Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Mùi tàu

Mùi tàu: Rau thơm cũng có thể dùng làm thuốc

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Mùi tàu là một loài cây vừa được sử dụng làm rau ăn vừa dùng làm thuốc phổ biến ở nước ta, có công dụng điều trị sốt nhẹ, cảm mạo, đầy bụng khó tiêu, long đờm, viêm sưng kết mạc.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Mùi tàu

Tên khác: Ngò gai; Ngò tàu; Ngò tây; Mùi gai; Già nguyên tuy

Tên khoa học: Eryngium foetidum

Đặc điểm tự nhiên

Mùi tàu thuộc loại cây thân thảo, sống hàng năm, có chiều cao trung bình từ 15 - 50 cm, lá có hình mác và thuôn dài, mỏng, mép có răng cưa, hai bên có gai, lá ở gốc mọc thành hoa thị.

Lá rộng dần về phía ngọn, lá trên thân nhiều răng cưa hơn, gai sắc hơn. Hoa màu trắng sữa, cụm hoa hình đầu hình bầu dục hoặc hình trụ, tổng bao gồm 5 - 7, lá bắc hình mác hẹp, mỗi bên có 1 - 2 răng, trên đầu có một gai nhọn. Quả hình cầu hơi dẹt, bên trong có nhiều hạt để làm giống đường kính 2mm. Sau khi hạt trưởng thành sẽ tự rụng và phát tán, mọc thành cây mới.

mùi tàu
Mùi tàu thường được dùng kèm với các món ăn hàng ngày

Phân bố, thu hái, chế biến

Mùi tàu mọc khắp nơi ở nước ta, chủ yếu mọc hoang dại, có nguồn gốc từ châu Mỹ, cũng tìm thấy ở một số nước nhiệt đới và á nhiệt đới. Cây thường sinh trưởng và phát triển tốt ở nơi ẩm ướt.

Mùi tàu trị bệnh
Cây Mùi tàu

Người dân thường trồng Mùi tàu để làm rau ăn, dùng tươi. Cây thu hái vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, sử dụng làm thuốc có thể dùng tươi trực tiếp hoặc phơi khô.Sau khi hái cây tươi, rửa sạch rồi để nguyên hoặc cắt ngắn, phơi khô trong bóng râm, bảo quản nơi thoáng mát và tránh ánh nắng trực tiếp.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận sử dụng được của cây Mùi tàu là toàn cây.

Thành phần hoá học

Thành phần hóa học trong cây Mùi tàu chủ yếu là tinh dầu, đồng thời còn có một số vitamin và khoáng chất như vitamin A, B1, B2, calci, phospho.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, Mùi tàu có tính ấm, vị the cay hơi đắng. Mùi tàu có tác dụng tiện kỳ, sơ phong thanh nhiệt, hành khí tiêu thũng, giảm đau, thông khí, giải nhiệt, giải độc, kích thích hỗ trợ tiêu hóa, khử mùi hôi.

Theo y học hiện đại

Mùi tàu được sử dụng để điều trị sốt, cảm mạo, ăn uống chướng bụng khó tiêu.

Liều dùng & cách dùng

Mùi tàu trong dân gian thường dùng tươi để ăn sống hoặc làm gia vị khi nấu chín, ngoài ra một số nơi kết hợp nấu chung với bồ kết để gội đầu giúp mượt tóc.

Hãm thuốc, ngày uống 10 - 16g. Chia làm nhiều lần uống trong ngày.

Bài thuốc kinh nghiệm

Điều trị cảm mạo. ăn uống khó tiêu

Kết hợp Mùi tàu đã phơi khô 10 g cùng cam thảo nam 6 g, đun sôi với 30 ml nước, để sôi khoảng 15 phút, ngày uống 3 lần, uống khi nóng.

Điều trị viêm kết mạc

Dùng Mùi tàu còn tươi đem phơi khô trong bóng râm, sau đó sắc lấy nước uống, dùng nước đã sắc rửa mắt bị viêm kết mạc.

Điều trị sốt nhẹ

Dùng 30 g Mùi tàu tươi, 50 g thịt bò băm hoặc thái nhỏ nấu với khoảng 600 ml nước, thêm gừng tươi và ít tiêu, nấu chín và ăn khi nóng. Sau khi ăn phải đắp chăn kín mít cho ra mồ hồi sẽ hạ sốt.

mùi tàu giúp hạ sốt
Mùi tàu giúp hạ sốt

Điều trị đờm ứ đọng

Khi cảm cúm, sổ mũi, đờm thường ứ đọng trong đường hô hấp gây khó thở và khó chịu cho người bệnh. Dùng rau Mùi tàu sắc lấy nước uống để tống phần đờm còn ứ trong cổ họng ra.

Điều trị nám da

Sử dụng Mùi tàu tươi khoảng 30 g đem thái nhỏ, ngâm vào nước ấm khoảng 2 tiếng. Lọc bỏ phần bã và dùng nước để thoa đều lên mặt liên tục khoảng 15 – 20 phút. Dùng 2 lần vào sáng sớm và lúc chuẩn bị đi ngủ.

Điều trị mụn đỏ, mẩn ngứa cho trẻ

Giã nát khoảng một nắm Mùi tàu tươi, ép lấy nước cốt và thoa trực tiếp lên vùng da bị đỏ, mẩn ngứa, nên bôi một ít trước xem phản ứng kích ứng của trẻ, nếu có ngưng sử dụng và rửa sạch ngay.

Điều trị hôi miệng

Lấy 1 nắm rau mùi tàu, rửa sạch, sắc đặc, cho thêm vài hạt muối, khuấy tan, dùng để ngậm và súc miệng nhiều lần trong ngày. Sau khoảng 5 – 6 ngày, miệng sẽ bớt mùi hôi.

Lưu ý

Một số lưu ý khi sử dụng Mùi tàu:

  • Bảo quản cây đã phơi khô nơi mát, tránh ánh nắng trực tiếp.

  • Tuân thủ đúng liều lượng trong từng bài thuốc điều trị bệnh.

Nguồn tham khảo