Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Táo rừng

Táo rừng: Loại quả có nhiều công dụng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Táo rừng là loài cây thân gỗ, phân bố chủ yếu ở vùng khí hậu nhiệt đới, bao gồm cả Việt Nam. Trong Đông y, Táo rừng được sử dụng để điều trị các chứng bệnh ngoài da như hắc lào, ghẻ ngứa, mụn rộp mọc vòng, vảy nến, eczema, mày đay. Ngoài ra, Táo rừng còn có tác dụng kiện tỳ, giúp ăn ngon miệng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Táo rừng.

Tên khác: Táo dại; Hồng rừng; Bút mèo; Thịnh canh xiểng; Vang trầm; Mận rừng.

Tên khoa học: Ziziphus oenoplia (L.) Mill hoặc Rhamnus crenatus Sieb. (Zucc. var. cambodianus Tard.). Đây là một loài thực vật thân gỗ, có hoa thuộc họ Rhamnaceae (họ Táo).

táo rừng 1
Cây Táo rừng - Ziziphus oenoplia (L.) Mill hoặc Rhamnus crenatus Sieb. (Zucc. var. cambodianus Tard.)

Đặc điểm tự nhiên

Cây nhỏ cao chừng 1 - 1,5m. Cành mềm nhẵn; cành non tròn có long màu gỉ sắt, cành già có gai cong lên và màu nâu đen.

Lá hình bầu dục hoặc hình trứng, mọc so le, rộng 1,5 - 3cm, dài 2 - 6cm; đầu lá nhọn, gốc lá tròn hơi lệch. Mặt trên của lá màu xanh lục sẫm, bề mặt nhẵn và có ít lông; mặt dưới màu xanh nhạt, gân lá nổi rõ, có nhiều lông dày. Cuống lá dài khoảng 2 - 5mm.

Cụm hoa Táo rừng mọc ở kẽ lá. Hoa lưỡng tính, màu trắng vàng, có 5 cánh rộng, hơi ngắn hơn so với lá đài. Đài hoa có lông bao ở mặt ngoài, phân thành 5 thùy. Cuống hoa dài và cũng có nhiều lông mịn. Nhị 5, kích thước tương đương với cánh hoa; bầu 2 ô.

Quả táo rừng nhỏ, thuộc loại quả hạch, đài tồn tại, hình cầu hoặc hình trứng. Mỗi quả có khoảng 1 - 2 hạt cứng, màu đen và nhẵn bóng.

Mùa hoa thường vào tháng 5 - 9, mùa quả vào tháng 10 - 12.

táo rừng 2
Cụm hoa Táo rừng

Phân bố, thu hái, chế biến

Táo rừng sinh trưởng tự nhiên chủ yếu ở vùng nhiệt đới Châu Á như Australia, Ấn Độ, Thái Lan, Malaysia, Lào, Campuchia.

Ở Việt Nam, Táo rừng phân bố ở vùng núi thấp có độ cao dưới 500m và vùng trung du, chủ yếu là các tỉnh miền Trung và miền Bắc.

Cây chịu được khô hạn, thường mọc lẫn vào với các cây bụi khác ở những nơi có ánh sáng như đồi núi, bờ nương rẫy, rừng thưa, đôi khi cũng thấy cây ở các đảo và ven biển.

Thu hoạch: Người ta thường đào rễ về và rửa sạch đất cát, bóc lấy phần vỏ, thái thành các miếng nhỏ, sấy hoặc phơi khô. Lá, quả và hạt cũng có thể dùng tươi hoặc khô.

Bảo quản ở nơi khô ráo, thoáng mát, tránh nấm mốc và mối mọt.

Bộ phận sử dụng

Lá, quả, hạt, vỏ thân và vỏ rễ dùng tươi hoặc phơi sấy khô.

táo rừng 3
Quả Táo rừng

Thành phần hoá học

Trong vỏ thân và quả Táo rừng có chứa khoảng 12% tanin. Vỏ thân còn có cyclopeptide alkaloid.

Vỏ rễ có chứa 2 cyclopeptide alkaloid là zizyphin-A và zizyphin-B. Ngoài ra, trong vỏ rễ còn có polysaccharide, d-fructose, d-glucose, sucrose và acid betulinic.

Một số nghiên cứu về vỏ thân Táo rừng của loài ở Ấn Độ cho thấy trong cây có chứa cyclopeptide alkaloid gồm các zizyphin A – G, abyssinin A và B.

Theo Vũ Ngọc Lộ và Lê Đức Tường (1970), trong lá và rễ có những chất phản ứng dương tính với thuốc thử saponin, flavonoid và alkaloid.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Y học cổ truyền, quả Táo rừng có vị chua, tính bình; có tác dụng kiện tỳ, giúp dễ tiêu hóa và ăn ngon miệng.

Hạt táo được người dân Việt Nam dùng làm thuốc tiêu chảy, kiết lỵ, chữa ho, mất ngủ. Vò nát lá táo rồi uống chữa buồn nôn, nôn, chóng mặt.

Ngâm vỏ rễ của Táo rừng trong giấm từ 3 đến 7 ngày, sau đó đem đun trên lửa nhỏ đến khi cô lại thành dạng sệt dùng bôi ngoài để chữa bệnh hắc lào, ghẻ lở, lang ben rất hiệu quả.

Ở Ấn Độ, người ta sắc vỏ rễ Táo rừng để chữa vết thương. Quả Táo rừng là một thành phần trong bài thuốc chữa đau dạ dày.

Ở Campuchia, hạ sốt cho trẻ sơ sinh bằng cách nhai kỹ vỏ thân táo rồi phun khắp người.

Theo y học hiện đại

Chưa có thông tin về ứng dụng của Táo rừng trong Y học hiện đại.

Liều dùng & cách dùng

Thường dùng vỏ rễ hay vỏ thân ngâm rượu hoặc ngâm giấm để tăng tác dụng chữa bệnh.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị hắc lào

Giã nát vỏ rễ khô rồi ngâm với rượu 40% (tỷ lệ 3 rượu : 1 rễ), hoặc với giấm (tỷ lệ 2 dấm : 1 rễ) rồi bôi lên vùng da bị hắc lào đã rửa sạch và lau khô. Cũng có thể dùng thuốc này để chữa lang ben.

Trị lở ngứa

Nấu lá Táo rừng tươi, pha thêm nước lạnh rồi dùng để tắm. Ngày tắm 1 lần, liên tục trong khoảng 5 ngày.

Bồi bổ khí huyết, tăng cường sức khỏe

Ngâm quả Táo rừng chín với đảng sâm, đương quy, ba kích, xuyên khung, sinh địa và cốt toái bổ, mỗi vị khoảng 40 - 50g trong 2 lít rượu. Uống mỗi ngày 10 - 20ml.

Lưu ý

Hình dáng của Táo rừng và táo ta khá giống nhau nhưng lá và quả Táo rừng lại nhỏ hơn, quả ăn chua nhớt và có vị hơi chát. Vì vậy, những người mắc bệnh đường tiêu hoá như viêm loét dạ dày không nên sử dụng loại quả này.

Không nấu hoặc sắc nước rễ và lá vị thuốc này để uống vì chúng chứa nhiều độc tố nguy hiểm.

Người từng bị mẫn cảm với Táo rừng không nên tiếp tục sử dụng vị thuốc để tránh gặp phải phản ứng dị ứng gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe cũng như tính mạng.

Táo rừng là loài cây mọc hoang dại trên khắp Việt Nam. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên và đã được sử dụng từ lâu đời nhưng Táo rừng có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo

1. Sách “Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi)”

2. Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/tao-rung.html

3. Sách “Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - tập II"