Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Đậu biếc là một loài cây leo, thường được trồng làm hàng rào hoặc thành giàn hoa, thời gian gần đây ngày càng có nhiều người quan tâm trồng loại cây giàu chất chống oxy hóa này.
Tên Tiếng Việt: Đậu biếc
Tên khác: Đậu hoa tím; bông biếc
Tên khoa học: Clitoria ternatea L., thuộc họ Đậu Fabaceae.
Đậu biếc là loại cây thảo leo, sống nhiều năm, dài khoảng 4 – 5m. Thân và cành mềm, hình trụ, có ít lông.
Lá kép lông chim, mọc so le, có 5 đến 7 lá chét hình trái xoan rộng, dài 2,6 – 4 cm, rộng 1,5 – 2,5 cm, gốc tù, đầu tròn hoặc hơi khuyết, mép nguyên; cuống lá kép dài khoảng 5 – 6 cm, nhẵn; lá kèm hình dải.
Hoa mọc đơn ở nách lá, lá bắc 2, hình mắt chim; cánh hoa màu xanh lam phía ngoài, phía trong màu trắng, dài khoảng 5 cm; đài hình ống, dài 1,8 cm, có răng hình trái xoan nhọn, tràng có cánh cờ hình bầu dục, viền giữa màu vàng cam, thắt lại ở gốc, không có móng, dài 4,5 cm, các cánh bên có móng dài 2 cm; nhị 10 xếp hai bó, bao phấn hình elip, bầu có lông, vòi nhụy dẹt.
Quả dài 10 cm, có mỏ, rộng 1 cm, màu hung, hơi thắt lại giữa các hạt, có lông khi chín thì chuyển từ màu xanh lục nhạt sang màu vàng nâu và khô lại; hạt hình thận dẹt, chứa 5 – 10 hạt mỗi quả , dài 6 mm, điểm màu lục đen.
Mùa hoa: Tháng 6 – 8; mùa quả: Tháng 9 – 11.
Cây phân bố rải rác ở một số tỉnh miền núi, bao gồm: Ninh Bình, Quảng Ninh, ngoại thành Hà Nội và Bãi giữa, Đà Nẵng, Thừa Thiên – Huế, Khánh Hòa, Bình Thuận, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu và thành phố Hồ Chí Minh. Trên thế giới, cây phân bố ở Ấn Độ, Myanma, Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Australia, Indonesia, Malaysia, Philippines (Danh lục các loài thực vật Việt Nam I, II, 2003).
Đậu biếc là loại cây thảo leo, sống nhiều năm. Cây có đặc điểm là ưa sáng và ưa ẩm, nhưng cũng có khả năng chịu hạn vừa. Đậu biếc ra hoa quả hàng năm. Tái sinh tự nhiên bằng hạt và có thể gieo trồng dễ dàng bằng hạt.
Bộ phận sử dụng được của Đậu biếc là rễ, hạt, lá và hoa.
Lá và hạt Đậu biếc được dùng làm chất nhuộm màu lam (theo Phạm Hoàng Hộ, 2006). Lá chứa alkaloid, γ – lactose, aparajitin, astragalin (kaemperol – 3 – glucosid), kaemperol – 3 – rutinosid, clitorin, các hợp chất triterpenoid và lacton. Hợp chất aparajitin khi bị oxy hoá tạo thành các acid arachidic và β – methylglutamic (Cây thuốc Đông và Đông Nam Á, 1980).
Vỏ thân và hạt chứa một ít alkaloid độc.
Dầu hạt có chứa acid oleic, linoleic, myristic, palmatic, stearic, arachidic và γ – sitosterol. Theo nghiên cứu của Nadkarnis vào năm 1976, vỏ rễ Đậu biếc có chứa tanin, tinh bột, chất nhựa; hạt chứa chất nhựa đắng, acid tanic, glucosa và cotyledon.
Hạt chứa các acid amin như leucin (Leu), isoleucin (Ile), glycin (Gly), arginin (Arg), valin (Val), alanin (Ala), acid glutamic (Glu), aspartic (Asp) và tyrosin (Tyr).
Rễ và vỏ Đậu biếc có vị chát và đắng, có tác dụng lợi tiểu, nhuận tràng.
Lá có tác dụng kháng viêm, giảm đau.
Hai thành phần este và glycosid tạo nên màu xanh đặc trưng của hoa. Ngoài ra, trong hoa còn chứa hàm lượng cao flavonoid và anthocyanin rất tốt cho sức khỏe.
Tác dụng chống oxy hóa:
Cao nước Đậu biếc có tác dụng chống oxy hóa mạnh.
Ngăn ngừa lão hóa và làm đẹp da:
Theo các nghiên cứu đã được tiến hành thì Đậu biếc có chứa hàm lượng cao các chất chống oxy hóa, tăng cường khả năng chống lại các quá trình oxy hóa sớm. Ngoài ra, thành phần anthocyanin (chất chống oxy hóa thuộc nhóm flavonoid) còn hỗ trợ làm tăng lưu lượng máu lưu thông đến da đầu, giúp chắc khỏe nang tóc, giảm thiểu nguy cơ rụng tóc, hói đầu, bạc tóc,…
Bên cạnh đó, nhờ hàm lượng cao collagen và elastin trong hoa Đậu biếc nên loài hoa này còn có khả năng duy trì nét thanh xuân, sự trẻ trung thông qua cơ chế duy trì độ ẩm, sự đàn hồi và ngăn ngừa sự phát triển của các nếp nhăn trên da.
Hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho tim mạch:
Các hoạt chất chống oxy hóa trong Đậu biếc còn có tác dụng ngăn ngừa nhiễm trùng, cải thiện và điều hòa hàm lượng cholesterol trong máu, nhờ đó giúp hỗ trợ tăng cường sức khỏe cho tim mạch.
Tốt cho não bộ:
Theo các chuyên gia, hàm lượng chất chống oxy hóa proanthocyanidin trong hoa Đậu biếc có tác dụng kích thích sự hoạt động tích cực của não bộ, giúp tăng cường lưu thông máu não và hỗ trợ cải thiện trí nhớ.
Hỗ trợ điều trị bệnh ung thư:
Theo các nghiên cứu sơ bộ cho thấy hoạt chất cliotide trong hoa có khả năng ức chế sự phân chia và nhân đôi của các tế bào ung thư nhờ cơ chế kích thích tăng sinh số lượng bạch cầu.
Hỗ trợ điều trị bệnh tiểu đường:
Thường xuyên sử dụng hoa Đậu biếc với liều lượng thích hợp giúp giúp kích thích cơ thể tiết ra hàm lượng cao insulin - hoạt chất giúp ổn định hàm lượng glucose trong máu, kiểm soát nồng độ đường huyết phép và giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường.
Hỗ trợ điều trị bệnh hen suyễn:
Các hoạt chất trong Đậu biếc được cho là có khả năng cắt nhanh cơn hen và giảm thiểu triệu chứng sưng phù đường hô hấp.
Tăng cường hệ miễn dịch:
Với hàm lượng cao hoạt chất anthocyanin trong hoa Đậu biếc giúp bảo vệ hệ miễn dịch khỏi những tổn thương ADN và sự peroxy hóa lipid, đồng thời kích thích sản sinh nhiều cytokine tăng cường khả năng miễn dịch cho cơ thể.
Duy trì sức khỏe của đôi mắt:
Thành phần proanthocyanidin là một chất chống oxy hóa mạnh, có khả năng hỗ trợ tăng cường lưu thông máu đến các mao mạch ở mắt. Nhờ vậy, giúp giảm thiểu những tổn thương đến võng mạc, giảm nguy cơ làm tăng nhãn áp hay các triệu chứng không tốt liên quan đến mắt như mắt mỏi, mờ, chảy nước mắt…
Giảm đau, hạ sốt:
Các nghiên cứu khoa học cũng đã chứng minh rằng chiết xuất từ 200 – 400g hoa Đậu biếc có khả năng làm giảm nhiệt độ của cơ thể, giúp hạ sốt nhanh bằng cách làm các mạch máu dưới da mở rộng, từ đó giúp tăng lưu lượng máu và giải cảm nhanh chóng.
Giúp giảm cân:
Nấu nước hoa Đậu biếc uống hằng ngày với liều lượng thích hợp giúp bổ sung catechin EGCG có khả năng thúc đẩy quá trình đốt mỡ và dẫn đến hiệu quả giảm mờ thừa trong cơ thể về lâu dài. Bên cạnh đó, trà hoa Đậu biếc còn có tác dụng lợi tiểu, kháng viêm, hỗ trợ thanh lọc và đào thải độc tố, các chất cặn bã tích tụ làm ảnh hưởng sức khỏe cơ thể.
Điều hòa kinh nguyệt:
Một số hoạt chất có trong hoa đậu biếc có khả năng kích thích sự co bóp của tử cung, ngăn ngừa tình trạng ứ trệ máu kinh, ổn định và điều hòa chu kỳ kinh nguyệt.
Hạt có tác dụng nhuận tràng và tẩy xổ: Liều dùng 10 – 20g hạt tươi, sắc lấy nước uống. Với mục đích tẩy xổ có thể dùng liều 20 – 40g, nhưng cần cẩn thận trên một số bệnh nhân vì dễ gây đi ngoài đau buốt và buồn nôn.
Ở Philippines, người dân nghiền hạt và trộn với bitartrat kalium (trong đó liều lượng bitartrat kalium gấp đôi hạt Đậu biếc) dùng gây xổ nhanh và đảm bảo vô hại.
Lá nghiền ra dùng đắp chữa mụn mủ, bướu.
Dịch lá dùng chữa viêm mắt.
Ở Ấn Độ, người dân dùng cây để trị nọc rắn cắn.
Nhuận tràng và tẩy xổ
Liều dùng 10 – 20g hạt tươi, sắc lấy nước uống. Với mục đích tẩy xổ có thể dùng liều 20 – 40g, nhưng cần cẩn thận trên một số bệnh nhân vì dễ gây đi ngoài đau buốt và buồn nôn.
Liều dùng: Tối đa chỉ nên sử dụng khoảng 20 bông Đậu biếc, tương đương với 640mg anthocyanin để tránh gây ra tác dụng phụ, chẳng những không có tác dụng điều trị mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe người dùng.
Không được lạm dụng hoa Đậu biếc quá mức cho phép (cả về liều dùng và tần suất sử dụng), đặc biệt đối với những phụ nữ đang mang thai, phụ nữ đang trong giai đoạn hành kinh, người bệnh đang sử dụng các thuốc chống đông máu hoặc bệnh nhân chuẩn bị làm phẫu thuật… vì hàm lượng cao anthocyanin trong hoa có khả năng làm tăng quá trình lưu thông máu, ức chế sự kết tụ tiểu cầu và kích thích sự co bóp của tử cung.
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/dau-biec.html
Viện y dược cổ truyền dân tộc: https://vienyduocdantoc.org.vn/duoc-lieu/hoa-dau-biec