Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Liễu trắng (Vỏ)

Vỏ Liễu trắng: Vị thuốc “aspirin” kháng viêm, giảm đau tự nhiên

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Cây liễu trắng là loài cây có nguồn gốc Châu Âu. Từ xa xưa vỏ cây liễu trắng (Salix alba) đã được sử dụng như một phương thuốc chữa cảm lạnh, sốt và đau khớp trên khắp các nền văn hóa trong hàng nghìn năm.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cây Liễu trắng.

Tên khác: Không có.

Tên khoa học: Salix alba L. Salicaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Cây liễu trắng là một loài liễu có nguồn gốc từ châu Âu, Tây và Trung Á. Tên “liễu trắng” bắt nguồn từ màu trắng ở mặt dưới của lá.

Liễu trắng là một loại cây rụng lá có kích thước trung bình đến lớn, cao tới 10 – 30m, thân cây có đường kính tới 1m và tán không đều, thường nghiêng ngả.

Vỏ cây có màu nâu xám, nứt sâu ở những cây già. Các chồi ở các loài điển hình có màu nâu xám đến nâu xanh. Lá nhạt hơn hầu hết các loại liễu khác, do có một lớp lông tơ rất mịn, màu trắng, đặc biệt ở mặt dưới bao phủ; chúng dài 5 – 10cm và rộng 0,5 – 1,5cm.

Hoa thường nở vào đầu mùa xuân, và được thụ phấn bởi côn trùng.

cây liễu trắng
Các bộ phận của cây Liểu trắng

Phân bố, thu hái, chế biến

Họ Salicaceae (họ Liễu và Dương) bao gồm các chi Populus (dương) và Salix (Liễu), phổ biến ở các vùng ôn đới phía Bắc. Hiện nay, họ Salicaceae hiện bao gồm khoảng 56 chi và 1.220 loài.

Các loài Salix phân bố rộng rãi ở Châu Phi, Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á. Các loài Salix là cây mọc nhanh, cây bụi hoặc cây thân giả; chúng có thể chịu được nhiều loại thời tiết khác nhau hơn các loài Populus, vì chúng phát triển ở các vùng ôn đới, cận nhiệt đới và nhiệt đới.

Liễu trắng trị bệnh
Hình ảnh lá cây Liễu trắng

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của cây Liễu trắng là vỏ cây.

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học của cây Liễu trắng quan trọng nhất là salicin (tiền chất của acid salicylic, hoạt chất có tác dụng giảm đau hạ sốt, kháng viêm).

Ngoài ra còn có các thành phần khác như:

  • Flavonoid, tannin, chalcones, catechin, procyanidins và anthocyanins, acid phenolic, ở dạng tự do hoặc được este hóa, như benzyl, cinnamyl hoặc phenyl etyl este.

  • Các acid thơm là dẫn xuất acid benzoic hoặc acid cinnamic: Dẫn xuất acid benzoic như p-hydroxybenzoic, p-anisic, gallic, salicylic, gentisic, vanillic, 2-amino-3-metoxy benzoic và acid protocatechuic, trong khi dẫn xuất acid hydroxycinnamic như p- acid coumaric, caffeic, isoferulic và ferulic.

  • Dẫn xuất của lignan như sisymbrifolin đã được phân lập từ vỏ của cây Liễu trắng.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Tác dụng giảm đau nhức (xương khớp, đau bụng kinh), giảm viêm nhiễm.

Cây Salix đã được sử dụng trong y học từ thời cổ đại và có liên quan đến việc phát hiện ra acid acetylsalicylic và aspirin. Theo truyền thống, những cây này được sử dụng để điều trị các chứng đau nhức cơ xương khớp, viêm nhiễm, sốt, nhiễm trùng, đau răng, nhức đầu và đau bụng kinh.

tác dụng của cây liễu trắng
cây liễu trắng mang lại nhiều tác dụng trong y học cổ truyền và hiện đại

Theo y học hiện đại

Tác dụng kháng viêm, giảm đau

Các loài Salix khác nhau và các hợp chất phân lập như acid salicylic và salicin là một chất chuyển hóa có hoạt tính dược lý chính trong Salix và thủy phân trong đường tiêu hóa để tạo thành salicyl và d-glucose. Sau khi hấp thu, chất này bị oxy hóa thành acid salicylic có hoạt tính ức chế cyclooxygenase (COX I, II).

Sau khi ăn vỏ cây Liễu, glycoside salicin được chuyển hóa trong ruột thành saligenin, sau đó được chuyển hóa để tạo ra acid salicylic. Tại thời điểm này, sự đào thải trở nên giống như đối với aspirin (acid acetylsalicylic). Cũng như aspirin, vỏ cây Liễu thể hiện đặc tính giảm đau, hạ sốt và chống viêm. Sự kết tập tiểu cầu có thể bị ức chế bởi vỏ cây Liễu, nhưng ở mức độ thấp hơn so với aspirin.

Ngoài ra vỏ cây Liễu trắng còn có tác dụng chống oxy hóa, chống ung thư, độc tế bào, chống đái tháo đường, kháng khuẩn, chống béo phì, bảo vệ thần kinh và bảo vệ gan.

Với đau thắt lưng, có bằng chứng chứng minh rằng liều 240mg salicin làm giảm các đợt cấp của đau lưng mãn tính và cho kết quả tương tự như 12,5mg rofecoxib.

Với viêm xương khớp, chiết xuất vỏ cây Salix cho thấy lợi ích trong việc giảm đau của viêm xương khớp hông và đầu gối. Sau 3 tuần, kết quả tương đương với điều trị tiêu chuẩn và sau 6 tuần, kết quả với Salix vượt trội hơn so với điều trị tiêu chuẩn.

Tác dụng kháng khuẩn

Chiết xuất methanol từ vỏ cây Liễu trắng có tác dụng ức chế sự phát triển của vi khuẩn S. Mutans, S. aureus Lactobacillus sp với nồng độ ức chế tối thiểu MIC = 125μg/ml (Lactobacillus). Hơn nữa, nó cũng thể hiện khả năng chống lại Staphylococcus aureus ở mức trung bình nhưng ít hoạt động nhất được quan sát thấy chống lại E. Coli.

Trị mụn cóc

Ở miền trung nước Ý, vỏ cây Liễu khô được dùng bôi ngoài da để điều trị mụn cóc.

Liều dùng & cách dùng

Liều dùng cho viêm xương khớp:

  • Chiết xuất 120 - 240mg salicin mỗi ngày chia làm nhiều lần.

  • Dịch chiết (1:1): 2 đến 4ml ba lần mỗi ngày hoặc nhiều hơn.

  • Cồn (1: 2): 3 đến 5ml ba đến năm lần mỗi ngày.

Vỏ cây Liễu nên được định lượng theo hàm lượng salicin trong chất bổ sung: salicin, 120 – 240mg uống, chia làm 2 đến 3 lần mỗi ngày.

Ở Tây Ban Nha, 400mg bột vỏ cây Liễu được dùng cứ 8 giờ một lần.

Tại Pháp, các viên nang chứa 260mg bột vỏ cây Liễu được cấp phép từ năm 1988.

Ở Áo, MA tồn tại cho hỗn hợp vỏ cây Liễu có chứa HMP (120mg chiết xuất nước 20 - 1, 15% salicin; kết hợp với Tiliaflos và vitamin C). Ngoài ra, còn có chế phẩm trà thảo mộc kết hợp.

Tại Ý, thực phẩm bổ sung với các chế phẩm sau:

  • Viên nang với sự kết hợp của 400mg chiết xuất khô của Salix alba (15% salicin) và 460 mg vỏ bột (được thông báo vào năm 2004): Tuyên bố rằng nó có thể có lợi cho sức khỏe xương khớp

  • Dung dịch uống chứa chiết xuất cồn (60%).

Bài thuốc kinh nghiệm

Chưa có báo cáo.

Lưu ý

Chống chỉ định dùng cho bệnh nhân bị dị ứng với salicylate.

Không có bằng chứng cho thấy Liễu gây ra hoặc thúc đẩy hội chứng Reye nhưng cũng phải thận trọng khi dùng.

Vỏ cây Liễu ức chế sự kết tập tiểu cầu, nhưng ở mức độ thấp hơn so với aspirin, do đó, sử dụng đồng thời với các loại thảo mộc khác như bạch quả, nhân sâm, tỏi hoặc đinh hương có thể làm tăng nguy cơ chảy máu, cũng như khi sử dụng với thuốc chống đông máu và thuốc chống kết tập tiểu cầu. Vì vậy, cây liễu trắng nên được sử dụng thận trọng cho những bệnh nhân đang dùng thuốc chống kết tập tiểu cầu hoặc các sản phẩm khác có chứa salicylate

Vỏ cây Liễu có thể gây kích ứng dạ dày, buồn nôn, nôn mửa và phân có máu.

Không có đủ bằng chứng an toàn về việc sử dụng vỏ cây Liễu trong thai kỳ vì vậy không nên dùng cho phụ nữ mang thai.

Nguồn tham khảo