Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Đau bụng kinh: Triệu chứng thường gặp trước và trong kỳ kinh

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Tình trạng đau bụng khi hành kinh được gọi là đau bụng kinh. Nhìn chung, mức độ các cơn đau thường nhẹ. Tuy nhiên đối với một số phụ nữ, đau bụng kinh có thể dữ dội đến mức ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt bình thường khoảng vài ngày trong tháng. Có thể điều trị bằng thuốc giảm đau không steroid (NSAID)). Đối với tình trạng đau bụng kinh thứ phát, bạn cần đến khám bác sĩ và điều trị nguyên nhân bên trong gây ra đau bụng kinh.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Đau bụng kinh là gì? 

Tình trạng đau bụng khi hành kinh được gọi là đau bụng kinh. Hơn một nửa số phụ nữ trong giai đoạn hành kinh bị đau từ 1 đến 2 ngày mỗi tháng. Nhìn chung, mức độ các cơn đau thường nhẹ. Tuy nhiên đối với một số phụ nữ, đau bụng kinh có thể dữ dội đến mức ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt bình thường khoảng vài ngày trong tháng.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của đau bụng kinh

Triệu chứng thường gặp là triệu chứng đau bụng trong những ngày có kinh. Cảm giác đau bụng có thể biểu hiện như cảm giác nặng, trằn vùng bụng dưới, cơn đau có thể lan đến vùng hông, vùng lưng thấp và mặt trong đùi. Ngoài ra, một số phụ nữ có cơn đau bụng kinh dữ dội có thể kèm theo tiêu chảy, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt.

Đau bụng kinh được chia làm 2 loại:

  • Đau bụng kinh nguyên phát: Là tình trạng đau bụng xuất hiện ngay trước hoặc trong giai đoạn hành kinh. Nguyên nhân cơn đau có liên quan đến chất hoá học nội sinh do cơ thể tiết ra trong niêm mạc tử cung gọi là prostaglandin. Vào ngày đầu tiên của kỳ kinh, mức độ prostaglandin tăng cao khiến các cơ và mạch máu của tử cung co bóp để tống xuất niêm mạc tử cung bong tróc ra. Sau khi niêm mạc tử cung bong tróc hết, nồng độ prostaglandin sẽ giảm xuống. Đây là lý do tại sao cơn đau có xu hướng giảm dần sau vài ngày đầu tiên của kỳ kinh.

  • Đau bụng kinh thứ phát: Có liên quan đến sự rối loạn của cơ quan sinh sản. Cơn đau có xu hướng trở nên nặng hơn theo thời gian và thường kéo dài hơn những cơn đau bụng kinh bình thường. Ví dụ, cơn đau có thể bắt đầu vài ngày trước khi có kinh, có thể trở nên tệ hơn khi chu kỳ tiếp tục và có thể không biến mất sau khi kết thúc hành kinh.

Tác động của đau bụng kinh đối với sức khỏe

Đa số các cơn đau là nhẹ và không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động thường ngày. Tuy nhiên, ở một số phụ nữ, đau bụng kinh có thể ảnh hưởng lớn đến cuộc sống thể hiện thông qua sự gia tăng tỷ lệ nghỉ học hoặc nghỉ làm. Đau bụng kinh cũng có thể hạn chế các hoạt động thể thao hằng ngày hoặc hoạt động xã hội của phụ nữ. Hơn nữa, đau bụng kinh có thể đóng góp như là một trong những yếu tố gây ra căng thẳng trong cuộc sống.

Biến chứng có thể gặp liên quan đến đau bụng kinh

Đau bụng kinh nguyên phát không liên quan đến bất kỳ bệnh lý nào nên hầu như không có biến chứng gì nguy hiểm. Ngược lại, biến chứng đau bụng kinh thứ phát thay đổi tùy theo căn nguyên. Các biến chứng có thể bao gồm vô sinh, sa cơ quan vùng chậu, ra huyết nhiều và thiếu máu.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Đặc biệt là nếu nghi ngờ có tình trạng đau bụng kinh thứ phát, cơn đau nặng, kéo dài nhiều ngày và ảnh hưởng nghiêm trọng đến cuộc sống.

Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến đau bụng kinh

Đau bụng kinh nguyên phát chủ yếu là do tình trạng sinh lý bình thường lúc hành kinh. Ngược lại, đau bụng kinh thứ phát có thể liên quan tới một số bệnh lý ở cơ quan sinh sản như:

  • Lạc nội mạc tử cung (Endometriosis): Là tình trạng mô niêm mạc tử cung (nội mạc tử cung) được tìm thấy bên ngoài tử cung. Nội mạc tử cung là thành phần chủ yếu được tống xuất ra ngoài kèm với máu khi hành kinh nên lạc nội mạc tử cung có thể gây đau và chảy máu nhiều.

  • Bệnh cơ tuyến tử cung (Adenomyosis): Tình trạng niêm mạc tử cung phát triển xuống bên dưới lớp cơ tử cung. Tình trạng này có thể khiến tử cung to hơn nhiều so với mức bình thường, kèm theo đó là hiện tượng chảy máu bất thường và đau đớn.

  • Bệnh viêm vùng chậu (PID): Là tình trạng nhiễm trùng do vi khuẩn xâm nhập tử cung và có thể lây lan sang các cơ quan sinh sản khác. PID có thể gây đau bụng tương tự như đau bụng kinh hoặc đau khi quan hệ tình dục.

  • Các nguyên nhân khác: Hẹp cổ tử cung, u xơ tử cung...

Nguy cơ

Yếu tố làm tăng nguy cơ đau bụng kinh

Yếu tố nguy cơ gây ra đau bụng kinh nhiều và nặng nề có liên quan đến đa yếu tố như tình trạng tâm lý - xã hội, cơ địa của người phụ nữ và tình trạng giải phẫu vùng chậu. 

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ đau bụng kinh, bao gồm:

  • Hút thuốc lá;

  • Phụ nữ đang giảm cân;

  • Béo phì;

  • Trầm cảm, lo âu;

  • Dậy thì sớm;

  • Phụ nữ chưa có con;

  • Tiền căn gia đình rối loạn kinh nguyệt.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán đau bụng kinh

Đầu tiên, bác sĩ sẽ hỏi bệnh về triệu chứng và đặc điểm chu kỳ kinh nguyệt của bạn. Bác sĩ sẽ thực hiện việc khám phụ khoa, trong quá trình khám này, bác sĩ sẽ chèn một mỏ vịt (một dụng cụ cho phép bác sĩ nhìn thấy bên trong âm đạo) và/hoặc có thể kiểm tra âm đạo, cổ tử cung và tử cung của bạn. Ngoài ra, bác sĩ có thể lấy một mẫu nhỏ dịch âm đạo để xét nghiệm.

Nếu nghi ngờ tính trạng đau bụng kinh thứ phát, bạn có thể cần các xét nghiệm bổ sung, chẳng hạn như siêu âm hoặc nội soi ổ bụng. 

Phương pháp điều trị đau bụng kinh hiệu quả

Điều trị bằng thuốc thường là điều trị đầu tiên cho tình trạng đau. Một số loại thuốc giảm đau nhắm vào việc ức chế sự sản xuất prostaglandin. Những loại thuốc này được gọi là thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc giúp làm giảm các prostaglandin do cơ thể tạo ra và làm giảm tác dụng gây đau của chúng. Hầu hết các NSAID, chẳng hạn như ibuprofen và naproxen, có thể được mua ngoài nhà thuốc mà không cần kê đơn.

Các phương pháp sử dụng thuốc ngừa thai có chứa estrogen và progestin hoặc thuốc ngừa thai chỉ chứa progestin, chẳng hạn như thuốc viên, miếng dán và vòng âm đạo, có thể được sử dụng để điều trị đau bụng kinh.

Đối với tình trạng đau bụng kinh thứ phát, bạn cần đến khám bác sĩ và điều trị nguyên nhân bên trong gây ra đau bụng kinh.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của đau bụng kinh

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Duy trì lối sống tích cực, hạn chế sự căng thẳng. 

  • Tập thể dục hầu hết các ngày trong tuần có thể giúp bạn cảm thấy tốt hơn, các bài tập thể dục nhịp điệu, chẳng hạn như đi bộ, chạy bộ, đi xe đạp hoặc bơi lội, giúp tạo ra các chất hóa học ngăn chặn cơn đau.

  • Chườm nóng: Tắm nước ấm hoặc đặt một miếng đệm nóng hoặc chai nước ấm lên bụng của bạn có thể giúp làm dịu cơn đau

  • Giấc ngủ: Ngủ đủ giấc trước và trong kỳ kinh nguyệt là điều quan trọng. Nghỉ ngơi đầy đủ có thể giúp làm giảm cơn đau.

  • Thư giãn: Ngồi thiền hoặc tập yoga cũng có thể giúp bạn đối phó với cơn đau.

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.acog.org/womens-health/faqs/dysmenorrhea-painful-periods
  2. https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK560834/
  3. https://my.clevelandclinic.org/health/diseases/4148-dysmenorrhea

Các bệnh liên quan

  1. Tinh hoàn lạc chỗ

  2. Lãnh cảm

  3. Dậy thì

  4. Di tinh, mộng tinh

  5. Tinh hoàn ẩn

  6. Viêm lộ tuyến cổ tử cung

  7. Hội chứng tiền mãn kinh

  8. Hội chứng nam hóa

  9. Dương vật cong

  10. Ấu dâm