Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Viêm họng: Nguyên nhân, cách điều trị và phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Viêm họng là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp phổ biến thường gặp gây đau cổ họng. Bệnh gây ra cảm giác khó chịu và đau rát ở cổ họng, khiến cơ thể mệt mỏi. Việc nắm được những thông tin như nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị viêm họng sẽ giúp người bệnh chủ động hơn khi gặp phải. Vậy đâu là nguyên nhân gây ra tình trạng này và làm thế nào để điều trị viêm họng hiệu quả? Bạn có thể tham khảo bài viết sau đây.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Viêm họng là gì? 

Viêm họng là tình trạng lớp niêm mạc cổ họng bị viêm nhiễm và tổn thương do sự tác động của các yếu tố khác nhau như vi khuẩn, virus, hóa chất độc hại… dẫn đến cổ họng bị đau rát. Người bệnh sẽ cảm thấy đau rát ở cổ họng, đặc biệt là khi nuốt. Các triệu chứng bệnh lý có thể khởi phát riêng biệt nhưng cũng có thể đi kèm với một số bệnh lý khác như bạch hầu, ho gà, sốt phát ban, viêm amidan,…

Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau một tuần, mà không để lại biến chứng gì. Tuy nhiên một số trường hợp bệnh có thể trở nặng nếu không được điều trị kịp thời.

Viêm họng có thể là dấu hiệu của COVID-19. Vì vậy bạn cần phải kiểm tra thêm các triệu chứng khác để chẩn đoán chính xác rằng bạn có bị Covid-19 không.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của viêm họng

Các triệu chứng viêm họng có thể khác nhau tùy thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Bên cạnh đó các biểu hiện của viêm họng có sự khác biệt rõ rệt giữa giai đoạn cấp và mãn tính.

Triệu chứng của viêm họng cấp tính

Viêm họng cấp thường khởi phát đột ngột và có các triệu chứng điển hình khá cao. Một số biểu hiện thường gặp, bao gồm:

  • Sốt cao từ 39 – 40 độ C, ăn uống kém, đau nhức và ớn lạnh cơ thể;
  • Ho khan;
  • Cảm giác cổ họng bị khô nóng, sau đó thì chuyển sang đau rát và đau nhói, nhất là khi nuốt hoặc ho;
  • Khàn giọng;
  • Chảy nước mũi, ngạt tắc mũi;
  • Khi quan sát niêm mạc họng sẽ nhận thấy cổ họng có màu đỏ, xung huyết và phù nề;
  • Một số trường hợp có thể gây sưng amidan, bề mặt của amidan xuất hiện dịch nhầy có màu trong suốt hoặc phủ bựa trắng;
  • Sung hạch cổ kèm biểu hiện đau nhức;
  • Hạch cổ bị sưng kèm theo biểu hiện đau nhức;
  • Nếu viêm họng do vi khuẩn, bệnh có thể gây đau đầu nhiều, thể trạng mệt mỏi và suy giảm rõ rệt;

Triệu chứng của viêm họng mãn tính

Các biểu hiện bệnh viêm họng mãn tính thường khởi phát chậm nhưng có xu hướng kéo dài dai dẳng. Ở giai đoạn này, các triệu chứng cơ năng thường có mức độ nhẹ và mờ nhạt. Tuy nhiên, biểu hiện thực thể của viêm họng mãn tính khá điển hình và khác biệt rõ rệt ở từng thể riêng biệt.

Các triệu chứng thường gặp của bệnh viêm họng mãn tính:

  • Cổ họng bị đau, nóng rát hoặc cảm giác khó chịu.
  • Có cảm giác vướng cổ họng nhất là sau khi ngủ dậy.
  • Người bệnh có thói quen đằng hắng, khạc nhổ để loại bỏ dịch đờm (dịch đờm đặc và dẻo).
  • Khó nuốt, cảm giác bị nghẹn mỗi khi nuốt đồ ăn.
  • Ho nhiều mỗi khi thời tiết chuyển lạnh hoặc vào ban đêm.
  • Thỉnh thoảng bị khàn giọng.
  • Thành họng dày, đỏ có các hạt màu đỏ hoặc hồng và bị nổi cộm nhiều hơn so với vùng niêm mạc ở xung quanh.
  • Tình trạng quá phát lâu dần có thể chuyển sang thể viêm họng teo. Thể bệnh này đặc trưng bởi tình trạng niêm mạc họng có màu trắng bệch, nhiều mạch máu nhỏ nhẵn mỏng, eo họng rộng, sau khi dịch nhầy khô sẽ thành vảy và dính vào niêm mạc.

Nhiễm trùng gây đau họng có thể dẫn đến các dấu hiệu và triệu chứng khác, bao gồm: Sốt, ho, nghẹt mũi, ớn lạnh, nhức mỏi cơ thể, đau đầu, buồn nôn hoặc nôn mửa.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh viêm họng

Nếu không được chữa trị kịp thời, tình trạng này có thể dẫn đến nhiều hệ lụy nghiêm trọng. Nếu viêm họng xảy ra là do hoạt động của vi khuẩn, bệnh sẽ gây ra những biến chứng như:

  • Viêm phế quản;
  • Viêm mũi;
  • Viêm tai;
  • Viêm tấy xung quanh amidan;
  • Viêm cầu thận;
  • Viêm hạch mủ;
  • Nhiễm trùng huyết;
  • Viêm xoang;
  • Viêm thanh quản.

Đối với giai đoạn mãn tính, bệnh lý có thể gây ra các biến chứng như:

  • Viêm amidan cấp tính;
  • Viêm thanh quản mãn tính;
  • Áp xe amidan;
  • Viêm phế quản mãn tính;
  • Suy nhược thần kinh;
  • Suy nhược cơ thể.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Thông thường viêm họng sẽ hết sau vài ngày chữa trị tại nhà. Tuy nhiên sau một vài ngày mà bạn vẫn cảm thấy đau họng, thậm chí là xuất hiện các triệu chứng dưới đây chứng tỏ bệnh đã tiến triển nặng hơn:

  • Đau họng dữ dội và dai dẳng không khỏi;
  • Sốt cao;
  • Khó thở, cứng cổ hoặc chảy nước dãi không cầm được;
  • Có máu trong dịch đờm hoặc trong nước bọt;
  • Bệnh kéo dài trên một tuần;
  • Có khối u ở cổ.

Lúc này, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến viêm họng

Nguyên nhân của viêm họng rất đa dạng từ nhiễm trùng đến chấn thương. Việc tìm hiểu những nguyên nhân gây bệnh là yếu tố vô cùng quan trọng để giúp chúng ta có thể chủ động hơn khi muốn chủ động phòng ngừa và điều trị bệnh.

Cảm lạnh, cúm và các bệnh nhiễm virus khác

Virus gây ra khoảng 90% trường hợp bệnh. Trong số các loại virus gây viêm họng là:

  • Cảm lạnh thông thường;
  • Bệnh cúm - cảm cúm;
  • Tăng bạch cầu đơn nhân - một bệnh truyền nhiễm lây truyền qua nước bọt;
  • Bệnh sởi - một căn bệnh gây phát ban và sốt;
  • Bệnh thủy đậu - một bệnh nhiễm trùng gây sốt và phát ban ngứa, sần sùi.

Viêm họng và các bệnh nhiễm trùng do vi khuẩn

Nhiễm trùng do vi khuẩn cũng có thể gây ra viêm họng. Phổ biến nhất là liên cầu khuẩn, nhiễm trùng họng và amidan do vi khuẩn Streptococcus nhóm A gây ra.

Dị ứng

Dị ứng cũng là một trong số những tác nhân gây ra viêm họng. Khi bị dị ứng, bệnh nhân không những bị viêm họng mà còn làm khởi phát những bệnh lý về đường hô hấp khác như viêm xoang dị ứng, viêm mũi dị ứng, viêm mũi họng, viêm kết mạc dị ứng… 

Một số tác nhân gây dị ứng có thể kể đến

  • Dị ứng thời tiết;
  • Dị ứng phấn hoa;
  • Dị ứng thức.

Khói thuốc, hóa chất và các chất gây kích ứng khác

  • Thuốc lá và khói thuốc lá khác;
  • Ô nhiễm không khí;
  • Sản phẩm tẩy rửa và các hóa chất khác.

Không khí khô

Không khí khô làm cho miệng và cổ họng của bạn có cảm giác khô và ngứa, thường xảy ra vào mùa đông.

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD)

Bệnh trào ngược dạ dày thực quản (GERD) là tình trạng acid từ dạ dày trào ngược lên thực quản - ống dẫn thức ăn từ miệng xuống dạ dày.

Acid làm thực quản và cổ họng của bạn nóng lên, gây ra các triệu chứng như ợ chua và trào ngược acid - trào ngược acid vào cổ họng của bạn.

Khối u

Khối u ở cổ họng là nguyên nhân ít phổ biến hơn gây đau họng. Khi đau họng là dấu hiệu của ung thư, nó sẽ không biến mất sau một vài ngày.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải viêm họng?

  • Trẻ nhỏ dưới 7 tuổi;
  • Người mắc những bệnh lý liên quan đến hệ hô hấp mãn tính;
  • Người bị suy giảm hệ miễn dịch;
  • Người sống trong môi trường bị ô nhiễm;
  • Người có cơ địa dễ bị dị ứng;
  • Người luôn phải giao tiếp nhiều.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc viêm họng

Các yếu tố làm tăng nguy cơ viêm họng: 

  • Thời tiết thay đổi, không giữ ấm cơ thể.
  • Sống trong môi trường bị ô nhiễm.
  • Hít phải khí độc, hóa chất hay uống rượu, sử dụng thuốc lá trong một khoảng thời gian dài.
  • Tiếp xúc thường xuyên với môi trường ô nhiễm.
  • Bị các bệnh khác: Điển hình như polyp mũi, trào ngược dạ dày, thực quản, dị hình vách ngăn, suy gan, tiểu đường, viêm xoang sau...

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán viêm họng

Nếu bạn gặp phải triệu chứng viêm họng, bác sĩ sẽ kiểm tra cổ họng và tìm xem có các mảng trắng hay xám, sưng và đỏ không. Để kiểm tra sưng hạch bạch huyết, bác sĩ sẽ chạm vào hai bên cổ, dưới dái tai.

Ngoài ra bác sĩ sẽ yêu cầu bạn thực hiện một số xét nghiệm sau tùy vào tình trạng bệnh:

  • Nuôi cấy mẫu mô: Nếu nghi ngờ bạn bị viêm họng liên cầu khuẩn, bác sĩ có thể chỉ định tiến hành quết mẫu dịch tiết từ cổ họng.
  • Xét nghiệm máu: Nếu bác sĩ nghi ngờ một nguyên nhân khác gây ra viêm họng, bạn có thể cần làm xét nghiệm máu, thường để xác định bệnh bạch cầu đơn nhân.

Kết quả xét nghiệm, chẩn đoán là cơ sở để bác sĩ tìm ra nguyên nhân gây bệnh, từ đó hướng dẫn, chỉ định điều trị hợp lý, tốt nhất cho người bệnh.

Phương pháp điều trị viêm họng hiệu quả

Điều trị viêm họng sẽ phụ thuộc vào giai đoạn phát triển và nguyên nhân gây bệnh khởi. Ngoài ra, tùy vào khả năng đáp ứng và triệu chứng cụ thể ở từng trường hợp mà bác sĩ chuyên khoa sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp.

Điều trị viêm họng cấp tính

Với trường hợp bị viêm họng cấp tính, cần kết hợp việc dùng thuốc và các biện pháp chăm sóc tại nhà như nghỉ ngơi, giữ ấm cơ thể, bổ sung các vitamin khoáng chất…

Các loại thuốc thường được dùng trong điều trị viêm họng cấp, bao gồm:

  • Thuốc hạ sốt và giảm đau: Các loại thuốc có tác dụng giảm đau, hạ sốt như Paracetamol, Ibuprofen,… thường được chỉ định trong điều trị viêm họng cấp. Nhóm thuốc này có công dụng giảm nhức mỏi, đau họng, hạ thân nhiệt, đau đầu,…
  • Nước muối sinh lý: Súc miệng bằng nước muối sinh lý đều đặn mỗi ngày sẽ giúp làm dịu niêm mạc họng, giảm đau rát, sưng viêm do bệnh lý gây ra. Ngoài ra, nước muối còn giúp loại bỏ vi khuẩn thường trú trong khoang miệng và đờm ứ.
  • Thuốc chứa corticoid: Corticoid thường được dùng ở dạng khí dung dùng xịt trực tiếp lên niêm mạc cổ họng để cải thiện tình trạng viêm và một số triệu chứng đi kèm như nghẹn vướng khi nuốt, nóng rát, khó chịu,… Tuy nhiên, corticoid có thể gây ra một số tác dụng phụ không mong muốn trong quá trình sử dụng nên chỉ được sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa.
  • Kháng sinh: Bác sĩ chuyên khoa có thể chỉ định sử dụng một số loại thuốc kháng sinh như Amikacin, Gentamicin, Cephalothin trong trường hợp bệnh viêm họng khởi phát do nhiễm trùng. Kháng sinh được chỉ định ít nhất 3 ngày sau khi các triệu chứng bệnh lý thuyên giảm hoàn toàn nhằm ngăn ngừa tình trạng kháng thuốc và tái nhiễm.
  • Một số loại thuốc khác: Dựa vào từng trường hợp cụ thể, bác sĩ có thể chỉ định một số loại thuốc khác như thuốc long đờm, thuốc kháng histamin H1, thuốc thông mũi, thuốc trị ho,…

Khi được điều trị, chăm sóc và nghỉ ngơi hợp lý thì hầu hết những trường hợp bị viêm họng cấp tính đều đáp ứng tốt và kiểm soát tốt các triệu chứng. 

Điều trị viêm họng mãn tính

Việc điều trị bệnh viêm họng mãn tính phức tạp hơn so với viêm họng cấp. Để quá trình đạt được kết quả điều trị tốt, cần kết hợp điều trị triệu nguyên nhân với điều trị triệu chứng.

Điều trị nguyên nhân

  • Nếu viêm họng khởi phát do bệnh trào ngược dạ dày thực quản cần phải tích cực điều trị và kết hợp với chế độ dinh dưỡng khoa học, lành mạnh.
  • Giải quyết triệt để các ổ viêm trong cơ quan hô hấp như viêm mũi, viêm amidan, viêm xoang sau,…
  • Nếu có dị tật cấu trúc hoặc polyp mũi, người bệnh cần can thiệp phẫu thuật nhằm đảm bảo quá trình lưu thông của các cơ quan hô hấp.
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất gây dị ứng như phấn hoa, bụi bẩn, không khí ô nhiễm và nấm mốc.
  • Thay đổi những thói quen xấu làm tăng nguy cơ mắc bệnh như hút thuốc lá, uống rượu bia,...

Điều trị triệu chứng

  • Dùng thuốc SMC: SMC là loại thuốc bôi có chứa Menthol và Salicylat Na, thuốc có tác dụng giảm viêm, làm mát, cải thiện đau rát ở cổ họng. Thuốc được sử dụng bằng cách thoa trực tiếp hoặc chấm lên vùng viêm mạc hầu họng.
  • Dung dịch kiềm BBM: Súc miệng với dung dịch kiềm làm dịu cổ họng, giảm viêm và ức chế vi khuẩn hiệu quả.
  • Khí dung corticoid + kháng sinh: Trong trường hợp viêm họng mãn tính bác sĩ có thể chỉ định khí dung corticoid + kháng sinh trong điều trị viêm họng mãn tính. Thuốc được dùng xịt trực tiếp vào cổ họng để giảm viêm, ngăn ngừa bội nhiễm. Tuy nhiên, lạm dụng thuốc có thể gây khô họng và gây một số biến chứng nặng nề.
  • Mỡ thủy ngân 1%: Trong trường hợp bệnh nhân bị viêm họng teo, bác sĩ sẽ chỉ định sử dụng loại thuốc này. Nếu không đáp ứng, có thể thay thế bằng thuốc bôi Glycerin Iod 0.5%.
  • Can thiệp thủ thuật xâm lấn: Trong trường hợp viêm họng quá phát , bác sĩ có thể chỉ định đốt điện, đốt nóng, dùng nito lỏng hoặc laser để loại bỏ hạt lympho ở thành họng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của Viêm họng

Chế độ dinh dưỡng:

  • Khi bị viêm họng bần cần ăn những loại thức ăn mềm, dễ nuốt, bổ sung rau xanh, trái cây giàu vitamin C, A, E như bơ, cam, xoài, rau ngót, bắp cải…
  • Hạn chế uống rượu bia, thuốc lá, đồ lạnh, nước uống có ga, đồ ăn cay nóng, cứng và khó nuốt, thức ăn có tính kích ứng họng…

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị.
  • Sử dụng nước muối sinh lý để rửa mũi, súc miệng.
  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.
  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.
  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

Phương pháp phòng ngừa Viêm họng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Hạn chế tiếp xúc bụi bẩn, khí thải, vi khuẩn, khói thuốc lá…
  • Hạn chế tiếp xúc với các chất dễ gây kích ứng họng. 
  • Không hút thuốc lá, uống rượu.
  • Thường xuyên vệ sinh tai mũi họng sạch sẽ.
  • Khi trời lạnh cần phải giữ ấm cơ thể.
  • Rửa tay kỹ và thường xuyên, đặc biệt là sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn và sau khi hắt hơi hoặc ho.
  • Tránh dùng chung thức ăn, ly uống nước hoặc dụng cụ.
  • Tránh tiếp xúc gần với những người bị bệnh.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/sore-throat#antibiotics

  2. https://www.medicinenet.com/sore_throat_pharyngitis/article.htm

Các bệnh liên quan

  1. Viêm tai ngoài ác tính

  2. Polyp mũi

  3. Viêm thanh quản

  4. Ung thư hầu họng

  5. Viêm mũi dị ứng

  6. Viêm tuyến nước bọt

  7. Nấm tai

  8. Sưng môi

  9. Hắt hơi

  10. Tật tai nhỏ