Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Glipizide: Sulfonylurê chống đái tháo đường

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Nội dung chính

Mô tả

Tên thuốc gốc (Hoạt chất)

Glipizide.

Loại thuốc

Sulfonylurê chống đái tháo đường.

Dạng thuốc và hàm lượng

Viên nén: 5 mg, 10 mg. 

Viên giải phóng chậm: 5 mg, 10 mg.

Chỉ định

Đái tháo đường không phụ thuộc insulin (typ 2), khi tăng glucose huyết không kiểm soát được bằng điều chỉnh chế độ ăn và tập luyện.

Dược lực học

Glipizide là một thuốc uống chống đái tháo đường thuộc nhóm sulfonylurê thế hệ 2. Cơ chế tác dụng chính xác làm giảm glucose huyết của sulfonylurê chống đái tháo đường tuy còn chưa được xác định đầy đủ, nhưng các thuốc này, bao gồm cả glipizide, đầu tiên làm giảm nồng độ glucose huyết chủ yếu bằng kích thích các tế bào beta tuyến tuỵ tiết insulin nội sinh. Nếu các tế bào beta tuyến tuỵ không hoạt động, glipizide không hiệu quả.

Glipizide cũng làm tăng tác dụng insulin ngoại biên ở các vị trí hậu thụ thể (có thể nằm trong tế bào) trong thời gian điều trị ngắn ngày. Cơ chế tác dụng của glipizide trong điều trị lâu dài chưa được biết đầy đủ. Tác dụng kéo dài của glipizide đối với tiết insulin nội sinh không giống với đa số các sulfonylurê khác, nhưng tầm quan trọng về lâm sàng trong hiệu quả lâu dài của thuốc còn chưa được làm sáng tỏ.

Tuy tác dụng này có thể góp phần cải thiện dung nạp glucose ở nhiều bệnh nhân khi được điều trị glipizide lâu dài nhưng chỉ có tác dụng này thôi thì có thể chưa đủ cho đáp ứng có hiệu quả và kéo dài của thuốc và dung nạp glucose có thể được cải thiện ở một số người bệnh mà không có tăng tiết insulin.

Nồng độ insulin huyết tương lúc đói thườngkhông tăng trong điều trị glipizide kéo dài. Thuốc thường không làm thay đổi tiết glucagon. Trong khi điều trị kéo dài sulfonylurê, bao gồm cả glipizide, các tác dụng ngoài tụy về cơ bản đã góp phần vào tác dụng làm giảm glucose huyết của thuốc. Một số tác dụng ngoài tuỵ chính gồm có tăng tính nhạy cảm của các tế bào đích ngoại biên với insulin và giảm tân tạo glucose ở gan.

Động lực học

Hấp thu

Hấp thu nhanh và hoàn toàn từ đường tiêu hóa. Chuyển hóa bước đầu của glipizide rất ít và sinh khả dụng tuyệt đối của thuốc khi uống khoảng từ 80 - 100%. Thức ăn làm chậm hấp thu glipizide nhưng không tác động đến nồng độ đỉnh đạt được trong huyết thanh hoặc mức độ hấp thu của thuốc.

Phân bố

Sau khi uống 1 liều đơn 5 mg glipizide lúc đói hoặc no, thuốc xuất hiện trong huyết tương trong vòng 15 - 30 phút và nồng độ đỉnh trung bình trong huyết tương xấp xỉ 310 - 450 nanogam/ml và thường đạt được trong vòng 1 - 3 giờ (dao động 1 - 6 giờ). Nồng độ đỉnh trong huyết tương thường chậm 20 - 40 phút ở người no so với người đói. Ở nồng độ 9 - 612 nanogam/ml, glipizide gắn vào protein huyết tương khoảng 92 - 99%.

Chuyển hóa

Hoàn toàn chuyển hóa ở gan.

Thải trừ

Glipizide và các chất chuyển hóa được đào thải chủ yếu vào nước tiểu. Thuốc và các chất chuyển hóa cũng được đào thải vào phân, hầu như qua mật, chỉ có một lượng rất nhỏ có thể đào thải vào phân dưới dạng không đổi sau khi uống. Phần lớn thuốc đào thải vào nước tiểu trong vòng 6 - 24 giờ đầu sau khi uống.

Độc tính

 

Tương tác thuốc

Tương tác với các thuốc khác

Tác nhân làm giảm tác dụng: Các thuốc chẹn beta, cholestyramin, hydantoin, rifamicin, lợi tiểu thiazid, tác nhân kiềm hóa nước tiểu, than.

Tác nhân làm tăng tác dụng: Đối kháng thụ thể H2, thuốc chống đông máu uống, androgen, thuốc chống nấm (miconazol, fluconazol), salicylat, gemfibrozil, sulfonamid, các thuốc chống trầm cảm 3 vòng, probenecid, ức chế MAO, methyldopa, digitalis glycozid, các tác nhân acid hóa nước tiểu, thuốc chống viêm không steroid. Chống chỉ định sử dụng chung với miconazole vì tăng tác dụng hạ đường huyết, dẫn đến triệu chứng hạ đường huyết hoặc thậm chí hôn mê.

Tác nhân làm tăng độc tính: Cimetidin làm tăng tác dụng hạ đường huyết.

Tương tác với thực phẩm

Alcol: Tác dụng như disulfiram gây đỏ bừng, đau đầu, buồn nôn, nôn, ra mồ hôi, nhịp tim nhanh.

Chống chỉ định

Mẫn cảm với glipizide, các sulfonylurê khác hoặc sulfonamid hoặc với bất cứ thành phần nào của thuốc.

Đái tháo đường typ 1 phụ thuộc insulin, đặc biệt đái tháo đường thiếu niên, đái tháo đường nhiễm toan thể ceton, tiền hôn mê do đái tháo đường. Suy thận hoặc suy gan nặng.

Phẫu thuật, mang thai, cho con bú.

Bệnh nhân được điều trị bằng miconazole.

Liều lượng & cách dùng

Liều dùng Glipizide

Người lớn

Liều khởi đầu là 5 mg mỗi ngày (viên thông thường hoặc viên giải phóng chậm), ở người cao tuổi hoặc người có bệnh gan là 2,5 mg (viên thông thường) hoặc 5 mg (viên giải phóng chậm) mỗi ngày. Liều lượng điều chỉnh thường tăng mỗi ngày 2,5 đến 5 mg cách nhau ít nhất vài ngày (thường 3 đến 7 ngày) khi dùng viên thông thường. Nhà sản xuất viên giải phóng chậm khuyến cáo nếu nồng độ glucose huyết lúc đói được dùng để giám sát đáp ứng, điều chỉnh liều phải dựa vào ít nhất 2 trị số liên tiếp tương tự có được ít nhất 7 ngày sau điều chỉnh liều lần trước.

Liều duy trì: Từ 2,5 - 40 mg/ngày. Đa số người bệnh cần 5 - 25 mg mỗi ngày nếu dùng viên thông thường, hoặc 5 - 10 mg mỗi ngày nếu dùng viên giải phóng chậm. Điều chỉnh liều khoảng 3 tháng 1 lần, dựa trên định lượng HbA1c nếu dùng viên giải phóng chậm. 

Liều đầu tiên khi chuyển từ viên glipizide thông thường sang viên giải phóng chậm: Có thể chuyển an toàn sang viên giải phóng chậm bằng tổng liều hàng ngày tương đương gần nhất sang liều uống 1 lần/ngày. Một cách khác, có thể bắt đầu liều đầu tiên 5 mg viên giải phóng chậm.

Liều đầu tiên khi chuyển từ các thuốc chống đái tháo đường khác:

Chuyển từ sulfonylurê chống đái tháo đường uống sang glipizide: Không cần giai đoạn chuyển tiếp, thuốc dùng trước có thể ngừng ngay. Đối với clorpropamid, vì có nửa đời đào thải kéo dài, có nguy cơ giảm glucose huyết, nên cần theo dõi sát trong 2 tuần đầu trong giai đoạn chuyển tiếp khi dùng viên glipizide thông thường hoặc 1 - 2 tuần khi dùng viên giải phóng chậm.

Chuyển từ insulin sang glipizide: Nếu đang dùng liều insulin 20 đv/ngày hoặc thấp hơn, có thể chuyển thẳng sang liều glipizide thông thường đầu tiên được khuyến cáo và ngừng ngay insulin. Nếu liều insulin dùng cao hơn 20 đv/ngày, phải cho glipizide thông thường liều đầu tiên được khuyến cáo và liều insulin giảm khoảng 50%. Sau đó, cách nhau ít nhất vài ngày lại giảm liều insulin và liều glipizide xuống một lần, mỗi lần giảm từ 2,5 - 5 mg/ngày. Trong thời gian ngừng insulin, phải kiểm tra nước tiểu tìm đường và ceton 3 lần mỗi ngày. Nếu liều insulin cao hơn 40 đv/ngày, nên vào bệnh viện.

Phối hợp glipizide với các thuốc uống chống đái tháo đường khác:

Trong trường hợp này, liều glipizide được giữ như trước, liều thuốc kết hợp thứ hai phải dùng với liều thấp nhất được khuyến cáo, rồi tăng dần tới mức đạt hoặc phục hồi hiệu quả.

Cách dùng

Glipizide thường được uống. Viên giải phóng chậm phải nuốt, không được nhai, nghiền hoặc chia nhỏ. Viên glipizide giải phóng chậm thường uống ngày 1 lần vào bữa sáng. Viên glipizide thông thường uống một lần vào buổi sáng khoảng 30 phút trước bữa sáng.

Uống glipizide mỗi ngày một lần với liều 15 - 20 mg có thể kiểm soát thỏa đáng nồng độ glucose trong máu suốt ngày ở phần lớn người bệnh ăn theo lối thông thường. Khi liều hàng ngày vượt quá 15 - 20 mg, phải chia làm nhiều liều trước các bữa ăn có đủ calo. Liều uống tối đa mỗi ngày 1 lần được khuyến cáo là 15 mg. Liều hàng ngày cao hơn 30 mg, chia làm 2 lần dùng trong thời gian dài đã từng được sử dụng an toàn.

Tác dụng phụ

Thường gặp 

Đau đầu.

Chán ăn, buồn nôn, nôn, ỉa chảy, cảm giác đầy bụng, táo bón, nóng rát ngực.

Ban đỏ, mày đay, mẫn cảm ánh sáng

Ít gặp 

Phù.

Hạ glucose huyết, hạ natri huyết, hội chứng tiết hormon kháng niệu không thích hợp (tiểu tiện ít, gây ứ nước, giảm natri huyết và tác động đến hệ thần kinh). Nhưng đối với glipizide một số cho là có thể gây tăng bài niệu nhẹ. 

Rối loạn tạo máu, thiếu máu bất sản, thiếu máu tan máu, suy tủy, giảm tiểu cầu, giảm bạch cầu hạt.

Vàng da, ứ mật.

Hiếm gặp

Không tìm thấy thông tin thuốc.

Lưu ý

Lưu ý chung

Có thể gây hạ đường huyết trầm trọng. Phải giám sát chặt chẽ người cao tuổi, suy yếu, suy dinh dưỡng hoặc suy thận hay suy gan và liều lượng glipizide phải được điều chỉnh cẩn thận ở những người bệnh này. Suy gan hoặc thận có thể làm tăng nồng độ glipizide trong máu và suy gan có thể làm giảm khả năng tạo glycogen, cả 2 yếu tố này làm tăng nguy cơ gây hạ đường huyết trầm trọng.

Uống rượu, hoạt động, tập luyện kéo dài, lao động nặng, ăn ít không đủ calo, dùng nhiều thuốc chống đái tháo đường, suy tuyến thượng thận hoặc tuyến yên đều rất dễ gây hạ glucose huyết. Hạ glucose huyết rất khó nhận ra ở người cao tuổi, người đang dùng thuốc chẹn beta.

Khi người bệnh đã có lượng đường máu ổn định nhưng bị các stress như sốt, chấn thương, nhiễm khuẩn, phẫu thuật phải ngừng ngay glipizide và thay bằng insulin.

Phải giám sát, đánh giá đều đặn lâm sàng và xét nghiệm bao gồm định lượng glucose huyết và nước tiểu, để xác định liều tối thiểu có hiệu quả và để phát hiện điều trị thất bại nguyên phát (không giảm được glucose huyết thỏa đáng khi đã dùng liều tối đa khuyến cáo) hoặc điều trị thất bại thứ phát (mất kiểm soát nồng độ glucose huyết sau một thời gian điều trị có hiệu quả).

Phải ngừng glipizide, khi thấy thuốc không còn tác dụng khi đang điều trị duy trì (thất bại thứ phát). Phải thông báo, hướng dẫn đầy đủ về bệnh đái tháo đường, nguy cơ tiềm ẩn và lợi ích của liệu pháp glipizide và các điều trị khác. Cần nhấn mạnh chế độ ăn là chính, glipizide không thay thế được chế độ ăn mà chỉ hỗ trợ. Cần giải thích cho người bệnh về thất bại tiên phát và thứ phát khi điều trị sulfonylurê uống chống đái tháo đường.

Phải ngừng thuốc khi thấy vàng da ứ mật hoặc có tác dụng phụ về da kéo dài trong thời gian điều trị glipizide.

Lưu ý với phụ nữ có thai

Chống chỉ định dùng cho người mang thai. Trong trường hợp này, thay glipizide bằng insulin.

Lưu ý với phụ nữ cho con bú

Mặc dù không biết glipizide có thải qua sữa hay không, nhưng một số sulfonylurê thải được qua sữa, vì vậy cần thận trọng khi điều trị glipizide ở người đang cho con bú.

Lưu ý khi lái xe và vận hành máy móc

Ảnh hưởng của glipizide đến khả năng lái xe hoặc vận hành máy móc chưa được nghiên cứu; tuy nhiên, không có bằng chứng cho thấy glipizide có thể ảnh hưởng đến những khả năng này. Bệnh nhân nên biết các triệu chứng của hạ đường huyết và cẩn thận trong việc lái xe và sử dụng máy móc, đặc biệt khi chưa đạt được sự ổn định tối ưu, ví dụ như trong quá trình thay thuốc khác hoặc khi sử dụng không thường xuyên.

Quá liều

Quên liều và xử trí

Quá liều và độc tính

Glucose huyết thấp, đau nhói môi và lưỡi, buồn nôn, ngáp, lú lẫn, kích động, nhịp tim nhanh, ra mồ hôi, co giật, sững sờ, hôn mê.

Cách xử lý khi quá liều

Chủ yếu là cho dùng glucose và điều trị hỗ trợ. Ở một số bệnh nhân, có thể phải cho thêm glucagon và/hoặc corticosteroid tĩnh mạch. Có thể cho than hoạt trong vài giờ sau khi uống quá liều.

Quên liều và xử trí

Uống thuốc ngay khi bạn có thể, nhưng chỉ khi bạn chuẩn bị ăn một bữa ăn. Nếu bạn bỏ bữa, hãy bỏ qua liều đã quên và đợi cho đến bữa ăn tiếp theo của bạn. Không dùng hai liều cùng một lúc.

Nguồn tham khảo

Tên thuốc: Glipizide

  1. Dược thư Quốc gia Việt Nam 2015
  2. EMC: https://www.medicines.org.uk/emc/product/1687
  3. Drugs.com: https://www.drugs.com/pro/glipizide.html

Ngày cập nhật: 29/07/2021

Các sản phẩm có thành phần Glipizide

  1. Thuốc Savi Glipizide 5 điều trị đái tháo đường tuýp 2 (3 vỉ x 10 viên)

  2. Thuốc Bivilizid Glipizide 5mg BRV hỗ trợ chế độ ăn kiêng, kiểm soát đường huyết (3 vỉ x 10 viên)