Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Khỏe đẹp

Cách chữa da khô trả lại “gót ngọc” trong mùa lạnh

Ngày 12/01/2021
Kích thước chữ

Da vùng gót thường bị thiếu chăm sóc thường xuyên nên khô nứt. Cùng tìm hiểu nguyên nhân khiến da chân khô ráp và những cách chữa da khô hiệu quả để có lại “gót ngọc” nhé!

Nhiệt độ không khí thấp khiến lớp da trên cơ thể khô hơn bình thường. Đây là thời điểm bạn nên quan tâm nhiều hơn đến việc dưỡng ẩm cho da. Tuy nhiên khu vực bàn chân lại thường bị lãng quên, dẫn đến khô và nứt nẻ.

Nguyên nhân khiến da chân bị khô

1. Thiếu độ ẩm

Da khô, nứt nẻ, bong tróc phổ biến ở gót chân và mu bàn chân vì những vùng này có ít tuyến dầu.

2. Kích ứng

Đứng quá lâu hoặc mang giày không phù hợp có thể gây áp lực liên tục lên các khu vực cụ thể của bàn chân, tạo ra ma sát với da. Kết quả là những khu vực này của bàn chân có thể trở nên khô, chai sạn hoặc nứt nẻ.

3. Nhiệt và độ ẩm

Những đôi giày kín như giày thể thao hoặc giày bít mũi sẽ tạo ra một môi trường nóng và hút độ ẩm từ da dẫn đến tình trạng da khô ở bàn chân.

4. Xà phòng

Xà phòng và các hóa mỹ phẩm sử dụng hàng ngày có thể làm mất độ ẩm của da. Việc bạn không rửa sạch xà phòng ở chân cũng có thể gây khô da.

5. Lão hóa

Yếu tố tuổi tác là một trong những nguyên nhân tác động đến sự khô da, làm da mất khả năng giữ nước và trở nên mỏng hơn. Người lớn tuổi có thể dễ gặp phải tình trạng khô da do quá trình lão hóa tự nhiên.

6. Mang giày thể thao

Các vận động viên thường xuyên mang giày thể thao tạo nên môi trường sinh sôi cho các loại vi khuẩn giữa các ngón chân và dưới bàn chân.

7. Thuốc

Một số loại thuốc có tác dụng làm mất nước của cơ thể gây khô da và khô ở bàn chân.

Ngoài ra, da khô ở bàn chân có thể xảy ra ở một số bệnh lý như:

• Bệnh chàm: Đây là một loại bệnh gây viêm da. Bệnh chàm có thể được phát hiện ở bất kỳ nơi nào trên cơ thể. Một trong các triệu chứng của bệnh chàm bao gồm các vảy da khô, giòn và ngứa ở bàn chân.

• Bệnh vảy nến: Bệnh vảy nến là một tình trạng tự miễn dịch mãn tính gây ra các mảng da dày, có vảy. Vảy nến rất có thể xuất phát từ bàn chân.

• Suy tuyến giáp: Những người bị suy tuyến giáp, bàn chân sẽ cực kỳ khô vì tuyến giáp của họ không thể điều tiết các tuyến mồ hôi ở bàn chân.

• Bệnh tiểu đường: Bệnh tiểu đường có thể gây tổn thương các dây thần kinh ngoại biên nếu không được kiểm soát, từ đó làm rối loạn điều tiết các tuyến dầu và độ ẩm ở bàn chân, gây khô, nứt chân.

cach-chua-da-kho-tra-lai-got-ngoc-trong-mua-lanh1Có nhiều nguyên nhân khiến da chân bị khô ráp.

Cách trị da chân bị khô

1. Tẩy tế bào chết

Sử dụng đá bọt biển để tẩy đi lớp tế bào chết hoặc lớp da bị bong ra là một cách hiệu quả và đơn giản nhất. Các bạn chỉ cần ngâm da bàn chân trong nước ấm để vùng da này trở nên mềm hơn và làm ướt đá bọt biển, sau đó nhẹ nhàng dùng đá bọt biển chà xát theo chuyển động tròn để làm bong đi lớp da chết đó. Nếu các bạn đang hoang mang bao lâu tẩy da chết một lần thì câu trả lời sẽ là 1 đến 2 lần tuỳ theo nhu cầu.

Trong các cách trị da chân bị khô, việc lấy đi lớp da khô nứt nẻ đó là bước đầu tiên để dưỡng chất ở các bước dưỡng da bàn chân lúc sau có thể thẩm thấu sâu vào da hơn.

cach-chua-da-kho-tra-lai-got-ngoc-trong-mua-lanh2Tẩy tế bào chết để dưỡng chất có thể thẩm thấu sâu vào da hơn.

2. Sử dụng mặt nạ chân

Sử dụng các loại mặt nạ chân chuyên dụng trong vòng 15 đến 20 phút mỗi tuần từ 1 đến 2 lần giúp da trở nên mịn màng, tránh bong tróc. Đặc biệt sử dụng mặt nạ dưỡng da bàn chân sau sau khi tẩy tế bào chết sẽ giúp các dưỡng chất hấp thụ vào da tốt hơn.

3. Sử dụng kem dưỡng ẩm chuyên biệt

Một sản phẩm chuyên biệt dành cho da chân cũng là một trong những sản phẩm không thể thiếu cho da khô mùa đông. Ngoài chức năng dưỡng ẩm, kem dưỡng da bàn chân còn có cả năng ngăn sự thoát ẩm ra khỏi da giúp hỗ trợ điều trị và phòng ngừa các vấn đề nứt nẻ ở gót chân. Ngày nay một số loại kem dưỡng da bàn chân sẽ giúp giảm ma sát giữa chân và giày để hạn chế việc hình thành lớp sừng ở gót chân.

4. Mang tất

Việc mang tất sẽ hạn chế việc cọ xát trực tiếp giữa da và giày, đặc biệt với những bạn hoạt động thể thao. Một đôi tất với chất liệu cotton mềm mại và thấm hút tốt sẽ giúp vùng da bàn chân không phải tiết mồ hôi quá nhiều gây mất độ ẩm cũng là một cách chữa da khô tốt.

Việc để bàn chân với những vết nứt, và mảng da bong tróc sẽ khiến chúng ta cảm giác khá khó chịu và ảnh hưởng trực tiếp đến sinh hoạt cuộc sống hàng ngày. Nếu kiên trì áp dụng các cách chữa da khô cho chân bên trên, ngoài việc hỗ trợ điều trị mà còn ngăn ngừa các tình trạng khô da bàn chân.

cach-chua-da-kho-tra-lai-got-ngoc-trong-mua-lanh3Việc mang tất sẽ hạn chế việc cọ xát trực tiếp giữa da và giày.

Tuy nhiên trong trường hợp vết da nứt và bong tróc quá nghiêm trọng và không có chiều hướng thuyên giảm sau khi áp dụng các phương pháp điều trị cách chữa da khô phía trên, các bạn nên gặp các bác sĩ da liễu để chẩn đoán và điều trị để  có kết quả tốt nhất.

Nhân Tâm

Nguồn Tham Khảo: Báo Elle

Có thể bạn quan tâm

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin
Chủ đề:Chăm sóc da