Long Châu

Táo bón là gì? Những dấu hiệu để nhận biết táo bón và cách điều trị ra sao?

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Táo bón là tình trạng rối loạn đường tiêu hoá rất thường gặp, gây ảnh hưởng đến các hoạt động thường ngày, nếu không được quan tâm điều trị đúng cách cũng có thể dẫn đến những biến chứng khó lường. Người bệnh cần tìm hiểu rõ về các triệu chứng cũng như cách điều trị đúng đắn để tránh làm tình trạng táo bón trở nên trầm trọng hơn cũng như những cách để phòng ngừa táo bón hiệu quả.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Táo bón là gì? 

Táo bón là một rối loạn trên đường tiêu hoá có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, đặc trưng bởi tình trạng giảm tần suất đại tiện (dưới 3 lần/ tuần), phân khô cứng (giảm 70% lượng nước trong phân) và ít hoặc cảm giác chưa tống hết phân.

Thói quen đại tiện của mỗi người là rất khác nhau và bị ảnh hưởng bởi độ tuổi, sinh lý, chế độ ăn uống, xã hội và văn hoá. Nhiều người không tin rằng việc đại tiện hàng ngày là cần thiết và chỉ phàn nàn về táo bón nếu đại tiện ít thường xuyên hơn. Các thông tin khác về hình dạng bên ngoài (kích cỡ, hình dạng, màu sắc) hoặc tính đồng nhất của phân cần được quan tâm thường xuyên, không chỉ riêng khi bị táo bón.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của táo bón

Dựa theo tiêu chuẩn Rome III, bệnh nhân được chẩn đoán là táo bón khi có ít nhất 2 trong 3 triệu chứng sau đây, trong thời gian từ 3 tháng trở lên và khởi phát ít nhất từ 6 tháng:

  • Giảm số lần đại tiện (dưới 3 lần/tuần), đặc tính này còn tuỳ thuộc vào thói quen và tần suất đại tiện ở mỗi cá nhân.

  • Phải rặn nhiều khi đi đại tiện.

  • Phân khô và cứng.

  • Cảm giác chưa tống hết phân.

  • Đôi khi phải dùng tay để lấy phân ra do không tống được phân.

Các triệu chứng đi kèm bao gồm:

  • Đau bụng.

  • Đầy bụng.

  • Đau khi đi đại tiện.

Một số dấu hiệu nhất định tăng nghi ngờ về nguyên nhân nghiêm trọng hơn của táo bón mạn tính:

  • Bụng chướng, gõ vang như trống.

  • Nôn.

  • Máu trong phân.

  • Sụt cân.

  • Táo bón mức độ nặng khi mới khởi phát/trầm trọng hơn trên bệnh nhân cao tuổi.

Biến chứng có thể gặp khi mắc táo bón

Nếu không được điều trị sớm và đúng cách, táo bón:

  • Lâu ngày làm tích tụ các chất cặn bã, gây viêm nhiễm trực tràng, có thể tiến triển thậm chí là ung thư đại tràng.

  • Dẫn đến bệnh trĩ nội, trĩ ngoại.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến táo bón

Táo bón cấp tính cho thấy một nguyên nhân thực thể, trong khi táo bón mãn tính có thể là thực thể hoặc cơ năng.

Nguyên nhân dẫn đến táo bón cấp tính:

  • Tắc ruột: Xoắn ruột, thoát vị, dính ruột, nút phân.

  • Tắc ruột do liệt ruột: Viêm phúc mạc, các bệnh cấp tính nghiêm trọng (ví dụ: Nhiễm khuẩn huyết), chấn thương sọ não hoặc cột sống,…

  • Thuốc: Thuốc kháng cholinergic (ví dụ: thuốc kháng histamin, thuốc chống loạn thần, thuốc trị bệnh parkinson, thuốc chống co thắt), các ion dương (sắt, nhôm, canxi, bari, bismuth), thuốc phiện, thuốc chẹn kênh can xi, gây mê toàn thân. Táo bón xảy ra sớm sau khi bắt đầu điều trị bằng thuốc.

Nguyên nhân dẫn đến táo bón mạn tính:

  • U đại tràng: Ung thư biểu mô tuyến đại tràng sigma.

  • Rối loạn chuyển hóa: Bệnh đái tháo đường, suy giáp, hạ kali máu hoặc tăng can-xi máu, mang thai, ure huyết, bệnh rối loạn chuyển hóa porphyrin.

  • Các rối loạn ở hệ thần kinh trung ương: Bệnh Parkinson, đa xơ cứng, đột qụy, các thương tổn ở tủy sống.

  • Rối loạn thần kinh ngoại biên: Bệnh phình đại tràng bẩm sinh, u xơ thần kinh, bệnh lý thần kinh tự động.

  • Rối loạn hệ thống: Xơ cứng bì hệ thống, bệnh thoái hóa dạng tinh bột, viêm cơ tự miễn, loạn dưỡng cứng cơ.

  • Các rối loạn cơ năng: Táo bón do thức ăn di chuyển qua chậm, hội chứng ruột kích thích, rối loạn chức năng sàn chậu (rối loạn cơ năng đại tiện).

  • Các yếu tố dinh dưỡng: Chế độ ăn ít chất xơ, chế độ ăn hạn chế đường, lạm dụng thuốc nhuận tràng.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ bị táo bón?

Nhân viên làm việc văn phòng: Do ngồi làm việc lâu, không vận động nhiều.

Những người ăn uống không điều độ: Ăn ít chất xơ, ăn nhiều đồ cay nóng, uống nhiều rượu bia.

Người cao tuổi: Do chức năng đường ruột giảm.

Phụ nữ mang thai: Do chèn ép đường tiêu hoá và thay đổi hormon.

Trẻ em: Do thói quen ăn uống và thường xuyên nhịn đi đại tiện.

Yếu tố làm tăng nguy cơ táo bón

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ bị táo bón, bao gồm:

  • Chế độ ăn uống không phù hợp khoa học.
  • Phụ nữ mang thai.
  • Những trẻ không được huấn luyện đúng cách về việc đi vệ sinh và tuần suất đi đại tiện,…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán táo bón

Đánh giá qua khai thác tiền sử và bệnh sử: 

  • Tiền sử: Cần phải xác định tiền sử lâu dài về tần suất đại tiện của bệnh nhân, thời điểm xuất hiện triệu chứng, độ đặc, cần phải rặn hoặc sử dụng nghiệm pháp đáy chậu (ví dụ: Dồn sức vào đáy chậu, vùng mông, hoặc vách âm đạo - trực tràng) trong khi đi đại tiện và có cảm giác nhẹ nhõm sau khi đi vệ sinh hay không, tần suất và thời gian sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc thụt nếu có.

  • Tìm các triệu chứng do các rối loạn gây ra, bao gồm thay đổi kích cỡ phân hoặc máu trong phân (gợi ý ung thư), các triệu chứng toàn thân cho thấy các bệnh mạn tính (ví dụ: Sụt cân).

  • Bệnh sử: Hỏi về các bệnh có liên quan đến táo bón như phẫu thuật bụng và các triệu chứng của các bệnh chuyển hóa (ví dụ: Suy giáp, đái tháo đường) và bệnh thần kinh (ví dụ: Parkinson, xơ cứng bì, chấn thương tủy sống). Cần phải đánh giá cẩn thận việc sử dụng thuốc kê đơn và không kê đơn như các loại thuốc kháng cholinergic và thuốc phiện.

Khám thực thể:

Khám tổng quát được thực hiện để tìm các dấu hiệu của bệnh. Sờ nắn bụng để tìm các khối vùng bụng. Khám trực tràng nên thực hiện để tìm nơi nứt kẽ, chít hẹp, máu, hoặc các khối (bao gồm cả nút phân) và để đánh giá trương lực khi nghỉ của hậu môn ("nâng" cơ mu-trực tràng khi bệnh nhân co cơ thắt hậu môn), sa đáy chậu trong quá trình bài xuất phân bị kích thích và cảm giác của trực tràng.

Bệnh nhân có rối loạn về đại tiện có thể có tăng trương lực khi nghỉ của hậu môn (hoặc co thắt cơ mu-trực tràng), giảm (tức là < 2 cm) hoặc tăng (tức là > 4 cm) sa đáy chậu và/hoặc co nghịch thường của cơ mu-trực tràng trong khi tống phân do kích thích.

Xét nghiệm:

Xét nghiệm được định hướng qua các dấu hiệu lâm sàng và tiền sử về chế độ ăn uống của bệnh nhân.

  • Táo bón có nguyên nhân rõ ràng (thuốc, chấn thương, nằm lâu ngày) có thể được điều trị triệu chứng mà không cần nghiên cứu thêm. 

  • Bệnh nhân có triệu chứng tắc ruột cần chụp X-quang bụng phẳng và tư thế đứng, có thể thụt thuốc cản quang tan trong nước để đánh giá mức độ tắc đại tràng và có thể chụp CT hoặc chụp X-quang ruột non. 

  • Hầu hết các bệnh nhân không có nguyên nhân rõ ràng cần phải làm nội soi đại tràng và đánh giá xét nghiệm (công thức máu, hormon kích thích tuyến giáp, đường máu lúc đói, điện giải và canxi).

Phương pháp điều trị táo bón hiệu quả

Điều trị không dùng thuốc:

  • Điều chỉnh chế độ ăn uống: Chế độ ăn nên có đủ chất xơ (thường từ 15 đến 20 g/ngày) để đảm bảo đủ lượng phân. Chất xơ thực vật, phần lớn không thể tiêu hóa và không thể hấp thụ được, làm tăng lượng phân. Hoa quả, rau củ và ngũ cốc nguyên vỏ là những nhóm thực phẩm được khuyến nghị.

  • Thay đổi hành vi có thể giúp cải thiện triệu chứng. Bệnh nhân cần phải cố gắng đại tiện vào cùng một thời điểm mỗi ngày, lý tưởng là sau ăn sáng từ 15 đến 45 phút, bởi vì ăn uống sẽ kích thích nhu động của đại tràng. Những nỗ lực ban đầu với nhu động ruột chậm thường xuyên có thể được hỗ trợ bằng viên đạn đặt hậu môn chứa glycerin.

Điều trị dùng thuốc nhuận tràng:

  • Thụt tháo phân (sử dụng trước khi điều trị duy trì): PEG, dầu paraffin,…

  • Thuốc làm tăng khối lượng phân (ví dụ: Psyllium, canxi polycarbophil, methylcellulose) tác động chậm và nhẹ nhàng là những loại thuốc an toàn nhất để thúc đẩy việc bài xuất phân.

  • Thuốc nhuận tràng thẩm thấu có chứa đa ion hấp thu kém (ví dụ: Magiê, photphat, sulfat), các polyme (ví dụ: Polyethylene glycol), hoặc carbohydrate (ví dụ: Lactulose, sorbitol) vẫn còn trong ruột, làm tăng áp suất thẩm thấu trong lòng ruột và kéo nước vào ruột.

  • Nhuận tràng kích thích (ví dụ: Bisacodyl, anthraquinones, dầu thầu dầu, anthraquinones) có tác dụng bằng cách kích thích niêm mạc ruột hoặc kích thích trực tiếp đám rối thần kinh dưới niêm mạc và đám rối thần kinh cơ ruột.

  • Thuốc làm mềm phân (ví dụ: Docusate, dầu khoáng) có tác dụng chậm để làm mềm phân, khiến cho việc bài xuất phân dễ dàng hơn. 

  • Thuốc đối kháng thụ thể µ-opioid có tác dụng ngoại biên (PAMORAs; ví dụ: Methylnaltrexone, naloxegol, naldemedine) có thể được sử dụng để điều trị táo bón do thuốc phiện gây ra khi dùng các biện pháp khác không cải thiện. Alvimopan là một loại thuốc đối kháng µ-opioid được sử dụng trong bệnh viện trong thời gian ngắn trên bệnh nhân phẫu thuật để điều trị hồi tràng sau phẫu thuật.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của táo bón

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Tập luyện đi đại tiện cùng một thời điểm trong ngày.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Bổ sung nhiều chất xơ thực vật.
  • Uống nhiều nước.

Phương pháp phòng ngừa táo bón hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Ăn nhiều chất xơ.
  • Uống đủ nước mỗi ngày.
  • Không nên sử dụng quá nhiều các chất chứa caffein.
  • Không nhịn đi tiêu, đi tiêu khi có nhu cầu.
  • Vận động, tập thể dục thường xuyên.
Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/professional/gastrointestinal-disorders/symptoms-of-gastrointestinal-disorders/constipation
  2. http://bvdkquangnam.vn/index.php/tin-tc/y-hc-thng-thc/3334-2020-06-06-02-44-50#:~:text=Theo%20ti%C3%AAu%20chu%E1%BA%A9n%20Rome%20III,Ph%C3%A2n%20kh%C3%B4%20c%E1%BB%A9ng.
  3. https://www.vinmec.com/vi/tieu-hoa-gan-mat/thong-tin-suc-khoe/nguyen-nhan-cach-dieu-tri-va-phong-ngua-benh-tao-bon/

Các bệnh liên quan

  1. U nhầy ruột thừa

  2. U mô đệm đường tiêu hóa (GISTs)

  3. Viêm gan B

  4. Sỏi ống mật chủ

  5. Rối loạn ăn uống

  6. Ung thư hậu môn

  7. Hội chứng Chilaiditi

  8. Ung thư ruột kết

  9. Tắc ruột sơ sinh

  10. Polyp túi mật