Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Táo gai hay còn gọi là Chua chát, Sơn tra, Táo mèo, Sán sá (Tày), Co sam sa (Thái). Tên khoa học của Táo gai là: Crataegus pinnatifida Bunge. Công dụng: Bổ (Quả có nhiều vitamin C). Táo gai còn có tác dụng kích thích tiêu hóa, huyết ứ, huyết áp cao (Quả).
Tên tiếng Việt: Táo gai.
Tên khác: Chua chát, Táo mèo, Sơn tra, Sán sá (Tày), Co sam sa (Thái).
Tên khoa học: Crataegus pinnatifida Bunge. Họ: Rosaceae (Hoa hồng).
Bắc Táo gai (Crataegus pinnatifida)
Là loài cây cao 6m. Lá dài 5 đến 10cm, rộng 4 đến 7cm, có 3-5 thùy, mép có răng cưa, mặt dưới dọc theo các gân có lông mịn nhỏ, cuống lá dài 2-6 cm, cành nhỏ thường có gai. Hoa mẫu 5, hợp lại thành tán. Đài có lông mịn, cánh hoa có màu màu trắng, 20 nhị. Quả có hình cầu, đường kính từ 1-1,5 cm, khi quả chín có màu đỏ thẫm.
Cây nam Táo gai hay dã Táo gai (Crataegus cuneata)
Loài cây này cao khoảng 15m, có gai nhỏ 5-8 mm. Lá dài 2-6cm, rộng 1-1,4cm, có 3-7 thùy, mặt dưới lúc đầu có lông, mặt sau thì nhẵn. Hoa có cấu trúc giống với bắc Táo gai. Quả hình cầu đường kính 1-1,2cm, quả khi chín có màu vàng hay đỏ.
Táo gai trước đây được nhập khẩu hoàn toàn từ Trung Quốc. Gần đây Việt Nam đã thu mua táo mèo và chua chát để dùng với tên Táo gai. Hai cây này đều khác chi Táo gai thật (Crataegus), do đó cần có những nghiên cứu so sánh việc sử dụng.
Quả Táo gai hay chua chát, táo mèo đến khi đã chín được hái về, thái ngang hay bổ dọc, phơi hoặc sấy khô.
Bộ phận sử dụng được của Táo gai là quả.
Trong các nghiên cứu Táo gai của Trung Quốc, trong Táo gai có Axit Xitric, Axit Tactric, Vitamin C, Hydrat Cacbon và Protit. Năm 1957, phân tích Táo gai thấy Protit 0,7%, chất béo 0,2%; Hydrat Cacbon 22%; Caroten 0,00082%; Vitamin C 0,0089%.
Sơ bộ nghiên cứu Táo gai của Việt Nam (Lào Cai, Hoàng Liên Sơn) thấy có 2,76% Tanin; 16,4% chất đường; 2,7% axit hữu cơ (Tactric, Xitric tính theo H2SO4).
Các chất tan được trong nước (cao khô) là 31% độ tan 2,25% tan hoàn toàn trong HCl (Lê Ánh, Bộ môn dược liệu, 1961).
Các nhà dược học Liên Xô cũ đã nghiên cứu về quả Táo gai loài Crataegus Oxyacantha và Crataegus Sanguina Pall. Ngoài chất Tani Fructoza còn có chất Cholin, Axetylcholin Phytoterin. Gần đây người ta lại còn thấy các axit hữu cơ thuộc loại Tritecpen như Axit Oleanic, Urso và Crataegic.
Trong hoa các loại Táo gai kể trên, có Quexet Quexitrin, tinh dầu và một số chất khác. Trong cây Crataegus Oxyacantha người ta còn thấy 2 chất đắng Crataegin và Oxyacanthin.
Hoa và lá Táo gai từ lâu đã được người dân và y học châu Âu dùng làm thuốc chữa tim.
Theo tài liệu cổ ghi chép, Táo gai có vị chua, ngọt tính ôn và qui kinh tỳ vị và can, hỗ trợ tiêu hóa các thứ thịt tích lũy chưa tiêu hóa.
Trong tài liệu cổ ghi nhận về Táo gai có nói Táo gai phá được khí, hành ứ, hóa đờm rãi, giải được độc cá, lở sơn, chữa tả lỵ, trị tích thối, huyết khối, giảm đau. Ngoài ra còn ghi chú rằng: “Ăn nhiều sơn trà thì hao khí hại răng, những người gầy còm thì chớ ăn”.
Nghiên cứu cho kết quả: Chế phẩm của Táo gai làm tăng sự co bóp của cơ tim, làm giảm sự kích thích của cơ tim.
Táo gai còn làm tăng sự tuần hoàn ở mạch máu tim và mạch máu não, tăng độ nhạy của tim đối với tác dụng của các glucozit chữa tim.
Trong thí nghiệm và trên lâm sàng, thuốc chế từ hoa và lá là mạnh tim, điều hòa sự tuần hoàn, giảm kích thích của thần kinh.
Đông y và tây y có cách dùng Táo gai với những mục đích khác nhau.
Tây y coi Táo gai (hoa, quả, lá): Tác dụng trên tuần hoàn (tim, mạch máu) và giảm đau, an thần.
Đông y: Táo gai tác dụng trên bộ máy tiêu hóa.
Liều dùng trong đông y: Ngày uống 3-10g sắc lấy nước uống, uống chỉ với Táo gai hoặc phối hợp với các vị thuốc khác.
Táo gai là loài cây dược liệu đang phổ biến ở nhiều nơi. Tuy có nguồn gốc từ thiên nhiên nhưng Táo gai có chỉ định, chống chỉ định và tác dụng phụ. Quý bạn đọc và người thân không nên tự ý sử dụng hoặc nghe theo bài thuốc kinh nghiệm. Quý bạn đọc hãy đến bác sĩ để hiểu rõ tình trạng cơ thể và tham vấn ý kiến.
Hãy chia sẻ bài viết nếu thấy hữu ích. Chúng tôi mong muốn nhận được phản hồi cũng như sự quan tâm của quý bạn đọc ở bài viết khác.
Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/son-tra.html