Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Hoắc hương: Loài thảo dược chữa cảm lạnh, trợ tiêu hóa

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Hoắc hương có tên khoa học là Pogostemon cablin (Blanco) Benth, thuộc họ Lamiaceae (Hoa môi). Hoắc hương chữa cảm lạnh, nôn mửa, khó tiêu, đau bụng, ỉa chảy (cả cây trừ rễ).

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt:  Hoắc hương.

Tên khác:  Thổ Hoắc hương; Quảng hoắc hương…

Tên khoa học:  Herba Pogostemonis.

Đặc điểm tự nhiên

Hoắc hương là loài thân thảo sống lâu năm có chiều cao tầm 30cm đến 60cm, thân phân nhánh và có lông. Lá Hoắc hương khi vò tỏa mùi thơm. Phiến lá có dạng hình trứng hoặc hình thuôn, có chiều dài tầm 5 -10cm, rộng khoảng 2,5 đến 7cm, cuống lá ngắn, mép lá có răng cưa to, có nhiều lông ở mặt dưới. Hoa hoắc hương mọc thành bông ở kẽ lá hay đầu cành có màu hồng tím nhạt. Ở nước ta trồng cây hoắc hương hiếm khi thấy hoa và ra quả. 

Ngoài ra còn có loài Hoắc hương Agastache rugosa (Fisch. Et Mey) O. Kuntze cùng họ cũng hay được sử dụng nhưng ít phổ biến ở nước ta hơn loài trên. Đây là loại thân thảo sống hàng năm với chiều cao khoảng 40 đến 100cm. Lá có dạng hình trứng có chiều dài khoảng  2 đến 8cm, rộng 1 đến 5cm, đầu lá nhọn phía cuống có dạng hình tim. Hoa có màu tím hoặc trắng mọc  vòng quanh thân ở đầu cành hoặc kẽ lá. Mùa ra hoa của Hoắc hương là tháng 6 – 7, mùa quả vào cuối năm khoảng tháng 10 -11.

Hoac huong 1
 Hoắc hương có hoa mọc thành vòng quanh thân ở đầu cành hay kẽ lá

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây Hoắc hương phân bố hầu hết ở miền Bắc Việt Nam, bộ phận thường dùng làm thuốc là lá và cành chủ yếu tại vùng Kim Sơn (Hà Nam), Hưng Yên, vườn thuốc Văn Điển ở Hà Nội. Cây Hoắc hương được trồng bằng cách giâm cành.

Hoắc hương được trồng quy mô lớn lấy lá để chưng cất tinh dầu ở một số nước tại vùng nhiệt đới châu Á, châu Phi. Hiện nay một số nước sản xuất Hoắc hương nhiều nhất có thể kể đến là Ấn Độ, Malaysia, Philipin, Mangak, Indonesia. Malaysia thu hoạch mỗi năm khoảng 500 tấn lá khô hoắc hương về để chưng cất tinh dầu, với hiệu suất thu hoạch mỗi hecta khoảng 500kg lá khô hằng năm.

Bộ phận sử dụng

Lá, hoa.

Thành phần hoá học

Trong lá Hoắc hương khô có chứa 0,5 - 0,6% tinh dầu, thành phần chủ yếu của tinh dầu Hoắc hương là cồn patchouli C15H26O còn gọi là long não patchouli, chất andehyt xinamic, andehyt bezoic, eugennola, cadinen C15H24, sesquitecpen và azulen.

Long não patchouli là loại rượu bậc 3, kết tinh ở dạng tinh thể lục lăng. Theo Nguyễn Xuân Dũng và cộng sự J.Ess Oil Res 2,99-100, March-April 1989 thì trong tinh dầu cất từ lá cây Hoắc hương được trồng ở Hà Nội đã thấy cồn patchouli chiếm tỉ lệ 32 đến 38%. Ngoài ra còn có khoảng 10 thành phần khác trong cây hoắc hương được phát hiện trong đó có hai thành phần tiêu biểu là α-bunesine và α-guaiene.

Tinh dầu Hoắc hương thường được cất từ lá khô hoặc lá để thành đống cho hơi lên men khô dần thì mới cho tỉ lệ cao, còn đối với lá tươi thì tỷ lệ cất tinh dầu sẽ rất thấp. Ngoài ra, hoắc hương còn có một số hoạt chất khác nhưng chưa rõ.

tinh dầu hoắc hương
Tinh dầu Hoắc hương thường có trong lá khô hoặc lá cho hơi lên men khô dần

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Trong y học dân gian, Hoắc hương là vị thuốc tốt cho dạ dày, giúp trợ tiêu hoá và ruột, thông thường được dùng trong các trường hợp ăn không ngon miệng, bị hôi miệng, sôi bụng, đau bụng.

Ngoài ra, Hoắc hương còn được sử dụng làm thuốc trị cảm mạo, nhức đầu, cảm cúm, đau nhức mỏi cơ thể. 

Theo y học hiện đại

Vì tinh dầu Hoắc hương (oil of patchouli) là loại tinh dầu định hương cao cấp nên đây là loại nguyên liệu quý trong kỹ nghệ nước hoa.

Liều dùng & cách dùng

Mỗi ngày dùng với liều khoảng 6 - 12g có thể dùng riêng hay kết hợp với vị thuốc khác, dùng ở dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

Bài thuốc kinh nghiệm

Hoắc hương chính khí hạ kiện tì chỉ tả tán

Chuẩn bị: Hoắc hương 15g, Tô diệp (lá tía tô) 10g, Thương truật 8g, Cam thảo 3g, Trần bì 5g, Đại táo 4 quả, Hậu phác 3g, Phục linh 6g. 

Thực hiện: Tất cả tán thành bột chia thành gói 8 - 10g. Bài thuốc này giúp trị ăn uống không tiêu, đi ngoài đau bụng. Người lớn có thể ngày uống  từ 2 đến tối đa 5 gói, cứ cách khoảng một giờ dùng 1 gói. Đối với trẻ em khoảng 2 đến 3 tuổi thì mỗi lần uống chỉ từ 1/3 gói, tầm 8-10 tuổi mỗi lần dùng 1 đến 2 gói.

Đơn thuốc chữa ăn uống không tiêu, hay sôi bụng

Chuẩn bị: Hoắc hương 12g, Thạch xương bồ 12g, Hoa cây đại 12g, vỏ Bưởi đào đốt cháy 6g. Thực hiện: Tất cả tán nhỏ. Trước bữa ăn 20 phút uống với nước nóng, mỗi lần 2g. Ngày uống 3 lần.

bài thuốc hoắc hương
Hoắc hương đem phơi khô, tán nhỏ chữa ăn uống không tiêu, đau bụng đi ngoài

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng Hoắc hương:

  • Một số người bị âm hư, không có thấp, uất nhiệt thì không nên dùng Hoắc hương.

  • Không sử dụng hoắc hương cho phụ nữ đang mang thai hoặc đang cho con bú, người bị dị ứng có tiền sử dị ứng với Hắc hương.

  • Đối với người mới phẫu thuật lưu ý thận trọng khi dùng Hoắc hương.

Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Hoắc hương có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến. Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.

Nguồn tham khảo
  1. Tracuuduoclieu: https://tracuuduoclieu.vn/cay-hoac-huong.html

  2. Cây thuốc và vị thuốc Việt Nam_Võ Văn Chi

  3. Hình 1: https://images.baodantoc.vn/uploads/2021/Th%C3%A1ng%203/Ng%C3%A0y_29/Thanh/cay-hoac-huong-1.jpg

  4. Hình 2: https://hakufarm.vn/wp-content/uploads/2017/11/hinh-anh-tac-dung-cua-tinh-dau-hoac-huong.jpg

  5. Hình 3: https://cf.shopee.vn/file/5fe857dcf60467bacad986220e485302

Các sản phẩm có thành phần Hoắc hương

  1. Viên uống Xoang Bach Phuc Thái Minh hỗ trợ giảm triệu chứng viêm xoang (2 vỉ x 10 viên)

  2. Dầu gội dược liệu Nguyên Xuân Xanh Lá dưỡng tóc và da đầu, sạch gàu, hết ngứa, giảm tóc gãy rụng (200ml)