Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Củ hồi: Loại dược liệu có nhiều công dụng

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Củ hồi là một loại dược thảo đã được sử dụng làm thuốc từ rất lâu trong dân gian, chủ trị: hàn sán, bụng dưới đau, hành kinh đau, thượng vị đau trướng, kém ăn, nôn mửa, tiêu chảy.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Củ hồi.

Tên khác: Fennel; củ hồi; củ hồi hương.

Tên khoa học: Foeniculum vulgare.

Củ hồi là quả chín đã phơi hoặc sấy khô của cây Tiểu hồi (có tên khoa học Foeniculum vulgare). Đây là một loài thực vật có hoa trong họ Hoa tán (Apiaceae). 

Củ hồi
Cây Củ hồi hương 

Đặc điểm tự nhiên

Quả bế đôi, hình trụ, hơi cong, dài 4 – 8 mm, đường kính 1,5 – 2,5 mm. Mặt ngoài màu xanh hơi vàng hoặc vàng nhạt, hơi thuôn về phía 2 đầu, đỉnh mang chân vòi nhụy nhô ra, màu nâu vàng, đôi khi có cuống quả nhỏ ở phần đáy. Mỗi mặt lưng mang 5 gân nổi rõ và chỗ nối giữa 2 nửa quả phẳng và rộng. Mặt cắt ngang hình 5 cạnh, bốn mặt của mặt lưng gần đều nhau. Mùi thơm đặc trưng, vị hơi ngọt và cay.

Phân bố, thu hái, chế biến

Thế giới: Chi Foeniculum chỉ có 1 loài với 2 loài phụ (subspecies) là dạng mọc hoang dại (piperitum) và trồng trọt (vulgare). Tiểu hồi có nguồn gốc ở vùng Nam Âu - Địa Trung Hải, về sau được trồng ở nhiều nơi trên thế giới, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Ai cập, Mỹ... Tại vùng Đông Nam Á, Tiểu hồi mới chỉ thấy trồng ở vùng núi phía đông đảo Java (Indonesia) và Bắc Việt Nam.

Ở Việt Nam, Tiểu hồi được nhập trồng từ một số nước Đông Âu và Liên Xô trước đây (1969 - 1975), sau để mất giống. Mãi đến năm 1992 mới nhập lại từ Nhật Bản. Cây được trồng ở Sa Pa (Lào Cai) và Đà Lạt (Lâm Đồng), với diện tích còn hạn chế.

Thu hái ngay khi quả chín (quả vừa ngả sang màu nâu) vào mùa thu. Sau khi hái về, để quả ở một nơi thoáng khí cho quả chín hoàn toàn. Với những quả đã ngả sang màu nâu hoàn toàn, thu hái toàn bộ và cột lại thành bó. Sau đó dùng chày đập bỏ vỏ để lấy quả.

Chế biến: Diêm tiểu hồi (Chế muối): Hoà muối vào một lượng nước thích hợp, trộn đều với dược liệu, để cho ngấm hết nước muối, cho vào nồi sao nhỏ lửa đến màu hơi vàng, lấy ra để nguội. 10 kg Tiểu hồi cần 0,2 kg muối. 

Bảo quản dược liệu ở nơi thoáng mát và khô ráo.

cay cu hoi
Hình ảnh cây Củ hồi

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng là quả già.

Thành phần hoá học

Quả chứa một lượng quan trọng tinh dầu (2 - 6%). Tinh dầu chứa 50 - 60% anethol, estragol, các carbur terpen, còn có một ceton terpen là fenchon. Còn có các vitamin A, B8, B9, C và các nguyên tố C, Ca, P, K, S, Fe. Rễ chứa 0,3% chất béo.

cay cu hoi 4
Cây Củ hồi chứa các vitamin

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Củ hồi vị cay, tính ôn; quy vào kinh can, thận, tỳ và vị.

Tác dụng: Khứ hàn, lý khí, chỉ thống khai vị. Làm gia vị khai vị ôn trung trừ hàn chống nôn thổ, đầy bụng không tiêu, đau vùng mạng sườn.

Trị các chứng: Thoát vị bẹn, sa tinh hoàn, thận hư yếu thống, bụng sườn đau, nôn ăn ít.

Theo y học hiện đại

Trong điều trị lao

Thành phần anethole trong Củ hồi có tác dụng ức chế trực khuẩn lao trên súc vật thực nghiệm.

Trong tác dụng lên thần kinh

Dược liệu Củ hồi có tác dụng kích thích tại chỗ tương tự như bạc hà.

Trong tác dụng lên tiêu hoá

Tinh dầu của Củ hồi có tác dụng tăng tiết dịch vị dạ dày, kích thích trung tiện và tăng nhu động ruột.

Ngoài ra dược liệu còn có tác dụng giảm co thắt ruột và giảm đau bụng.

Liều dùng & cách dùng

Ngày 3 – 6 g, dạng thuốc sắc hoặc hoàn tán. Thường phối hợp với các dạng thuốc khác.

Bài thuốc kinh nghiệm

Điều hòa kinh nguyệt

Điều hòa kinh nguyệt (chậm kinh, lượng máu kinh ít, sắc đỏ nhạt, bụng dưới đau âm ỉ, lưng mỏi, đại tiện lỏng..).

Củ hồi 6g, hoàng kỳ 30g, đương quy 15, kỷ tử 15g, ngải diệp 10g, gừng nướng 6g, quế chi 10g, xuyên khung 8g, bạch thược 10g, thục địa 10g, ngưu tất 10g, ba kích 12g, nước 1.000ml, sắc còn 600ml, chia làm 3 lần uống trong ngày. Hằng tháng, uống liên tục 10 - 15 ngày sau khi sạch kinh.

Ôn trung trừ hàn, thích hợp trong những ngày giá rét

Củ hồi 10g, đường đỏ lượng vừa đủ. Củ hồi rửa sạch, tán vụn, hãm với nước sôi trong bình kín, sau chừng 20 phút thì dùng được, khi dùng chế thêm đường đỏ với lượng thích hợp, uống thay trà trong ngày.

Bổ thận, tráng dương

Củ hồi 8g, cật dê hai quả, đậu đen 100g, đỗ trọng 15g, gia vị vừa đủ. 

Cách làm: Cật dê rửa sạch, xắt từng miếng nhỏ. Củ hồi, đậu đen, đỗ trọng rửa sạch, để ráo, cho vào túi vải gạc. Cho tất cả vào nồi, thêm lượng nước vừa đủ, nấu từ 30 – 60 phút, thêm gia vị cho vừa ăn. Bài thuốc này rất tốt cho những người dương hư, đau lưng, chân gối mỏi, sinh hoạt tình dục yếu.

Trị ăn không tiêu, đầy hơi, khó thở, hen

Củ hồi, hạt cải trắng, hạt củ cải, hạt tía tô, lượng bằng nhau. Tán nhỏ, uống mỗi lần 1g, ngày 3 lần. Ngoài dùng bột này chưng nóng với rượu, gói vắt xoa chườm ngực, bụng.

Trị viêm cầu thận cấp tính

Củ hồi 12g; cỏ xước, đậu đỏ, đậu đen, mỗi vị 20g; thổ phục linh, tỳ giải, củ mài mỗi vị 16g; mã đề 12g, đại hồi 10g; nhục quế 8g, gừng khô 6g. Sắc uống ngày một thang.

Trị đau xóc dưới sườn

Củ hồi sao vàng 40g, chỉ xác sao vàng 20g. Tán bột, uống mỗi lần 8g với rượu hoà thêm muối. Ngày 2 lần.

Lưu ý

Âm hư hỏa vượng, người có thực nhiệt không dùng.

Củ hồi là một loại gia vị thường dùng trong đời sống hằng ngày. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Củ hồi có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo

Dược điển Việt Nam V.

Sách " Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - Tập 1".

Những Cây thuốc và Vị thuốc Việt Nam (Đỗ Tất Lợi).

Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/foeniculum-vulgare-hill.html