Long Châu

Mụn nhọt là gì? Nguyên nhân gây ra Mụn nhọt và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Mụn nhọt là nhiễm trùng nang lông và các tổ chức mô xung quanh do tụ cầu gây ra, tạo thành khối áp-xe dưới da. Bệnh thường gặp vào mùa hè và mọi đối tượng đều có thể mắc phải.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Mụn nhọt là gì? 

Mụn nhọt là tình trạng viêm cấp tính vùng nang lông và các mô xung quanh do nhiễm trùng tụ cầu, có thể tạo thành áp-xe dưới da.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của mụn nhọt

Triệu chứng thường gặp là đau nhức, nhất là nhọt khu trú ở mũi và vành tai. Có thể kèm triệu chứng toàn thân như sốt, mệt mỏi, dấu hiệu nhiễm trùng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc mụn nhọt 

Có thể gặp biến chứng nhiễm khuẩn huyết, đặc biệt ở những bệnh nhân suy dinh dưỡng hoặc viêm tĩnh mạch xoang hang nếu nhọt xuất hiện ở vùng môi trên hoặc má.

Bệnh nhân bị suy dinh dưỡng, suy giảm miễn dịch hoặc mắc các bệnh mãn tính như lao phổi, hen phế quản, tiểu đường có thể bị nhọt xếp thành đám gọi là nhọt cụm, nhọt bầy hoặc hậu bối.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến mụn nhọt

Nguyên nhân gây ra mụn nhọt là tụ cầu vàng Staphylococcus aureus. Trong điều kiện bình thường, tụ cầu vàng sống ký sinh trên da, thường trong các nang lông ở nếp gấp như rãnh liên mông, rãnh mũi má... hoặc các hốc tự nhiên (tai, mũi...). Khi nang lông bị tổn thương kết hợp với điều kiện thuận lợi như miễn dịch của vật chủ suy giảm, dinh dưỡng kém, mắc bệnh đái tháo đường, vi khuẩn này sẽ phát triển và gây bệnh.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải mụn nhọt?

Tất cả mọi người, mọi lứa tuổi đều có thể mắc mụn nhọt. Tuy nhiên, nam giới và trẻ em thường dễ mắc hơn các đối tượng khác.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải mụn nhọt

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc mụn nhọt, bao gồm:

  • Thừa cân, béo phì;

  • Suy giảm miễn dịch;

  • Tuổi cao;

  • Mắc bệnh đái tháo đường;

  • Sinh hoạt trong các khu dân cư đông đúc, có điều kiện vệ sinh kém;

  • Tiếp xúc với những bệnh nhân nhiễm vi khuẩn có độc lực cao.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán mụn nhọt

Lâm sàng

Chẩn đoán mụn nhọt chủ yếu dựa vào các dấu hiệu lâm sàng.

Vị trí xuất hiện: Thường ở đầu, mặt, cổ, lưng, mông và chân tay. Ban đầu, mụn nhọt là các sẩn nhỏ, màu đỏ, sưng tấy ở nang lông. Sau khoảng 2 - 3 ngày, tổn thương sẽ bắt đầu lan rộng và hoá mủ, tạo thành ổ áp-xe, giữa ổ hình thành ngòi mủ.

Cận lâm sàng

Xét nghiệm công thức máu:

  • Tăng bạch cầu trong máu ngoại vi;
  • Tăng tốc độ lắng máu.

Mô bệnh học: 

Ổ áp-xe ở nang lông phá vỡ cấu trúc nang lông, ở giữa nhọt là tổ chức hoại tử, nhiều tế bào viêm thâm nhập xung quanh, chủ yếu là neutrophil (bạch cầu đa nhân trung tính).

Phân lập được tụ cầu vàng từ nuôi cấy mủ.

Chẩn đoán phân biệt trong giai đoạn sớm: Với viêm nang lông, herpes da lan toả viêm tuyến mồ hôi mủ và mụn trứng cá.

Phương pháp điều trị mụn nhọt hiệu quả

Giai đoạn sớm, nhọt chưa có mủ

Không được nặn hoặc kích thích vào thương tổn; bôi dung dịch sát khuẩn 2 - 4 lần/ngày.

Có thể dùng một trong các loại dung dịch sau: Povidon-iodin 10%; Hexamidin 0,1% hoặc Chlorhexidin 4%.

Giai đoạn có mủ

Phẫu thuật rạch mụn nhọt để làm sạch thương tổn. Chườm nóng gián đoạn để thúc đẩy thoát mủ nhanh.

Đối với những mụn nhọt có kích thước < 5 mm thì không cần dùng kháng sinh.

Các trường hợp khuyến cáo sử dụng kháng sinh đường toàn thân:

  • Mụn nhọt > 5 mm hoặc < 5 mm nhưng không thể rạch dẫn lưu.

  • Nhiều mụn nhọt xuất hiện đồng thời.

  • Có bằng chứng viêm mô tế bào lan rộng.

  • Bệnh nhân bị suy giảm miễn dịch.

  • Bệnh nhân có nguy cơ viêm nội tâm mạc.

  • Sốt.

Trong thời gian chờ kết quả nuôi cấy và kháng sinh đồ, nên dùng những kháng sinh có hiệu lực trên chủng MRSA.

Các lựa chọn điều trị:

Trimethoprim/ sulfamethoxazole 160/800mg đến 320/1600mg uống 2 lần/ngày, clindamycin 300 - 600 mg uống mỗi 6 - 8 giờ, doxycycline hoặc minocycline 100 mg uống mỗi 12 giờ.

Những bệnh nhân bị sốt, có nhiều ổ áp-xe hoặc hậu bối cần được điều trị bằng 10 ngày trimethoprim/ sulfamethoxazole 160/800mg đến 320/1600mg x 2 lần/ngày phối hợp với rifampin 300 mg x 2 lần/ngày.

Bệnh nhân điều trị nội trú tại bệnh viện nơi MRSA phổ biến bị mụn nhọt có thể phải cách ly khỏi các bệnh nhân khác và điều trị theo khuyến cáo đối với bệnh viêm mô tế bào dựa trên kết quả nuôi cấy bằng kháng sinh như sau:

  • Vancomycin 1 g tiêm tĩnh mạch (IV) mỗi 12 giờ.

  • Linezolid 600 mg IV mỗi 12 giờ.

  • Daptomycin 4 mg/kg IV 1 lần/ngày.

  • Telavancin 10 mg/kg IV 1 lần/ngày.

  • Clindamycin 600 mg IV mỗi 8 giờ.

Phòng ngừa mụn nhọt thường xuyên tái phát bằng cách dùng xà phòng hoặc sữa tắm có chứa chlorhexidine gluconate với isopropyl alcohol hoặc chloroxylenol 2 - 3%  và tiếp tục duy trì kháng sinh trong vòng 1 - 2 tháng.

Bệnh nhân bị mụn nhọt tái phát nên điều trị các yếu tố gây tăng nguy cơ mắc phải như béo phì, đái tháo đường, tiếp xúc tác nhân kích hoạt trong môi trường nghề nghiệp hoặc công nghiệp, và sự xâm nhập của S. aureus hoặc MRSA qua đường hô hấp.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của mụn nhọt

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Rửa tay sạch để ngăn nhiễm trùng lây lan. Sử dụng khăn mới mỗi khi rửa và lau khô các khu vực nhiễm bệnh.

  • Không bóp nặn, che mụn nhọt bằng vải hoặc khăn sạch.

Chế độ dinh dưỡng:

  • Ăn uống đầy đủ, bổ sung các chất để nâng cao sức đề kháng của cơ thể.

  • Có thể dùng một số thực phẩm thanh mát có tác dụng tiêu độc như: Atiso, đậu xanh, bí xanh, rau má, rau mồng tơi, rau ngót, rau dền, mướp đắng, bột sắn dây, dưa hấu...

  • Hạn chế thực phẩm nhiều dầu mỡ như đồ chiên xào, hay thực phẩm nhiều đường, quá cay nóng để tăng cường khả năng thải độc của gan.

  • Bổ sung các loại nước ép trái cây như đu đủ, thanh long, cam, bưởi, quít, chanh...

Phương pháp phòng ngừa mụn nhọt hiệu quả

 Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa tay hằng ngày, thường xuyên cắt móng tay, móng chân.

  • Tránh dùng các sản phẩm mỹ phẩm, gây kích ứng da.

  • Nâng cao thể trạng bằng dinh dưỡng và luyện tập thể dục đều đặn.

Nguồn tham khảo

1. MDS Manual - Furuncles and Carbuncles: https://www.msdmanuals.com/professional/dermatologic-disorders/bacterial-skin-infections/furuncles-and-carbuncles

2. Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh da liễu: https://kcb.vn/wp-content/uploads/2015/09/Huong-dan-chan-doan-dieu-tri-Da-lieu.pdf

3. Báo Sức khoẻ và đời sống: https://suckhoedoisong.vn/tri-mun-nhot-mua-he-bang-thuc-an-thanh-mat-169195128.html

Các bệnh liên quan

  1. Dị ứng thực phẩm

  2. Chàm

  3. U mềm lây

  4. Bệnh dị ứng

  5. Ghẻ

  6. Viêm da dị ứng

  7. Chốc lở

  8. Sẹo rỗ

  9. Mụn trứng cá

  10. Ngứa