Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Dược liệu/
  3. Nở ngày đất

Nở ngày đất: Vị thuốc dùng giảm đau, chống viêm, trị gout

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ

Là loại cây thuốc được sử dụng khá phổ biến ở Việt Nam. Hoa của cây chỉ nở vào buổi ngày và mọc sát mặt đất. Còn tên gọi cây bạc đầu, cây hoa gà trắng bởi cây có hoa màu trắng nở rất nhiều, thậm chí lá cây cũng được phủ lông trắng. Cây có tác dụng tiêu độc, ho, giảm đau, kháng viêm, trị gout hoặc cảm cúm,…

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Cây hoa gà trắng, Cây bạc đầu, Bách nhật đất, Nở ngày đất.

Tên khoa học: Gomphrena celosioides Mart., thuộc Họ Rau dền – Amaranthaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Nở ngày đất là dạng cỏ sống lâu, mọc nằm hoặc đứng, cây phân nhánh nhiều, rễ to. Thân cành có rãnh sâu, có các sợi lông tơ màu trắng phủ trên thân, nhiều, ngắn.

Lá cây không có cuống hoặc có cuống nhỏ, mặt dưới lá có nhiều lông trắng bao phủ trên bề mặt, mặt trên lá thì ngược lại, mọc đối xứng. Phiến lá dày, một cành thường mọc 5 đến 7 lá.

Hoa Nở ngày đất mọc thành cụm hoa, hình trụ, chiều rộng khoảng 1cm, chiều dài từ 2 đến 3cm. Cánh hoa cứng, thon gọn, mỗi hoa đều có lá bắc mọc phía dưới. Lá bắc giống với lá thường, dài từ 5 đến 6mm. Hoa màu trắng, gồm có 5 lá đài. Nhị hoa có 5 sợi, dính lại thành ống, bầu hoa hình trứng. Quả có hình hộp, chứa nhiều hạt màu nâu.

nở ngày đất
Nở ngày đất là loài cây thảo sống lâu năm

Phân bố, thu hái, chế biến

Nở ngày đất có nguồn gốc từ Nam Mỹ đã được du nhập, phân bố và phát triển mạnh ở Việt Nam. Cây mọc rải rác ven đường đi, trên đất hoang nhiều nơi hoặc vùng đất khô, khá phổ biến ở các tỉnh miền Trung và tỉnh, thành phố khác như Kon Tum, thành phố Hồ Chí Minh, Đồng Nai.

Nở ngày đất được thu hoạch quanh năm và khi thu hoạch người ta thường nhổ cả cây mang về, rửa sạch sẽ đất cát, loại bỏ tạp chất, hóa chất,… Mùa hoa quả từ tháng 3 đến tháng 12.

dược liệu nở ngày đất
Cây Nở ngày đất – cành mang hoa

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng là toàn cây.

Thành phần hoá học

Toàn cây chứa các thành phần như gomphrenol, flavones, flavonoides glucosides, saponins, amino acid, steroids và đường.

Lá, hoa và mầm non cây nở ngày đất chứa nhiều flavonoids và phenols. Còn trong rễ, mầm của cây thì chứa nhiều betacyanins và ketones.

Các nhà khoa học nghiên cứu thấy trong dịch chiết của cây có chứa coumarins, đường, holosises, flavonoids, sterols, saponins, tri-terppens, tanins.

nở ngày đất trị bệnh
Nở ngày đất được sử dụng toàn cây.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Trong dân gian, cây nở ngày đất có tác dụng trị ho, cảm cúm và tiêu độc (cả cây sắc uống).

Theo y học hiện đại

Nở ngày đất là loại cây thuốc được sử dụng khá phổ biến. Trên thế giới có nhiều nghiên cứu đã chứng minh Nở ngày đất có khả năng kháng nấm, kháng kí sinh trùng, kháng viêm; lợi tiểu, bảo vệ gan, bảo vệ dạ dày, phòng ngừa sỏi tiết niệu...; chứa các dẫn xuất acid benzoic có hoạt tính kháng khuẩn.

Tác dụng giảm đau

Trong cây Nở ngày đất có thành phần flavones, có tác dụng giảm đau cơ bắp do chấn thương, tăng cường đề kháng, phòng ngừa bệnh tật, ức chế acid uric trong máu và đào thải độc tố. Theo nghiên cứu của Võ Thị Thu Hà, Lê Thị Thanh Tâm (Khoa dược, trường Đại học Nguyễn Tất Thành) về tác động giảm đau, an thần của cao chiết cây Nở ngày đất. Kết quả cho thấy: Với liều 300 và 600mg/kg, cao cồn và cao nước cây Nở ngày đất có tác dụng giảm đau ngoại biên nhưng không có tác dụng giảm đau trung ương và có tác dụng an thần với liều 600mg/kg.

Tại Nigeria, Oladele và cộng sự cũng đã chứng minh khả năng kháng viêm và giảm đau của dịch chiết nước lá của cây Nở ngày đất và cây Khổ qua. Tuy nhiên các nghiên cứu về tác dụng dược lí của loài cây này ở Việt Nam vẫn còn khá hạn chế.

Tác dụng kháng viêm

Theo nghiên cứu của Lê Thị Kim Anh và cộng sự (khoa dược, trường Đại học Nguyễn Tất Thành) về độc tính cấp và tác động kháng viêm của dịch chiết nước cây Nở ngày đất bằng mô hình gây phù chân chuột bằng carragenan để đánh giá khả năng khám viêm của Nở ngày đất. Kết luận cho thấy đây là cây thuốc có tiềm năng cao để điều trị các bệnh về viêm và cần được phân lập các nhóm chất có hoạt tính sinh học hoặc nghiên cứu thêm về các tác dụng dược lý khác.

Tác dụng chống loét dạ dày

Các nhà khoa học đã tiến hành khảo sát công dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ điều trị loét dạ dày của cây Nở ngày đất trên chuột được làm loét dạ dày với indomethacin bằng cách cho chuột uống dịch chiết cồn từ cây Nở ngày đất liên tục trong 7 ngày. Sau 7 ngày, các nhà khoa học ghi nhận chuột được uống dịch chiết cồn từ cây thì lượng dịch vị tiết ra và lượng acid toàn phần trong dịch vị đều giảm.

Tác dụng lợi tiểu, hạ huyết áp

Các nhà khoa đã khảo sát tác dụng lợi tiểu của cây Nở ngày đất trên chuột và nhận thấy sau 8 giờ được uống dịch chiết cồn cây Nở ngày đất, chuột có lượng nước tiểu tăng đáng kể. Do tác dụng lợi niệu kèm theo cải thiện các triệu chứng rối loạn điện giải, nước, cũng như hạ huyết áp nên cây Nở ngày đất cũng được dùng trong điều trị tăng huyết áp.

Chữa bệnh gout, đau nhức xương khớp

Trong cây Nở ngày đất có 2 hoạt chất flavones và gomphrenol, có tác dụng giảm đau và kháng viêm do bệnh gout gây ra.

Tại Malaysia, các nhà khoa học khảo sát trên các bệnh nhân bị gout từ nhẹ đến nặng. Sau khi sử dụng dịch chiết từ cây Nở ngày đất trong vài ngày, tình trạng gout của các bệnh nhân đã được cải thiện rất nhiều.

Liều dùng & cách dùng

Chưa có thông tin.

Bài thuốc kinh nghiệm

Chưa có thông tin.

Lưu ý

Cần lưu ý khi sử dụng cây Nở ngày đất để điều trị bệnh:

  • Cây Nở ngày đất có độc tính khi dùng dạng tươi. Nếu gặp các triệu chứng như chóng mặt, hoa mắt, run cơ thì cần liên hệ với cơ sở y tế gần nhất.

  • Do có tác dụng hạ huyết áp nên khi dùng nên thận trọng liều lượng, tránh dùng quá liều sẽ gặp các triệu chứng của việc hạ huyết áp quá mức.

Nguồn tham khảo