Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Dâu tằm, loại cây được biết đến từ rất lâu để lấy lá nuôi tằm, đồng thời còn là vị thuốc có nhiều tác dụng chữa bệnh như an thần, thanh nhiệt, giảm đau trong viêm xương khớp, giúp mạnh gân cốt, hạ huyết áp, tiêu viêm, lợi tiểu…
Tên tiếng Việt: Dâu tằm.
Tên gọi khác: Dâu ta, Tang, Dâu cang, Dâu tàu, Mạy mọn, May bơ (Tày), Co mọn (Thái), Nằn phong (Dao), Tầm tang.
Tên khoa học: Morus alba L. thuộc họ Dâu tằm (Moraceae).
Cây gỗ, có thể cao tới 15m. Cành mềm, lúc non có lông, sau nhẵn và có màu xám trắng. Lá mọc so le, hình bầu dục, hình tim hoặc hình trứng, có mũi nhọn ở đầu, phiến mỏng, mềm, mép có răng cưa, chia 3 – 5 thùy hơi nhọn, 3 gân ở gốc, hai mặt màu lục sáng, cuống dài, mảnh, hơi có lông, có lá kèm.
Hoa đơn tính, không có cánh hoa, cụm hoa đực có hình đuôi sóc dài 1,5 – 2cm, có 4 là đài, hơi có lông, nhị 4, chỉ nhị mảnh, bao phấn gần hình cầu, cụm hoa cái là bông ngắn hình trứng hoặc gần hình cầu dài 1 cm, hoa có 4 lá đài, bầu có 1 noãn.
Quả phức gồm nhiều quả bế bao bọc trong các lá đài mọng nước, khi chín màu đỏ hay đỏ hồng sau đen. Mùa hoa quả vào tháng 5 đến tháng 7.
Phân bố
Cây Dâu tằm có nguồn gốc ở Trung Quốc, sau được trồng rộng rãi ở các nước châu Á. Dâu tằm ưa ẩm, ưa sáng, thường được trồng ở bãi sông, nơi đồng cao và đất bằng cao nguyên. Tại Việt Nam, Dâu tằm đã được trồng ở từ lâu đời để lấy lá nuôi tằm, nhiều bộ phận khác thu hái làm thuốc.
Thu hái, chế biến
Lá Dâu: Có thể thu hái nhiều lứa tùy theo độ tuổi của cây, dùng lá bánh tẻ (lá cho tằm ăn), ngắt lá từ dưới lên, để lại những lá chưa hoàn toàn sinh trưởng hết phía đầu cành. Sau khi hái, loại bỏ lá úa, tạp chất rồi phơi hay sấy nhẹ.
Cành Dâu: Thu hái quanh năm, chọn cành non có đường kính 0,5 – 1,5 cm, bỏ hết lá, chặt ngắn khoảng 1cm, thái mỏng, phơi khô. Trước khi dùng, có thể sao vàng hoặc tẩm rượu sao.
Quả Dâu: Thu hái khi quả chín, dài 2 cm, đường kính 1 cm.
Vỏ rễ: Chọn rễ ngầm dưới đất, rửa sạch, cạo bỏ hết lớp vỏ ngoài màu vàng nâu, lấy phần trong màu trắng ngà, chặt thành từng đoạn dài 20 – 50cm, rửa sạch phơi hay sấy khô. Dùng sống hoặc tẩm mật sao vàng.
Bộ phận sử dụng được của Dâu tằm gồm:
Lá dâu, thường gọi là Tang diệp – Folium Mori.
Vỏ rễ dâu, thường gọi là Tang bạch bì – Cortex Mori.
Cành dâu, hay Tang chi – Ramulus Mori.
Quả Dâu, hay Tang thầm – Fructus Mori.
Lá Dâu tằm chứa ít tinh dầu, protein, carbohydrat, flavonoid, các dẫn chất coumarin (umbelliferon, scopoletin, scopolin), sterol (inokosterol, β-ecdysteron), vitamin (vitamin B, C, D, caroten), và nhiều thành phần khác (morocetin, , a-, b- hexenal, trigonellin, chất cao su, tanin,…).
Cành Dâu chứa các flavonoid như morin, dihydromorin, dihydrokaempferol, mulberin, mulberronchromen, cyclomulberrin, cyclomulberrochromen. Ngoài ra còn chứa tetrahydroxybenzophenon, maclurin.
Vỏ rễ Dâu chứa các flavonoid bao gồm mulberin, mulberronchromen, cyclomulberrin, cyclomulberrochromen… Ngoài ra, vỏ rễ còn chứa các acid hữu cơ, tanin, pectin.
Quả Dâu chứa đường (glucose và fructose), acid malic và acid succinic, protein, tanin, vitamin C, caroten.
Theo Đông y:
Lá Dâu (Tang diệp) có vị đắng, ngọt, tính hàn, vào hai kinh can và phế có tác dụng tán phong, thanh nhiệt, lương huyết, sáng mắt.
Vỏ rễ Dâu (Tang bạch bì) có vị ngọt, hơi đắng, tính mát, vào kinh phế, có tác dụng thanh phế nhiệt, lợi thủng, giảm ho, trừ đờm, hạ suyễn, tiêu sưng.
Cành Dâu (Tang chi) có vị đắng nhạt, tính bình, vào kinh can có tác dụng trừ phong thấp, lợi các khớp, thông kinh lạc, tiêu viêm, hạ nhiệt, giảm đau.
Quả Dâu (Tang thầm) có vị ngọt, chua, tính mát, vào kinh can và thận, có tác dụng dưỡng huyết, bổ gan thận, trừ phong, dùng chữa bệnh tiêu khát, loa lịch, mắt có màng, ù tai, huyết hư, tiện bí.
Tác dụng ức chế vi khuẩn
Cao nước và cao kiềm của lá và thân cây Dâu có tác dụng ức chế các vi khuẩn gram dương và các men. Cao chiết với methanol của cây Dâu có tác dụng ức chế sự phát triển của các chủng vi khuẩn Klebsiella pneumonia, Staphylococccus aureus, Candida albicans, Mycobacterium phlei.
Tác dụng hạ huyết áp và an thần
Lá và vỏ rễ trong của Dâu có tác dụng hạ huyết áp và tác dụng này bị đối kháng bởi atropin. Đồng thời còn có tác dụng giãn mạch, an thần nhẹ.
Chế phẩm Passerymun bao gồm lá Dâu, Lạc tiên, Vông nem, lá Sen, Thảo quyết minh, hạt Tơ hồng, hạt Keo đậu, củ Sâm đại hành, được sử dụng trên lâm sàng để an thần, giúp bệnh nhân ngủ dễ dàng và an giấc.
Vỏ rễ Dâu có tác dụng tương tự acetylcholin bao gồm hạ huyết áp, giãn mạch ngoại biên, ức chế tim ếch cô lập, co nội mạch tạng,… Các hoạt chất tinh khiết như moracenin A, B, D phân lập từ vỏ rễ Dâu đã thể hiện tác dụng chống tăng huyết áp trên thỏ.
Tác dụng hạ đường huyết
Cao chiết với methanol và nước từ vỏ rễ Dâu làm giảm mức đường huyết ở chuột nhắt. Chất moran A được phân đoạn từ cao chiết đã thể hiện tác dụng hạ đường huyết rõ rệt ở chuột nhắt bình thường và chuột nhắc đã được gây tăng đường huyết với aloxan.
Chữa phế nhiệt, ho có đờm, hen, khái huyết, trẻ con ho gà, phù thũng, bụng chướng to, tiểu tiện không thông, băng huyết, sốt, cao huyết áp:
Dùng vỏ rễ, ngày dùng 4 – 12g, có khi đến 20 – 40g, dạng thuốc sắc hay thuốc bột.
Chữa cảm mạo, phong nhiệt, sốt nóng, ho, viêm họng, đau răng, nhức đầu, mắt đỏ, chảy nước mắt, phát ban, cao huyết áp, mất ngủ:
Dùng lá Dâu, ngày dùng 4 – 12g dạng thuốc sắc.
Chữa phong thấp, đau nhức các đầu xương, cước khí, sưng lở, chân tay co quắp:
Dùng cành Dâu, ngày dùng 6 – 12g, có khi 40 – 60g dưới dạng thuốc sắc.
Chữa đái tháo đường, lao hạch, mắt mờ, ù tai, thiếu máu, đau khớp xương, kém ngủ, râu tóc bạc sớm, táo bón:
Dùng quả Dâu vắt lấy nước, cô thành cao mềm, ngày uống 12 – 20g. Uống lâu khỏe người, ngủ ngon giấc, thính tai, sáng mắt, trẻ lâu.
Chữa đau họng, loét miệng, lở lưỡi:
Bôi siro quả Dâu chín vào chỗ đau, loét.
Chữa khóe mắt bị mộng thịt che lấp
Lá Dâu tằm, Cỏ mực tỉ lệ bằng nhau, cho vào nồi đất, đổ nước vào đun, rồi cho vào một ít vôi bột để lâu năm, bịt miệng nồi lại nấu thêm vài dạo, bắc xuống, xông 2 – 3 lần.
Chữa chứng cứng sần không có mủ
Vỏ rễ Dâu tằm phơi trong râm, tán nhỏ, nấu thành cao rồi hòa với nước, bôi.
Chữa trẻ con đau họng, ho khan, bạch hầu
Lá Dâu tằm 20g, Tầm vôi (Bạch cương tầm) 10g, Bạc hà 5g, sắc uống.
Chữa sưng phổi, sốt, trẻ ho gà, đờm suyễn
Vỏ rễ Dâu tằm(phần non ở dưới đất, bỏ lớp vỏ ngoài, lấy lớp vỏ trắng ở trong, tẩm mật sao qua), Mạch mao, Ngưu tất, mỗi vị 10g, Xuyên tâm liên 5g. Sắc uống.
Chữa ho lâu năm
Vỏ rễ Dâu tằm 10g, vỏ rễ Chanh 10g. Sắc uống trong ngày.
Chữa ho, viêm họng
Vỏ trắng rễ Dâu tằm 10g, Bách bộ (bỏ lõi sao vàng) 10g, Mạch môn 10g, vỏ Quýt 5g, Xạ can 5g, Cam thảo dây 5g. Làm dạng thuốc phiến, mỗi phiến 3g, ngày ngâm 4 – 5 lần, mỗi lần 1 phiến. Hoặc dạng cao lỏng, mỗi lần uống 1 thìa cà phê.
Chữa phong nhiệt, sốt, ho nhiều, tức ngực, khạc đờm vàng
Lá Dâu tằm 12g, Kim ngân 12g, Bạc hà 10g, Cúc hoa 10g, lá Ngãi cứu 10g, Xạ can 8g. Sắc uống ngày 1 thang trong 5 ngày liền.
Chữa viêm phế quản mạn tính
Vỏ rễ Dâu tằm 16g, Mạch môn 16g, Rau má 16g, Bách bộ 10g, Trần bì 6g, Bán hạ chế 6g. Sắc uống ngày 1 thang, uống trong thời gian dài.
Chữa ho ra máu
Vỏ rễ Dâu tằm 12g, Thiên môn 12g, Cúc hoa 12g, Cỏ nhọ nồi 12g, Mạch môn 12g, quả Dành dành 12g, Sinh địa 12g, Trắc bách diệp 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Chữa nôn ra máu
Lá Dâu tằm cuối mùa, sao vàng. Sắc uống, mỗi ngày 12 – 16g.
Chữa ho gà
Vỏ rễ Dâu tằm 12g, Mạch môn 12g, Bách bộ 10g, Rau sam 10g, Húng chang 10g. Sắc uống ngày 1 thang, uống liên tục 15 – 30 ngày. Hoặc chế thành sirô, ngày uống 3 lần, mỗi lần 1 thìa canh, trẻ em giảm ½ liều.
Chữa phong thấp, tay chân co quắp, đau nhức
Cành Dâu tằm sao 20g, Huyết dụ 12g. Sắc uống
Chữa viêm đa khớp mạn tính dạng thấp
Cành Dâu tằm 16g, Thổ phục linh 16g, Mã đề sao 16g, Ngưu tất 16g, Ý dĩ 16g, Đỗ đen sao 16g, rễ Lá lốt 12g. Sắc uống mỗi ngày 1 thang.
Chữa đau dây thần kinh tọa
Cành Dâu tằm 12g, Thổ phục linh 12g, Thiên niên kiện 12g, Ngưu tất 12g, Sinh địa 12g, Cà gai leo 10g, Đỗ đen sao 10g, Lá lốt 10g. Sắc uống ngày 1 thang, uống thời gian dài.
Chữa mụn nhọt lâu ngày không liền miệng
Lá Dâu tằm sao vàng tán nhỏ, rắc vào mụn đã rửa sạch.
Chữa rụng tóc
Vỏ rễ Dâu tằm giã dập, ngâm nước rồi đun sôi nữa giờ, lọc để nguội, gội đầu.
Phòng sốt xuất huyết
Lá Dâu tằm, lá Khế, Sắn dây, Mã đề, Sinh địa, lá Tre, mỗi loại 12g. Sắc uống ngày 1 thang, uống hằng ngày trong thời gian có dịch.
Thuốc bổ huyết, dùng sau khi sốt xuất huyết
Quả Dâu tằm chín, Sinh địa, Củ mài, Đỗ đen sao, Ý dĩ, Bố chính sâm, mỗi thứ 12g. Sắc uống ngày 1 thang.
Một số lưu ý khi sử dụng cây Dâu tằm:
Những người phế hư nhưng không hỏa và ho hàn thì không dùng được vỏ rễ Dâu tằm.
Quả Dâu tằm không dùng cho những người đại tiện tiết tả.
Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam - tập 1 (Tr. 613).
Những cây thuốc và vị thuốc Việt nam (Tr. 720).