Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Chậm kinh là gì? Nguyên nhân và cách phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Chậm kinh (trễ kinh) là chu kỳ kinh nguyệt bất thường của người phụ nữ. Chu kỳ kinh nguyệt bình thường được tính từ ngày đầu tiên của kỳ kinh đến ngày đầu tiên của kỳ kinh tiếp theo, một chu kỳ kinh nguyệt khỏe mạnh có thể dao động từ 21 đến 35 ngày, trung bình chu kỳ kinh nguyệt khoảng 28 - 30 ngày. Kinh nguyệt của bạn có thể bị coi là trễ nếu bạn thực sự rất đều đặn và chậm kinh hơn 3 ngày hoặc đã hơn 38 ngày kể từ kỳ kinh cuối cùng của bạn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Chậm kinh là bệnh gì?

Chậm kinh là hiện tượng đến kỳ hành kinh nhưng vẫn chưa xuất hiện kinh nguyệt ở người phụ nữ. Chu kỳ kinh nguyệt ở người bình thường khỏe mạnh có thể khác nhau tùy cơ địa của mỗi người thì chậm kinh khoảng 3 - 4 ngày không có gì đáng ngại.

Một trong những nguyên nhân phổ biến của chậm kinh là mang thai, nếu bạn chậm kinh 7 - 10 ngày và nếu trước đó bạn đã từng quan hệ tình dục, cùng sự xuất hiện của các triệu chứng như buồn nôn, nôn khan, đau căng tức ngực, đau lưng... thì nên dùng que thử hoặc là xét nghiệm tại cơ sở y tế để biết mình mang thai hay không. Việc phát hiện có thai sớm giúp bạn có thể chăm sóc thai kỳ một cách tốt nhất.

Bạn lo lắng về việc chậm kinh nhưng biết mình không có thai? Các nguyên nhân phổ biến có thể là: Căng thẳng (stress), vận động quá sức, giảm cân quá mức, tăng cân đột ngột, do tác dụng phụ của thuốc, do sử dụng chất kích thích, mãn kinh sớm, các bệnh phụ khoa, buồng trứng đa nang, bất thường về tuyến giáp hay rối loạn nội tiết tố (hormon).

Bạn nên đi khám bác sĩ để xác định nguyên nhân đề điều trị sớm nếu do bệnh lý, tránh tình trạng tăng nặng của bệnh. Nguyên nhân gây chậm kinh có thể do mang thai, tập luyện thể dục quá sức, tăng hay giảm cân đột ngột, rối loạn hormon hoặc do bệnh lý.

Để phòng ngừa chậm kinh, chị em cần luyện tập thể dục thường xuyên, duy trì cân nặng tránh giảm cân hay tăng cân đột ngột, chế độ ăn uống lành mạnh, vệ sinh cơ thể sạch sẽ, tránh lạm dụng các chất kích thích hay thuốc tránh thai khẩn cấp, nên thăm khám phụ khoa định kỳ để phát hiện bệnh sớm nếu có. Việc điều trị chậm kinh phụ thuộc vào việc tìm ra nguyên nhân gây ra chậm kinh của bạn.

Hiểu được nguyên nhân, nắm bắt các biểu hiện để kịp thời thăm khám và điều trị sẽ giúp chị em tránh được tình trạng nặng thêm của bệnh và sức khỏe nhanh chóng hồi phục.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của chậm kinh

Bạn có một chu kỳ kinh đều hàng tháng, nhưng nếu quá 38 ngày tính từ ngày hành kinh nhưng vẫn chưa thấy kinh nguyệt xuất hiện, đó là dấu hiệu của chậm kinh. Bạn có thể gặp những dấu hiệu và triệu chứng khác nhau tùy vào nguyên nhân chậm kinh mà bạn mắc phải, một số triệu chứng thường gặp chẳng hạn như: 

  • Sốt nhẹ, buồn nôn, nôn khan, đau căng tức ngực, đau lưng….

  • Nhức đầu.

  • Đau vùng xương chậu.

  • Mụn trứng cá.

  • Khí hư có màu vàng, xanh, đen và có mùi hôi đó là dấu hiệu của viêm nhiễm âm đạo.

Nếu bạn có bất kỳ triệu chứng nào khác, chẳng hạn như nóng bừng mặt hoặc rỉ sữa từ vú. Cơn bốc hỏa có thể gợi ý bạn mãn kinh sớm, sữa rỉ ra từ ngực cho thấy mức độ cao của hormon prolactin.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu bạn bị chậm kinh và có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán sớm, nếu bạn mang thai, bạn có thể chăm sóc thai kỳ tốt nhất cho con yêu và nếu nguyên nhân do căng thẳng hay bệnh lý, điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến chậm kinh

Kinh nguyệt là một trong những yếu tố phản ánh tình trạng sức khỏe cơ quan sinh sản cũng như toàn bộ cơ thể của người phụ nữ. Một số nguyên nhân có thể làm cho bạn chậm kinh như:

Mang thai

Chu kỳ kinh nguyệt là hiện tượng sinh lý bình thường của phụ nữ, lớp niêm mạc bên trong tử cung sẽ dần dần dày lên để chuẩn bị cho trứng thụ tinh vào làm tổ, nếu trứng và tinh trùng không gặp nhau, quá trình thụ thai không xảy ra, cơ thể sẽ tự loại bỏ lớp niêm mạc này, gây hiện tượng ra máu gọi là hành kinh và kéo dài 3 - 5 ngày. Như vậy, nếu xuất hiện kinh nguyệt thì người phụ nữ không mang thai. 

Ngược lại, người phụ nữ sẽ không xuất hiện kinh nguyệt trong suốt quá trình mang thai là do trứng được thụ tinh và làm tổ bên trong tử cung, lớp niêm mạc không bong ra mà sẽ tiếp tục được nuôi dưỡng và là chỗ cho sự phát triển của thai nhi. Vì vậy, chậm kinh có thể là dấu hiệu mang thai sớm.

Tuy nhiên, để biết chính xác nguyên nhân chậm kinh của bạn có phải do mang thai hay không, bạn chỉ cần sử dụng que thử thai và thăm khám tại chuyên khoa sản của các cơ sở y tế. 

Một số nguyên nhân khác có thể làm cho bạn bị chậm kinh, chẳng hạn như: 

  • Yếu tố tâm lý: Thường xuyên căng thẳng (stress) trong công việc, cuộc sống.

  • Có thói quen tập thể dục quá sức.

  • Ăn kiêng quá mức, suy dinh dưỡng.

  • Giảm hoặc tăng cân quá nhanh, trong thời gian ngắn.

  • Nghiện thuốc lá.

  • Mất cân bằng nội tiết tố (hormon). Một số hormon như prolactin hoặc hormon tuyến giáp, có thể khiến phụ nữ bị chậm kinh.

  • Bệnh phụ khoa như u xơ tử cung, viêm lộ tuyến tử cung, buồng trứng đa nang….

  • Bệnh lý về tuyến giáp như suy giáp, nhược giáp, cường giáp.

  • Thuốc: Do tác dụng phụ của thuốc tránh thai, nhất là thuốc tránh thai khẩn cấp và thuốc kháng sinh. 

Thuốc tránh thai là một phương pháp tránh thai phổ biến và thiết thực. Có một số loại và mỗi loại chứa các kết hợp khác nhau của các hormon có thể ảnh hưởng đến chu kỳ kinh nguyệt.

Thuốc kháng sinh có tác dụng ức chế sự phát triển cũng như tiêu diệt những loại vi khuẩn có hại để khắc phục tình trạng viêm nhiễm. Tuy nhiên, thuốc kháng sinh tiêu diệt cả vi khuẩn có lợi và có hại. Chính vì vậy, việc lạm dụng thuốc kháng sinh sẽ làm giảm sức đề kháng, ảnh hưởng tới sức khỏe và đặc biệt đối với nữ giới sẽ làm thay đổi nội tiết tố, gây ảnh hưởng đến quá trình rụng trứng và làm chậm kinh, thậm chí có trường hợp còn bị mất kinh.

Nguy cơ

Những ai thường có nguy cơ chậm kinh?

Chậm kinh có thể xảy ra ở phụ nữ khi bị các vấn đề sau đây:

  • Khi mới bắt đầu có kinh nguyệt và khi bắt đầu chuyển sang giai đoạn mãn kinh. Khi cơ thể của bạn trải qua quá trình chuyển đổi, chu kỳ của bạn có thể trở nên bất thường.

  • Mang thai: Chậm kinh là dấu hiệu sớm của sự thụ thai thành công.

  • Khi bạn gặp một số bệnh lý về tử cung, buồng trứng, tuyến giáp…

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) chậm kinh

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) chậm kinh, bao gồm:

  • Lo âu, căng thẳng, stress, áp lực công việc hay học tập kéo dài không những ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn mà còn là một trong những yếu tố làm tăng nguy cơ gây chậm kinh. 

  • Trước tuổi dậy thì: Các bé gái bắt đầu dậy thì từ khoảng 9 tuổi và kinh nguyệt bắt đầu muộn hơn một hoặc hai năm. 

  • Trong khi mang thai: Nếu bạn đang mang thai, kinh nguyệt của bạn bình thường sẽ ngừng cho đến khi em bé được sinh ra.

  • Trong thời kỳ cho con bú: Bình thường bạn sẽ không có kinh nguyệt nếu bạn đang cho con bú hoàn toàn và kinh nguyệt chỉ có trở lại khi bé bỏ bú hoặc bắt đầu bú ít hơn.

  • Sau khi mãn kinh: Thời kỳ mãn kinh là thời gian trong cuộc đời của bạn khi buồng trứng của bạn ngừng sản xuất trứng và bạn ngừng kinh nguyệt. Thời kỳ mãn kinh trung bình là vào khoảng tuổi 51. Bạn sẽ được phân loại là đã trải qua thời kỳ mãn kinh một năm sau kỳ kinh cuối cùng của bạn. Tuy nhiên, việc kinh nguyệt của bạn trở nên ít đều đặn hơn trong những năm dẫn đến mãn kinh là điều cực kỳ phổ biến. 

  • Một số biện pháp tránh thai có thể làm bạn chậm kinh như: Thuốc tránh thai chỉ chứa progestogen (POP - Progestin only pill thường được gọi là thuốc viên nhỏ), thuốc tiêm tránh thai progestogen, que cấy tránh thai progestogen…

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán chậm kinh

Để chẩn đoán nguyên nhân làm cho bạn chậm kinh, bác sĩ có thể cần một số thông tin từ bạn như:

  • Bạn đã từng có kinh và liệu chúng có đều đặn hay không.

  • Bạn đã không có kinh trong bao lâu.

  • Gần đây bạn đang sử dụng bất kỳ biện pháp tránh thai nào không.

  • Bạn có đang dùng bất kỳ loại thuốc nào hoặc có bất kỳ điều trị nào khác như phẫu thuật, xạ trị… hay không.

  • Bạn có đang giảm cân gần đây.

  • Bạn đang bị căng thẳng.

  • Xác định có thể mang thai, dấu hiệu mang thai như ốm nghén, ngực căng.

Các xét nghiệm có thể cần thiết bao gồm:

Xét nghiệm nước tiểu: Thử thai, thường dùng que thử thai. Để loại trừ chậm kinh do mang thai.

Xét nghiệm máu: Để kiểm tra nồng độ hormon, chẳng hạn như: Hormon tuyến giáp và prolactin hoặc nồng độ hormon đến từ buồng trứng. Xét nghiệm các bất thường về gen.

  • Kiểm tra chức năng tuyến giáp: Để xác định xem tuyến giáp có hoạt động bình thường hay không bằng cách đo nồng độ hormon kích thích tuyến giáp (TSH) trong máu.

  • Kiểm tra chức năng buồng trứng: Để xác định xem buồng trứng có hoạt động bình thường hay không bằng cách đo nồng độ hormon kích thích nang trứng (FSH) trong máu. Nếu nồng độ FSH cao nguy cơ mắc hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS).

  • Xét nghiệm nội tiết tố nam: Nếu bạn có giọng nói trầm và nhiều lông ở mặt, bác sĩ có thể sẽ kiểm tra mức độ hormon nam (Testosterone) trong máu của bạn.

  • Xét nghiệm prolactin: Nếu nồng độ hormon prolactin thấp có thể là dấu hiệu có khối u tuyến yên. Trường hợp hàm lượng prolactin cao sẽ ảnh hưởng đến rụng trứng, dễ gây vô sinh.

Kiểm tra hình ảnh: 

  • Siêu âm: Để kiểm tra xem cơ quan sinh sản của bạn có bất kỳ bất thường nào hay không.

  • Chụp cắt lớp vi tính (CT): Chụp cắt lớp vi tính có thể cho biết tử cung, buồng trứng và thận có bình thường không.

  • Chụp cộng hưởng từ (MRI): Để kiểm tra xem có khối u tuyến yên không.

Phương pháp điều trị chậm kinh hiệu quả

Tùy vào thể nguyên nhân gây bệnh và mức độ nghiêm trọng của bệnh mà bác sĩ sẽ kê đơn thuốc và áp dụng những phương pháp điều trị phù hợp.

Bạn bị chậm kinh do căng thẳng, thức khuya hay do vận động quá sức thì trước tiên cần thay đổi lối sống. Tuy nhiên, một số triệu chứng cần điều trị, bao gồm: Mất kinh hai chu kỳ liên tiếp, có các triệu chứng của hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), tăng hoặc giảm cân nhiều, cảm thấy căng thẳng quá mức…

Bác sĩ cũng có thể kê đơn thuốc điều hòa kinh nguyệt có nguồn gốc thực vật trong trường hợp kinh nguyệt không đều do rối loạn kinh nguyệt trong thời kỳ dậy thì mới có kinh và tiền mãn kinh, đau bụng kinh như: Cao ích mẫu, viên ích mẫu OPCIM, viên uống Sb bổ sung phytoestrogen dạng aglycon, phụ huyết khang

Nếu bạn có chu kỳ kinh nguyệt không đều, có thể hữu ích nếu bạn ghi chép lại các kỳ kinh của mình, bao gồm ngày bắt đầu và ngày kết thúc cũng như danh sách các triệu chứng liên quan khác. Nếu bác sĩ có thông tin cần thiết, họ có thể chẩn đoán nhanh hơn. Bạn có thể ghi chú trên lịch hoặc có những ứng dụng trên điện thoại thông minh.

Đi khám định kỳ với bác sĩ sản khoa có thể giúp giải quyết nhiều thắc mắc về chu kỳ kinh nguyệt, cũng như phát hiện và điều trị kịp thời các bệnh bạn mắc phải, là căn nguyên làm cho bạn bị chậm kinh.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chậm kinh

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của chậm kinh

Chế độ sinh hoạt

  • Duy trì lối sống tích cực, cân bằng giữa vận động và nghỉ ngơi, hạn chế sự căng thẳng kéo dài.

  • Để đạt hiệu quả cao trong điều trị, bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ.

  • Khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị, bạn cần liên hệ ngay với bác sĩ.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, phát hiện và điều trị sớm, sức khỏe bạn sẽ nhanh chóng hồi phục. Sau khi điều trị, bạn nên tái khám theo yêu cầu của bác sĩ để theo dõi diễn tiến của bệnh và nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm bác sĩ sẽ tìm hướng điều trị tiếp theo.

  • Bệnh nhân cần lạc quan: Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, làm bất cứ việc gì khiến bạn cảm thấy thoải mái như nuôi thú cưng, xem phim hay đọc những quyển sách mà bạn yêu thích.

Chế độ dinh dưỡng

Thiếu hụt dinh dưỡng, không ăn đủ calo có thể khiến cơ thể bạn bị căng thẳng và khiến kỳ kinh nguyệt không đều. Những gì bạn ăn có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc giữ cho chu kỳ kinh của bạn diễn ra đều đặn. Một đánh giá về các nghiên cứu khoa học cho thấy mối liên hệ giữa sự thiếu hụt dinh dưỡng và chu kỳ kinh nguyệt không đều.

Chế độ ăn uống cân bằng các chất dinh dưỡng quan trọng trong cơ thể bao gồm: Protein, chất béo và carbs (carbohydrate). Ngoài ra, một số vi chất dinh dưỡng, hay còn gọi là vitamin và khoáng chất cần thiết như: Canxi, magiê, sắt và kẽm. Bạn nên bổ sung thêm đủ chất dinh dưỡng từ những loại món ăn như thịt, cá, trứng, sữa, rau xanh, trái cây…và hạn chế ăn những thức ăn có nhiều chất béo cũng như một số sản phẩm chứa chất kích thích như cà phê, bia, rượu, trà và thuốc lá.

Chế độ dinh dưỡng lành mạnh giúp cân bằng nội tiết tố (hormon) của chị em, estrogen là hormon sinh dục chính của phụ nữ, estrogen điều chỉnh chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Thực phẩm giàu phytoestrogen như đậu nành, hạt lanh có thể giúp bạn cân bằng nội tiết tố này và giúp bạn giảm một số triệu chứng mãn kinh như kinh nguyệt không đều, tình trạng bốc hỏa, đổ mồ hôi ban đêm, thay đổi tâm trạng thường xuyên. 

Phương pháp phòng ngừa chậm kinh hiệu quả

Để phòng ngừa chậm kinh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Vệ sinh vùng kín đúng cách, không nên thụt rửa sâu hay sử dụng quá nhiều dung dịch vệ sinh, việc làm này sẽ làm thay đổi pH, gây viêm nhiễm vủng kin.

  • Thay đổi lối sống, chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn vừa sức. Tránh căng thẳng trong công việc, học tập kéo dài bằng cách tham gia các hoạt động như: Tập yoga, thiền. 

  • Giảm hoặc tăng cân: Thiếu hay thừa cân đều làm cho chu kỳ kinh nguyệt của bạn không đều hoặc ngừng lại. Tập thể dục vừa sức, thường xuyên cùng với một chế độ ăn uống lành mạnh có thể giúp bạn kiểm soát được cân nặng của mình.

  • Bổ sung vitamin D: Vitamin D ngoài chức năng hỗ trợ sự hấp thụ canxi trong ruột, là chất cần thiết cho xương khỏe mạnh. Nghiên cứu cho thấy vitamin D cũng có thể điều chỉnh quá trình rụng trứng. Để đảm bảo cơ thể bạn nhận đủ vitamin D, bạn nên dành thời gian ở ngoài trời dưới ánh nắng mặt trời vào buổi sáng, ngoài ra bạn cũng có thể uống thuốc bổ sung vitamin D, một số sản phẩm như sữa đậu nành hay ngũ cốc được nhà sản xuất bổ sung vitamin D. 

  • Bạn nên kiểm tra sức khỏe định kỳ, đế có thể phát hiện sớm các bệnh có thể là nguyên nhân làm cho bạn chậm kinh như: Bệnh lý về tuyến giáp, u nang buồng trứng, phụ khoa… nếu có, để điều trị kịp thời và tránh tình trạng tăng nặng của bệnh.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.healthline.com/health/womens-health/why-is-my-period-late

  2. https://www.msdmanuals.com/vi-vn/chuyen-gia/noi-tiet-sinh-duc-nu

Các bệnh liên quan

  1. Lãnh cảm

  2. Viêm nội mạc tử cung

  3. Rong kinh

  4. Lạc nội mạc trong cơ tử cung

  5. Đa ối

  6. U bì buồng trứng

  7. Nang vú

  8. Cơn gò chuyển dạ giả

  9. Viêm âm đạo

  10. Rối loạn phóng noãn