Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Dexmedetomidine: Thuốc dùng để an thần

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Dexmedetomidine

Loại thuốc

Thuốc an thần, thuốc ngủ

Dạng thuốc và hàm lượng

Dung dịch cô đặc để tiêm truyền 100 microgam/ml (lọ 2ml, 4ml, 10ml)

Chỉ định

  • An thần cho bệnh nhân được đặt ống nội khí quản và thông khí nhần tạo ở đơn vị chăm sóc tích cực (ICU).
  • An thần cho bệnh nhân không đặt nội khí quản trước và/hoặc trong khi thực hiện các phẫu thuật và trong một số các tiến trình điều trị khác.

Dược lực học

Dexmedetomidine là một chất chủ vận chọn lọc tương đối với thụ thể alpha 2_adrenergic.

Chất chủ vận alpha 2_adrenergic như dexmedetomidine và clonidine có tác dụng giảm đau, an thần liên quan liều và có một chút tác dụng gây mê và giúp duy trì sự ổn định huyết động học trong phẫu thuật bằng cách làm giảm sự đáp ứng của hệ giao cảm trong phẫu thuật.

Thêm vào đó, chất chủ vận thụ thể alpha 2_adrenergic hoạt động thông qua một số cơ chế giống như opiat trên não (ví dụ như hoạt hóa G-protein và liên kết kali), dẫn tới khả năng mất cảm giác đau và cho phép giảm liều opiat và kèm theo sự giảm hô hấp khi sử dụng đồng thời opiat. 

Động lực học

Phân bố

Thể tích phân bố ở trạng thái ổn định (Vss) của dexmedetomidine khoảng 118 lít. Tỷ lệ gắn kết với protein trung bình là 94% và hằng định qua các nồng độ khác nhau đã được thử.

Thuốc Dexmedetomidine liên kết với protein huyết tương giảm đáng kể ở các bệnh nhân suy gan so vói người khỏe mạnh.

Chuyển hóa

Thuốc Dexmedetomidine bị chuyển hóa sinh học hầu như hoàn toàn với lượng rất nhỏ thuốc được thải trừ qua nước tiểu và phân. Chuyển hóa sinh học bao gồm glucuronid hóa trực tiếp và chuyển hóa qua trung gian cytochrome P450.

Các đường chuyển hóa chính của dexmedetomidine là N-glucuronid hóa trực tiếp thành các chất chuyển hóa không có hoạt tính; hydroxyl hóa phần chất béo (chủ yếu qua trung gian CYP2A6) của dexmedetomidin để tạo thành 3-hydroxy N-methyl dexmedetomidin, 3-carbox codexmedetomidin, và N-methyl-O-glucuronid dexmedetomidin.

Thải trừ

Thời gian bán thải giai đoạn cuối (T1/2) khoảng 2 giờ và độ thanh thải có giá trị ước tính khoảng 39 L/giờ. Không có thuốc dexmedetomidine dạng không đổi được phát hiện trong nước tiểu.

Khoảng 85% hoạt độ phóng xạ phát hiện trong nước tiểu được thải trừ trong vòng 24 giờ sau khi truyền. Phân đoạn hoạt độ phóng xạ thải trừ trong nước tiểu chứng tỏ rằng các sản phẩm N-glucuronid hóa chiếm khoảng 34% tổng bài tiết qua nước tiểu.

Tương tác thuốc

Tương tác Dexmedetomidine với các thuốc khác

Sử dụng đồng thời thuốc dexmedetomidine với thuốc gây mê, thuốc an thần, thuốc ngủ và opioid (isofluran, propofol, alfentanil và midazolam) có thể dẫn đến tăng tác dụng, bao gồm cả tác dụng an thần, gây mê và hô hấp. Nghiên cứu in vitro cho thấy có khả năng tương tác giữa dexmedetomidine và các chất chuyển hóa qua enzym CYP2D6.

Khả năng tăng tác dụng hạ huyết áp và nhịp tim chậm nên được xem xét ở những bệnh nhân đang dùng thuốc chẹn beta, các thuốc giãn mạch, digoxin.

Tương kỵ thuốc 

Không được trộn lẫn thuốc này với bất kỳ thuốc nào khác.

Các nghiên cứu về khả năng tương thích đã cho thấy khả năng hấp phụ dexmedetomidine vào một số loại cao su tự nhiên, do đó nên sử dụng các vòng đềm với chất liệu cao su tổng hợp hoặc cao su thiên nhiên nhưng được phủ 1 lớp khác bên ngoài. 

Chống chỉ định

Không dùng thuốc Dexmedetomidine cho các trường hợp sau:

  • Quá mẫn với hoạt chất hoặc bất cứ thành phần nào của thuốc.
  • Block tim gia tăng (cấp độ 2 hoặc 3) trừ khi có máy tạo nhịp.
  • Hạ huyết áp không kiểm soát được.
  • Bệnh mạch máu não cấp tính.
  • Trẻ em dưới 18 tuổi.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Dexmedetomidine

Người lớn

Dexmedetomidine có thể được pha loãng trong dung dịch glucose 50 mg/ml (5%), Ringers, mannitol hoặc natri clorid 9 mg/ml (0,9%) để tiêm để đạt được nồng độ cần thiết trước đó là 4 mcg/ml hoặc 8 mcg/ml.

Thuốc không được chỉ định cho tiêm truyền kéo đài hơn 24 giờ.

Đối với bệnh nhân ở đơn vị chăm sóc tích cực (ICU):

  • Khởi đầu với liều 0,7 mcg/kg/giờ, sau đó hiệu chỉnh trong phạm vi liều từ 0,2 đến 1,4 mcg/kg/giờ để đạt được mức độ an thần mong muốn.
  • Tốc độ truyền bắt đầu thấp hơn nên được xem xét cho những bệnh nhân yếu. Thuốc có hiệu lực cao và tốc độ truyền nên được đưa ra mỗi giờ.
  • Liều tối đa là 1,4 mcg/kg/giờ. Bệnh nhân không đạt được mức an thần thích hợp với liều tối đa của dexmedetomidine nên được chuyển sang một thuốc an thần thay thế.
  • Thời gian sử dụng dexmedetomidine dưới 14 ngày.

Đối với bệnh nhân không đặt nội khí quản trước và/hoặc trong khi thực hiện các thủ thuật chẩn đoán hoặc phẫu thuật yêu cầu an thần:

Dexmedetomidine được truyền dưới dạng liều nạp sau đó là truyền duy trì.

  • Liều nạp: Truyền 1,0 mcg/kg trong 10 phút, đối với các thủ thuật ít xâm lấn hơn như phẫu thuật nhãn khoa, có thể sử dụng liều 0,5 mcg/kg trong 10 phút.
  • Liều duy trì: Bắt đầu với liều 0,6 - 0,7 mcg/kg/giờ và được hiệu chỉnh để đạt được hiệu quả lâm sàng mong muốn với liều từ 0,2 đến 1 mcg/kg/giờ. Tốc độ truyền liều duy trì nên được hiệu chỉnh để đạt được mức độ an thần mong muốn. 

Trẻ em 

Dữ liệu về độ an toàn trẻ em từ 0 đến 18 tuổi chưa được xác định.

Đối tượng khác 

Người cao tuổi

Nên xem xét giảm liều dexmedetomidine cho bệnh nhân > 65 tuổi.

Đối với bệnh nhân không đặt nội khí quản trước và/hoặc trong khi thực hiện các thủ thuật chẩn đoán hoặc phẫu thuật yêu cầu an thần:

  • Giảm liều tải xuống 0,5 mcg/kg trong 10 phút.
  • Xem xét giảm liều để duy trì.

Suy thận

Không cần điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận.

Suy gan

Cân nhắc giảm liều duy trì dexmedetomidine cho bệnh nhân suy gan.

Cách dùng

Dung dịch cô đặc được dùng tiêm truyền.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Nhịp tim chậm, hạ huyết áp, tăng huyết áp, suy hô hấp, tăng đường huyết, hạ đường huyết, kích động, thiếu máu cục bộ hoặc nhồi máu cơ tim, nhịp tim nhanh, buồn nôn, nôn, khô miệng, hội chứng cai thuốc, tăng thân nhiệt. 

Ít gặp 

Nhiễm toan chuyển hóa, giảm albumin máu, ảo giác, block nhĩ thất, giảm cung lượng tim, ngưng tim, khó thở, ngưng thở, chướng bụng, thuốc mất hiệu lực, khát nước.

Không xác định tần suất 

Đa niệu.

Lưu ý

Lưu ý chung khi dùng Dexmedetomidine

Thuốc Dexmedetomidine chỉ được sử dụng trong ICU, phòng phẫu thuật và trong các quy trình chẩn đoán. Bệnh nhân phải được theo dõi nhịp tim liên tục trong khi truyền thuốc và chỉ số hô hấp ở những bệnh nhân không đặt nội khí quản.

Thời gian để hồi phục sau khi sử dụng dexmedetomidine là khoảng một giờ. Khi sử dụng cho bệnh nhân ngoại trú, nên theo dõi chặt chẽ trong ít nhất một giờ (hoặc lâu hơn tùy theo tình trạng của bệnh nhân) với sự giám sát y tế ít nhất một giờ nữa để đảm bảo an toàn.

Thuốc Dexmedetomidine không nên dùng liều bolus và trong ICU không nên dùng liều nạp. 

Dexmedetomidine không nên được sử dụng như một tác nhân gây mê nói chung để đặt nội khí quản hoặc để gây an thần trong khi sử dụng thuốc giãn cơ.

Dexmedetomidine không có tác dụng chống co giật như một số thuốc an thần khác.

Cần thận trọng nếu kết hợp dexmedetomidine với các chất khác có tác dụng an thần hoặc tác động trên tim mạch vì có thể tăng xảy ra các phản ứng có hại.

Dexmedetomidine làm giảm nhịp tim và huyết áp thông qua cường giao cảm trung ương nhưng ở nồng độ cao hơn gây co mạch ngoại vi dẫn đến tăng huyết áp. Do đó, thuốc không thích hợp ở những bệnh nhân có chức năng tim mạch không ổn định ở mức độ nặng.

Tác dụng hạ huyết áp của thuốc dexmedetomidine có thể có ý nghĩa lớn hơn ở những bệnh nhân bị hạ huyết áp từ trước, giảm thể tích máu, hạ huyết áp mãn tính… Hạ huyết áp thường không cần điều trị đặc hiệu nhưng nếu cần, có thể xử trí bằng cách giảm liều, truyền dịch và/hoặc dùng thuốc vận mạch.

Bệnh nhân bị suy giảm hoạt động tự động ngoại vi (ví dụ do chấn thương tủy sống) có thể có những thay đổi huyết động rõ rệt hơn sau khi bắt đầu dùng dexmedetomidine, do đó nên thận trọng khi sử dụng thuốc.

Tăng huyết áp thoáng qua đã được quan sát chủ yếu khi dùng liều tải liên quan đến tác dụng co mạch ngoại vi của dexmedetomidin và không khuyến cáo dùng liều nạp trong ICU. 

Sự co mạch cục bộ khi dùng liều cao có thể xảy ra ở những bệnh nhân thiếu máu cơ tim hoặc bệnh mạch máu não nặng, do đó cần được theo dõi chặt chẽ. Cần cân nhắc việc giảm hoặc ngừng liều ở bệnh nhân có dấu hiệu thiếu máu cục bộ cơ tim hoặc ở não.

Cần thận trọng khi dùng dexmedetomidine cùng với gây tê tủy sống hoặc ngoài màng cứng do có thể tăng nguy cơ hạ huyết áp hoặc nhịp tim chậm.

Cần thận trọng ở người suy gan nặng vì dùng quá liều có thể làm tăng nguy cơ phản ứng có hại, hoặc kéo dài tác dụng an thần do làm giảm độ thanh thải thuốc dexmedetomidine.

Dữ liệu dexmedetomidine trong các rối loạn thần kinh nặng như chấn thương đầu và sau phẫu thuật thần kinh còn hạn chế, do đó cần thận trọng khi sử dụng cho đối tượng này.

Ngừng đột ngột dexmedetomidine sau khi điều trị kéo dài (lên đến 7 ngày) ở ICU có thể dẫn đến các triệu chứng cai thuốc (buồn nôn, nôn, kích động, nhịp tim nhanh, tăng huyết áp). 

Nếu nhịp tim nhanh và/hoặc tăng huyết áp xảy ra sau khi ngừng dexmedetomidine cần điều trị hỗ trợ. 

Dexmedetomidine có thể gây tăng thân nhiệt nên ngừng điều trị bằng dexmedetomidine trong trường hợp sốt kéo dài không rõ nguyên nhân và không được khuyến cáo sử dụng cho những bệnh nhân nhạy cảm với tăng thân nhiệt ác tính.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Không có các nghiên cứu được kiểm soát tốt và đầy đủ trên phụ nữ có thai. Thuốc Dexmedetomidine chỉ nên dùng trong khi mang thai nếu lợi ích lớn hơn nguy cơ tiểm tàng cho thai nhi.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Dexmedetomidine được bài tiết qua sữa mẹ, tuy nhiên nồng độ thuốc trong sữa thấp hơn giới hạn phát hiện sau 24 giờ ngừng điều trị. Tuy nhiên, không thể loại trừ rủi ro đối với trẻ sơ sinh. Cần cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi sử dụng cho đối tượng này. 

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Bệnh nhân nên tránh lái xe hoặc các công việc nguy hiểm khác khi sử dụng dexmedetomidine.

Quá liều

Quá liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Các trường hợp truyền ở nồng độ cao đạt tới 60 mcg/kg/giờ trong 36 phút và 30 mcg/kg/giờ trong 15 phút ở trẻ 20 tháng tuổi và người lớn.

Các phản ứng có hại phổ biến nhất được báo cáo khi dùng quá liều bao gồm nhịp tim chậm, hạ huyết áp, tăng huyết áp, hoạt động quá mức, ức chế hô hấp và ngừng tim.

Cách xử lý khi quá liều Dexmedetomidine

Giảm liều hoặc ngừng truyền dexmedetomidine. Khi dùng quá liều nguy cơ xảy ra tăng huyết áp có thể nổi bật hơn hạ huyết áp.

Trong các nghiên cứu lâm sàng, các trường hợp ngừng nhịp xoang có thể tự hồi phục hoặc đáp ứng với điều trị bằng atropin và glycopyrrolat. Bệnh nhân cần được đưa đến phòng hồi sức cấp cứu trong một số trường hợp quá liều nghiêm trọng dẫn đến ngừng tim.

Quên liều và xử trí

Dexmedetomidine được sử dụng trong cơ sở y tế có kiểm soát chặt chẽ nên không có khả năng bị quên liều.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Dexmedetomidine

  1. EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/11774/smpc

  2. Drugbank.vn: https://drugbank.vn/thuoc/Precedex&VN-17373-13

  3. Drugs.com: https://www.drugs.com/monograph/dexmedetomidine.html

Ngày cập nhật:  20/6/2021