Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu

Thầu dầu: Vị thuốc tốt nhưng cần cẩn thận độc tính

Ngày 09/04/2023
Kích thước chữ
  • Mặc định

  • Lớn hơn

Thầu dầu hay còn được gọi là Đu đủ tía, có tác dụng nhuận trường, thông tiện nên được dùng chữa táo bón, trong dân gian còn dùng chữa bệnh sót nhau sinh khó. Tuy nhiên, do có lượng độc tính nhất định nên cần phải tìm hiểu kỹ tác dụng, liều lượng cũng như đối tượng sử dụng để tận dụng vị thuốc này 1 cách tốt nhất.

Nội dung chính

Tìm hiểu chung

Tên gọi, danh pháp

Tên Tiếng Việt: Thầu dầu.

Tên khác: Đu đủ tía, Dầu ve, Tỳ ma, Dù xủng, Co húng hom (Thái), Mạ puông sí (Dao), Slùng đeng (Tày).

Tên khoa học: Ricinus communis L., thuộc họ Thầu dầu Euphorbiaceae.

Đặc điểm tự nhiên

Cây Thầu dầu là loài cây sống lâu năm, thân yếu, cao 4 - 5m, có thể phát triển đến 10 - 12m, vỏ thân có màu sắc khác nhau tùy thứ, các cành non đều có phấn trắng. 

Lá lớn, mọc so le, lá có thùy chân vịt sâu, gồm 5 - 7 - 9 có khi tới 11 thùy, mép lá có răng cưa không đều; cuống dài, có tuyến; lá kèm rụng sớm. 

Cụm hoa ở ngọn hay ở nách lá, thành chuỳ, hoa đực ở phía dưới, hoa cái ở trên, có nhiều lá bắc phủ ở ngoài. 

Quả nang màu lục hay màu tím nhạt, có gai mềm, chứa 3 hạt. Hạt hình bầu dục, hơi dẹt, có mồng lớn, bề mặt nhẵn, ở đầu có móng (chính là áo hạt của noãn khổng), màu nâu xám, có vân đỏ hay nâu đen.

Có nhiều loại Thầu dầu, chỉ có loại Thầu dầu có lá tía mới có công dụng làm thuốc.

Cây Thầu dầu
Cây Thầu dầu

Phân bố, thu hái, chế biến

Thầu dầu là loài của Bắc Ấn Độ, được trồng ở các vùng nhiệt đới để lấy hạt ép dầu và lấy lá, như Việt Nam (Hà Giang, Phú Thọ, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc), Bắc Phi, Brazil v.v... Lá thu hái quanh năm, chủ yếu vào mùa hè thu, thường dùng lá tươi. Rễ thu hái vào mùa đông. Hạt thu hoạch vào tháng 4 - 5 với mục đích chủ yếu dùng ép dầu sử dụng trong công nghiệp.

thau dau 2
Hạt Thầu dầu ép dầu

Bộ phận sử dụng

Bộ phần sử dụng được của cây Thầu dầu là hạt, rễ và lá - Semen, Radix et Folium Ricini Communis, hạt thường gọi là Tỳ ma tử.

Hạt Thầu dầu 4
Hạt Thầu dầu

Thành phần hoá học

Hạt Thầu dầu chứa 40 - 50% dầu, 25% chất albuminosid, một chất có tinh thể và nitrogen (ricidin), acid malic đường, muối, cellulose, ricin (chất có thể gây ngộ độc) và ricinin, các men trong đó có men lipase (men này có công dụng trong điều trị khó tiêu). Dầu chiết xuất từ hạt bằng phương pháp ép lạnh chứa nhiều chất hữu cơ có gốc là glycerin (50 - 60% trong đó có stearin cholesterin, ricinolein, palmitin) và acid béo (acid linoleic, acid oleic và acid stearic).

Công dụng

Theo y học cổ truyền

Theo Đông y, các bộ phần trên cây Thầu dầu có các tác dụng như sau:

  • Hạt Thầu dầu có vị ngọt, cay, tính bình, có độc; có tác dụng tiêu thũng bài nung, bạt độc. Chất ricin là một protein độc ở trong hạt, chất này biến mất khi bị ép, vì nó nằm lại trong khô dầu. 

  • Dầu từ hạt Thầu dầu có tác dụng nhuận tràng thông tiện. Dầu Thầu dầu là một chất lỏng dính, có mùi khó chịu gây nôn mửa, nó có tính nhuận tràng và xổ. Tác dụng này khá nhanh, không gây kích thích ống tiêu hoá.

  • Lá có vị ngọt, cay, tính bình, ít có độc; có tác dụng tiêu thũng bạt độc, chống ngứa. 

  • Rễ nhạt, hơi cay, tính bình, có tác dụng khư phong hoạt huyết, giảm đau trấn tĩnh. 

Theo y học hiện đại

Dầu Thầu dầu được chỉ định dùng trong bệnh táo bón của trẻ em, phụ nữ có thai, bệnh nhân mổ và sản phụ. 

Hạt dùng chữa sa tử cung và trực tràng, lỵ, sót nhau, đẻ khó, liệt thần kinh mặt, viêm mủ da, viêm hạch lao, dằm đâm vào thịt; dầu hạt trị mụn nhọt thũng độc, hầu tê, đại tiện táo kết, tràng nhạc. 

Lá được dùng trị viêm mủ da, eczema, mẩn ngứa, ung nhọt, viêm tuyến vú, viêm đau khớp, diệt dòi, giết bọ gậy. 

Rễ dùng chữa phong thấp đau nhức khớp, đòn ngã sưng đau, sài uốn ván, động kinh, tinh thần phân liệt.

Liều dùng & cách dùng

Liều lượng: Thường dùng 1 - 2 thìa dầu Thầu dầu đối với người lớn và 1/2 thìa ở trẻ em.

Ðể tránh buồn nôn, có thể uống cùng cà phê hay nước trái cây. Có thể dùng viên nang 2 - 10g để nhuận tràng, 10 - 40g để tẩy xổ. Dùng ngoài lấy 20 - 50g chế nước rửa thay thuốc đạn. Lá, rễ thường dùng với liều 30 - 60g. Dùng ngoài lấy lá giã đắp.

Chữa sót nhau: Liều lượng khoảng 15 hạt Thầu dầu, đem giã nhỏ rồi đắp vào lòng bàn chân. Sau khi nhau ra rồi cần rửa chân tay và các nơi có tiếp xúc với thuốc (Y học thực hành, 10/1961). Cách làm giống như vậy để chữa sinh khó (kinh nghiệm nhân dân và có ghi trong sách cổ Bản Thảo đại minh).

Bài thuốc kinh nghiệm

Sa tử cung và trực tràng

Giã hạt Thầu dầu ra rồi đắp lên vùng đỉnh đầu. 

Ðẻ khó, sót nhau

Dùng hạt Thầu dầu (khoảng 14 hạt) giã nát đắp vào lòng bàn chân, khi đẻ xong hay nhau đã ra thì bỏ thuốc ngay và rửa sạch những nơi có tiếp xúc với thuốc. 

Liệt thần kinh mặt

Giã hạt Thầu dầu ra và đắp vào phía đối diện mặt bị liệt.

Chữa phong thấp, viêm khớp, tay chân tê mỏi, bị thương đau nhức, bại liệt

Rễ Thầu dầu 30g, dây Đau xương 20g, Lõi thông 20g. Sắc uống trong ngày, chia làm 3 lần uống. 

Chữa hen suyễn

Lá Thầu dầu 12g, Phèn phi 8g, đem giã nhỏ, rồi trộn với thịt heo băm, tất cả gói trong lá sen non, đun lửa nhỏ nấu chín.

Lưu ý

Trong hạt Thầu dầu có alkaloid độc, có tính làm đông. Dùng liều lượng theo chỉ định, không được dùng quá liều và phải chia ra uống cách nhau vài giờ mỗi liều để tránh gây độc.

Thầu dầu là một vị thuốc Nam quý nhưng có chứa độc tính nhất định. Vì vậy để phát huy được tác dụng điều trị cũng như đảm bảo an toàn, người bệnh cần tìm hiểu kỹ và trao đổi với bác sỹ trước khi sử dụng.

Nguồn tham khảo
  1. Tra cứu dược liệu: https://tracuuduoclieu.vn/thau-dau.html  

  2. Tuyển tập 3033 Cây thuốc Đông y – Tuệ Tĩnh