Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ô dược (rễ): Vị thuốc Đông y giúp lợi tiêu hóa

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ô dược (Radix Linderae) là rễ phơi hay sấy khô của cây dầu đắng hay ô dược nam.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Ô dược, Bàng kỳ; Thai ô dược; Thổ mộc hương; Kê cốt hương; Bàng tỵ; Thiên thai ô dược; Ô dược nam; Cây dầu đắng.

Tên khoa học: Lindera myrrha Merr thuộc Họ Long não – Lauraceae.

Tên đồng nghĩa: Laurus myrrha Lour., Litsea trinervia Pers., Tetrahthera trinervia Sprens., Daphnidium myrrha Nees.

Đặc điểm tự nhiên

Ô dược là một cây bụi nhỏ, cao từ 1,3 đến 1,4m. Cây có nhiều nhánh non dầy, lông hoe. Cành già gầy, không lông, màu đen nhạt. Rễ cây Ô dược mập, rắn chắc. Vỏ ngoài của rễ có màu nâu vàng hoặc màu nâu vàng nhạt, bên trong có màu trắng ngà, có vết của rễ tơ đã rụng, có vằn nứt ngang và nếp nhăn dọc. 

Lá cây mọc so le, phần đầu chóp nhọn dài, hình xoan hoặc hình bầu dục, chiều dài từ 6 đến 7cm, chiều rộng từ 2 đến 2,5cm. Mặt trên lá nhẵn bóng, mặt dưới thì ngược lại, tuy nhiên lúc về già thì không có lông và cứng lại. Mặt dưới lá hơi mốc, hai gân phụ bắt đầu từ điểm cách cuống lá 2mm, dài ra chừng 2/3 lá đến chóp phiến, mặt trên lõm, mặt dưới lồi lên. Cuống lá dài từ 7 đến 15mm, gầy, lúc đầu có lông, sau nhẵn, mặt trên hõm thành rãnh.

Hoa có màu hồng nhạt, tán đơn ở nách lá, hợp thành tán nhỏ, đường kính từ 3 đến 4mm, bầu có lông. Quả mọng hình trứng khi chín có màu đỏ, chứa 1 hạt.

Toàn cây có mùi thơm, vị đắng. Mùa ra hoa từ tháng 2 đến tháng 3.

ô dược
Mặt trên lá nhẵn bóng, mặt dưới thì ngược lại

Phân bố, thu hái, chế biến

Cây Ô dược mọc rải rác trong rừng thứ sinh, rừng phục hồi sau khai thác hay ở độ cao dưới 500m. Ở nước ta, cây thường mọc hoang ở các tỉnh miền Bắc và được trồng, phân bố nhiều ở các tỉnh như Hà Tĩnh, Thừa Thiên Huế, Thanh Hóa (miền Trung); Hòa Bình, Hà Tây (miền Bắc); Lâm Đồng, Cần Thơ (miền Nam). 

Cách chế biến rễ Ô dược:

  • Theo trung y: Thu hái các rễ có từng đốt nối liền nhau (rễ đuôi chuột không dùng), bỏ vỏ lấy lõi, sao qua hay mài thành bột.

  • Theo nhân dân Việt Nam: Rễ sau khi thu hái, đem rửa sạch, ủ mềm, để ráo, xóc với giấm, thái lát mỏng rồi đem phơi khô. Có thể đem mài lấy 2 – 4g pha với nước thuốc thang đã sắc để uống.

rễ ô dược
Rễ Ô dược

Ô dược dễ mốc mọt, nên cần bảo quản nơi khô ráo, thoáng mát.

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng là rễ và quả. Cây Ô dược có thể thu hái quanh năm, nhưng thời gian tốt nhất vào giai đoạn thu đông hay đầu xuân.

Sau khi thu hoạch, rễ cây Ô dược được cắt bỏ rễ con, rửa sạch, ủ mềm, phơi khô, để ráo, thái lát phơi khô hay tán thành bột mịn.

Thành phần hoá học

Quả chứa một chất dầu màu đỏ, có mùi và vị như rễ.

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo đông y, rễ Ô dược có vị đắng hơi the, có mùi thơm, tính ấm, quy vào kinh tỳ, vị, thận, bàng quang, phế và thận. Dùng trị hàn ngưng khí trệ, khí nghịch phát suyễn, bụng trướng đau, đầy bụng, bụng dưới đau do bàng quang lạnh, đau bụng khi hành kinh, ăn uống không tiêu, nôn mửa, trẻ nhỏ bị giun, sung huyết, đau đầu, đái són, đái dầm hoặc hay đi tiểu đêm. Có thể dùng riêng với liều từ 6 -12g/ngày, hoặc phối hợp với các vị thuốc khác như bạch truật, trầm hương, cam thảo, sinh khương, hoặc cao lương khương, hồi hương, thanh bì, hương phụ.

Theo y học hiện đại

Ô dược là một vị thuốc dùng trong phạm vi nhân dân. Cây Ô dược có rất nhiều tác dụng:

  • Rễ được sử dụng chủ yếu làm thuốc chữa trúng phong, nghẹt thở, đau ngực bụng, nôn mửa và trị giun ở trẻ em.

  • Ô dược có thể làm tăng nhu động ruột và giảm trương lực ruột, tăng tiết dịch ở đường ruột, dẫn đến cải thiện được triệu chứng ăn uống không tiêu, đầy trướng.

  • Quả dùng chữa ghẻ, vết thương, mụn loét hôi thối và trừ giun sán.

  • Bột dược liệu khô có tác dụng cầm máu thông qua tác động lên ion canxi, từ đó rút ngắn thời gian đông máu nhanh chóng.

Liều dùng & cách dùng

Cách dùng rễ Ô dược để chữa trúng phong, nghẹt thở, đau ngực bụng, ăn uống không tiêu, đầy trướng, nôn mửa và trị giun ở trẻ em: Ngày dùng 8 – 12g dưới dạng thuốc sắc hay thuốc bột.

cây ô dược trị bệnh
Cây Ô dược

 

Bài thuốc kinh nghiệm

Ô hương tán

Đem tán bột hai vị thuốc ô dược và hương phụ với tỷ lệ bằng nhau. Mỗi lần dùng 6 đến 8g bột này. Có thể thay đổi hoặc thêm các vị thuốc khác như:

  • Thêm 4g gừng, sắc nước uống nếu có triệu chứng ăn không ngon.

  • Thêm 4g hạt cau sắc với 50ml nước nếu có giun.

Viên ô dược

Lấy Ô dược tán nhỏ, trộn với nước hồ, tạo thành từng viên cỡ bằng hạt bắp. Để chữa sốt, tiêu chảy, lỵ: Ngày dùng 10 – 20 viên.

Chữa ngộ lạnh, cơ hoành và dạ dày co thắt hoặc thận lạnh đái luôn và trẻ em đái dầm

Sắc các dược liệu gồm: 8g ô dược, 6g quả hoặc rễ ích trí nhân, 9g hồi hương. Dùng mỗi ngày 1 thang.

Ô dược thang:

Dùng các dược liệu: 10g ô dược, 12g đương quy, 8g hương phụ tử, cam thảo, 8g mộc hương sắc uống, có tác dụng hành huyết, lý khí, trị phụ nữ đau bụng kinh. Ngày dùng 1 thang.

Lưu ý

Các trường hợp khí hư, nội nhiệt không nên dùng ô dược.

Nguồn tham khảo
  1. Từ điển cây thuốc Việt Nam – Võ Văn Chi.

  2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.

  3. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 2).

  4. Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/lindera-myrrha-lour-merr.html