Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Cam thảo dây

Cam thảo dây: Vị thuốc mang "độc tính" trong mình

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Cam thảo dây có tên khoa học là Abrus precatorius L, là thuốc chữa ho, cảm sốt, hoàng đản do viêm gan siêu vi trùng, giải độc, vị ngọt nên dùng trong các đơn thuốc cho dễ uống. Ngày 8 – 16 g rễ, dây, sắc. Hạt độc, giã đắp ngoài, sát khuẩn, tiêu viêm, làm mụn nhọt chóng vỡ, trị vú sưng đau, tắc tia sữa.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Cam thảo dây.

Tên gọi khác: Dây cườm cườm, Dây chi chi, Tương tư đằng, Cảm sảo (Tày).

Tên khoa học: Abrus precatorius L.

Họ: Fabaceae (Đậu).

Đặc điểm tự nhiên

Cam thảo dây là một loại dây leo, cành gầy nhỏ, thân có nhiều xơ. Lá kép hình lông chim, cả cuống dài 15 – 24 cm, gồm 8 - 20 đôi lá chét, cuống chung ngắn, cuống lá chét càng ngắn hơn, phiến lá chét hơi hình chữ nhật dài 5 – 20 mm, rộng 3 – 8 mm.

Hoa màu hồng mọc thành chùm nhỏ ở kẽ lá hay đầu cành. Cánh hoa hình cánh bướm. Quả thon dài 5 cm, rộng 12 – 15 mm, dày 7 – 8 mm, mặt có lông ngắn, có từ 3 đến 7 hạt, hình trứng, vỏ rất cứng, bóng, màu đỏ với một điểm đen lớn quanh rễ, rất độc. Toàn cây có vị ngọt.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cam thảo dây mọc hoang và được trồng ở khắp nơi. Cây mọc hoang ở vùng rừng núi, nhiều nhất ở vùng ven biển. Tại Hà Nội người ta bán thành từng bó dây và lá cam thảo. Rễ của dây cam thảo ít thấy ở thị trường. Hạt ít thấy bán hơn.

Rễ, thân và lá thu hái vào mùa thu khi cây ra hoa, dùng tươi hoặc khô. Hạt có độc, chỉ dùng ngoài.

Cam thảo dây
Cam thảo dây

Bộ phận sử dụng

Rễ, dây, lá, hạt.

Thành phần hoá học

Rễ và lá Cam thảo dây chứa một chất ngọt tương tự như glyxyrizin có trong rễ Cam thảo bắc. Tuy nhiên lượng chất ngọt này rất ít lại có vị khó chịu và đắng. Tỷ lệ chất này chỉ có 1 - 2%.

Hạt chứa một chất protid độc gọi là abrin C12H14N2O2, chất abralin C13H14O7 là một glucosid có tinh thể, men tiêu hóa và chất béo lipase gồm 2,5% chất béo, chất henagglutinin làm đông máu, và nhiều men urease. Vỏ ngoài hạt có sắc tố màu đỏ.

Có tài liệu nói có axit abrussic.

Cam thảo dây có tên khác là dây chi chi
Cam thảo dây có tên khác là dây chi chi

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Cam thảo dây có vị ngọt nên dùng trong các đơn thuốc cho dễ uống.

Theo y học hiện đại

Chất abrin là một protid độc, thuộc nhóm phy- totoxin, nhưng so sánh với chất rixin (protid lấy ở hạt thầu dầu) thì kém độc hơn. Tuy nhiên tác dụng cũng gần giống nhau: Abrin có tính chất một kháng nguyên (antigene) vào cơ thể có thể gây trong cơ thể một chất kháng thể (anticorps). Tác dụng formon lên abrin, ta có một chất anatoxin, chất anatoxin cũng gây trong cơ thể chất kháng thể.

Chất abrin chịu tác dụng của men pepsin của dạ dày khỏe hơn chất rixin. Abrin gây vón hồng cầu một cách dễ dàng.

Khi nhỏ vài giọt dung dịch abrin vào kết mạc mắt, sẽ gây phù tấy kết mạc và gây hại tới giác mạc một cách vĩnh viễn, do đó khi dùng điều trị đau mắt bằng hạt này như kinh nghiệm trong nhân dân cần hết sức thận trọng.

Ta có thể chiết chất abrin như sau: Sắc hạt hoặc pha nước sôi với hạt, lọc lấy nước rồi cho vào cồn để kết tủa. Sấy khô.

Liều dùng & cách dùng

Hạt thường dùng ngoài làm thuốc sát trùng: Giã hạt cho nhỏ, đắp lên chỗ đau. Tuy nhiên có độc cần chú ý. Hạt độc, giã đắp ngoài, sát khuẩn, tiêu viêm, làm mụn nhọt chóng vỡ, trị vú sưng đau, tắc tia sữa.

Trước đây người ta hay dùng hạt này chữa bệnh đau mắt hột, đau mắt thường: 3 đến 5 hạt, giã nát ngâm vói 1 lít nước. Ngày nhỏ vào mắt 3 lần thuốc này. Khi mới dùng thuốc gây phản ứng, nhưng sau 48 giờ phản ứng bớt. Sau 1 tuần giác mạc trở lại bình thường. Thuốc để lâu không có tác dụng cho nên dùng đến đâu chế đến đó. Tuy nhiên thuốc có độc, gây phù tấy kết mạc, do đó về sau người ta không dùng nữa.

Hạt Cam thảo dây rất độc
Hạt Cam thảo dây rất độc

Bài thuốc kinh nghiệm

Rễ, thân và lá được nhân dân nhiều nước châu Mỹ, châu Âu, châu Á dùng thay vị cam thảo bắc trong các đơn thuốc. Tuy nhiên do hoạt chất không giống nhau hẳn, cho nên việc thay thế chưa hoàn toàn hợp lý.

Nhân dân ta dùng cam thảo dây để chữa ho, giải cảm và dùng thay thế cam thảo bắc trong một số trường hợp.

Hạt thường dùng ngoài làm thuốc sát trùng.

Trước đây người ta hay dùng hạt này chữa bệnh đau mắt hột, đau mắt thường. Tuy nhiên thuốc có độc, gây phù tấy kết mạc, do đó về sau người ta không dùng nữa.

Lưu ý

Cần lưu ý rằng hạt Cam thảo dây rất độc, chỉ dùng ngoài.

Cam thảo dây là loài cây đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Cam thảo dây có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo
  1. https://tracuuduoclieu.vn/cam-thao-day.html
  2. http://vienduoclieu.org.vn/tttv/danh-muc-cay-thuoc/cay-thuoc/Abrus_precatorius_1562