Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Cẩu tích

Cây cẩu tích:

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Cẩu tích là một cây thuốc phân bố rất rộng rãi ở ven rừng phục hồi sau nương rẫy và trên các tràng cây bụi hoặc nơi đất ẩm gần bờ khe suối, rừng núi ở khắp các tỉnh từ Lào Cai. Hà Giang, qua Quảng Nam - Đà Nẵng đến Lâm Đồng. Có công dụng chữa tê thấp, đau lưng (thân rễ ngâm rượu hoặc sắc uống), thuốc cầm máu (lông dịt vết thương).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cẩu tích.

Tên gọi khác: Rễ lông cu li; kim mao cẩu tích; cây lông khỉ.

Tên khoa học: Cibotium barometz (L.) J. Sm.

Họ: Dicksoniaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Thân rễ mọc đứng, thường ngắn, to, phủ lông mềm màu vàng nâu. Khi cắt hết lá còn lại những gốc cuống thì thân rễ lúc này giống con cu li. Đoạn thân rễ đã loại bỏ lớp lông màu vàng nâu bên ngoài, mặt ngoài rất gồ ghề, khúc khuỷu, có những chỗ lồi lên thành mấu, màu nâu hoặc nâu hơi hồng, đường kính 2 - 5 cm, dài 4 - 10 cm, rất cứng, khó cắt, khó bẻ gẫy; đôi khi còn sót lại ít lông màu vàng nâu. Dược liệu khi dùng thường đã thái thành phiến mỏng hình dạng thay đổi, mặt cắt ngang nhẵn, màu nâu hồng hay nâu nhạt, có vân.

Thân cây thường yếu, nhưng cũng có thể cao 2,5 - 3 m. Lá kép dài 1 - 2 m, chia nhiều lá chét xếp dạng lông chim, các lá chét này chia thành nhiều lá chét bậc hai xếp sít nhau, lá chét bậc hai có gốc bằng nhau, đầu thon mảnh, lại chia thành nhiều đoạn thuôn hẹp, mặt trên màu lục thẫm, mặt dưới nhạt hơn; cuống lá kép rất to và cứng, màu nâu, cũng có lông mềm.

Cơ quan sinh sản là những túi bao tử có áo màu nâu, mọc ở mặt dưới lá, xếp đều đặn ở hai bên gân giữa, trong đựng nhiều bào tử, bao tử hình tam giác hay hơi tròn, sần sùi, màu sang hay đen nhạt, có cánh.

Mùa sinh sản: Tháng 10 - 1.

Phân bố, thu hái, chế biến

Cẩu tích mọc hoang khấp nơi ở miền rừng núi Việt Nam, Lào, Cămpuchia, Philipin, Malaixia và Inđônêxia. Miền nam Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Phúc Kiến, Vân Nam) cũng có.

Thu hái quanh năm, nhưng tốt nhất vào cuối thu sang đông. Khi hái về thì rửa sạch cắt bỏ rễ con, cuống lá và lông vàng phủ xung quanh thân rễ, thái mỏng, phơi khô. Có khi đồ hơi nước rồi mới phơi, làm như vậy nhiều lần; có khi lại còn đổ với đậu đen chín lần đồ, chín lần phơi rồi cuối cùng thái mỏng phơi khô.

Cẩu tích
Cây cẩu tích

Bộ phận sử dụng

Thân rễ.

Thành phần hoá học

Thân rễ cẩu tích chứa tinh bột (30%) và aspidinol, lông vàng ỏ thân rễ có tanin và sắc tố.

Thân rễ cẩu tích có các hợp chất: Methyl dodecnoate, beta-sitosterol, beta-sitosterol-O-glucopyranoside and 2,3,4,5,6-pentahydroxy cyclohexane carboxylic acid.

Thân rễ có các thành phần: Acid béo (acid oleic, palmitic và octadecanoic), flavonoid (kaempferol, onychin).

Rễ cât cẩu tích
Rễ cât cẩu tích

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Cẩu tích có vị đắng, ngọt, tính ôn, vào 2 kinh can và thận. Tác dụng:

  • Thuốc bổ gan, thận chữa đau lưng, đau khớp xương, đau gối, chữa phong thấp.

  • Tiểu tiện nhiều lần ở người già.

  • Chữa bệnh phụ nữ khí hư, bạch đới, phụ nữ có thai mà lưng, người đều đau.

  • Theo tài liệu cổ: Cẩu tích có tác dụng bổ can thận, mạnh lưng gối, trừ phong thấp, chữa phong hàn, thấp tỳ, lưng đau chân mỏi, thất niếu (không đi đái được), đái nhỏ giọt.

Theo y học hiện đại

Cầm máu

Ngoài thân rễ cẩu tích, người ta còn dùng lông vàng phủ xung quanh thân rễ để đắp các vết thương, vết đứt tay, đứt chân để cầm máu.

Tác dụng này do các lông đó hút huyết thanh của máu và giúp cho sự tạo máu cục, làm cho máu chóng đông. Có khi người ta còn dùng lông này để nhồi đệm, nhồi gối.

Tác dụng khác

Dịch chiết methanol thân rễ có tác dụng chống oxy hoá, tác dụng hạ đường huyết.

Thân, rễ cẩu tích
Thân, rễ cẩu tích

Liều dùng & cách dùng

Ngày dùng 10 - 18 g dưới dạng thuốc sắc.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chữa ngang lưng đau nhức

Chuẩn bị: Cẩu tích 15 g, ngưu tất 10 g, đỗ trọng 10 g, sinh mễ nhân 12 g, mộc qua 6 g, nước 600 ml.

Thực hiện: Sắc còn 200 ml. Chia 3 lần uống trong ngày. Có thể thêm 20 ml rượu trong khi uống thuốc, nếu uống được rượu. Thân rễ cẩu tích chứa 30% tinh bột. Lông culi chứa tannin và sắc tố.

Chữa phong thấp, chân tay tê bại

Chuẩn bị: Cẩu tích 20 g, ngưu tất 8 g, mộc qua 12 g, tang chi 8 g, tùng tiết 4 g, tục đoạn 8 g, đỗ trọng 8 g, tần giao 12 g, quế chi 4 g, nước 600 g.

Thực hiện: Sắc còn 250 ml, chia 2 lần uống trong ngày.

Chữa đau lưng mỏi gối do thận yếu

Chuẩn bị: Cẩu tích 20 g, rễ gối hạc 12 g, củ mài 20 g, rễ cỏ xước 12 g, bổ cót toái 16 g, dây đau xương 12 g, thỏ ty tử 12 g, tỳ giải 16 g, đỗ trọng 16 g.

Thực hiện: Thêm nước, sắc uống.

Chữa thận hư, sống lưng đau mỏi

Chuẩn bị: Cẩu tích 16 g, thục địa 12 g, đỗ trọng 10 g, ô dược củ sung, dây tơ hồng sao, quả kim anh, đều 8 g.

Thực hiện: Sắc uống.

Lưu ý

Một số lưu ý bạn cần chú ý khi sử dụng Cẩu tích: Những người thận hư hữu nhiệt, tiểu tiện bất lợi hoặc đỏ vàng không dùng được.

Cẩu tích là loài cây dược liệu đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Cẩu tích có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.