Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Khô miệng là gì? Nguyên nhân gây bệnh, phương pháp điều trị và nguyên tắc phòng ngừa

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Khô miệng là tình trạng các tuyến nước bọt trong khoang miệng giảm tiết nước bọt, phổ biến ở người lớn tuổi. Khô miệng có thể chỉ đơn thuần gây phiền toái hoặc thậm chí tác động lớn đến sức khỏe chung cũng như sức khỏe của răng nướu, cảm giác thèm ăn và thưởng thức thức ăn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Khô miệng là gì? 

Nước bọt giúp ngăn ngừa sâu răng bằng cách trung hòa acid do vi khuẩn tạo ra, hạn chế sự phát triển của vi khuẩn và rửa trôi các mảnh thức ăn. Nước bọt cũng giúp tăng cường khả năng cảm nhận vị, giúp dễ dàng nhai và nuốt hơn. Ngoài ra, các enzym trong nước bọt hỗ trợ quá trình tiêu hóa.

Khô miệng là tình trạng các tuyến nước bọt trong miệng không tạo đủ nước bọt để giữ cho miệng ẩm ướt. Khô miệng thường do tác dụng phụ của một số loại thuốc, lão hóa hoặc do xạ trị ung thư. Trường hợp ít phổ biến hơn, khô miệng do bệnh lý ảnh hưởng trực tiếp đến tuyến nước bọt gây ra.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của khô miệng

Một số dấu hiệu và triệu chứng thường gặp bao gồm:

  • Khô hoặc có cảm giác dính trong miệng;

  • Nước bọt sền sệt hoặc đặc;

  • Hôi miệng;

  • Khó nhai, nói và nuốt;

  • Khô hoặc đau họng và khàn giọng;

  • Lưỡi khô hoặc có rãnh;

  • Thay đổi vị giác;

  • Các vấn đề khi đeo răng giả.

Ngoài ra, tình trạng khô miệng có thể khiến son môi dính vào răng.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh khô miệng

Khô miệng có thể gây ra một số biến chứng ảnh hưởng đến sức khỏe răng miệng như:

  • Tăng mảng bám, sâu răng và bệnh nướu răng;

  • Lở miệng;

  • Nhiễm trùng nấm men trong miệng (tưa miệng);

  • Loét hoặc nứt da ở khóe miệng, hoặc nứt môi;

  • Dinh dưỡng kém do các vấn đề về nhai và nuốt.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến khô miệng

Các tuyến nước bọt không hoạt động bình thường và dẫn đến khô miệng là do những nguyên nhân sau:

Thuốc

Rất nhiều loại thuốc, gồm cả những loại không kê đơn, gây ra tác dụng phụ khô miệng. Trong số đó, thuốc được sử dụng để điều trị trầm cảm, thuốc hạ huyết áp cao, thuốc an thần, thuốc kháng histamine, thuốc thông mũi, Thuốc giãn cơ và thuốc giảm đau có khả năng ảnh hưởng cao hơn.

Sự lão hóa

Nhiều người lớn tuổi bị khô miệng. Các yếu tố góp phần bao gồm: Sử dụng một số loại thuốc, cơ thể thay đổi khả năng chuyển hoá thuốc, dinh dưỡng không đầy đủ và có các vấn đề sức khỏe lâu dài.

Liệu pháp điều trị ung thư

Thuốc hóa trị có thể thay đổi bản chất của nước bọt và số lượng được tạo ra. Điều này có thể là tạm thời và lượng nước bọt trở lại bình thường sau khi điều trị xong. Các phương pháp điều trị bằng bức xạ cho đầu và cổ có thể làm hỏng các tuyến nước bọt, làm giảm tạm thời hoặc vĩnh viễn việc sản xuất nước bọt, tùy thuộc vào liều lượng bức xạ và khu vực được điều trị.

Tổn thương thần kinh

Chấn thương hoặc phẫu thuật gây tổn thương dây thần kinh ở vùng đầu và cổ có thể dẫn đến khô miệng.

Các bệnh lý khác

Khô miệng có thể do một số tình trạng sức khỏe, như bệnh đái tháo đường, đột quỵ, nhiễm nấm men (tưa miệng), bệnh Alzheimer hoặc do các bệnh tự miễn, như hội chứng Sjogren, HIV/ AIDS. Ngáy và thở bằng miệng cũng có thể góp phần làm khô miệng.

Sử dụng thuốc lá và rượu

Uống rượu, hút thuốc hoặc nhai thuốc lá có thể làm tăng các triệu chứng khô miệng.

Sử dụng ma túy

Methamphetamine có thể gây khô miệng nghiêm trọng và làm hỏng răng. Cần sa cũng cũng có tác dụng tương tự.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải khô miệng?

Mọi đối tượng đều có nguy cơ mắc khô miệng, tuy nhiên tỷ lệ này cao hơn ở phụ nữ so với nam giới (đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh). Người già cũng thường bị khô miệng hơn so với người trẻ tuổi hoặc trung niên.

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc phải khô miệng

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc chứng khô miệng, bao gồm:

  • Mắc bệnh tiểu đường, hội chứng Sjogren và các tình trạng sức khỏe mãn tính khác;

  • Thuốc (kê đơn và không kê đơn);

  • Hút thuốc, sử dụng các sản phẩm thuốc lá hoặc sử dụng ma túy bất hợp pháp;

  • Sử dụng rượu;

  • Tiêu thụ caffein;

  • Tiền sử xạ trị;

  • Tuổi cao;

  • Tổn thương thần kinh;

  • Tình trạng lo âu.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán khô miệng

Tiền sử bệnh

Điều tra những thông tin sau: 

  • Mức độ khởi phát, thời gian xuất hiện (liên tục/ không liên tục, chỉ xuất hiện khi thức giấc), các yếu tố kích thích, bao gồm các yếu tố tình huống hoặc tâm lý (chỉ xảy ra trong giai đoạn căng thẳng tâm lý hoặc các hoạt động nhất định), đánh giá lượng nước nạp vào (thói quen uống nước, nôn mửa hoặc tiêu chảy tái phát) và thói quen ngủ, tiền sử sử dụng thuốc kích thích.

  • Tiền sử bệnh liên quan đến khô miệng, bao gồm hội chứng Sjögren, tiền sử xạ trị, chấn thương đầu và cổ và chẩn đoán hoặc các yếu tố nguy cơ lây nhiễm HIV, những loại thuốc từng sử dụng.

Thăm khám lâm sàng

Khám thực thể tập trung vào khoang miệng, đặc biệt là bất kỳ tình trạng khô rõ ràng nào (niêm mạc khô, dính hay ẩm ướt; nước bọt có bọt, đặc hay không), sự hiện diện của tổn thương do nấm Candida albicans gây ra, và tình trạng răng.

Đo lượng nước bọt của bệnh nhân khi kích thích tuyến nước bọt. Lượng bình thường là 0,3 - 0,4 mL/phút. Khô miệng đáng kể là 0,1 mL/phút.

Có thể dễ dàng phát hiện sâu răng bằng cách quan sát đường viền nướu, rìa răng cưa, hoặc đầu chóp của răng...

Biểu hiện phổ biến của nhiễm C. albicans là các vùng ban đỏ và teo (ví dụ như mất nhú trên mặt sau của lưỡi). Ít phổ biến hơn là sữa đông trắng, chảy máu khi lau.

Xerostomia được chẩn đoán bằng các triệu chứng, sự xuất hiện và không có dòng nước bọt khi xoa bóp các tuyến nước bọt.

Sự hiện diện đồng thời của khô mắt, khô da, phát ban, hoặc đau khớp, đặc biệt ở bệnh nhân nữ, gợi ý chẩn đoán hội chứng Sjögren. Sự đổi màu và sâu răng nghiêm trọng, không giống với những phát hiện dự kiến, có thể là dấu hiệu của việc sử dụng ma túy bất hợp pháp, đặc biệt là methamphetamine. Khô miệng chỉ xảy ra vào ban đêm hoặc chỉ khi thức giấc có thể là dấu hiệu của việc thở quá nhiều bằng miệng trong môi trường không khí khô.

Cận lâm sàng

  • Sialometry - đánh giá lưu lượng nước bọt;

  • Sinh thiết tuyến nước bọt.

Đối với những bệnh nhân chưa rõ sự hiện diện của chứng khô miệng, tiến hành đo sialomet bằng cách đặt các thiết bị thu thập trên các lỗ tuyến chính và kích thích sản xuất nước bọt bằng acid citric hoặc nhai parafin. Lưu lượng nước bọt mang tai bình thường là 0,4 - 1,5 mL/phút/tuyến. Theo dõi dòng chảy cũng có thể giúp xác định đáp ứng với liệu pháp.

Nguyên nhân gây khô miệng thường rõ ràng, những trường hợp không rõ và nghi ngờ mắc bệnh lý khác, thì nên đánh giá thêm bằng sinh thiết một tuyến nước bọt nhỏ (để phát hiện hội chứng Sjögren, sarcoidosis, amyloidosis, bệnh lao hoặc ung thư ) và xét nghiệm HIV. Môi dưới là vị trí thuận tiện để lấy mẫu sinh thiết.

Phương pháp điều trị khô miệng hiệu quả

Thay đổi thuốc gây khô miệng

Bác sĩ điều chỉnh liều lượng hoặc chuyển sang một loại thuốc khác không gây khô miệng.

Sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm miệng

Bao gồm nước súc miệng theo toa hoặc không kê đơn, nước bọt nhân tạo hoặc chất làm ẩm để bôi trơn miệng. Nước súc miệng phù hợp với chứng khô miệng, đặc biệt là những loại có chứa xylitol, có thể hiệu quả, đồng thời cũng có tác dụng bảo vệ chống sâu răng.

Điều trị khô miệng nghiêm trọng

Chỉ định thuốc kích thích tiết nước bọt. Bác sĩ kê đơn pilocarpine hoặc cevimeline để kích thích sản xuất nước bọt. Cả hai đều là thuốc chủ vận cholinergic. Cevimeline (30mg uống 3 lần/ngày) có hoạt tính trên thụ thể M2 (tim) kém hơn so với pilocarpine và thời gian bán thải dài hơn; tác dụng phụ chính là buồn nôn. Pilocarpine (5mg uống 3 lần/ngày) được dùng sau khi loại trừ các chống chỉ định về nhãn khoa và tim mạch; dụng phụ bao gồm đỏ bừng, đổ mồ hôi và đa niệu.

Bảo vệ răng. Để ngăn ngừa sâu răng, nha sĩ lắp các khay chứa florua, loại khay này được nạp đầy florua (1,1% natri florua hoặc 0,4% thiếc florua) và đeo trên răng vào ban đêm. Nên sử dụng thêm chất súc miệng chlorhexidine hàng tuần để kiểm soát sâu răng.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của khô miệng

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

  • Bệnh nhân nên tránh thực phẩm và đồ uống có đường hoặc acid và bất kỳ thực phẩm gây kích thích nào khô, cay, làm se hoặc quá nóng hoặc quá lạnh. 

  • Tránh ăn đường gần trước khi đi ngủ.

  • Thường xuyên vệ sinh răng miệng bằng kem đánh răng và nước súc miệng.

Chế độ dinh dưỡng:

Uống nước trái cây. Khi bị khô miệng, nên uống 8 - 10 cốc nước/ngày, bao gồm nước lọc và nước trái cây. Nên uống nước trong suốt bữa ăn.

Nên ăn đồ ăn lỏng, mềm, ví dụ như thịt gà, cá, bơ đậu phộng mịn, súp kem, phô mai, sữa chua, trái cây đóng hộp, rau trộn hoặc nấu chín mềm, khoai tây nghiền, mì ống/ ngũ cốc nấu chín mềm, bánh, sinh tố. 

Sử dụng thực phẩm kích thích nước bọt giảm khô miệng như kẹo ít đường, kẹo cao su không đường, cam chanh có thể giúp kích thích nước bọt. 

Hạn chế uống cà phê, bởi vì caffeine có thể làm cho miệng khô hơn.

Phương pháp phòng ngừa khô miệng hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

  • Uống nhiều nước. Cố gắng uống khoảng tám cốc nước mỗi ngày, mỗi lần uống từng ngụm và thường xuyên.

  • Sử dụng máy tạo độ ẩm, đặc biệt là trong phòng ngủ, để ngăn ngừa khô miệng vào ban đêm.

  • Tập thở bằng mũi chứ không phải bằng miệng.

  • Vệ sinh răng miệng thường xuyên bằng kem đánh răng, nước súc miệng và chỉ nha khoa.

  • Thăm khám nha sĩ nếu có vấn đề bất thường về răng miệng.

Tránh xa:

  • Thuốc không kê đơn có thể gây khô miệng, chẳng hạn như thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi. Hỏi bác sĩ về một phương pháp điều trị hoặc thuốc khác.

  • Caffeine, thuốc lá và rượu...

  • Nước súc miệng có chứa cồn.

Nguồn tham khảo

1. https://www.msdmanuals.com/professional/dental-disorders/symptoms-of-dental-and-oral-disorders/xerostomia

2. https://suckhoedoisong.vn/thuc-pham-tu-nhien-giam-chung-kho-mieng-169122836.htm#

3. https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/dry-mouth/diagnosis-treatment/drc-20356052

4. https://benhvien108.vn/kho-mieng-va-nhung-benh-lien-quan.htm

Các bệnh liên quan

  1. Viêm quanh răng

  2. Viêm tủy răng

  3. Ung thư răng

  4. Viêm, đau răng

  5. Tưa miệng

  6. Hôi miệng

  7. Răng thừa

  8. Rối loạn khớp thái dương hàm

  9. Ung thư nướu răng

  10. Viêm chân răng