết thiếu, huyết hư hoặc đang có tình trạng xuất huyết không dùng. Phụ nữ có thai không dùng.

Hồng hoa là một vị thuốc Y học cổ truyền có hoạt tính mạnh. Vì vậy, bạn cần có sự tư vấn và thăm khám kĩ lưỡng từ bác sĩ chuyên khoa Y học cổ truyền trước khi dùng thuốc.

Hồng hoa - vị thuốc quý của Y học cổ truyền 7
Không dùng Hồng hoa cho người bệnh huyết thiếu, huyết hư
Nguồn tham khảo
  • Delshad E, Yousefi M, Sasannezhad P, Rakhshandeh H, Ayati Z. Medical uses of Carthamus tinctorius L. (Safflower): a comprehensive review from Traditional Medicine to Modern Medicine. Electron Physician. 2018 Apr 25;10(4):6672-6681. doi: 10.19082/6672.
  • Zhang LL, Tian K, Tang ZH, Chen XJ, Bian ZX, Wang YT, Lu JJ. Phytochemistry and Pharmacology of Carthamus tinctorius L. Am J Chin Med. 2016;44(2):197-226. doi: 10.1142/S0192415X16500130.
  • Wu X, Cai X, Ai J, Zhang C, Liu N, Gao W. Extraction, Structures, Bioactivities and Structure-Function Analysis of the Polysaccharides From Safflower (Carthamus tinctorius L.). Front Pharmacol. 2021 Oct 20;12:767947. doi: 10.3389/fphar.2021.767947.
  • Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
  • Bộ Y tế (2020). Dược điển Việt Nam IV.