Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Ổi (quả): Loài cây trồng phổ biến ở vùng nhiệt đới

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Ổi là loài cây được trồng rộng rãi ở các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới trên thế giới. Ngoài tác dụng làm thực phẩm, ổi còn được sử dụng trong nhiều sản phẩm dầu gội đầu vì mùi hương của nó hay ứng dụng vào các bài thuốc dân gian.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Ổi, Phan thạch lựu, Là ủi, Mù úi piểu, Mác ổi.

Tên khoa học: Psidium guajava L. thuộc Họ Sim – Myrtaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Ổi là loài cây nhỡ cao khoảng từ 5 đến 10m. Vỏ nhẵn, mỏng, khi già bong thành từng mảng lớn. Cành non thường vuông cạnh, có nhiều lông mềm, về sau hình trụ và nhẵn. 

Lá mọc đối nhau với phần cuống ngắn, thuôn hay hình trái xoan hoặc hình bầu dục, gốc tù hay gần tròn, gân lá nổi rõ ở mặt dưới. Mặt trên nhẵn hoặc hơi có lông còn mặt dưới có lông mịn. Khi soi phiến lá lên sẽ thấy các túi tinh dầu bên trong.

Hoa ổi có màu trắng, mọc đơn độc ở các kẽ lá hay mọc tập trung từ 2 đến 3 cái thành cụm ở nách lá. 

Quả ổi hình cầu hoặc thay đổi tùy theo loài, mọng ở đầu. Đài hoa tồn tại trên quả, tạo thành sẹo trên đầu quả. Mỗi quá có chứa rất nhiều hạt hình bầu dục, màu hơi hung, hình thân, không đều.

oi-qua-1
Quả ổi sau khi thu hoạch

Phân bố, thu hái, chế biến

Ổi là cây trồng gốc từ Trung Mỹ (Brazil), sinh trưởng và phát triển tốt ở những vùng có khí hậu ẩm. Cây ổi đã được nhập trồng nhiều nơi ở nước ta và nhiều nước trên thế giới. Từ một loài cây trồng, nay ổi còn phát tán hoang dại từ vùng thấp đến vùng cao. Mùa ra hoa và quả của ổi gần như là quanh năm. 

oi-qua-2
Ổi là loại trái cây rất được yêu thích

Bộ phận sử dụng

Bộ phận dùng của cây ổi, gồm: Lá, quả, vỏ thân.

oi-qua-3
Ổi ruột đỏ

 

Thành phần hoá học

Lá ổi chứa tinh dầu (0,31%) trong đó có dl-limonen. Còn có β-sitosterol, acid maslinic (acid cratagolic), acid guijavalic, ngoài ra còn có morin flavonol , morin-3-O-lyxoside , morin-3-O-arabinoside , quercetin và quercetin-3-O-arabinoside.

Trong búp non và lá ổi còn có 7-10% tanin pyrogalic, khoảng 3% nhựa, axit psiditanic, tritecpenic và tinh dầu. 

Nhựa cây ổi chứa acid d-galacturonic (72,03%), d-galactose (12,05%) và l-arabinose (4,40%). 

Cây và quả ổi rất giàu pectin và vitamin C; trong hạt có tinh dầu với hàm lượng cao hơn trong lá. Vỏ thân chứa acid ellagic.

 

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo đông y, ổi có vị ngọt và chát, tính bình; có tác dụng cầm tiêu chảy, tiêu viêm, cầm máu. Vỏ ổi và lá có vị chát. Thành phần ổi có chứa nhiều chất tanin nên giúp làm săn niêm mạc ruột, làm giảm tiết dịch ruột, giảm nhu động ruột, còn có tác dụng kháng khuẩn. Ổi đã được sử dụng trong y học cổ truyền bởi nhiều nền văn hóa trên khắp Trung Mỹ, Caribe, Châu Phi và Châu Á. Nó được dùng để chữa viêm ruột cấp, kiết lỵ, ăn uống không tiêu, tiểu đường, tăng huyết áp, sâu răng, làm lành vết thương, giảm đau, sốt, tiêu chảy, thấp khớp, bệnh phổi và loét.

Theo y học hiện đại

Nhiều nghiên cứu cho thấy, ổi thường được dùng trị viêm ruột cấp và mạn, kiết lỵ, trẻ em khó tiêu hoá; dùng liều khoảng 15 - 30g dạng thuốc sắc.

Lá tươi cũng được dùng trị chấn thương bầm dập, vết thương chảy máu và vết loét. Nhân dân thường dùng lá và quả ổi chữa ỉa chảy và đau bụng đi ngoài. Lá, búp ổi non còn được dùng chữa bệnh zona (có người còn gọi là bệnh giời leo, vì nó thường mọc những mụn thành đám trong người, nhất là ở ngực và lưng).

Ở Ấn Ðộ, người ta dùng vỏ rễ chữa tiêu chảy ở trẻ em; quả làm thuốc nhuận tràng; lá dùng trị vết thương và loét; nước sắc lá dùng cầm dịch tả, nôn mửa và ỉa chảy.

Ở Vân Nam (Trung Quốc), lá được dùng làm thuốc thu liễm chỉ tả, tiêu viêm chỉ huyết. Quả dùng trị trẻ em cam tích. Vỏ thân trị khuẩn lỵ, viêm ruột. Dùng ngoài giã đắp đòn ngã tổn thương, rửa lở ngứa ngoài da và eczema.

Liều dùng & cách dùng

Các bộ phận của ổi như lá, quả, vỏ thân có thể dùng tươi hoặc phơi khô. Cách dùng có thể sắc lấy nước uống với liều 15 – 30g hoặc đắp ngoài da không kể liều lượng.

Bài thuốc kinh nghiệm

Trị ỉa chảy:

  • Bài thuốc 1: Chuẩn bị lá ổi vừa non, vừa già, khoảng 50g đem sắc với hai bát nước. Sắc dược liệu với lửa sôi từ từ trong 15 - 30 phút. Sau đó để nước âm ấm, chiết lấy nước uống làm nhiều lần, mỗi lần một chén nhỏ. Có thể thêm đường.

  • Bài thuốc 2: Dùng búp ổi 12g, tô mộc 8g, vỏ ổi 8g, gừng tươi 2g. Sắc dược liệu với 200ml cho đến khi còn lại một nửa, ngày dùng 1 thang.

  • Bài thuốc 3: Dùng 20g búp ổi, 12g búp hay nụ sim, 12g búp vối, 12g gừng tươi, 12g hạt cau già, 12g rốn chuối tiêu, 12g búp chè. Sắc dược liệu thật đặc và uống khi còn nóng.

Bệnh zona:

Dùng lá búp ổi non 100g rửa sạch, phèn chua 10g, muối 1g, cho tất cả vào cối giã nhỏ, thêm ít nước. Dùng nước thuốc này để bôi. Có thể cho thêm 5 - 6g bột sunfamit càng tốt.

Viêm dạ dày ruột cấp:

  • Bài thuốc 1: Lá ổi non sấy khô rồi tán mịn thành bột. Mỗi lần lấy 6g uống cùng nước sôi ấm, ngày 2 lần.

  • Bài thuốc 2: Lá ổi 30g thái nhỏ và rang với một nhúm gạo, thêm nước đun sôi uống, ngày hai lần

  • Bài thuốc 3: Rang lá ổi, gừng tươi 6 – 9g, muối ăn trên chảo nóng sao chín, sau đó sắc lấy nước uống mỗi ngày.

Chữa cửu lỵ: 

Dùng 30 – 60g ổi tươi với 2 – 3 quả ổi khô sắc chung với 1 thăng nước trên lửa nhỏ đến khi còn ½ thăng. Ngày dùng 1 thang.

Chữa tiêu hóa cho trẻ em trên 1 tuổi:

Dùng 30g lá ổi, 15 – 30g gạo tẻ, 1 – 12g hồng trà, 30g tây thảo. Sắc các dược liệu trên với 1 lít nước đến khi cô lại còn 500ml, chia làm 2 lần.

Bài thuốc chữa băng huyết:

Sao cháy quả ổi khô tồn tính rồi tán thành bột. Mỗi lần lấy ra 9g uống với nước sôi ấm, tần suất 2 lần/ngày.

Bài thuốc chữa tiểu đường: 

Ép 250 quả ổi. Chia đều ra thành 2 lần uống trong ngày. Hoặc có thể ăn mỗi ngày khoảng 200g quả ổi cũng cho tác dụng tương tự.

Bài thuốc chữa đau răng: 

Vỏ rễ ổi cùng với dấm chua. Đem sắc cùng với nhau rồi dùng ngậm nhiều lần trong ngày.

Bài thuốc chữa sa trực tràng: 

Đem rửa sạch 1 nắm lá ổi tươi rồi sắc kỹ lấy nước để ngâm rửa hậu môn. Có thể kết hợp sắc quả ổi khô uống để nâng cao tính công hiệu.

Bài thuốc giải độc ba đậu: 

Sắc các dược liệu, gồm: 10g quả ổi, 10g bạch truật sao hoàng thổ cùng 10g vỏ cây ổi trên lửa nhỏ với 1 bát nước. Cô lấy nửa bát rồi chia làm vài lần uống trong ngày.

Lưu ý

Chưa có thông tin.

Nguồn tham khảo
  1. Từ điển cây thuốc Việt nam – Võ Văn Chi.

  2. Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam – Đỗ Tất Lợi.

  3. Cây thuốc và động vật làm thuốc ở Việt Nam (Tập 1).

  4. https://www.thuocdantoc.org/duoc-lieu/cay-oi