Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cỏ mần trầu hay cỏ vườn trầu, cỏ màn trầu, cỏ dáng,... có vị ngọt hơi đắng, tính bình. Có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khư phong, lợi niệu, khư đàm,... Cỏ mần trầu là một cây thuốc phổ biến khắp nơi, được dùng trị cao huyết áp; đề phòng viêm não truyền nhiễm; viêm gan vàng da; viêm tinh hoàn; chữa cảm sốt nóng, khắp người mẩn đỏ, tiểu ít.
Tên tiếng Việt: Cỏ mần trầu.
Tên khác: Cỏ vườn trầu, Cỏ màn trầu, Cỏ dáng,…
Tên khoa học: Eleusine indica (L.) Gaertn, thuộc họ Lúa (Poaceae).
Cỏ mần trầu là cây thảo sống hằng năm, cao 15 – 90cm, có rễ mọc khỏe. Thân bò dài ở gốc, phân nhánh, sau mọc thẳng đứng thành bụi. Lá mọc so le, hình dải nhọn. Cụm hoa là bông xẻ ngón có 5 – 7 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung và có 1 – 2 nhánh dài mọc tỏa tròn đều ở đầu cuống chung và có 1 – 2 nhánh xếp thấp hơn ở dưới, mỗi nhánh mang nhiều hoa. Quả thuôn dài, gần như có 3 cạnh.
Cỏ mần trầu mọc ở ven đường, bãi cỏ, trong vườn, bãi hoang, bờ ruộng. Cây ra hoa từ tháng 3 đến tháng 11.
Cỏ mần trầu phổ biến ở khắp nơi. Cây có ở Ấn Độ, Trung Quốc, Lào, Thái Lan, các nước nhiệt đới và cận nhiệt đới châu Á đến Nuven Caledoni.
Thu hái cây vào mùa khô, rửa sạch, dùng tươi hay phơi khô.
Toàn cây.
Phần trên mặt đất chứa: 3 – 0 – β – D - Glucopy ranosyl – β – sitosterol và dẫn chất 6’ – 0 - palmitoyl.
Cành lá tươi có flavonoid.
Cỏ mần trầu có vị ngọt hơi đắng, tính bình; có tác dụng thanh nhiệt giải độc, khư phong, lợi niệu, khư đàm, hoạt huyết bổ ích.
Cỏ mần trầu thường được dùng trị cao huyết áp, lao phổi, ho khan, sốt âm ỉ về chiều, lao lực mệt nhọc, tiểu tiện vàng và ít một; dùng cho phụ nữ có thai hỏa nhiệt táo bón, buồn phiền động thai, nhức đầu, nôn mửa, tức ngực, sốt nóng; dùng uống trị mụn nhọt, các chứng nhiệt độc, trẻ em tưa lưỡi.
Ở Trung Quốc, Cỏ mần trầu thường dùng để đề phòng chứng viêm não truyền nhiễm và trị: Thống phong, viêm gan vàng da, viêm ruột, lỵ, viêm niệu đạo, viêm thận, viêm tinh hoàn; Dùng ngoài trị đòn ngã tổn thương, cầm máu chó cắn.
Những năm gần đây, các nhà khoa học đã chứng mình được một số tác dụng dược lý của Cỏ mần trầu như: hoạt tính chống oxi hóa, kháng khuẩn, kháng viêm, cải thiện tình trạng tăng lipid máu trên chuột, chống tiểu đường.
Liều dùng 16 – 20 g dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán; thường phối hợp với các vị thuốc khác.
Chữa huyết áp
Dùng toàn cây cỏ mần trầu, rửa sạch, cắt nhỏ, cân 500g, giã nát, thêm chừng 1 bát nước sôi để nguội, vắt lấy nước cốt, lọc qua vải, thêm chừng chút đường, ngày có thể uống 2 lần sáng và chiều.
Đề phòng viêm não truyền nhiễm
Cỏ mần trầu 30g, dùng như trà uống trong 3 ngày, sau đó nghỉ 10 ngày, uống tiếp 3 ngày nữa.
Viêm gan vàng da
Cỏ mần trầu tươi 60g, rễ tổ kén đực 30g, sắc uống.
Viêm tinh hoàn
Cỏ mần trầu tươi 60g, thêm 10 cùi vải, sắc uống.
Chữa cảm sốt nóng, khắp người mẩn đỏ, đi đái ít
Dùng 16g cỏ mần trầu phối hợp 16g rễ cỏ tranh, sắc nước uống.
Chữa sốt cao co giật hôn mê
Cỏ mần trầu tươi 120g, nước 600ml, sắc còn 400ml, thêm ít muối, uống nhiều lần trong 12 giờ.
Chữa phong nhiệt, ghẻ lở, nổi mẩn
Cỏ mần trầu tươi, giã nát vắt lấy nước uống.
Chữa thấp nhiệt, hoàng đản
Cỏ mần trầu tươi 60g, sơn chỉ ma 30g, sắc nước uống.
Không có thực nhiệt không dùng.
Võ Văn Chi (2012). Từ điển cây thuốc Việt Nam, Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
Bộ Y Tế (2017). Dược điển Việt Nam V (tái bản lần thứ năm), Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
Viện Dược Liệu (2006). Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam, tập 1. Nhà xuất bản Khoa học và Kỹ thuật, Hà Nội.
Tra cứu dược liệu: Cỏ mần trầu, https://tracuuduoclieu.vn/co-man-trau.html