Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Huyết lình: Vị thuốc Đông y kỳ lạ từ loài khỉ

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Sau khi sinh đẻ, máu và nhau thai của khỉ cái chảy ra và rơi trên đất đá, theo thời gian kết tụ lại thành khối, người ta gọi đó là Huyết lình. Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng kinh nguyệt khỉ cái là Huyết lình. Đây là vị thuốc thường dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ sau sanh, ngoài ra dùng để bồi bổ cho người gầy yếu, xanh xảo, trẻ kén ăn chậm lớn.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên tiếng Việt: Huyết lình.

Tên khác: Lục linh; Hầu kết; Hầu kiệt; Huyết linh chi.

Tên khoa học: Chưa có tên khoa học.

Đặc điểm tự nhiên

Sau khi sinh đẻ, máu và nhau thai của khỉ cái chảy ra và rơi trên đất đá, theo thời gian kết tụ lại thành mảng, người ta gọi đó là Huyết lình. Ngoài ra cũng có ý kiến cho rằng kinh nguyệt khỉ cái là Huyết lình. Người xưa quan niệm rằng khỉ sẽ chọn những loại thảo dược thiên nhiên tốt nhất khi có thai để bồi bổ cơ thể, từ đó các tinh chất đều lưu trữ trong nhau thai, do đó huyết lình đứng đầu với công dụng bồi bổ máu huyết.

Huyết lình
Huyết lình

Phân bố, thu hái, chế biến

Người ta đi thu hoạch Huyết lình vào mùa khỉ đẻ khoảng từ tháng 5 đến tháng 6 âm lịch (nhằm khoảng tháng 6 tháng 7 âm lịch). Huyết lình được tìm thấy ở những nơi núi đá nơi khỉ hay ở và đi lại, thường ở những mõm núi đá nơi khỉ hay ngồi sau khi đẻ. Người ta cạo những mảng huyết khô này, đôi khi có những mảng dày tới 1cm hay hơn.

Sau khi cạo về, Huyết lình được đem đi phơi nắng hay sấy cho khô rồi cất vào lọ hay gói kín lại, bảo quản nơi khô ráo. Ở nước ta, tầm khoảng tháng 8 đến tháng 9 dương lịch, thuốc được bán dưới dạng cục đen nâu như bã cà phê nhỏ bằng đầu ngón tay, mùi tanh. Sử dụng bằng cách ngâm rượu hoặc ăn cùng với cháo.

Hiện nay khó kiếm Huyết lình trên thị trường do số lượng khỉ giảm và quá trình hình thành đặc biệt của Huyết lình.

Bộ phận sử dụng

Máu và nhau thai của khỉ cái chảy ra và rơi trên đất đá, theo thời gian kết tụ lại thành mảng.

Thành phần hoá học

Chưa có nghiên cứu khoa học. Dùng kính hiển vi để soi chỉ thấy hồng cầu lẫn tạp chất.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Huyết lình được quy vào kinh Tâm, Thận do có vị mặn tanh. 

Công dụng chính của Huyết lình là hoạt huyết điều kinh, bổ ích tinh huyết, bổ huyết chỉ huyết.

Thời cổ đại, Huyết lình được sử dụng phổ biến trong cung đình cho phụ nữ đau bụng kinh hay kinh nguyệt không đều… Với tác dụng dưỡng khí huyết, bồi bổ và tăng cường sức khỏe, đây là vị thuốc thường dùng làm thuốc bổ máu cho phụ nữ sau sanh, ngoài ra dùng để bồi bổ cho người gầy yếu, xanh xảo, trẻ kén ăn chậm lớn. Người ta còn ngâm rượu để xoa bóp làm thuốc giảm đau dùng ngoài.

dược liệu huyết lình
Huyết lình có thể giúp chữa đau bụng kinh cho phụ nữ

Theo y học hiện đại

Chưa có thông tin.

Liều dùng & cách dùng

Tán nhỏ 1 đến 2g Huyết lình đã sấy khô, dùng hằng ngày hay ngâm rượu (ngâm với rượu 50 đến 60 độ). Nếu ngâm rượu uống, để không bị tanh, cần hâm nóng.

huyết lình dành cho phụ nữ sau sinh
Huyết lình được cho là sử dụng được cho cả phụ nữ sau sinh

Bài thuốc kinh nghiệm

Trẻ con chậm lớn, kém ăn:

Cho Huyết lình đã sấy khô tán nhỏ vào cháo nóng cho trẻ con ăn vào buổi sáng. Uống từ 1 đến 2g mỗi ngày trong 7 đến 10 ngày liên tiếp. Phụ nữ sau sanh gầy yếu xanh xao không uống được rượu ngâm cũng có thể sử dụng đơn thuốc này

Chữa phụ nữ kinh nguyệt không đều, đau bụng kinh:

Tán nhỏ Huyết lình rồi cho trực tiếp vào nước ấm uống, mỗi lần uống từ 3 đến 5g.

Thuốc xoa bóp khi đau ngã:

Huyết lình không kê liều lượng ngâm trong rượu càng đặc càng tốt. Tuy nhiên thường dùng 1 phần Huyết lình ngâm trong 5 phần rượu. Ngâm nóng mà xoa bóp vào chỗ sưng đau. Rượu ngâm này có thể uống.

huyết lình dùng cho trẻ kém ăn
Huyết lình dùng cho trẻ em kém ăn

Lưu ý

Công dụng và cách sử dụng của Huyết lình hiện vẫn còn có nhiều vấn đề tranh cãi. Tác dụng chưa được nghiên cứu nhiều và chỉ có trong các bài thuốc dân gian do đó không nên tùy ý sử dụng mà cần tham khảo ý kiến bác sĩ để đạt hiệu quả tốt nhất.

Nguồn tham khảo

1. Đỗ Tất Lợi (2004). Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, trang 961.

2. https://tracuuduoclieu.vn/huyet-linh.html