Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Ngũ bội tử là một loại dược liệu vừa có trong nước, vừa nhập từ Trung Quốc, được dùng để liễm phế, giáng hỏa chỉ huyết, liễm hãn, sáp trường.
Tên Tiếng Việt: Ngũ bội tử
Tên khác: Bầu bí; Bơ pật; Bách trùng thương; Văn cáp; Galla sinensis
Tên khoa học: Schlechtendalia sinensis Bell là cái tổ của con sâu Ngũ bội tử (Schlechtendalia chinensis Bell.), nằm trên cây Muối (Rhus chinensis Mill.) thuộc họ Đào lộn hột (Anacardiaceae).
Ngũ bội tử: Loài sâu Ngũ bội tử sống trên cây Muối (Rhus chinensis Mill.), sau đó tạo thành các tổ ở cành non hoặc cuống lá. Các tổ này thường có hình nhiều nhánh hoặc hình trứng, bề mặt có lông mịn màu xám nhạt hoặc đỏ nâu. Bẻ đôi tổ thấy vách dày từ 1 – 2 mm, cứng, bóng. Bên trong tổ đôi khi còn các mảnh của sâu.
Có hai loại:
Giác bội là các tổ dạng hình củ ấu, dạng sừng, phân các nhánh không đều nhau, vách khá mỏng, nhiều lông tơ mềm.
Đỗ bội là các tổ hình trứng hoặc hình thoi, dài từ 2,5 – 9 cm, rộng từ 1,5 – 4 cm, mặt ngoài màu xám, có ít lông tơ mềm, dễ vỡ do cứng và giòn.
Cây Muối (Rhus chinensis Mill.): Đây là cây gỗ nhỏ cao từ 2 – 8 m. Lá kép lông chim 1 lần lẻ mang 7 – 14 lá chét, mọc cách. Cuống lá chính có rìa như cánh, màu nâu nhạt, có lông, không có cuống phụ. Phiến lá chét hình trứng dài từ 5 – 14 cm, rộng từ 2,5 – 9 cm, mép có răng cưa. Cụm hoa hỗn hợp, hình chùy, mọc ở ngọn cành, mang các hoa nhỏ, màu trắng sữa. Cụm hoa dài từ 20 – 30 cm. Quả hạch đựng 1 hạt, màu vàng cam đỏ.
Phân bố
Ở nước ta, Ngũ bội tử được tìm thấy ở một số tỉnh thành phía Bắc như Cao Bằng, Lạng Sơn, Hà Giang, Lào Cai và một số tỉnh vùng Tây Bắc.
Trên thế giới, Ngũ bội tử được tìm thấy nhiều ở Trung Quốc (Quảng Đông, Quảng Tây, Vân Nam, Phúc Kiến…), ngoài ra còn ở Nhật Bản.
Thu hái và chế biến
Vào khoảng tháng 5 – 6, sâu Ngũ bội tử cái từ các cây khác di chuyển đến cây Muối để đẻ trứng vào lá hoặc cành non. Từ những vị trí bị sâu tác động, cây cho ra các Ngũ bội.
Vào khoảng tháng 9, các Ngũ bội này được thu hái rồi đem về giết con sâu ở trong bằng cách hấp, sau đó đem phơi khô.
Trước đây, mỗi năm, nước ta đã từng có thể xuất khẩu 30 – 40 tấn Ngũ bội tử.
Tổ đặc biệt của con sâu Ngũ bội tử (Gala chinensis).
Thành phần chính là tanin, thường chiếm khoảng 50%, có khi lên đến 60 – 70%, thậm chí 80%. Ngoài ra, trong Ngũ bội tử còn có chứa acid galic tự do, 2 – 4% chất béo, nhựa và tinh bột.
Ngũ bội tử có vị chua, tính bình, vào 3 kinh phế, thận, đại tràng, có tác dụng liễm phế, giáng hỏa chỉ huyết, liễm hãn, sáp trường.
Dược liệu được dùng để chữa ho do phế hư, trĩ ngoại do lỵ lâu ngày, đổ mồ hôi, nổi mụn nhọt.
Đây là vị thuốc thu liễm trong đi tiêu chảy, lỵ ra máu, giải độc gan, hoàng đản.
Ngoài ra còn là nguyên liệu để thuộc da, nhuộm màu đen, chế mực…
Tác dụng cầm máu
Tanin làm tủa protid trong da, niêm mạc ở các chỗ loét, làm cho chỗ loét săn se tạo thành lớp cứng, đồng thời có tác dụng cầm máu nhờ gây đông máu.
Tác dụng giải độc
Giải độc alkaloid vì khi có khả năng phản ứng với nhóm hợp chất này, giảm hấp thụ alkaloid vào cơ thể.
Ngày dùng từ 0,5 - 1 g dưới dạng thuốc bột hoặc sắc uống.
Dung dịch 5 – 10% có thể dùng súc miệng để làm lành vết loét trong miệng.
Bài thuốc cầm tiêu chảy
Đem bột Ngũ bội tử trộn với ít hồ rồi hoàn thành viên cỡ hạt đậu xanh để uống, 15 - 20 viên/ngày, uống với nước bạc hà.
Bài thuốc chữa đái dầm ở trẻ em
Giã nhỏ Ngũ bội tử, thêm ít nước cho dính rồi đắp vào rốn.
Bài thuốc chữa nôn, trớ ở trẻ em
Lấy 1,5 g Ngũ bội tử đem nướng xong trích với 20 g Cam thảo, cộng thêm 1,5 g Ngũ bội tử sống rồi đem tán nhỏ, dùng mỗi ngày 2 g cùng nước cơm hoặc cháo.
Ngoài cây Muối, ở một số địa điểm của nước ta và Lào, còn có loài Sơn búts (Rhus semialata Roxb. var. roxburghii DC.) cũng hay bị một loại sâu khác tạo ra trên cành non những ngũ bội nhỏ hơn, kích thước đồng đều, cỡ quả nho, đầu có màu đỏ sau chuyển thành màu đen, thành dày khoảng 0,05 cm.
Ở nước ta, ngoài dùng Ngũ bội tử nhập của Trung Quốc, còn có thể xài Ngũ bội tử trong nước, thu hoạch trên cây Rhus semialata Mill.
Trước đây phải nhập Ngũ bội tử Thổ Nhĩ Kỳ (Galla Turcia), tổ do loài ong Cynips gallae tinctoriae Oliv. gây trên cành non của Quercus infectoria Oliv. thuộc họ Giẻ (Fagaceae).
Dược điển Việt Nam 5 – Trang 1269 - 1270.
Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi – Trang 429 - 431.
https://tracuuduoclieu.vn/ngu-boi-tu.html.