Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Ngấy hương

Ngấy hương: Dược liệu dân gian trợ tiêu hóa, tốt cho gan

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Ngấy hương là loài cây phân bố phổ biến ở vùng nhiệt đới, trong đó có Việt Nam. Cây mọc hoang hoặc được trồng làm hàng rào ở các nương rẫy, rồi thu hái để làm thuốc trợ tiêu hóa, kém ăn, ăn uống không tiêu, viêm gan, vàng da.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Ngấy hương còn có tên gọi khác là cây Ngấy, Ngấy chĩa lá, Ngũ gia bì hương, Đũm hương, cây Tu hú, Mác tin tang (Tày) tên khoa học là Rubus cochinchinensis Tratt., tên đồng nghĩa Rubus fruticosus Lour, Rubus playfairii Hemsl., thuộc họ Hoa hồng (Rosaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Cây bụi, mọc dựa vào cây khác, thân cành non có lông, thân già nhẵn, có gai cong. Lá kép chân vịt mang 5 lá chét, mọc cách. Các lá kép ở ngọn có số lá chét ít hơn, chỉ còn 3 lá chét.

Phiến lá chét hình mác, gốc thuôn, đầu nhọn, lá chét giữa lớn hơn, mép có khía răng, mặt dưới phủ lông mịn, màu trắng ngà hoặc vàng xỉn, cuống lá kép dài 3 – 6cm, có lông và gai nhỏ, lá kèm rụng sớm.

Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần ngọn cành, thành từng chùm hình chùy. Đài hoa gồm 5 răng nhỏ, phủ lông ở mép và mặt trong, tràng hoa gồm 5 cánh hoa mỏng, ngắn hơn đài, màu trắng. Nhị nhiều, xếp thành lớp, chỉ nhị dẹt.

Lá noãn nhiều. Quả phức hình cầu hoặc hình trứng mang các lá đài tồn tại, mang các quả hạch con, khi chín có màu đỏ hoặc hơi đen, ăn được.

cây ngấy hương
Ngấy hương trong tự nhiên

Phân bố, thu hái, chế biến

Phân bố

Ngấy hương là loài đặc hữu của Đông Dương nhưng tập trung chủ yếu ở Việt Nam, rải rác có ở Lào, Campuchia. Đôi khi còn có ở biên giới Việt Trung.

Ở Việt Nam, cây mọc hoang ở các vùng rừng núi thấp (dưới 1000m), vùng trung du, có khi cả ở vùng đồng bằng. Cây ưa sáng nên thường gặp ở vùng ven rừng, hoặc trồng làm hàng rào ở nương rẫy do có gai.

Thu hái và chế biến

Thu hái thân, lá, quả quanh năm nhưng chủ yếu vẫn là vào mùa hè, sau đó đem phơi khô dùng dần.

ngấy hương dược liệu
Ngấy hương là loại cây ưa sáng

Bộ phận sử dụng

Thân, lá, đôi khi dùng cả quả.

vị thuốc ngấy hương
Cụm hoa mọc ở kẽ lá gần ngọn cành

Thành phần hoá học

Dược liệu có chứa các hợp chất nhóm triterpen, ngoài ra còn có tannin.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Ngấy hương có vị chua hơi ngọt, tính bình, mùi thơm nhẹ, vào kinh tỳ, thận có tác dụng giúp tiêu hóa, bổ ngũ tạng, ích tính khí, mạch chí thêm sức, giải độc, tiêu phù.

Theo y học hiện đại

Tác dụng trên protein huyết: Dùng cao nước quả Ngấy hương cho chuột nhắt trắng uống trong nhiều ngày, kết hợp với chế độ ăn thiếu protein, thấy hàm lượng protein toàn phần tăng so với lô đối chứng không dùng thuốc. Kết quả trên có lẽ do Ngấy hương làm giảm quá trình dị hóa hoặc làm tăng quá trình đồng hóa protein.

Quả Ngấy hương ăn ngon và bổ dưỡng. Thân, lá phơi khô thái nhỏ sao thơm, sắc uống, thay chè, dùng cho phụ nữ mới sinh, chóng lại sức, ăn được và cho người tiêu hóa kém, ăn không tiêu, đầy bụng, phù thũng, viêm gan, vàng da. Uống lâu thì trừ được hàn thấp, đẹp da, đen tóc, sống lâu. Thân, lá đem sắc tươi uống để giải nhiệt, có thể phối hợp với các vị thuốc khác để chữa nước tiểu vàng, tiểu buốt.

Liều dùng & cách dùng

Quả: Dùng 6 – 12 g mỗi ngày. Thân, lá: Dùng từ 15 – 30 g.

Bài thuốc kinh nghiệm

Bài thuốc chữa phù thũng

Ngấy hương 20 g, rễ Cỏ tranh 10 g, Cỏ mần trầu 10 g. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, sắc với 400 ml nước đến khi còn 100 ml chia thành 2 lần uống trong ngày. Nếu đi tiểu ra máu thì thêm 10 g Dừa cạn.

Bài thuốc chữa cảm thấp, nôn mửa, gai lạnh, ăn không tiêu

Lá ngấy hương 40 – 50 g phơi khô rồi sắc uống. Có thể phối hợp với Gừng sống (3 g), lá Sả (20 g).

Bài thuốc chữa vàng da

Ngấy hương 20 g, lá Vằng 10 g, hai thứ phơi khô, tán nhỏ, sắc uống. Dùng 7 – 10 ngày.

Bài thuốc chữa viêm gan, đau gan

30 g Ngấy hương, Khúc khắc, Đảng sâm, Rau má, mỗi thứ 20 g, Râu bắp, vỏ Núc nác mỗi thứ 15 g, lá Chanh 5 g. Nếu sốt thì thêm 20 g Kim ngân. Tất cả thái nhỏ, sao vàng, sắc uống. Trẻ em dùng liều bằng 1/3 đến 2/3 liều người lớn.

Bài thuốc chữa tóc khô hay rụng

Lấy quả Ngấy hương vừa ăn tươi vừa ép lấy nước bôi vào chân tóc.

Lưu ý

Chi Rubus ở Việt Nam có khoảng 50 loài trong đó có một số loài dùng làm thuốc và cho quả ăn được, nên chú ý lúc thu hái để tránh nhầm lẫn với các loài khác cùng chi.

Nguồn tham khảo