Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Cây Ngải đắng (Wormwood) là một loại thảo mộc lâu năm có tên khoa học là Artemisia absinthium. Ngải đắng có nguồn gốc từ châu Âu nhưng có thể dễ dàng phát triển ở nhiều điều kiện khí hậu khác nhau. Loại cây này có vị đắng và hương thơm đặc trưng, được sử dụng trong nhiều thế kỷ cho mục đích y học như giúp giảm đau, giảm viêm, điều trị các vấn đề về tiêu hoá, giun sán và nhiễm trùng da.
Tên Tiếng Việt: Ngải đắng.
Tên khác: Ngải áp xanh, Ngải tây.
Tên khoa học: Artemisia absinthium, thuộc họ Cúc (Asteraceae).
Cây Ngải đắng (Wormwood) này là một loại cây thân thảo sống lâu năm, có chiều cao từ 60 đến 150cm. Ở gốc, thân cây có một lớp gỗ nhẹ và trên mặt cây có lông mịn màu xám trắng hoặc lông mềm được nén chặt. Cây có từ 1 đến 3 thân chính.
Các lá ở gần gốc có cuống dài từ 6 đến 12cm. Lá có hình dạng hình elip hoặc hình trứng, có 2 hoặc 3 cặp lá phụ xẻ tới gần gân giữa. Lá phụ có 4 hoặc 5 cặp thùy, thùy có lông mịn. Các tiểu thùy có hình dạng hình mác, hình elip hoặc hình thẳng, đầu lá thùy có đỉnh nhọn. Các lá ở phần thân cây giữa có cuống dài từ 2 đến 6cm, lá có hình dạng hình trứng hoặc hình elip, có 2 cặp lá phụ xẻ tới gần gân giữa. Các tiểu thùy có hình dạng thẳng, hình mác. Các lá trên cùng có kích thước từ 2 đến 6cm, có 5 thùy hoặc lá phụ xẻ tới gần gân giữa, các lá bắc có hình dạng lá có 3 thùy hoặc nguyên, thùy có hình dạng hình mác hoặc thẳng.
Cụm hoa thường là chùy hoa hình nón rộng, các nhánh cấp 1 thẳng, mọc thẳng lên hoặc tỏa rộng, có thể lệch ít hay nhiều và dài tới 30cm, các nhánh cấp 2 có chiều dài tới 12cm. Cụm hoa hình đầu có cuống ngắn. Tổng bao hoa có 3 đến 4 hàng, hình cầu hoặc hình gần cầu, có đường kính từ 2,5 đến 3,5mm. Các lá bắc ở hàng ngoài cùng thẳng, dài khoảng 3mm, màu xanh lục, có lông mịn áp lên mặt hoa, các lá bắc trong có hình dạng hình trứng hoặc hình trứng rộng hay hình tròn, có kích thước 1,25 đến 2,5mm, chủ yếu ở dạng khô. Đế hoa có hình dạng bán cầu hoặc phẳng, ít hoặc nhiều lông mịn màu trắng. Hoa có nhiều cánh hoa, màu vàng. Hoa cái ở hàng ngoài có khoảng 15 đến 25 cánh hoa, có nguồn gốc từ hoa cái. Tràng hoa màu vàng, có 2 răng lệch, dài khoảng 1,25mm, các nhánh vòi nhụy nằm ngang, thò ra. Quả có dạng quả bế với 2 lá noãn, hình trụ dẹt dài, có chiều dài từ 0,8 đến 1mm, có hoặc không có vành miện hoa ở đỉnh. Cây ra hoa và tạo quả thường vào khoảng tháng 8 đến tháng 9 hằng năm.
Cây Ngải đắng có phạm vi phân bố trên toàn cầu, bao gồm châu Âu lục địa, Bắc Phi và châu Á (từ Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Nam Á tới Tây Siberia, Trung Á và Tây Himalaya). Nó cũng đã được du nhập và trồng ở nhiều khu vực khác nhau trên thế giới như Anh, châu Mỹ, Eritrea, Ethiopia, Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Nam Á, Đông Nam Á và Australia.
Ở Việt Nam, cây này đã được du nhập và trồng tại các khu vực như Đà Lạt, Sapa và Tam Đảo. Cây thường sinh sống trên sườn đồi, thảo nguyên, bụi rậm và bìa rừng, thường mọc ở những vùng có độ ẩm cao, đặc biệt thích hợp ở độ cao từ 1.100 đến 1.500m.
Bộ phận sử dụng được của cây Ngải đắng (Wormwood) là lá và phần cây trên mặt đất.
Ngải đắng (Wormwood) có thể được sử dụng dưới dạng thuốc hãm, rượu thuốc, cồn chiết hoặc có thể làm thơm rượu và các thức uống khác.
Hiện không có thông tin cụ thể về liều lượng thích hợp của Ngải đắng. Do đó, hãy dùng theo đúng hướng dẫn sử dụng của các sản phẩm có chứa chiết xuất Ngải đắng (Wormwood). Việc sử dụng quá liều có thể dẫn đến các tác dụng phụ nghiêm trọng.
Ngải đắng (Wormwood) không chứa thujone thường được sử dụng trong thực phẩm hoặc đồ uống. Ngải đắng không chứa thujone có thể an toàn để dùng làm thuốc trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, ngải đắng có chứa thujone có thể không an toàn.
Thujone là một thành phần có trong cây Ngải đắng có thể kích thích hệ thần kinh trung ương, gây độc dẫn đến ảo giác, co giật và các tác dụng phụ khác. Do đó, việc sử dụng cây Ngải đắng cần phải tuân thủ theo các chỉ định của chuyên gia hoặc bác sĩ Y học cổ truyền. Không nên tự ý sử dụng cây Ngải đắng tươi, chưa qua chế biến vì có thể còn các thành phần mang độc tính.
Chiết xuất Ngải đắng (Wormwood) có thể an toàn để sử dụng thoa lên da dưới dạng thuốc mỡ.
Ngải đắng (Wormwood) có thể không an toàn khi dùng bằng đường uống trong thời kỳ mang thai. Do thujone trong Ngải đắng có thể gây ảnh hưởng đến tử cung và gây nguy hiểm cho thai kỳ. Không đủ dữ kiện để kết luận rằng sử dụng chiết xuất Ngải đắng thoa ngoài da trong thời kỳ mang thai hay có an toàn hay không.
Tương tự như vậy, không đủ dữ kiện đáng tin cậy để biết liệu Ngải đắng có an toàn khi sử dụng bằng đường uống hay thoa ngoài da trong thời gian cho con bú hay không.
Vì vậy, không nên sử dụng Ngải đắng cho phụ nữ mang thai và cho con bú.