Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Ngô công (Rết) là loại động vật hay gặp ở các nước châu Á, ở các vùng ẩm thấp, được dùng để khử phong, trấn kinh ở trẻ em, giải độc do rắn độc cắn, sát khuẩn.
Tên Tiếng Việt: Ngô công
Tên khác: Con rết; Thiên long; Bách túc trùng; Bách cước
Tên khoa học: Scolopendra morsitans L. thuộc họ Rết (Scolopendridae)
Mỗi con dài từ 7 – 15cm, có khi dài đến 20cm, chia thành 20 – 22 khoanh đốt đồng đều nhau, mỗi khoanh đốt mang một cặp chân ở hai bên hơi cong về phía sau. Đầu tròn ngắn, có hai râu (xúc giác) dài hơn chân, chẻ ngang. Bên trong miệng có nhiều răng nhọn sắc và tuyến độc. Đốt cuối nhỏ thường không có chân, nhưng phần đuôi lại mang hai chân dài, duỗi thẳng. Lưng Rết có màu nâu đỏ hoặc nâu đen, bụng màu vàng nâu.
Dược liệu đạt yêu cầu sẽ có các đặc điểm: Dài, thẳng, dẹt, đầu thân màu nâu đỏ hoặc nâu đen, óng ánh, bụng nhăn nheo, màu vàng nâu, mặt cắt ngang cho thấy ở giữa rỗng, còn đủ chân màu vàng.
Phân bố
Ngô công được tìm thấy ở nhiều nước châu Á trong đó có Việt Nam. Đây là loài thích hợp với nơi tối và ẩm thấp như dưới các tảng đá, lá khô, gỗ mộc, nhà tranh, vách đất, dưới đáy kệ, chum, vại. Ngô công ăn sâu bọ để sống. Thường đẻ trứng từ tháng 3 đến tháng 5, Ngô công con mới nở màu trắng, sau lột xác biến thành màu nâu đỏ.
Ở một số nước như Hàn Quốc, Trung Quốc, người ta tiến hành nuôi Ngô công để làm thuốc.
Thu hái và chế biến
Thu bắt những con Ngô công kích thước đạt yêu cầu, vào mùa xuân hoặc mùa hè, sau đó treo lên cho thẳng để phơi hoặc sấy khô. Bỏ đầu, đuôi, chân khi dùng. Có thể bọc bằng lá bạc hà rồi nướng.
Bảo quản trong lọ hoặc hộp kín để tránh ẩm.
Có thể ngâm rượu theo phương pháp như sau: Nhúng Ngô công sống vào nước nóng khoảng 70 – 80oC hoặc dùng Ngô công khô ngâm với rượu 90 độ, thời gian ngâm càng dài càng tốt.
Dùng nguyên con có thể bỏ đầu, đuôi, chân.
Trong Ngô công có chứa protid, các acid amin, hai chất độc chiết ra từ nọc Ngô công dưới dạng histamine và albumin, có tính chất giống nọc Ong, làm loãng máu. Ngoài ra còn có acid formic và cholesterol.
Ngô công có vị cay, hơi mặn, tính ấm, có độc, vào kinh can, có tác dụng khử phong, trấn kinh ở trẻ em, giải độc do rắn độc cắn, sát khuẩn.
Trường đại học Dược khoa và Viện vi trùng của Rumani đã kết hợp để nghiên cứu tác dụng diệt trùng nhưng chưa có kết quả.
Ngày dùng từ 3 - 5g trong các bài thuốc.
Bài thuốc chữa chín mé (sưng đau ở đầu ngón tay)
Ngô công phơi khô, tán thành bột, trộn với mật heo rồi bôi nhiều lần/ngày vào chỗ mé bị đau.
Bài thuốc chữa mụn nhọt, sưng đỏ, đau nhức
Ngâm 5 con Ngô công lớn với 100ml cồn 90 độ, để ít nhất 10 ngày (càng lâu càng tốt), bôi 1 – 2 lần/ngày. Nếu mụn nhọt mới sưng sẽ xẹp ngay.
Bài thuốc chữa trĩ
Nghiền mịn Ngô công đã sấy khô rồi trộn với ít bột Long não và rượu để bôi hàng ngày.
Bài thuốc chưa ung nhọt, mụn mạch lươn ở trẻ em
Lấy 24g Ngô công đốt cháy rồi tán bột, cho vào 200g nhựa Thông đã nấu chảy cộng thêm 32g dầu lạc, khuấy đều, để nguội, trộn thêm 16g vôi bột rồi khuấy nhuyễn tạo thành cao. Khi dùng, phết cao lên giấy rồi dán vào chỗ nhọt. Đối với nhọt chưa vỡ mủ, 2 ngày thay 1 lần, nếu vỡ mủ rồi thì ngày thay 1 lần.
Bài thuốc chữa liệt thần kinh mắt, đau nhức, tê thấp, kinh phong, co giật, cấm khẩu
Tán mịn Ngô công, trộn đồng lượng với bột Cam thảo, ngày uống 0,5g chia làm 3 lần. Chú ý khi dùng phải theo đúng liều lượng quy định.
Bài thuốc chữa trúng phong (ở Trung Quốc)
1 con Ngô công, 1 con Bọ cạp, 15g Thấu cốt thảo, tất cả sao vàng, tán bột, rây mịn, ngày uống 2 lần, mỗi lần 7,5g với nước.
Bài thuốc chữa liệt mặt (ở Trung Quốc)
1 con Ngô công sao vàng, tán nhỏ, 25g Phòng phong thái nhỏ, phơi khô. Sắc với 200ml đến khi còn khoảng ¼ uống hết một lần.
Bài thuốc chữa viêm tinh hoàn (ở Trung Quốc)
Ngô công và Nhục quế đồng lượng, sao vàng, tán bột, mỗi lần uống 0,5 – 1g, ngày uống 2 – 3 lần.
Không dùng cho phụ nữ mang thai.
Cách xử lý khi bị Ngô công cắn:
Mổ bụng ngay con Ngô công vừa cắn, lấy ruột bôi ngay lên vết cắn sẽ đỡ đau nhức.
Lấy lông cánh gà ngoáy vào họng con gà để lấy dãi rồi quét lên vết cắn ngay trong ngày.
Bắt ốc sên lau sạch dịch nhớt bên ngoài, kích thích để lấy nhớt mới, bôi vào vết cắn.
Tỏi tươi giã nát, dùng riêng hoặc trộn với máu mào gà đắp vào vết cắn nhiều lần.
Dược điển Việt Nam 5 – Trang 1267 - 1268.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi – Trang –85 - 86.
Cây thuốc và động vật làm thuốc (Tập 2) – Trang 1198 - 1199.