Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Bệnh cúm: Nguyên nhân, triệu chứng điển hình và cách điều trị

Ngày 07/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Bệnh cúm là bệnh truyền nhiễm, gây ra do nhiễm virus cúm. Virus có thể gây bệnh từ nhẹ tới nặng, hoặc thậm chí gây tử vong. Do đó, cần tìm hiểu các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cúm cũng như cách điều trị và phòng bệnh ra sao để chủ động hơn trong việc bảo vệ, chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Cúm là gì? 

Cúm là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp do virus cúm gây ra, có các triệu chứng chung như sốt, ho, sổ mũi, đau đầu và mệt mỏi. Bệnh cúm rất dễ lây lan, có thể gây bệnh nghiêm trọng ở trẻ em, đặc biệt là nhóm trẻ mắc bệnh thần kinh hoặc mắc các bệnh mãn tính khác.

Triệu chứng

Những dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cúm

Thời kỳ ủ bệnh đối với cúm từ 1 đến 4 ngày với thời gian trung bình khoảng 48 giờ. Trong những trường hợp nhẹ, nhiều triệu chứng giống như cảm lạnh thông thường (ví dụ: Đau họng, chảy nước mũi); viêm kết mạc nhẹ cũng có thể xảy ra.

Các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh cúm thường đến đột ngột. Những người bị bệnh cúm thường cảm thấy một số hoặc tất cả các triệu chứng sau:

  • Sốt (hoặc cảm thấy sốt/ ớn lạnh). Cần lưu ý là không phải ai bị cúm cũng sẽ bị sốt.

  • Các triệu chứng hô hấp ban đầu có thể nhẹ, với họng khô và đau, nóng rát dưới xương ức, ho khan và đôi khi là sổ mũi. Sau đó, bệnh ở đường hô hấp dưới trở nên nổi bật; ho có thể dai dẳng và có đờm.

  • Có thể chảy nước mũi hoặc nghẹt mũi.

  • Đau nhức cơ hoặc toàn thân.

  • Nhức đầu.

  • Sợ ánh sáng.

  • Mệt mỏi (mệt mỏi).

  • Một số người có thể bị nôn mửa và tiêu chảy, đặc điểm này phổ biến ở trẻ em hơn người lớn.

Sau 2 đến 3 ngày, các triệu chứng cấp tính sẽ giảm nhanh, mặc dù sốt có thể kéo dài đến 5 ngày. Ho, yếu, đổ mồ hôi và mệt mỏi có thể kéo dài trong vài ngày hoặc đôi khi kéo dài trong nhiều tuần.

Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh cúm 

  • Viêm phổi;
  • Viêm não;
  • Viêm cơ tim;
  • Myoglobin niệu;
  • Suy thận;
  • Hội chứng Reye với đặc trưng là bệnh não; gan nhiễm mỡ; tăng men gan, amoniac hoặc cả hai; hạ đường huyết; và bệnh lipid máu, thường xảy ra trong các đợt bùng phát dịch cúm B, đặc biệt là ở những trẻ đã uống aspirin.

Khi nào cần gặp bác sĩ?

Nếu có bất kỳ triệu chứng nào nêu trên xảy ra, bạn nên liên hệ ngay với bác sĩ để được kiểm tra và tư vấn. Chẩn đoán và điều trị sớm sẽ giảm nguy cơ tăng nặng của bệnh và giúp bạn mau chóng hồi phục sức khỏe.

Nguyên nhân

Nguyên nhân dẫn đến bệnh cúm

Có bốn loại virus cúm: A, B, C và D. 

Các virus cúm A và B gây ra hầu hết các bệnh ở người và là nguyên nhân gây ra các mùa cúm hàng năm. Virus cúm A là loại virus cúm duy nhất được biết đến là nguyên nhân gây ra đại dịch cúm. Đại dịch có thể xảy ra khi một loại virus cúm A mới xuất hiện, vừa lây nhiễm sang người vừa có khả năng lây lan hiệu quả giữa người với người.

Nhiễm virus cúm C thường gây ra bệnh nhẹ và không được cho là gây dịch cho người. Virus cúm D chủ yếu ảnh hưởng đến gia súc và không lây nhiễm hoặc gây bệnh cho người.

Nguy cơ

Những ai có nguy cơ mắc phải (bị) bệnh cúm?

Tất cả mọi người đều có nguy cơ bị bệnh cúm, tuy nhiên một số bệnh nhân có nguy cơ cao bị các biến chứng do cúm, bao gồm:

  • Trẻ em < 5 tuổi; trẻ em < 2 tuổi ở mức nguy cơ đặc biệt cao.
  • Người lớn > 65 tuổi.
  • Những người có tình trạng bệnh lý mạn tính (ví dụ: Bệnh tim phổi, tiểu đường, suy thận suy giảm miễn dịch,…).
  • Phụ nữ trong ba tháng thứ 2 hoặc thứ 3 của thai kỳ.
  • Bệnh nhân có tình trạng bệnh lý làm suy giảm việc bài tiết chất tiết ở đường hô hấp (ví dụ: Suy giảm khả năng nhận thức, rối loạn thần kinh cơ, đột quỵ, các tình trạng động kinh).
  • Bệnh nhân ≤ 18 tuổi đang dùng aspirin (vì hội chứng Reye là một nguy cơ).

Yếu tố làm tăng nguy cơ mắc (bị) bệnh cúm

Một số yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh cúm, bao gồm:

  • Người mang thai và những người trong 2 tuần khi kết thúc thai kỳ.
  • Những người sống trong viện dưỡng lão và các cơ sở chăm sóc dài hạn khác.
  • Những người thuộc một số nhóm chủng tộc và dân tộc thiểu số có nhiều nguy cơ nhập viện vì bệnh cúm, bao gồm người Da đen không phải gốc Tây Ban Nha, người gốc Tây Ban Nha hoặc người Latinh và người Mỹ bản địa hoặc thổ dân Alaska.
  • Mặc dù tất cả trẻ em dưới 5 tuổi được coi là có nguy cơ mắc các biến chứng cúm nghiêm trọng cao hơn, nhưng nguy cơ cao nhất là ở những trẻ dưới 2 tuổi, với tỷ lệ nhập viện và tử vong cao nhất ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.

Phương Pháp Chẩn Đoán & Điều Trị

Phương pháp xét nghiệm và chẩn đoán bệnh cúm

Phương pháp chẩn đoán bệnh cúm dựa trên:

  • Đánh giá lâm sàng.

  • Đôi khi xét nghiệm chẩn đoán nhanh hoặc xét nghiệm phân tử.

  • Đo độ bão hòa oxy mạch và chụp X-quang ngực cho những bệnh nhân có các triệu chứng hô hấp nặng.

Chẩn đoán cúm thường được thực hiện dựa trên lâm sàng ở những bệnh nhân mắc hội chứng điển hình khi cúm được biết là phổ biến trong cộng đồng.

Các xét nghiệm phản ứng chuỗi polymerase sao chép ngược (RT-PCR) nhạy và đặc hiệu và có thể phân biệt các tuýp cúm. Nếu xét nghiệm này thực hiện nhanh chóng, kết quả có thể được sử dụng để chọn liệu pháp kháng virus thích hợp; nó cũng cần phải được thực hiện khi có nghi ngờ cúm trên bệnh nhân nằm viện. Ngoài ra, các xét nghiệm này có thể ngăn ngừa việc sử dụng các loại thuốc kháng khuẩn không cần thiết và việc xác định virus cúm cụ thể có thể có vai trò rất quan trọng trong việc kiểm soát nhiễm trùng. Những xét nghiệm này cũng hữu ích trong việc xác định các đợt bùng phát dịch bệnh hô hấp có phải là do cúm hay không.

Nuôi cấy tế bào từ các tăm bông phết hoặc hút mũi họng phải mất vài ngày và không hữu ích trong việc đưa ra các quyết định điều trị cho bệnh nhân.

Nếu bệnh nhân có các triệu chứng và dấu hiệu của đường hô hấp dưới (ví dụ: Khó thở, ran trong phổi được ghi nhận khi khám phổi), thì cần phải đo độ bão hòa oxy để phát hiện giảm oxy máu và chụp X-quang phổi để phát hiện viêm phổi. 

Phương pháp điều trị bệnh cúm hiệu quả

Điều trị triệu chứng là chủ yếu.

Đôi khi dùng các loại thuốc kháng virus.

Điều trị cho hầu hết bệnh nhân bị cúm là điều trị triệu chứng, bao gồm nghỉ ngơi, bù nước và hạ sốt khi cần, nhưng tránh dùng aspirin cho bệnh nhân ≤ 18 tuổi. Hầu hết bệnh nhân hồi phục hoàn toàn, mặc dù phục hồi hoàn toàn thường mất từ 1 đến 2 tuần. Các trường hợp nhiễm khuẩn phức tạp đòi hỏi phải có kháng sinh thích hợp. 

Thuốc điều trị cúm:

  • Oseltamivir liều 75 mg, uống 2 lần mỗi ngày, dùng cho những bệnh nhân > 12 tuổi; liều thấp hơn có thể được sử dụng cho trẻ em dưới 1 tuổi. Oseltamivir đôi khi có thể gây buồn nôn và nôn. Ở trẻ em, oseltamivir có thể làm giảm tỷ lệ mắc bệnh viêm tai giữa; tuy nhiên, không có dữ liệu nào khác cho thấy rõ rằng việc điều trị cúm sẽ ngăn ngừa các biến chứng.

  • Zanamivir được cho dùng bằng ống hít, 2 nhát xịt (10 mg) x 2 lần/ngày; thuốc có thể được sử dụng ở người lớn và trẻ em ≥ 7 tuổi. 

  • Peramivir được cho dùng theo đường tĩnh mạch (IV) dưới dạng một liều duy nhất và có thể được sử dụng trên những bệnh nhân > 2 tuổi không thể dung nạp được các loại thuốc dùng theo đường uống hoặc hít.

  • Baloxavir được cho dùng dưới dạng liều 40 mg duy nhất theo đường uống cho những bệnh nhân ≥ 12 tuổi và 40 đến 80 kg; hoặc liều 80 mg duy nhất cho những bệnh nhân > 80 kg. Thuốc có thể được sử dụng cho những bệnh nhân ≥ 12 tuổi bị cúm không biến chứng, có triệu chứng ≤ 48 giờ và những người không có nguy cơ cao. Thuốc chưa được nghiên cứu trên những bệnh nhân nằm viện, suy giảm miễn dịch hoặc phụ nữ có thai hoặc bị viêm phổi nặng.

Lưu ý: Các loại thuốc khi dùng phải tuân thủ theo sự hướng dẫn của bác sĩ.

Chế Độ Sinh Hoạt & Phòng Ngừa

Những thói quen sinh hoạt có thể giúp bạn hạn chế diễn tiến của bệnh cúm

Chế độ sinh hoạt:

  • Tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ trong việc điều trị. 

  • Liên hệ ngay với bác sĩ khi cơ thể có những bất thường trong quá trình điều trị.

  • Thăm khám định kỳ để được theo dõi tình trạng sức khỏe, diễn tiến của bệnh và để bác sĩ tìm hướng điều trị phù hợp trong thời gian tiếp theo nếu bệnh chưa có dấu hiệu thuyên giảm.

  • Bệnh nhân cần lạc quan. Tâm lý có ảnh hưởng rất lớn đến điều trị, hãy nói chuyện với những người đáng tin cậy, chia sẻ với những thành viên trong gia đình, nuôi thú cưng hay đơn giản là đọc sách, làm bất cứ thứ gì khiến bạn thấy thoải mái. 

Chế độ dinh dưỡng:

  • Uống nhiều nước tránh mất nước.
  • Có thể dùng nước chanh mật ong để giảm đau họng.
  • Ăn các loại trái cây giàu vitamin và khoáng chất, tăng cường hệ miễn dịch như cam, dừa,…
  • Gừng, tỏi giúp giảm triệu chứng đau đầu, ớn lạnh,…
  • Ăn sữa chua bổ sung lợi khuẩn cho đường tiêu hóa.

Phương pháp phòng ngừa bệnh cúm hiệu quả

Để phòng ngừa bệnh hiệu quả, bạn có thể tham khảo một số gợi ý dưới đây:

Chủng ngừa vắc xin cúm hằng năm với người trên 6 tháng tuổi, đặc biệt đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao và những người hành nghề chăm sóc sức khỏe.

Các loại thuốc kháng virus dự phòng trước khi phơi nhiễm có thể được cân nhắc sử dụng trong một đợt bùng phát dịch bệnh cho bệnh nhân:

  • Những người mới chỉ chích vắc xin trong vòng 2.

  • Dành cho những người có chống chỉ định với tiêm vắc xin.

  • Những người bị suy giảm miễn dịch và có thể không đáp ứng với tiêm vắc xin.

Các loại thuốc kháng virus dự phòng sau phơi nhiễm thường được chỉ định cho những người có khả năng bị phơi nhiễm khi có các cụm ca nhiễm trong môi trường kín (ví dụ: Viện dưỡng lão, các khoa của bệnh viện). Cũng có thể dùng những loại thuốc này cho những người tiếp xúc trong gia đình hoặc những người bị phơi nhiễm khác có nguy cơ cao bị các biến chứng của cúm.

Nguồn tham khảo
  1. https://www.msdmanuals.com/professional/infectious-diseases/respiratory-viruses/influenza

  2. https://www.cdc.gov/flu/about/index.html

  3. https://www.cdc.gov/flu/about/viruses/types.htm

  4. https://www.vinmec.com/vi/tin-tuc/thong-tin-suc-khoe/dinh-duong/nguoi-bi-benh-cam-cum-nen-gi/?link_type=related_posts

Các bệnh liên quan

  1. Cảm lạnh

  2. Đau mắt đỏ

  3. Ebola

  4. Giun rồng

  5. Đậu mùa khỉ

  6. Nhiễm Arbovirus

  7. Cúm A H3N2

  8. Liệt dây thần kinh số 7

  9. Bệnh tay, chân, miệng

  10. Sốt xuất huyết Dengue