Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Bụp giấm

Cây Bụp giấm: Thảo dược quý chứa nhiều vitamin C

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Cây Bụp giấm hay còn gọi là Giấm, Đay Nhật, có tên khoa học là Hibiscus sabdariffa L. Đài hoa Bụp giấm có tác dụng chống co thắt cơ trơn, đặc biệt là cơ trơn tử cung, hạ huyết áp và có tính kháng khuẩn. Kinh nghiệm từ xa xưa người dân đã dùng đài hoa Bụp giấm để trị hoa và viêm họng.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Bụp giấm, Cây giấm, Đay nhật.

Tên khác: Atiso đỏ; Bụt giấm; cây Rau chua; Bụt chua; Bụp chua; Lá giấm; Giền cá; Giền chua; hoa Vô thường; Lạc thần hoa.

Tên khoa học: Hibiscus sabdariffa L. Họ: Bông (Malvaceae).

Đặc điểm tự nhiên

Bụp giấm là cây 1 năm, có chiều cao khoảng 1,5 – 2m, phân nhánh chủ yếu gần gốc. Thân cây có màu tím nhạt đến tím đậm.

Lá Bụp giấm có hình trứng, mép lá có răng cưa. Gân lá màu tím đỏ, phiến lá màu xanh.

Hoa có tràng màu vàng, hồng hoặc màu tía, mọc ở nách, cuống rất ngắn.

Quả nang, hình trứng, có lông thô, mang đài màu đỏ sáng tồn tại, bao quanh quả.

Ra hoa từ tháng 7 đến tháng 10.

hoa Bụp giấm
Hình ảnh nụ hoa Bụp giấm

Phân bố, thu hái, chế biến

Bụp giấm có xuất xứ từ Tây Phi. Lúc đầu, người ta thu hoạch Bụp giấm để làm thực phẩm (rau có vị chua), sau này được dùng nhiều trong chữa bệnh.

Có thể dùng tươi hoặc phơi sấy khô để dùng dần.

hoa Bụp giấm khô
Hoa Bụp giấm khô

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng chủ yếu của Bụp giấm là lá, hạt, đài hoa.

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học chính của Bụp giấm là:

  • Chiếm phần lớn là vitamin C, ngoài ra còn có các acid như acid citric, acid malic, acid tartaric và acid hibiscus.

  • Gossypetin và clorid hibiscin.

  • Flavonol glucosid hibiscitrin; hibiscetin; gossypitrin và sabdaritrin.

  • Oxalat Ca, gossypetin, anthocyanin.

  • Dầu, protein, chất xơ, chất khoáng, vitamin.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Bụp giấm (lá, đài hoa, quả) chứa nhiều acid hữu cơ có tác dụng lợi tiểu, lợi gan mật, bổ máu, hạ huyết áp và kích thích tiêu hóa, nhuận tràng, điều trị scorbut và kháng viêm, kháng khuẩn.

Ngoài ra, đài hoa Bụp giấm còn có tác dụng chống co thắt cơ trơn, giãn cơ trơn tử cung, trị ho, viêm họng.

Theo y học hiện đại

Dùng làm thực phẩm

Lá Bụp giấm có vị chua, dùng làm thực phẩm (nấu canh chua).

Đài hoa cũng có vị chua làm gia vị thay giấm, nước giải khát, siro, làm mứt.

Bụp giấm làm nước giải khát
Bụp giấm còn được dùng làm nước giải khát

Trị bệnh Scorbut

Lá, đài hoa và quả Bụp giấm dùng trị bệnh scorbut.

Bổ mắt, tim, thần kinh, tăng huyết áp, xơ cứng động mạch

Nước sắc hay hãm Bụp giấm uống giúp hỗ trợ tiêu hóa và bổ mắt, bệnh tim, thần kinh, huyết áp cao, xơ cứng động mạch.

Nghiên cứu từ Rovesti và Griebel kết luận Bụp giấm có tác dụng chữa xơ vữa động mạch và tính kháng khuẩn đường ruột.

Phòng ngừa ung thư

Nghiên cứu của Malaysia cho kết quả nước ép từ Bụp giấm tươi có tác dụng bổ dưỡng và phòng ngừa bệnh ung thư.

Nghiên cứu trên động vật thí nghiệm (không gây mê) cho thấy có tác dụng hạ huyết áp và làm chậm sự phát triển của khối u sarcoma 180 cấy ghép trên chuột.

Kháng khuẩn

Dầu ép từ hạt Bụp giấm tác dụng kháng khuẩn trên một số chủng vi khuẩn như Escherichia coli, Salmonella typhi, Bacillus subtilis, Corynebacterium pyogenes, Staphylococcus aureus… và có tác dụng kháng nấm trên một vài loài nấm: Aspergillus, Trichophyton, Cryptococcus

Kích thích tiêu hóa và lợi gan mật

Ở Thái Lan, Bụp giấm phơi khô và dùng để sắc uống giúp lợi tiểu hiệu quả và chữa sỏi thận. Lá và cành dùng để chữa ho, hạt dùng tốt cho dạ dày, bảo vệ dạ dày.

Ở Myanmar, hạt Bụp giấm được dùng để phục hồi sức khỏe khi bị suy nhược.

Ở Đài Loan, hạt Bụp giấm dùng để nhuận tràng nhẹ và thông tiểu.

Ở Philippin, rễ Bụp giấm được xem là thuốc bổ, hỗ trợ tiêu hoá tốt hơn.

Liều dùng & cách dùng

Chưa có quy định liều lượng cụ thể nhưng không dùng quá 2g/ngày để tránh độc tính.

Có thể dùng dạng tươi (trong chế biến thức ăn, nước giải khát), hoặc phơi khô và hãm như trà để uống. Bụp giấm còn dùng để sản xuất rượu vang.

Bài thuốc kinh nghiệm

Hạ huyết áp, nhuận tràng, giải độc gan, thanh nhiệt và hạ cholesterol

Chuẩn bị: Hoa Bụp giấm phơi khô 30 g, nước 700 ml.

Thực hiện: Hoa Bụp giấm khô rửa sạch, hãm với 700ml nước sôi. Uống như trà (có thể thêm đường cho dễ uống).

Nhuận tràng, kích thích tiêu hóa và lợi gan mật

Chuẩn bị: Hoa Bụp giấm khô 600g, Rượu 40 độ 3l, Mật ong 150ml.

Thực hiện: Sơ chế hoa Bụp giấm, loại bỏ bụi bẩn và phần bị hư. Ngâm Bụp giấm với rượu và mật ong trong 10 ngày. Mỗi ngày trước bữa ăn, dùng 1 – 2 ly nhỏ để kích thích tiêu hóa.

Giảm ho

Chuẩn bị: Hoa Bụp giấm tươi, đường.

Thực hiện: Hoa Bụp giấm rửa sạch, để ráo và cho vào 1 chiếc bình sạch. Cứ 1 lớp Bụp giấm thì thêm 1 lớp đường. Ngâm trong 15 ngày. Mỗi ngày dùng khoảng 30ml.

Lưu ý

Bụp giấm tốt cho sức khỏe nhưng nếu dùng quá 2g/ngày thì khả năng gây độc tính.

Hoạt chất anthocyanin kém bền trong khi nấu ở nhiệt độ quá cao nên cần lưu ý khi chế biến.

Thận trọng đối với phụ nữ mang thai và cho con bú vì chưa có tài liệu chứng minh về độ an toàn của Bụp giấm.

Bụp giấm làm giảm nồng độ của diclofenac và acetaminophen, gây giảm tác dụng điều trị. Vì vậy nếu phối hợp Bụp giấm với các thuốc này cần lưu ý về liều lượng.

Nguồn tham khảo