Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cây Hoa sữa là một loài cây nhiệt đới thuộc họ Trúc đào. Nó có nguồn gốc từ miền nam Trung Quốc, châu Á nhiệt đới và Australasia, nó là một loại cây cảnh được trồng phổ biến ở những khu vực này.
Tên Tiếng Việt: Hoa sữa.
Tên gọi khác: Mồng cua; mò cua; mùa cua.
Tên khoa học: Alstonia scholaris (L.) R. Br. – Echites scholaris L. Họ Apocynaceae. Họ Trúc đào (Apocynaceae) bao gồm khoảng 250 chi và 2000 loài cây nhiệt đới, cây bụi và dây leo. Họ này được biết đến với những loại cây có hoạt tính sinh học và dược tính rất cao.
Cây Hoa sữa có kích thước từ trung bình đến lớn, thường cao tới 20m và rộng 10m. Vỏ cây trưởng thành của nó có màu xám, gần như không mùi và rất đắng, cây có nhiều nhựa màu trắng đục và có vị đắng.
Lá
Lá mọc thành chùm từ ba đến mười lá; cuống lá dài 1 – 3cm (0,39 – 1,18 inch); hình trứng hẹp đến hình trứng rất hẹp, gốc hình nón, đỉnh thường tròn. Mặt trên của lá bóng, trong khi mặt dưới có màu xám.
Hoa
Hoa màu trắng, trắng xanh kem, vàng hoặc kem, thường tạo thành chùm.Những bông Hoa riêng lẻ có mùi thơm nhẹ, nhưng cây nở rộ tỏa ra hương thơm nồng nặc. Nguồn mật hoa phong phú và được thụ phấn bởi côn trùng như các loại bướm và ong. Sự nở hoa xảy ra mỗi năm một lần thường từ tháng 10 đến tháng 3.
Quả
Quả cây Hoa sữa dài từ 25 - 50cm, gầy, mọc thõng xuống, màu nâu, có gân dọc. Hạt nhiều, nhỏ dẹt, dài 7mm, rộng 2,5mm, hai đầu tròn hoặc cụt, trên mặt có lông màu nâu nhạt. Quả già tự tách làm 2 mảnh. Hạt có túm lông, phát tán nhờ gió.
Phân bố
Cây Hoa sữa có nguồn gốc từ các vùng sau:
Trung Quốc: Quảng Tây, Vân Nam.
Tiểu lục địa Ấn Độ: Bangladesh, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Sri Lanka.
Đông Nam Á: Campuchia, Lào, Indonesia, Malaysia, Myanmar, Papua New Guinea, Philippines, Thái Lan, Việt Nam.
Úc: Queensland.
Ở Việt Nam, cây Hoa sữa được trồng và mọc hoang nhiều, đặc biệt là ở các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Nam Định.
Thu hái – sơ chế
Vỏ cây được thu hái quanh năm nhưng thời điểm tốt nhất là vào mùa xuân hạ. Vì lúc này cây chưa ra Hoa và quả nên dưỡng chất còn tập trung nhiều ở vỏ. Sau khi hái vỏ về, đem cạo bỏ lớp vỏ bần bên ngoài rồi phơi/ sấy khô để dùng dần.
Vỏ thân đã cạo bỏ lớp bần phơi hay sấy khô dùng làm thuốc.
Các nghiên cứu về thực vật học của cây Hoa sữa đã xác định được:
Lá
Chứa Iridoids, coumarin và flavonoid.
Vỏ rễ và thân
Vỏ cây có chứa alcaloid ditamine, echitenine, terpenoid.
Hoa
Chứa tinh dầu chứa Caren - 3, Geraniol, Echitin, Terpinolene, Menthanol, Lupeol acetat…
Toàn thân cây Hoa sữa chứa nhiều alkaloid. Trong đó Echitamine là alkaloid quan trọng nhất, nó đã được phát hiện trong tất cả các mẫu nghiên cứu, từ các địa điểm thu thập khác nhau, và cũng được phát hiện trong vỏ cây được bán thương mại như một loại thuốc thảo dược.
Tính vị
Vị đắng, tính mát.
Quy kinh
Quy vào kinh Phế và Can.
Công năng, chủ trị
Cây Hoa sữa được sử dụng rộng rãi trong các hệ thống y học cổ truyền của Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Philippines, Trung Quốc, Châu Phi, Úc. Vỏ cây được dùng để điều trị các bệnh sau:
Tẩy giun, trị giun sán.
Trị sốt, tiêu chảy, kiết lỵ (tán bột và trộn với mật ong), rắn cắn và các bệnh ngoài da.
Trị bệnh tim, bệnh phong, bệnh nấm da, khối u, bệnh thấp khớp, bệnh tả, viêm phế quản và viêm phổi.
Được sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn, bệnh tim, loét mãn tính, các cơn đau thấp khớp và các bệnh khác.
Các hoạt động chống ung thư và độc tế bào
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong đứng hàng thứ hai trên toàn cầu. Tùy thuộc vào giai đoạn của ung thư và sức khỏe chung của bệnh nhân, các chiến lược điều trị có thể bao gồm phẫu thuật, xạ trị và các phương pháp điều trị toàn thân như hóa trị. Mặc dù có rất nhiều phương pháp điều trị nhưng việc chữa khỏi dứt điểm bệnh ung thư vẫn còn khó nắm bắt.
Các loại thuốc và các phương thức điều trị hiện tại có khả năng gây ra độc tính toàn thân. Do đó, cần phải tìm kiếm các biện pháp khắc phục phù hợp với kinh tế và làm không có tác dụng phụ nghiêm trọng của các công thức thuốc hiện đại.
Gần đây, việc sử dụng một số loại thảo mộc đã thu hút rất nhiều sự chú ý như liệu pháp điều trị ung thư thay thế do giảm độc tính và chi phí thấp hơn. Từ thời nguyên thủy, những người chữa bệnh bằng thảo dược ở Ấn Độ, và Thái Lan đã và đang sử dụng nước sắc của cây Hoa sữa để điều trị ung thư.
Tác dụng chống ung thư/khối u của cây Hoa sữa có thể liên quan đến tác dụng chống tăng sinh của tế bào ung thư. Kamarajan và cộng sự đã chỉ ra rằng chất alkaloid echitamine chloride được chiết xuất từ cây hoa sữa làm giảm sự tăng sinh của khối u gây bệnh fibrosarcoma ở chuột.
Các nghiên cứu tiền lâm sàng gần đây cũng cho thấy tính hữu ích của cây Hoa sữa trong điều trị và phòng ngừa ung thư. Keawpradub và cộng sự cũng đã chỉ ra rằng các chất chiết xuất từ metanol vỏ rễ cây Hoa sữa có hoạt tính chống lại bệnh ung thư phổi ở người.
Các nghiên cứu sâu hơn về tiềm năng chống ung thư có thể có của cây Hoa sữa cho thấy hoạt động chống ung thư mạnh mẽ đối với vỏ thân, vỏ rễ, lá, phần alkaloid và các alkaloid phân lập của cây Hoa sữa.
Hoạt động điều hòa miễn dịch
Kích hoạt miễn dịch là một cách tiếp cận bảo vệ chống lại bệnh truyền nhiễm và một số bệnh ung thư. Thuốc kích thích miễn dịch nâng cao khả năng miễn dịch tổng thể của vật chủ và tạo ra phản ứng miễn dịch không đặc hiệu chống lại các mầm bệnh do vi sinh vật gây ra.
Một số chất nhất định trong các loại thảo dược được biết là có thể làm tăng miễn dịch dịch thể và đáp ứng miễn dịch tế bào bằng cách tăng cường cytokine tiết hoặc bằng cách kích thích trực tiếp tế bào lympho B hoặc T.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất chiết xuất từ vỏ thân cây Hoa sữa có tác dụng kích thích hệ miễn dịch không đặc hiệu, tăng hoạt động thực bào và bảo vệ cơ thể khỏi các bệnh nhiễm trùng cơ hội.
Hoạt động kháng khuẩn
Cây Hoa sữa theo truyền thống được sử dụng để điều trị các bệnh truyền nhiễm. Một số nhà nghiên cứu đã đánh giá tiềm năng kháng khuẩn của các bộ phận khác nhau của cây hoa sữa như lá, vỏ, thân, rễ và hoa. Người ta nhận thấy rằng các chất chiết xuất metanol từ các các bộ phận của cây Hoa sữa hoạt động mạnh nhất chống lại nấm mốc, vi khuẩn Gram dương và Gram âm.
Các nghiên cứu gần đây đã chứng minh cây Hoa sữa có hoạt tính kháng khuẩn tiềm năng. Tuy nhiên cần có các nghiên cứu sâu hơn liên quan đến việc xác định các thành phần của nó với nồng độ hiệu quả chính xác.
Tiềm năng chống bệnh tiểu đường
Một số nghiên cứu in vitro được thực hiện bởi các nhà nghiên cứu để đánh giá khả năng điều trị bệnh tiểu đường của cây Hoa sữa. Đến nay, hoạt động chống bệnh tiểu đường mạnh mẽ đã được báo cáo với lá và vỏ thân của Hoa sữa. Methanol trong lá của cây sữa có thể chống lại alpha - glucoside. Do đó một số chuyên gia nhận thấy, vị thuốc này có tiềm năng phòng ngừa và điều trị bệnh tiểu đường.
Các hoạt động giảm đau và chống viêm
Hiện tại, một số loại thuốc như thuốc chống viêm không steroid thuốc (NSAID) có sẵn trên thị trường cung cấp cả tác dụng chống giảm đau và chống viêm. Tuy nhiên, nó có rất nhiều tác dụng phụ không mong muốn.
Các báo cáo tài liệu hiện có cho thấy rằng chất chiết xuất từ lá cây Hoa sữa có tác dụng giảm đau và chống viêm mạnh. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng hàm lượng alkaloid của lá cây Hoa sữa, đặc biệt là các alkaloid picrinine, vallesamine và scholaricine, có thể chịu trách nhiệm cho những tác dụng này.
Ngày nay cuộc sống ngày càng căng thẳng nên cần các tác nhân có chức năng bảo vệ thần kinh, tăng cường học tập và chức năng ghi nhớ của não.
Chiết xuất methanolic của vỏ cây Hoa sữa được báo cáo là sở hữu khả năng chống căng thẳng và cải thiện khả năng hoạt động của hệ thần kinh trung ương. Ngoài ra, chiết xuất ethanol của lá cây hoa sữa được báo cáo là một biện pháp chống lo âu mạnh mẽ.
Vỏ cây sữa được sử dụng ở dạng sắc uống, cao lỏng hoặc dạng thuốc bột. Liều dùng tham khảo là 1 - 3g bột vỏ phơi khô dạng thuốc sắc hoặc cao lỏng. Có thể dùng dưới dạng rượu thuốc.
Bài thuốc chữa đau răng
Vỏ hoa sữa đem sắc để ngâm, súc miệng hằng ngày, mỗi ngày nhiều lần.
Trị chứng thiếu máu và buồn nôn do thực hiện hóa trị liệu
Chuẩn bị 20g lá cây hoa sữa đem sao vàng, sắc lấy nước uống.
Tác dụng kích thích tiêu hóa
Vỏ cây sữa tán nhỏ 75g, rượu uống (35 - 400) 500ml, đậy kỹ, ngâm trong 7 ngày, thỉnh thoảng lắc đều. Sau đó lọc và thêm rượu vào cho đủ. Ngày uống 4 - 8g rượu này. Uống 15 phút trước 2 bữa ăn chính.
Làm thuốc bổ máu
Vỏ cây Hoa sữa 5g, Hà thủ ô đỏ 5g, Mã tiền 0,2g. Ngâm tất cả trong 500ml rượu. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 1 chén nhỏ trước 2 bữa ăn.
Hỗ trợ điều trị hen, viêm phế quản
Vỏ cây Hoa sữa, vỏ quả Qua lâu mỗi vị 3g, Tử uyển 2g.
Tán bột, chia làm 2 lần uống trong ngày.
Theo tạp chí Toxicology letters, dùng vỏ cây Hoa sữa quá liều sẽ gây độc hại tới các cơ quan chính của cơ thể. Ngoài ra, như kết quả nghiên cứu trên chuột đã đề cập trên đây, chiết xuất vỏ cây Hoa sữa có ảnh hưởng tiêu cực đến khả năng sinh sản ở chuột thí nghiệm. Vì vậy, cần hỏi thêm ý kiến thầy thuốc trước khi dùng các bộ phận của cây để điều trị bệnh trong từng trường hợp cụ thể.
Hoa sữa có khả năng gây dị ứng cao (đặc biệt là phấn hoa). Vì vậy cần tránh sử dụng dược liệu cho người bị viêm mũi dị ứng, viêm xoang, viêm kết mạc dị ứng.
Baliga, M. S. (2010). Alstonia scholaris Linn R Br in the treatment and prevention of cancer: past, present, and future. NCBI. Retrieved from https://pubmed.ncbi.nlm.nih.gov/20702494/
Cây sữa. (2011). Retrieved from Thuốc dân tộc: https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/cay-sua
Hoa sữa (cây mò cua), từ mùi hương đến công dụng làm thuốc. (2019). Retrieved from Cây thuốc: https://caythuoc.org/cay-hoa-sua-mo-cua.html
Mahendra S.Khyadea, D. M. (2014). Alstonia scholaris (L.) R. Br. and Alstonia macrophylla Wall. ex G. Don: A comparative review on traditional uses, phytochemistry and pharmacology. ScienceDirect. Retrieved from https://www.sciencedirect.com/science/article/abs/pii/S0378874114000725
P. Kalaria, P. G. (2012). A phytopharmacological review of Alstonia scholaris: A panoramic herbal medicine. ResearchGate. Retrieved from https://www.researchgate.net/publication/287720380_A_phytopharmacological_review_of_Alstonia_scholaris_A_panoramic_herbal_medicine