Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Mật heo là phần dịch bên trong túi mật của con heo. Mật heo tươi do mùi vị tanh và đắng nên người ta thường cô đặc lại thành cao mật. Mật heo ngoài tác dụng kích thích tiết mật, kích thích tiêu hó… Tuy nhiên, không nên tự ý sử dụng mật heo khi không có chỉ định của bác sĩ có chuyên môn để tránh bị các tác động xấu đến sức khỏe.
Tên khoa học: Fel suillum
Mật heo là một bộ phận trong cơ thể heo, nằm ở gần gan. Mỗi con heo sẽ có một túi nhỏ chứa mật để giúp tiêu hóa thức ăn, đặc biệt là thức ăn nhiều dầu mỡ, chất béo.
Mật heo có thể dùng tươi hoặc cô thành cao đặc, cao khô, cao tinh chế để dễ uống.
Theo Đội điều trị 10 (1961): Rửa sạch khoảng 20 – 30 túi mật heo với nước muối 0,9% rồi sát trùng bằng cồn 90° trong 1 – 2 phút. Sau đó cắt túi mật và lọc phần mật chảy ra, vừa đun cách thủy vừa khuấy đến khi đặc lại.
Theo Viện nghiên cứu Đông y (1964): Khử trùng dao kéo và bát, dùng dao chọc thủng túi mật cho vào bát. Cho mỡ vào bình gạn (nếu có mỡ), lắc với ete, loại bỏ lớp ete do mỡ sẽ tan trong đó. Dùng nước phèn chua no nhỏ từ từ vào mật đã lọc, mật sẽ kết tủa. Thêm nước phèn chua no đến khi mật không còn kết tủa (đủ phèn). Rửa sạch tủa bằng nước cất để loại phèn thừa rồi sấy ở 70°C cho khô, tán thành bột thu được cao mật khô. Lưu ý không dùng phương pháp này khi có giun Giardia lamblia hoặc sỏi mật.
Theo Dược điển Pháp (1949): Lọc 1 kg mật heo qua rây. Thêm 1 kg cồn 90° vào rồi khuấy đều 4 – 5 lần và để yên 2 ngày. Sau đó gạn lấy phần cồn bên trên và lọc tủa bằng giấy lọc (đậy kín khi lọc để cồn không bị bay hơi). Rửa tủa trên giấy lọc và trong bình bằng 200 g cồn 70° để thu hết muối mật. Trộn các phần cồn lại và cô áp suất giảm dưới 50°C sẽ thu được cao mật heo.
Nếu làm cao tinh chế hơn thì cô thu hồi cồn, thêm 5 g than hoạt + 5 g kaolin (đã rửa sạch và khử trùng) trên mỗi lit cồn. Lắc hỗn hợp này trong vài giờ và để lắng 2 ngày. Lọc cho trong dung dịch rồi cô áp suất giảm dưới 50°C đến khi khô, đem tán thành bột, thu được cao mật heo tinh chế khô. Tuy nhiên, phương pháp này khá cầu kỳ nên chỉ áp dụng ở một số nơi có đủ điều kiện.
Túi mật, mật.
Các muối cholat: Hyodesoxycholat, natri cholat, glycocholat, glycodesoxycholat, taurocholat, taurodesoxycholat cholesterol.
Sắc tố mật: Bilirubin…
Mật heo có mùi tanh, vị đắng, tính hàn, không có độc, có tác dụng sát trùng đường ruột, giảm đau, tiêu viêm, trị ho, hen suyễn… Bên cạnh đó, mật heo còn giúp kích thích nhu động ruột, thông mật nhờ cholagogue, kích thích mạnh bài tiết mật nhờ choleretic.
Do vậy, mật heo được sử dụng để kích thích đường mật và đường tiêu hóa khi có rối loạn các hệ cơ quan này. Ngoài ra, mật heo còn được dùng trong trường hợp thiểu năng gan và tụy, viêm đại tràng, táo bón.
In vitro, mật heo ức chế mạnh trực khuẩn gây bệnh ho gà Bordetella pertussis.
Muối natri cholat trong mật heo làm giảm ho trên mèo, có tác dụng ức chế trung khu hô hấp ở thỏ và dãn cơ trên tiểu phế quản ở chuột lang, đồng thời cũng có công dụng chống co giật.
Có thể dùng mật heo tươi nhưng do có mùi và đắng nên người ta thường cô thành cao để dễ uống. Liều dùng: Uống 0,5 – 1g/ngày hoặc thụt (4g trong 250ml nước).
Chữa ho gà
Dạng siro: 20mg mật heo trong 1ml siro. Uống 3 lần/ngày.
Trẻ dưới 1 tuổi: 0,5 muỗng cà phê/lần.
Trẻ 1 – 2 tuổi: 1 muỗng cà phê/lần.
Trẻ 2 – 3 tuổi: 1,5 muỗng cà phê/lần.
Trẻ trên 3 tuổi: 2,5 muỗng cà phê/lần.
Dạng thuốc viên: Hàm lượng 50mg cao bột mật heo/viên. Uống 3 lần/ngày.
Trẻ dưới 1 tuổi: 1 viên/lần.
Trẻ 1 – 2 tuổi: 2 viên/lần.
Trẻ 2 – 3 tuổi: 3 viên/lần.
Trẻ trên 3 tuổi: 5 viên/lần.
Trị táo bón
Dùng mật heo chế biến theo phương pháp của Viện Đông y sấy khô, tán thành bột, trộn với tá dược thành các viên khoảng 0,1g. Liều cho người lớn là 6 – 12 viên, chia làm 1 – 2 lần/ngày vào sáng sớm hay buổi tối trước khi ngủ. Nếu bị táo bón nặng, ban đầu có thể dùng liều 20 viên rồi giảm dần xuống.
Trộn cao mật heo đặc với ít giấm rồi thụt hậu môn.
Chữa viêm gan, vàng da, viêm mật, khó tiêu, rối loạn tiêu hóa, táo bón, đi ngoài phân sống
Theo Đội điều trị 10 và Bệnh viện Nam Định: Trộn đều 100g mật heo, 100g lưu huỳnh, 150g bột hoạt thạch, 20 giọt tinh dầu bạc hà rồi vo thành các viên 0,15g. Uống 20 – 30 viên/ngày, chia thành 2 – 3 lần uống, trong vòng 10 – 30 ngày tùy mức độ bệnh.
Trị khó tiêu, suy gan, vàng da, ứ mật, táo bón, nhiễm trùng đường ruột, sỏi mật
Viên lô đảm của Xí nghiệp Dược phẩm I: Thành phần 0,5g cao mật heo tinh chế, 0,08 g lô hội, 0,05g phenolphthalein, tá dược vừa đủ 1 viên. Liều dùng cho người lớn là 2 – 4 viên/ngày, chia làm 2 lần uống, uống nguyên viên với nước sau khi ăn, không nhai.
Chữa viêm đại tràng
Gọt vỏ và rửa sạch 200g nghệ tươi. Cho nghệ và 500g lá ngải cứu đã rửa sạch vào xay nhuyễn cùng 500ml nước. Rửa 2 túi mật heo tươi với nước muối loãng thật sạch rồi cắt túi mật ra và lọc kỹ mật. Sau đó trộn hỗn hợp nghệ, ngải cứu, mật heo với 30ml mật ong rồi đun ở lửa nhỏ đến khi cô đặc lại. Vo viên khi hỗn hợp còn dẻo và cho vào hũ thủy tinh, bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Uống đều đặn theo đơn bác sĩ, 1 viên/lần x 2 lần/ngày vào buổi sáng và tối.
Chữa đau dạ dày
Cô cao mật heo cách thủy rồi thêm tá dược vào vo thành viên, uống 0,5 – 1g/ngày x 2 – 3 lần/ngày trước khi ăn.
Chữa bỏng
Trộn hoàng bá với nước mật heo nguyên chất hoặc đã cô đặc, bôi lên vết bỏng.
Chữa mụn nhọt độc
Trộn nước mật heo với gừng tươi hoặc nghệ tươi, bôi lên vùng bị nhọt.
Chữa phần mềm bị chấn thương
Trộn nước mật heo với tỏi, củ hành tươi, lá trầu không, lá ớt đã giã, đắp lên vùng bị tổn thương.
Chữa vết thương ngoài da bị hoại tử
Giã nát 30 g gừng, 30g cỏ nhọ nồi, 30 g nghệ tươi rồi trộn với 20ml rượu 40 độ. Vắt lấy nước rồi hòa với nước mật heo, đun sôi nhỏ lửa đến khi còn khoảng 15ml. Tẩm vào băng gạc rồi đắp lên vết thương 2 – 3 lần/ngày.
Không tự ý dùng mật heo để chữa bệnh mà không hỏi ý kiến bác sĩ, thầy thuốc có chuyên môn.
Không lạm dụng dược liệu này vì có thể bị ngộ độc kim loại nặng trong mật heo.
Không dùng mật heo cho phụ nữ có thai.
Dùng các bài thuốc theo liều lượng và thời gian bác sĩ chỉ định.
Chọn mật heo mới lấy và có nguồn gốc rõ ràng.