Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Sáp ong được lấy từ các bánh sáp do ong thợ các loài ong như Apis mellifica, Apis ligustica, Apis chinensis,... tạo nên để chứa trứng và đựng thức ăn như phấn hoa, mật. Sáp ong trắng chính là sáp ong vàng đã được tẩy màu.
Sáp ong trắng hay Bạch lạp có tên khoa học là Cera alba, là sản phẩm sau khi tẩy màu sáp ong vàng - một chất sáp tự nhiên được ong mật thuộc chi Apis sinh ra. Tên gọi của sáp ong phụ thuộc vào các giai đoạn khác nhau: Khi chưa qua khâu sắc và luyện thì gọi là Mật lạp, sáp khi có màu vàng gọi là Hoàng lạp, sáp ong khi đã trải qua khâu sắc và luyện thành màu trắng thì gọi là Bạch lạp.
Ngoài ra ở Trung Quốc thì tên gọi của sáp ong trắng còn thay đổi theo vùng. Ví dụ như bạch lạp được sản xuất ở Tứ Xuyên thì gọi là Xuyên lạp, bạch lạp được sản xuất ở Vân Nam thì gọi là Vân lạp,...
Sáp ong trắng là những khối sáp không có hình dạng nhất định, kích thước không đồng đều nhau, ở thể rắn, màu trắng đục, so với Sáp ong vàng thì cứng và giòn hơn, không còn mùi mật ong, không vị, không tan trong nước, tan trong ethanol 96% và ether nóng.
Màu sắc của sáp ong thì phụ thuộc vào khá nhiều yếu tố khác nhau như độ thuần khiết, vị trí của sáp, môi trường cũng như loại hoa mà ong lấy mật. Chính vì lí do đó mà không phải cứ sáp ong màu trắng thì sẽ gọi là bạch lạp mà chỉ có loại sáp tốt, mềm như nến sáp, có màu trắng, được tinh luyện thật sạch và không bị lẫn tạp chất vào mới được dùng làm vị thuốc này.
Thường thì vào giữa mùa thu đông người ta sẽ cắt sáp ong rồi luyện qua, lọc bỏ trong nước để rồi sáp kết tủa lại mà thành. Phần được sử dụng làm thuốc chính là phần sáp tối có màu vàng trắng, đóng bánh và mềm như nến, không được lẫn lộn tạp chất.
Cách chế biến: Cắt bánh cầu ong bằng tay để trong hai lần vải màn, sau đó để trong nồi nước đun. Khi đó sáp ong sẽ chảy và nổi lên trên mặt nước còn bả được giữ lại trong vải màn.
Cách loại bớt tạp: Sáp ong được xếp thành lớp mỏng trên xơ mướp khô đã được rửa sạch. Sau đó đặt tất cả lên một vỉ tre đan thưa trong nồi. Vị trí của vỉ cách đáy nồi 15 - 20 cm, nước đổ vào nồi thì cách vỉ chừng 10 cm. Lấy vung đậy thật kín rồi đun sôi, khi đó hơi nước bốc lên làm cho sáp chảy thành giọt. Sáp qua lớp xơ mướp sẽ để lại cặn bẩn, tiếp tục như thế đến khi không còn mảnh sáp nào trên xơ mướp là được. Sáp ong sẽ đóng bánh phía trên mặt nước thành một lớp vàng nhạt và sạch. Ngoài ra nếu có các phương tiện như rây sắt hoặc đồng để lọc tạp chất thì nên dùng vì so với xơ mướp thì chất lượng tốt hơn.
Theo EFSA Journal thì sáp ong trắng chứa các monoester, diester, hydroxyester, hydrocarbon, acid béo tự do, alcol béo tự do và 1 số chất ngoại sinh khác.
Theo 1 nghiên cứu khác ở đại học Gezira, Sudan thì sáp ong trắng chứa các n-alkan, ester mạch dài, acid béo, diester, hydroxyester và 1 số thành phần thiểu số khác như flavonoid.
Theo y học cổ truyền, sáp ong trắng là một vị thuốc ngọt béo, tính hơi ấm, không độc, có công dụng tiêu độc, có thể dùng để trị tiêu chảy dạng thấp mủ trắng. Ngoài ra còn cầm máu, làm săn se và chống lở loét.
Theo tài liệu Bản thảo sùng nguyên thì sáp ong trắng có tác dụng bổ trung ích khí, trị lỵ và hút hết máu mủ giúp cho chóng khỏi ung nhọt.
Theo tài liệu Bản thảo cương mục thì sáp ong trắng có tính hoãn và vì nó có chất nhầy nên có thể nhuận tạng phủ, ngoài ra do sáp ong trắng có vị đạm tính sáp nên có thể dùng để trị kiết lỵ.
Nếu dùng làm thuốc thì sáp ong trắng có thể dùng để hạ cholesterol và giảm đau. Ngoài ra nó còn dùng để giảm viêm, loét, trị tiêu chảy và nấc cụt. Bên cạnh đó sáp ong hay được dùng làm tá dược thuốc đạn, làm chất kết dính trong thuốc dán,...
Trong thực phẩm thì sáp ong trắng hay dùng làm chất làm cứng.
Ngoài ra trong mỹ phẩm sáp ong trắng còn được làm dưới dạng viên để làm thành son môi.
Người trưởng thành: Dùng từ 8 – 12 g sáp ong trắng mỗi ngày.
Trị lỵ, ăn vào ói ra ngay
Bạch lạp 15 g, lòng đỏ trứng gà 1 cái, nửa chén rượu, Phát khôi 6 g, Hoàng liên dạng bột 6 g, mật ong tốt nửa chén, đầu tiên đun lên khuấy đều rồi cho Phát khôi vào, khi gần đặc thì cho các thứ thuốc khác và bột Hoàng liên vào, đến khi đã đặc thành bột có thể viên lại được thì thôi. Uống với nước. (Hoa Đà Phương).
Trị nhiệt lỵ, sản hậu bị lỵ
Bạch lạp 9 g, Hoàng liên 9 g, Hoàng bá 4 g, A giao 12 g, Đương quy 10 g, Trần thương mễ 6 g. Đầu tiên ta nấu Trần thương mễ, lọc lấy phần nước rồi dùng nước đó để sắc thuốc uống dần. (theo Thiên Kim Giao Lạp Thang)
Trị phế hư có ho, khó thở, mửa, khô họng, cơ thể suy nhược, hay sốt, kém ăn, nói yếu
Bạch lạp 8 lượng nấu với nước cho kỹ sau đó lọc cặn bã, rồi viên phần đã lọc 123 viên, sử dụng 4 lượng Viên cáp phấn để làm áo bao bên ngoài, mỗi lần thì dùng 1 viên với nước quả Hồ đào, uống chung với nước nóng rồi nằm nghỉ dưỡng sức. (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Trị quáng gà do can hư
Bạch lạp 30 g, đun chảy rồi trộn với Cáp phấn 30 g, nặn thành bánh bao, dùng dao cắt lấy một miếng chừng 6 g, xẻ đôi, sau đó cho 60 g gan lợn và thuốc vào buộc lại nấu trong nồi đất cho thật kỹ rồi xông hơi ở mắt, bánh nguội ăn hết dùng ngày 2 lần liên tục 4 - 5 lần. (theo Trung Quốc Dược Học Đại Từ Điển).
Tránh dùng sáp ong trắng cho người bị lỵ do hỏa nhiệt vì sáp ong có tính ấm, nếu dùng sẽ làm cho bệnh nặng thêm.
Ngoài ra cũng không dùng sáp ong trắng chung với nguyên hoa hay tề cáp vì các vị này kị nhau.