Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu
Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm
Mặc định
Lớn hơn
Kiến ba khoang là loài côn trùng có thân mình thon dài, hai màu đỏ và đen tạo thành các khoang đen - vàng cam xen kẽ. Ngoài cái tên kiến ba khoang còn có rất nhiều tên gọi khác nhau như kiến cong đít, kiến nhốt, kiến gạo, kiến lác,…
Kiến ba khoang được cho là loại côn trùng nguy hiểm và độc tố trong kiến ba khoang mạnh hơn nọc rắn hổ gấp 12 – 15 lần. Khi bị kiến ba khoang cắn có thể để lại hậu quả nghiêm trọng trên da cũng như nhiều biến chứng và đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Hãy cùng đọc bài viết dưới đây để biết được kiến ba khoang nguy hiểm như thế nào?
Kiến ba khoang có tên khoa học là Paederus fuscipes Curtis, thuộc họ Staphilinidae (cánh cụt), bộ Coleoptera (cánh cứng), lớp Insecta (côn trùng), ngành Động vật.
Về mặt hình thái học của loại kiến ba khoang rất đặc biệt: Thân mình thon, dài như hạt thóc với nhiều màu sắc khác nhau. Loài kiến ba khoang có 3 đôi chân, bụng có đốt, trong đó có một đốt màu đỏ, bay và chạy rất nhanh, cơ thể đôi khi màu cam tối màu, hay sậm màu và nhọn ở vùng bụng, vùng bụng trên và đầu màu đen, vùng trên giữa phát quang ngũ sắc, óng ánh màu xanh, đính kèm đôi cánh cứng (elytra).
Kiến ba khoang có cánh trong suốt gấp lại gọn gàng và dấu bên dưới cánh cứng. Ban ngày, kiến ba khoang sẽ được nhìn thấy bò lê, hoặc bò nhanh ở quanh và giấu cánh tương tự như kiến. Khi bất thường, nó tăng kích thước phần bụng lên, có cử chỉ đe dọa như con bọ cạp và bản thân chúng cũng có thể bay và chạy nhanh trên nước.
Nơi kiến ba khoang sinh sống thường là ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng... Chúng rất thích ánh sáng của đèn vào ban đêm và thường xuất hiện nhiều vào đầu mùa mưa. Sau khi trời mưa, nước ngập chỗ ở của chúng, nên kiến ba khoang bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn. Cơ thể của kiến ba khoang thường tiết ra chất dịch có thể làm tổn thương da của chúng ta nếu tiếp xúc với dịch này.
Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh hơn nọc của rắn hổ gấp 12 – 15 lần nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không thể gây chết người, chủ yếu gây bỏng da. Ngay cả khi không bị kiến đốt nhưng chúng ta tác động, chà xát hoặc giết thì chất độc trong cơ thể kiến giải phóng ra có thể làm tổn thương da người như viêm da, bỏng da.
Vị trí kiến ba khoang đốt thường ở vùng hở như: Cổ, mặt, cánh tay, cẳng tay, cẳng chân, đôi khi cũng thấy ở thân vùng kín do kiến ba khoang đã bám vào quần áo khi mặc chúng tiếp xúc trực tiếp vào da chúng ta. Tùy vào vị trí tiếp xúc mà có thể bị một hay nhiều tổn thương cùng lúc, bị đối xứng, bị nhiều nơi khác nhau trên cơ thể.
Tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành đám, thành vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cồm cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục. Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như: tay, vai, mặt, cổ, ngực, gáy. Các em nhỏ khi bị kiến ba khoang đốt có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng trẻ có thể sốt nhẹ, nổi hạch lân cận. Vết thương vẫn tiếp tục xuất hiện dù không còn sự hiện diện của kiến ba khoang nếu trẻ ngứa gãi quệt chất dịch ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp.
Tính chất của vết thương là những mụn mủ, mụn nước, ban đỏ, trợt loét nông trên da cũng giống như viêm da do ấu trùng bướm nhưng ở cấp độ nặng hơn, có thể bị nhiều tổn thương trên da. Có nhiều người khi thấy kiến ba khoang thường lấy tay đập, chà xát vô tình làm lượng chất độc pederin trong loại kiến này khi tiếp xúc với da sẽ lan nhanh và rộng hơn làm cho vùng da bị tổn thương lớn. Kiến ba khoang đốt ở bộ phận sinh dục có thể gây ra loét tổn thương nếu không được điều trị đúng cách. Bị đốt hoặc dịch tiết của kiến dính tại mắt có thể gây ra phù nề, tổn thương giác mạc, ảnh hưởng thị giác.
Bác sĩ cũng khuyến cáo cần lưu ý khi bị kiến đốt hoặc tiếp xúc với dịch tiết của kiến ba khoang phải nhanh chóng rửa chất tiết bằng nước sạch, xà phòng dịu nhẹ. Nhanh chóng đến cơ sở có bác sĩ chuyên khoa da liễu để khám, chẩn đoán chính xác và điều trị đúng. Tuyệt đối không nên tự ý bôi đắp thuốc. Các bậc cha mẹ nên hướng dẫn trẻ nhỏ và các thành viên khi thấy côn trùng (bướm, kiến ba khoang, mối,...) nên dùng chổi, hoặc đeo găng tay để xua đuổi chúng. Không tiếp xúc trực tiếp với côn trùng. Để phòng chống kiến ba khoang thì trước khi sử dụng chăn màn nên làm sạch, kiểm tra xem côn trùng có bị rơi vào không. Vào ban đêm chúng ta nên đóng cửa, mua lưới chắn côn trùng để hạn chế kiến ba khoang cũng như côn trùng vào nhà.
Trúc
Nguồn: Tổng hợp