Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Cam đắng (hoa và quả): Loài thực vật có tác dụng giảm cân và nhiều ứng dụng trong y học

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Cam đắng là tên một loài thực vật thuộc chi Cam chanh là loài lai giữa bưởi và quýt hồng. Cam đắng ứng dụng trong đời sống hằng ngày dùng để lấy tinh dầu làm hương liệu trong mỹ phẩm và gia vị trong thực phẩm. Trong y học, cam đắng được sử dụng như một chất kích thích và chặn cơn thèm ăn giúp giảm cân cho người béo phì.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Cam đắng hay còn gọi là Cam chua, cam Seville, cam bigarade hay cam mứt, toan đăng. Cam đắng là tên một loài thực vật thuộc chi Cam chanh có tên khoa học là Citrus aurantium, thuộc họ Rutaceae.

Quả dùng làm dược liệu gồm 2 loại là chỉ thực (Fructus Aurantii immaturus) và chỉ xác (Fructus Aurantii).

Đặc điểm tự nhiên

Cây cam đắng sinh trưởng ở vùng khí hậu cận nhiệt đới, cận nhiệt đới và có thể dễ dàng chịu được các điều kiện bất lợi. Nó phù hợp với nhiều điều kiện thổ nhưỡng và tồn tại trong những điều kiện khắc nghiệt. Chiều cao của cây cam đắng từ 2 đến 9 m và có ngọn nhỏ gọn hơn so với cam ngọt. Nó có vỏ nhẵn, màu nâu, cành cây màu xanh lục, có góc cạnh và linh hoạt.

Cây ra lá quanh năm. Những bông hoa có mùi thơm cao, đơn lẻ hoặc trong các cụm nhỏ trong ở nách lá và  rộng khoảng 3,7 cm. Quả hình tròn, hình bầu dục thuôn hoặc hình bầu dục thuôn,  rộng 7 - 8 cm, bề mặt nhám, vỏ dày, có vị đắng thơm, khi trưởng thành sẽ chuyển sang màu đỏ cam tươi. Vỏ của trái cây có một số lượng lớn các tuyến dầu nhỏ, trũng xuống. Phần giữa của quả trở nên rỗng khi quả đã phát triển hết. Mùa hoa quả từ tháng 3 đến tháng 10.

Cây gỗ cao 4 - 5 m hay hơn, phân nhánh nhiều, cành có gai dài và nhọn. Lá hình trái xoan nhọn, nguyên, dai bóng, dài 5 - 10cm, rộng 2,5 - 5 cm, có đốt trên cuống, nở thành một cánh rộng hay hẹp tùy theo thứ. Hoa màu trắng, hợp thành xim ở nách lá. Quả hình cầu, đường kính từ 6 - 8cm, khi chín màu da cam, mặt ngoài xù xì.

Cam đắng
Cam đắng hay còn gọi là Cam chua

Phân bố, thu hái, chế biến

Cam đắng là loại thực vật có xuất xứ từ vùng Đông Nam Á. Người dân ở các đảo Nam Hải như Guam, Samoa và Fiji tin rằng loài cây này đã được đưa đến trồng trên diện tích của họ vào thời tiền sử. Loại cây này hiện được trồng rộng rãi khắp vùng Địa Trung Hải, Guinea, Tây Ấn, Brazil cũng như California và Florida.

Cam đắng thường được dùng để lấy tinh dầu được ứng dụng làm hương liệu trong mỹ phẩm hoặc dung môi để pha hóa chất. Giống cam Seville được sử dụng trong sản xuất mứt cam và cũng được sử dụng để làm bigarade của Pháp.

 Các loại dầu quan trọng nhất thu được từ cây cam đắng là:

  • EO ép lạnh: Được chế biến từ vỏ của trái cây. Nó là một chất lỏng màu nâu vàng, có mùi hoa tươi. Bởi vì phương pháp chiết xuất ép lạnh được sử dụng để điều chế dầu này, limonene (lên đến 90%) là thành phần chính cùng với β-myrcene và α-pinene.
  • Dầu petitgrain bigarade: Được chế biến bằng cách chưng cất hơi nước của lá và cành từ việc cắt tỉa cây được thu hái vào các thời điểm khác nhau trong năm. Nó có màu vàng nhạt với mùi gỗ và nó chủ yếu bao gồm các este linalyl axetat (45%), geranyl axetat (3%), cùng với linalool (28%), và geraniol, v.v.
  • Dầu Neroli: Được điều chế từ quá trình chưng cất hơi nước hoặc chưng cất hoa. Nó có màu vàng nhạt với mùi hoa đắng nhẹ. Linalool, linalyl axetat và limonene là những thành phần chính.

Quả:

  • Chỉ thực (Fructus Aurantii immaturus) là những quả cam non hoặc những quả đã rụng dưới gốc cây, phơi hoặc sấy khô dưới ánh nắng vừa phải.
  • Chỉ xác (Fructus Aurantii) là quả được hái khi gần chín, cắt đôi rồi đem phơi nắng hoặc sấy khô.
Cam dang 1
Quả cam đắng thường được dùng để lấy tinh dầu

Thành phần hoá học

Cam đắng (hoa):

  • Hoa cam đắng chứa synephrine.
  • Dầu Neroli chiết xuất từ hoa cam đắng có chứa các thành phần chính là  linalool, linalyl axetat và limonene.

Cam đắng (quả):

  • Chỉ thực có chứa flavonoid (Hesperidin, nobiletin, neohesperidin, auranetin, narigin, aurantia marin,), limonin, alkaloid (synephrine) và tinh dầu.
  • Chỉ xác có chứa tinh dầu (linalyl acetate, geranyl acetate, nerolyl acetate), các flavonoid (Hesperidin, neohesperidin…).
  • Vỏ quả chín có chứa tinh dầu (90% limonen), coumarin, hesperidin (3 – 6%) và pectin.
  • Dịch quả có acid hữu cơ và các vitamin.
  • Hạt có limonin, vỏ hạt có pectin.
Cam dang 2
Cam đắng có chứa nhiều vitamin

 

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Cam đắng (hoa):

Trong y học cổ truyền Ba Tư, hoa của cam đắng được sử dụng làm chất bảo vệ thần kinh và chống trầm cảm.

Ở Pháp, hoa cam đắng dùng chữa trạng thái thần kinh dễ bị kích thích, đánh trống ngực, mất ngủ, động kinh, đau nửa đầu, ho do thần kinh.

Hoa dùng cất nước hoa, chữa bệnh co thắt và làm thơm thuốc.  Chất chiết xuất từ ​​nước của hoa được sử dụng để điều trị bệnh còi, sốt, viêm và các trường hợp thần kinh và kích động.

Cam đắng (quả):

Quả cam có vị ngọt, chua, tính mát, có tác dụng giải khát, mát phổi, sinh tân dịch, thanh nhiệt, giải đờm, lợi tiểu.

Chỉ thực, chỉ xác có tác dụng trợ tiêu hóa, ăn không tiêu, đầy hơi, ứ trệ, chữa ho, trừ đờm, làm ra mồ hôi, lợi tiểu.

Theo y học hiện đại

Cam đắng (hoa):

Tác dụng giảm cân:

Hoa cam đắng chứa chất synephrin có tác dụng giúp giảm cân. Synephrin thúc đẩy tăng tiêu thụ năng lượng và giảm lượng thức ăn tiêu thụ. Quá trình này giúp tiêu hủy mỡ thừa tích tụ trong cơ thể, giảm cảm giác ngon miệng, giúp giảm cân.

Tác dụng lên mạch máu và nhịp tim:

Cam đắng chứa các chất chuyển hóa tyramine N-methyltyramine, octopamine và synephrine, các chất tương tự như epinephrine, hoạt động trên thụ thể α1 adrenergic để co mạch máu, tăng huyết áp và nhịp tim.

Cam đắng (quả):

Ảnh hưởng đến tử cung và ruột cô lập:

  • Trong tử cung cô lập của chuột mang thai hoặc không mang thai: Chỉ xác và chỉ thực sự ức chế sự co bóp, nhưng cũng có trường hợp không có tác dụng.

  • Trên tử cung cô lập của thỏ mang thai hoặc không mang thai: Tác dụng không ổn định, đôi khi ức chế, đôi khi kích thích, đôi khi không hiệu quả.

  • Trong ruột chuột cô lập, thuốc có tác dụng ức chế chính (khoảng 70%).

  • Các chất chiết xuất như thuốc sắc, cồn chiết hay các chế phẩm dạng lỏng đều có tác dụng tương tự.

  • Epinephrine cũng có tác dụng ức chế nhưng thời gian tác dụng ngắn, chỉ thực và chỉ xác thì tác dụng trong thời gian dài.

Tác dụng trên tử cung, dạ dày, ruột, thử tại chỗ (theo tài liệu Trung Quốc, 1956):

  • Khi thỏ có hoặc không có mang thai, thuốc có tác dụng hưng phấn, gây tăng co bóp có thể dẫn đến chuột rút.

  • Trên dạ dày và ruột của chó cũng có tác dụng hưng phấn, co bóp tăng dần nhưng đều đặn.

  • Sự khác biệt giữa tác dụng cô lập (ức chế) và cục bộ (hưng phấn) có thể là sự tham gia của hệ thần kinh trung ương.

Tác dụng trên mạch máu, hệ tiết niệu và hô hấp:

  • Kiểm tra huyết áp trên những con chó được gây mê cho thấy huyết áp tăng, giảm chức năng thận và giảm lượng nước tiểu.

  • Trong tim ếch cô lập, nồng độ thấp làm tăng sức co bóp của tim, nhưng nồng độ cao làm giảm sức co bóp. Tác dụng ức chế tim đã được quan sát thấy ở chuột.

  • Thử nghiệm mạch máu bụng ếch thấy sự co mạch.

  • Không có tác dụng đối với sự giãn nở hoặc co thắt của khí quản, ngay cả ở chuột cống trắng.

Naringin, methyl hesperidin chiết từ chỉ xác tiêm vào màng bụng chuột cống trắng với liều 5mg thì thấy tim bị ức chế ngay sau khi tiêm. Tác dụng ức chế tối đa vào ngày thứ ba sẽ quan sát thấy khi dùng liên tục 9 ngày. Cũng có xu hướng làm giảm huyết áp.

Tác dụng làm tăng độ acid của dịch vị của vỏ quả:

Hesperidin trong vỏ có tác dụng trị bệnh trĩ, rối loạn tuần hoàn mao mạch và tĩnh mạch.

Liều dùng & cách dùng

Hãm hoa: Cho một thìa súp hoa vào một tách nước sôi để trong 10 phút.

Hãm lá: Cho 10 – 20 g lá vào 1 lít nước sôi hoặc 3 – 4 lá vào một tách nước sôi, hãm trong 15 phút.

Quả: Sử dụng mỗi ngày hoặc có thể hơn với hàm lượng 6 – 12 g, dưới dạng ngâm rượu hay  thuốc sắc.

Vỏ quả dùng với liều 6 – 12 g, dưới dạng thuốc sắc hay ngâm rượu, thường dùng phối hợp với các vị thuốc khác.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa táo bón

Dùng Chỉ thực 20g, Bồ kết 20g, hai ví tán khô, làm thành viên bằng hạt ngô, ngày uống 10 viên vào buổi tối trước khi đi ngủ.

Trị tắc ruột, nôn nghén

Chỉ xác và bồ kết, hai lượng bằng nhau. Hai vị phơi khô, nghiền nhỏ thành viên kích cỡ bằng hạt bắp. Mỗi ngày uống 10 viên vào buổi tối, trước khi đi ngủ.

Hoặc chỉ xác và mộc thông, mỗi vị thuốc 8g sắc uống.

Hoặc chỉ thực 20g và bạch truật 6g. Sắc chia thành 3 lần uống mỗi ngày: “Chỉ truật thang” (Trương Trọng Cảnh).

Hoặc chỉ thực, phục linh, bạch truật, trạch tả, thần khúc, đại hoàng mỗi vị 12g, hoàng liên 4g, hoàng cầm 8g, sinh khương 8g. Nghiền bột làm thành viên hoặc sắc uống (Chỉ thực đạo trệ hoàn).

Trị trẻ em can tích, hôi miệng, thường hay đau bụng, bụng to căng, phân hôi

Chỉ thực 8g, quả giun 6g, nghệ đen 6g. Sắc uống hoặc sao, nghiền thành bột, uống mỗi lần 5 – 6g với nước sắc từ hạt muồng sao.
Giảm đau nhức răng

Cho vào bình thủy tinh có nắp đậy chỉ xác đã phơi khô. Rót ngập đến mặt dược liệu bằng rượu. Đậy kín nắp,  ngâm trong khoảng thời gian 2 ngày. Lấy lượng 50ml rượu thuốc súc miệng khi cần. Sử dụng 2 lần mỗi ngày cho đến khi các triệu chứng đau răng thuyên giảm hẳn (Thánh Huệ Phương).

Chữa dạ dày, gan kém hoạt động, khó đi ngoài

Chỉ thực 20g, bạch truật 6g. Sắc chia 3 lần uống mỗi ngày: “Chỉ truật thang” (Trương Trọng Cảnh).

Điều trị đau nhức xương sườn, khí hư do lo sợ

Chỉ xác (sao) 40g và đào chi (sống) 20g, nghiền thành bột. Uống 4g mỗi lần với nước sắc gừng và táo (Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).

Hoặc chỉ xác 10 g với nhục quế 10g sử dụng nước muối rửa sạch. Cho hai vị thuốc trên vào nồi nấu với 600ml nước lọc trong 20 phút hoặc sắc cho đến khi sắc thuốc chỉ còn 200ml. Lọc lấy nước và uống khi còn ấm. Sử dụng 1-2 lần mỗi ngày (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Hoặc chỉ thực nghiền thành bột uống với nước, mỗi lần 12g, ngày 3 lần, đêm 1 lần (Trửu Hậu Phương).

Trị ngứa do bệnh phong

Chỉ xác, khổ sâm, kinh giới, phòng phong, bại bồ, thương nhĩ thảo nấu nước tắm gội (Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Thủ Sách).

Hoặc chỉ thực tẩm giấm rồi sao, chườm vào vùng bị bệnh (Ngoại Đài Bí Yếu).

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng cam đắng (hoa, quả):

  • Đối với người có tiền sử bệnh tim mạch, tăng huyết áp nên tránh sử dụng cam đắng hoặc người đang sử dụng thuốc hoặc chất gây tăng nhịp tim như  thuốc ức chế MAO caffeine cũng không nên sử dụng vì nó chứa các chất có thể  gây tăng nhịp tim và huyết áp.  

  • Do thiếu bằng chứng về độ an toàn, phụ nữ mang thai hoặc cho con bú nên tránh các sản phẩm có chứa cam đắng.

  • Người có tỳ vị hư yếu, cơ thể gầy yếu.

  • Khi chỉ thực kết hợp với nga truật, tam lăng, thanh bì, bình lang có tác dụng làm mòn tiêu tích khối cứng chắc. Tuy nhiên, sự kết hợp này chỉ phù hợp với người tỳ vị hư hàn, người khỏe mạnh ăn được (theo Lâm Sàng Thường Dụng Trung Dược Học).

Nguồn tham khảo

1) Đỗ Tất Lợi (2006). Những cây thuốc và vị thuốc VIệt Nam. Nhà xuất bản Y học

2) Đỗ Huy Bích, Đặng Quang Chung, Bùi Xuân Chương, Nguyễn Thượng Dong, Đỗ Trung Đàm, Phạm Văn Hiền, Vũ Ngọc Lộ, Phạm Duy Mai, Phạm Kim Mãn, Đoàn Thị Nhu, Nguyễn Tập, Trần Toàn. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật Hà Nội

3) Hoàng Duy Tân (2006), Đông dược học, Nhà xuất bản Đồng Nai

4) Lê Đình Sáng (2010), Sổ tay Cây thuốc và Vị thuốc Đông y, Trường đại học Y khoa Hà Nội.