Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Mía lau

Mía lau: Công dụng và cách dùng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Mía lau là loại cây được trồng nhiều ở các tỉnh miền Trung nước ta, Mía có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải khát, chữa sốt, khát nước, tiểu tiện đỏ, ho, nôn ói, tiêu đờm…

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Mía lau

Tên khác: Mía, Cam giá

Tên khoa học: Saccharum sinensis Roxb, họ Lúa (Poaceae)

Đặc điểm tự nhiên

Mía lau là loại cây thân thảo, sống hàng năm. Thân đặc chia thành nhiều đốt, không phân nhánh, cao từ 2 – 6 m. Lá hình dải, dài 0,5 – 1,0 m, có gốc hẹp, đầu lá thuôn nhọn gập xuống, mép lá nguyên, đường gân giữa lá nổi rõ, mặt dưới lá ráp có màu trắng nhạt, bẹ lá dài, có lông ráp. Cụm hoa mọc ở ngọn thành chùy phân nhánh mọc vòng, có nhiều hoa nhỏ hình thuôn, màu trắng bẩn hoặc nâu nhạt, có lông mềm, hoa ở dưới có mày, hoa ở trên có mày tiêu giảm, bầu có vòi hình dải thuôn. Mùa hoa từ tháng 10 đến tháng 12.

mia-lau-1
Mía lau trong tự nhiên

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Mía lau có nguồn gốc ở Ấn Độ, sinh trưởng thuận lợi ở vùng nhiệt đới hoặc cận nhiệt đới. Ở Việt Nam, Mía lau được trồng nhiều ở các vùng đất có phù sau (nhẹ và sâu, có chất vôi) ở các tỉnh miền Trung như: Quảng Nam, Quảng Ngãi… miền Bắc ở các tỉnh như Hà Nội, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.

Thu hái, chế biến

Thân cây được thu về để làm nguyên liệu làm đường, ngoài ra, người ta còn thu cả cây tươi về, cắt thành từng khúc ngắn 2 – 3 cm, chẻ làm 2 hay làm 4, gọi là cam giá.

mia-lau-2
Mía lau thường được dùng để nấu nước uống

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng của Mía lau là thân, rễ và lá.

Thành phần hoá học

Trong thân cây Mía lau có sacarose 7 – 10%, protein 0,22%, chất béo 0,5%, tro 0,5%. Thành phần của tro bao gồm chủ yếu CaO 4,14%, MgO 3,53%, Fe2O3 0,11%, K2O 36,61%, Na2O 0,88%, SiO2 27,97%, SO3 17,38%, P2O5 4,76%, Cl 0,99%, ngoài ra trong rễ còn có Mn3O4 4,54%.

Các enzyme như lacase, tyrosinase, oxydase, ba loại enzyme là chỉ có trong nước Mía lau non. Ngoài ra, còn có glycin, asparagin, glutamin, leucin, guanin, xylan, arabinosase và tanin.

Vỏ cây Mía chứa chất béo gồm acid oleic, acid linolic, acid panmatic, acid stearic, acid capronic. Ngoài ra, còn có lexitin, phytosterin.

Chất sáp chiếm 35% gồm đa số là acid xerotinic và rượu myrixylic.

Nước Mía lau có màu nâu khi để lâu do lên men lacase và polyphenolase, enzyme tyrosinase trên tyrosin, ngoài ra còn có tác dụng của các acid hữu cơ, các men trên chất sắt của máy ép. Nước mía chứa sacarose 20%, glucose, acid citric, acid malic, acid tartric, acid aconitic, rượu myrixylic, galactoxylan và K2O.

Lá Mía khô chứa 0,0358 đến 0,1066% acid xyanhydric.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Mía lau có vị ngọt, tính mát, có tác dụng giải khát, khỏi phiền nhiệt, bốc nóng, mát phổi, lợi đờm, lợi tiểu, điều hòa tỳ vị, chống nôn.

Đường cát từ Mía lau có có vị ngọt, tính mát, có tác dụng nhuận tâm phế, bổ tỳ, điều hòa can khí, giải độc.

Rễ Mía có tác dụng lợi tiểu, giải nhiệt.

mia-lau-3
Nước mía lau mang nhiều tác dụng giải nhiệt

Theo y học hiện đại

Về mặt Y học, Mía lau được dùng ép lấy nước uống có tác dụng bổ dưỡng, chữa sốt, khát nước, tiểu tiện đỏ, ho, tiêu đờm, nôn ọc.

Đường cát từ Mía lau chữa lỵ, chướng bụng đầy hơi, say rượu, say sắn, ho dai dẳn.

Lá và rễ Mía chữa sỏi tiết niệu.

Về mặt thực phẩm, Mía lau được dùng để ăn và pha các loại nước uống, rượu và là nguyên liệu để chế đường, mật, giấm. Ngoài ra, bã Mía để làm giấy, ngọn Mía làm thức ăn cho trâu bò.

Liều dùng & cách dùng

Chữa nôn, ọe: Nước ép mía 20 – 30 ml, uống với nước gừng.

Chữa lỵ, đầy hơi: 3 thìa đường cát sắc với Ô mai.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa nôn, ọe

Nước ép Mía 20 – 30 ml, pha thêm nước gừng, nhấp uống từng ít một.

Chữa lỵ, đầy hơi

Đường cát 3 thìa, Ô mai 3 quả, sắc uống.

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Mía lau:

  • Mía lau có tính hàn nên nếu sử dụng nhiều có thể gây ra tình trạng mất nước, kém hấp thu các vi chất cần thiết cho cơ thể.

Nguồn tham khảo