Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cây Bông gạo còn được gọi là cây Bông gòn, cây Gạo hoặc cây Bông lụa. Loài thực vật không chỉ được trồng để làm cảnh và cho bóng mát mà còn được tận dụng để làm thuốc. Hạt, hoa, vỏ thân và rễ của hoa Gạo có tính mát, được sử dụng để trị bỏng, mụn nhọt ngoài da, trĩ xuất huyết, đau nhức xương khớp…
Tên Tiếng Việt: Cây Bông gạo.
Tên khác: Cây gạo; cây bông gòn; cây gòn; cây bông lụa; cây bông Java.
Tên khoa học: Ceiba pentandra (L.) Gaertn. – Bombax pentandrum L, thuộc họ Bombacaceae.
Cây Gạo có thể cao tới 15m hay hơn, cành mọc ngang với những gai hình nón, thân cũng có gai. Cành non dày, không gai. Lá rụng sớm, kép chân vịt với 5 đến 8 lá chét hình mác hay hình trứng, dài 9 - 15 cm, rộng 4 - 5 cm. Hoa đỏ, nhiều, mọc trên những cành nhỏ trước khi có lá non.
Quả nang hình thoi, dài 8 - 15 cm với 5 van cứng, mặt trong có nhiều sợi bông. Hạt hình trứng, xung quanh có lông dài, trắng, mịn. Cây trồng, mọc ở độ cao dưới 900m. Ra hoa tháng 1 – 3, có quả tháng 3 – 4.
Cây Gạo được trồng ở khắp các tỉnh miền Bắc nước ta nhất là hai bên đường, Sơn La vào các tỉnh phía Nam. Còn mọc ở Ấn Độ, Indonesia, Trung Quốc.
Người ta dùng vỏ, rễ và chất gôm của cây Gạo, thường dùng tươi. Vỏ cây bốc về cạo bỏ vỏ thô và gai, rửa sạch, thái nhỏ phơi hay sấy khô sắc uống hay giã nát dùng tươi. Hoa và hạt cũng được dùng.
Những bông Gạo là nguồn cung cấp mật hoa và phấn hoa quan trọng cho ong mật và dơi. Dơi là loài thụ phấn chính của những bông hoa nở về đêm.
Dầu Bông gạo có thể được ép từ hạt. Dầu có màu vàng, mùi và vị dễ chịu. Nó nhanh chóng bị ôi thiu khi tiếp xúc với không khí. Dầu Kapok được sản xuất ở Ấn Độ, Indonesia và Malaysia. Nó có giá trị iốt từ 85–100; điều này làm cho nó trở thành một loại dầu không sấy khô, có nghĩa là nó không bị khô đáng kể khi tiếp xúc với không khí. Dầu có một số tiềm năng làm nhiên liệu sinh học và trong pha chế sơn.
Vỏ, rễ, chất gôm cây Gạo. Lá non, hoa và hạt.
Trong vỏ cây Gạo có chất nhầy. Thân cây chứa gôm.
Trong hạt có 20-26% chất béo đặc (nhân chứa tới 35%) màu vàng. Trong dầu hạt có các acid oleic, palmitic, steric, acid béo rắn, acid béo lỏng, phytosterin, pentosan. Dầu này có màu vàng sáng hay màu lục, không mùi, có vị giống dầu lạc, nửa đặc.
Vỏ của cây Gạo có vị đắng, tính mát. Vỏ cây Gạo dùng chữa bệnh về đường tiết niệu, về thận, phổi, đau ngực, ho, lỵ, ỉa chảy, bệnh về khớp, sốt rét, phù toàn thân.
Hoa có vị chát đắng, hơi ngọt, tính mát. Hoa gạo chữa ỉa chảy, kiết lỵ.
Rễ có vị đắng, tính mát. Rễ chữa bọ cạp cắn, đái đường, sốt vát, lỵ.
Chất gôm cây Gạo chữa lậu, thông tiểu, cho mát. Quả chưa chín làm da săn, làm thuốc nhầy dịu.
Nước sắc từ vỏ cây Bông gạo đã được sử dụng như một loại thuốc lợi tiểu, như một loại thuốc kích thích tình dục, điều trị đau đầu, cũng như trị bệnh tiểu đường loại II. Nó được sử dụng như một chất phụ gia trong một số loại thức uống ảo giác Ayahuasca.
Không tìm thấy thông tin.
Vỏ Gạo thường được dùng bó gãy xương, vỏ tươi giã nát bó vào nơi gãy, sao vàng sắc đặc để uống làm thuốc cầm máu, chữa lậu, thông tiểu. Mỗi ngày uống 15 - 20g. Có thể sắc và ngậm chữa đau răng.
Do chất nhầy trong vỏ, vỏ Gạo còn được dùng để loại bỏ tạp chất khi chế tinh bột, vì chất nhầy có tác dụng quện những tạp chất của tinh bột.
Hoa Gạo sao vàng sắc uống chữa ỉa chảy, kiết lỵ. Ngày uống 20-30g.
Lá non làm thuốc lợi sữa. Lá giã nấu nước gội đầu. Ngoài ra các chồi non và lá Bông gạo còn dùng làm thuốc gây nôn và giải độc rượu.
Hạt còn dùng ép lấy dầu. Khô dầu (bã hạt sau khi ép lấy dầu) được dùng cho súc vật ăn để ra sữa.
Chất gôm cây gạo được dùng uống chữa lậu, thông tiểu, cho mát. Ngày uống 4 - 10g.
Rễ Bông gòn dùng trị bò cạp đốt, cũng dùng sắc uống trị sốt rét, lỵ mạn tính, ỉa chảy, cổ trướng và phù toàn thân. Dịch rễ dùng trị đái đường.
Bài thuốc trị chứng kiết lỵ, tiêu chảy
Chuẩn bị: Hoa gạo 20 – 30g.
Thực hiện: Sao vàng, sắc uống mỗi ngày dùng 1 thang.
Bài thuốc giúp thông tiện, làm mát người, thích hợp với người mắc bệnh lậu
Chuẩn bị: Nhựa cây Gạo 4 – 10g.
Thực hiện: Sắc uống.
Bài thuốc trị mụn nhọt sưng tấy
Chuẩn bị: Hoa gạo tươi.
Thực hiện: Rửa sạch, để ráo nước và giã nát, sau đó đắp vào vùng da cần điều trị. Thực hiện từ 1 – 2 lần/ ngày cho đến khi da lành hẳn.
Bài thuốc trị đau nhức chân răng
Chuẩn bị: Vỏ thân cây Bông gòn 15 – 20g.
Thực hiện: Sắc lấy nước, sau đó ngậm và nhổ ra.
Bài thuốc chữa đau gối và đau lưng mãn tính
Chuẩn bị: Rễ gạo 60g.
Thực hiện: Đem rửa sạch dược liệu, sau đó sắc với 500ml nước còn lại 250ml. Mỗi lần dùng 125ml, ngày dùng 2 lần liên tục trong vòng 10 ngày.
Không tìm thấy thông tin.
Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam - Đỗ Tất lợi.
Tracuuduoclieu.vn: https://tracuuduoclieu.vn/ceiba-pentandra-l-gaertn.html
Từ điển cây thuốc Việt Nam – Võ Văn Chi.