Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Insulin Lispro: Hormone làm hạ glucose máu

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Insulin lispro

Loại thuốc

Hormone làm hạ glucose máu, hormone chống đái tháo đường, insulin.

Dạng thuốc và hàm lượng

Lọ 10 ml chứa dung dịch 100 UI/ml, kèm theo 1 bơm tiêm thích hợp có chia độ tới 100 UI. 

Ống 3 ml chứa sẵn 300 UI trong một bút tiêm.

Catridge 3 ml chứa 300 UI để gắn vào bút tiêm.

Chỉ định

Đái tháo đường type 1, nhiễm toan cetone do đái tháo đường, tình trạng tăng glucose huyết tăng áp lực thẩm thấu.

Đái tháo đường type 2 khi giảm cân, điều chỉnh chế độ ăn, và/ hoặc uống thuốc chống đái tháo đường không duy trì được nồng độ glucose trong máu lúc đói cũng như lúc no phù hợp.

Đái tháo đường type 2 ổn định nhưng phải đại phẫu, sốt, chấn thương nặng, nhiễm khuẩn, loạn chức năng thận hoặc gan, cường giáp, hoặc các rối loạn nội tiết khác, hoại thư, bệnh Raynaud và mang thai.

Phụ nữ đái tháo đường mang thai hoặc phụ nữ mang thai mới phát hiện đái tháo đường (gestational diabetes).

Đái tháo đường ở lần điều trị khởi đầu nếu mức HbA1C > 10% và glucose máu lúc đói > 16,7 mmol/l (300mg/dl).

Dược lực học

Insulin kích thích chuyển hóa carbohydrate ở mô cơ - xương, tim và mỡ bằng cách tạo thuận lợi cho quá trình vận chuyển glucose vào trong tế bào. Mô thần kinh, hồng cầu, và các tế bào ở ruột, gan và ống thận không cần insulin để vận chuyển glucose.

Ở gan, insulin tạo thuận lợi cho phosphoryl hóa glucose thành glucose-6-phosphat, chất này được chuyển thành glycogen hoặc chuyển hóa tiếp. Insulin cũng tác dụng trực tiếp đến chuyển hóa mỡ và protein. Hormone này kích thích tạo mỡ và ức chế tiêu mỡ và giải phóng acid béo tự do từ các tế bào mỡ.

Insulin cũng kích thích tổng hợp protein. Insulin kích thích kali và magnesi chuyển vào trong tế bào, do đó tạm thời làm giảm nồng độ tăng cao của các ion đó.

Động lực học

Hấp thu

Khởi phát và thời gian tác dụng hạ đường huyết phụ thuộc vào đường dùng thuốc, vị trí tiêm, thể tích và nồng độ thuốc tiêm, và chế phẩm được sử dụng. 

Khởi phát tác động: 0,25-0,5 giờ. Thời gian đạt nồng độ đỉnh: 0,5-2,5 giờ. Thời gian tác động: 3-6,5 giờ.

Phân bố

Insulin phân bố nhanh vào khắp dịch ngoài tế bào. Chưa biết insulin lispro có vào sữa mẹ không. Insulin lispro gắn rất ít vào protein huyết tương (0 - 9%).

Chuyển hóa và thải trừ

Ở người khỏe mạnh, nửa đời huyết tương bằng vài phút; tuy vậy, nửa đời sinh học có thể kéo dài ở người đái tháo đường. Sau khi tiêm dưới da, insulin chuyển hóa nhanh chủ yếu ở gan do enzym glutathion insulin transhydrogenase và ở một mức độ ít hơn ở thận và mô cơ.

Ở thận, insulin được lọc qua cầu thận và hầu như được tái hấp thu hoàn toàn (98%) ở ống thận gần. Khoảng 40% insulin tái hấp thu đó trở lại máu tĩnh mạch, còn 60% được chuyển hóa ở tế bào lót ống lượn gần.

Ở người bình thường, chỉ một lượng nhỏ (< 2%) liều insulin được bài tiết không biến đổi qua nước tiểu.

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Steroid đồng hóa, muối lithi, pentamidin, clonidin, và thuốc chẹn beta adrenergic có nhiều tác dụng thay đổi chuyển hóa glucose: Có thể tác động xấu đến dung nạp glucose hoặc hạ glucose huyết.

Thuốc chẹn beta làm mất triệu chứng tim đập nhanh do hạ glucose huyết, nhưng không làm mất triệu chứng vã mồ hôi. Các thuốc chẹn beta không chọn lọc (như propranolol, nadolol) không có hoạt tính giao cảm nội tại có nhiều khả năng tác động đến chuyển hóa glucose hơn các thuốc chẹn beta chọn lọc (như metoprolol, atenolol) hoặc thuốc có hoạt tính giao cảm nội tại (như acebutolol, pindolol).

Khi phối hợp insulin cùng thuốc chẹn beta, cần khuyên người bệnh theo dõi sát glucose huyết.

Hoạt tính hạ glucose huyết có thể tăng lên khi phối hợp với rượu, thuốc chẹn alpha-adrenergic, disopyramid, một số thuốc chống trầm cảm (như thuốc ức chế monoamin oxidase), fbrat, fluoxetin, guanethidin, thuốc uống hạ glucose huyết, pentoxifylin, propoxifen, salicylat, kháng sinh sulfamid, một số thuốc ức chế enzym chuyển đổi angiotensin, và thuốc ức chế chức năng tụy (như octreotid).

Khi dùng thêm hoặc ngừng dùng các thuốc này cho người đang dùng insulin, bao gồm cả insulin lispro, phải theo dõi sát người bệnh để phát hiện thay đổi glucose huyết và có khả năng giảm nhu cầu insulin.

Chống chỉ định

Quá mẫn với hoạt chất insulin hoặc với các thành phần của thuốc.
Hạ glucose huyết.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Insulin Lispro

Người lớn

Tiêm dưới da 0,5 đến 1 đơn vị/kg/ngày chia làm nhiều lần. Ước tính nhu cầu dự kiến ​​có thể dựa trên trọng lượng cơ thể và/hoặc các yếu tố như sau:

  • Không béo phì: 0,4 đến 0,6 đơn vị/kg/ngày.
  • Béo phì: 0,8 đến 1,2 đơn vị/kg/ngày.

Phân chia nhu cầu insulin hàng ngày: 50% đến 75% tổng liều hàng ngày (TDD) được cung cấp dưới dạng insulin tác dụng trung gian (NPH) hoặc insulin tác dụng kéo dài (1 - 2 lần tiêm hàng ngày).

Phần còn lại của TDD sau đó được dùng trước hoặc trong bữa ăn (tùy thuộc vào công thức) insulin tác dụng nhanh (lispro, aspart, glulisine) hoặc tác dụng ngắn (regular).

Đái tháo đường, type 2: 

Ban đầu: Liều insulin lispro protamine và insulin lispro Premix được chia tổng liều insulin cơ bản hàng ngày thành 2 liều, dùng 2/3 liều trước bữa ăn sáng và 1/3 liều trước bữa ăn tối hoặc 1/2 liều trước bữa ăn sáng và 1/2 liều trước bữa ăn tối.

Điều chỉnh liều lượng:

Để đạt mục tiêu glucose tự theo dõi: Điều chỉnh liều 10% đến 15% hoặc 1 đến 2 đơn vị; hai lần mỗi tuần.

Đối với hạ đường huyết: Nếu không rõ lý do hạ đường huyết, giảm liều từ 2 đến 4 đơn vị hoặc từ 10% đến 20%.

Cách dùng

Tiêm Insulin lispro trong vòng 15 phút trước bữa ăn hoặc ngay sau bữa ăn bằng cách tiêm vào mô dưới da của thành bụng, đùi, cánh tay trên hoặc mông. Để giảm nguy cơ loạn dưỡng mỡ và bệnh rối loạn sắc tố da (amyloidosis), hãy thay đổi vị trí tiêm.  

Insulin lispro được sử dụng bằng cách tiêm dưới da thường được sử dụng trong các phác đồ phối hợp với insulin tác dụng trung gian hoặc tác dụng kéo dài.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Hạ glucose huyết.

Ít gặp 

Tăng glucose huyết phản ứng (tăng glucose huyết sau hạ glucose huyết, hiệu ứng Somogyi), hiện tượng bình minh.

Dị ứng ban đỏ, ngứa ở chỗ tiêm, phát triển mô mỡ (thường do tiêm thuốc dưới da nhiều lần tại một vị trí).

Hiếm gặp

Kháng insulin, nổi mày đay, phản ứng phản vệ, phù mạch.

Hạ kali huyết, teo mô mỡ ở chỗ tiêm thuốc dưới da (thường hay gặp hơn khi dùng thuốc insulin regular).

Lưu ý

Lưu ý chung

Phải thận trọng khi dùng insulin vì dễ gây hạ glucose huyết. Nguy cơ hạ glucose huyết tăng ở người đái tháo đường type 1, bệnh thần kinh thực vật hoặc ăn uống thất thường nhất là sau bữa tiệc hoặc đang dùng liệu pháp tăng cường insulin hoặc luyện tập mà không điều chỉnh liều insulin.

Hạ glucose huyết cũng có thể xảy ra do hấp thu insulin nhanh (như nhiệt độ ở da tăng lên do tắm nắng hoặc tắm nước nóng).

Hạ glucose huyết cũng có thể xảy ra do tăng nhạy cảm với insulin kèm với suy vỏ tuyến thượng thận thứ phát. Triệu chứng hạ glucose huyết ở người cao tuổi giống như tai biến mạch não. Do đó phải thường xuyên giải thích các biểu hiện hạ glucose huyết cho người bệnh và phải thường xuyên kiểm tra
glucose huyết.

Phải thận trọng khi chuyển dùng type insulin khác (nhanh, isophan, kẽm, v.v.), nhãn mác (nhà sản xuất), loại (động vật, người, thuốc tương tự insulin người), phương pháp sản xuất (tái tổ hợp DNA hoặc nguồn gốc động vật). Có thể cần thiết phải thay đổi liều.

Cần chú ý đến phản ứng tăng glucose huyết sau hạ glucose huyết.

Cần phân biệt hiệu ứng Somogyi và “hiện tượng bình minh” cùng có biểu hiện tăng glucose huyết sáng sớm bằng cách giám sát glucose huyết lúc 3 giờ sáng.

Nếu glucose huyết luôn luôn thấp, nên nghĩ đến hiệu ứng Somogyi: Giảm dần liều insulin tác dụng trung gian tối hoặc ăn thêm bữa tối kèm theo giám sát glucose huyết.

Hiện tượng bình minh phản ánh thiếu insulin và điều trị bằng tăng liều buổi tối insulin trung gian và/hoặc cho insulin muộn hơn (như lúc đi ngủ, không cho vào bữa chiều).

Lưu ý với phụ nữ có thai

Các thuốc insulin tác dụng nhanh ngày càng được dùng nhiều cho người mang thai, và dựa trên chứng cứ hiện nay, insulin lispro không gây quái thai, chứng tỏ an toàn và hiệu quả trong thời kỳ mang thai và có thể kiểm soát tốt glucose huyết sau ăn tốt hơn với ít gây hạ glucose huyết hơn so với insulin thường.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Insulin không qua sữa mẹ và dùng an toàn khi cho con bú. Nhu cầu về insulin của người mẹ có thể giảm xuống trong thời kỳ cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Khả năng tập trung và phản ứng của bệnh nhân có thể bị suy giảm do hạ đường huyết. Điều này có thể tạo thành rủi ro trong những tình huống mà những khả năng này có tầm quan trọng đặc biệt (ví dụ như lái xe ô tô hoặc vận hành máy móc).

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Insulin không có định nghĩa quá liều cụ thể vì nồng độ glucose trong huyết thanh là kết quả của những tương tác phức tạp giữa mức insulin, sự sẵn có của glucose và các quá trình trao đổi chất khác.

Hạ đường huyết có thể xảy ra do sự dư thừa hoạt động của insulin liên quan đến lượng thức ăn và năng lượng tiêu thụ. Hạ đường huyết có thể đi kèm với tình trạng bơ phờ, lú lẫn, đánh trống ngực, nhức đầu, đổ mồ hôi và nôn mửa.

Cách xử lý khi quá liều

Các đợt hạ đường huyết nhẹ sẽ đáp ứng với việc uống glucose hoặc đường khác hoặc các sản phẩm đường hóa.

Việc điều chỉnh tình trạng hạ đường huyết vừa phải nghiêm trọng có thể được thực hiện bằng cách tiêm bắp hoặc tiêm dưới da glucagon, sau đó là đường uống khi bệnh nhân hồi phục đủ. Những bệnh nhân không đáp ứng với glucagon phải được truyền tĩnh mạch dung dịch glucose.

Nếu bệnh nhân hôn mê, glucagon nên được tiêm bắp hoặc tiêm dưới da. Tuy nhiên, dung dịch glucose phải được truyền tĩnh mạch nếu glucagon không có sẵn hoặc nếu bệnh nhân không đáp ứng với glucagon. 

Quên liều và xử trí

Những bệnh nhân quên liều dùng trước bữa ăn nên theo dõi mức đường huyết để quyết định xem có cần dùng liều insulin hay không và tiếp tục lịch dùng thuốc thông thường vào bữa ăn tiếp theo.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Insulin lispro

1) Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015

2) EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/11536

3) Drugs.com: https://www.drugs.com/pro/insulin-lispro.html

4) Uptodate

Ngày cập nhật: 28/7/2021

Các sản phẩm có thành phần Insulin Lispro