Ứng dụng Nhà Thuốc Long Châu

Siêu ưu đãi, siêu trải nghiệm

Long Châu
  1. /
  2. Góc sức khỏe/
  3. Phòng bệnh & Sống khoẻ

Thay vì can ngăn thì bạn hãy làm điều này khi con cãi nhau

Ngày 21/05/2020
Kích thước chữ

Một khi con đã hiểu cách ứng xử thỏa đáng ra làm sao trong cuộc tranh cãi với người khác, thì bé sẽ biết biện pháp tránh các xung đột không cần thiết. Trẻ cãi nhau, tranh chấp thật ra không xấu như bạn vẫn tưởng, bởi thông qua đó còn ẩn chứa các bài học cần thiết cho quá trình học hỏi và trưởng thành của con yêu. 

Trong nhà bạn có vài đứa trẻ thì chắc hẳn sẽ không còn xa lạ với những cơn cãi nhau thường xuyên của chúng. Các anh chị em có thể tranh chấp, cãi nhau gay gắt chỉ vì một món đồ chơi. Trong trường hợp này thì chúng ta nên phản ứng như thế nào?

Để trẻ học cách cãi nhau

Thực chất việc cho con học cách cãi nhau là rất quan trọng. Bởi một khi bé biết cách phải ứng xử thỏa đáng thế nào trong cuộc tranh cãi, con sẽ nắm được cách tránh đi những xung đột không đáng có. Đây cũng là điều mà các bậc phụ huynh hằng mong con mình có thể làm được khi trưởng thành.

Thay vì can ngăn thì bạn hãy làm điều này khi con cãi nhau 1Cãi nhau sẽ giúp các bé học được cách giải quyết khi xung đột

Tranh chấp giúp con hiểu cách kết nối mối quan hệ

Thường với những nhà có con một, không anh chị em nào khác trong gia đình, sau khi lớn lên trẻ sẽ dễ mắc phải khó khăn khi giải quyết xung đột liên quan đến những mối quan hệ xã hội. Con có xu hướng kiềm chế bản thân nhằm duy trì các mối quan hệ tốt đẹp. Nếu không thể làm được thì các bé con một sẽ rơi vào trường hợp thích trấn áp người khác hoặc trạng thái tiêu cực là lưỡng lự, thiếu quyết đoán.

Người có kỹ năng giao tiếp bậc thầy trong xã hội gần như đều có điểm chung là ngay từ bé đã được phát triển cùng các anh chị em mình. Trẻ con vốn không có sở trường dùng kỹ năng để duy trì mối quan hệ với người khác. Do đó nếu muốn trẻ học được những kỹ năng giao tiếp xã hội thì phương pháp duy nhất của cha mẹ chính là cho phép con tranh chấp với người khác.

Thay vì can ngăn thì bạn hãy làm điều này khi con cãi nhau 2Nhờ có anh chị em mà các bé học được nhiều kỹ năng giao tiếp xã hội

Học được nhiều điều thông qua tranh chấp

Nhờ tranh chấp mà các bé sẽ hiểu được phương pháp nào khiến người khác sẵn lòng hợp tác, hoặc phương pháp nào hoàn toàn không có tác dụng. Theo thời gian con sẽ biết rằng nếu đánh vào mặt anh chị, anh chị sẽ không đối xử tốt với em nữa. Tương tự nếu trẻ không cho anh chị vào phòng chơi cùng mình thì bé cũng sẽ bị áp dụng điều tương tự.

Thường thì tranh chấp giữa các anh chị em trong nhà sẽ có liên quan tới quyền lực. Nếu bé có anh chị em thì trong tiềm thức sẽ tự động phân chia vai vế, không gian sinh hoạt (địa bàn), và khả năng tự giải quyết vấn đề (tự lập).

Khi mấy đứa trong gia đình cãi nhau, điều cha mẹ nên làm chính là duy trì thái độ không can thiệp. Nhìn chung thì trẻ con vẫn là trẻ con, bạn không thể thông qua quy tắc công bằng để thay đổi tính nết được. Dù cho chúng ta có cố gắng dàn xếp cuộc tranh cãi giữa bé với các anh em thì kết quả cũng chẳng mấy khả quan.

Thay vì can ngăn thì bạn hãy làm điều này khi con cãi nhau 3Đừng can thiệp khi các bé cãi nhau, bởi đây chính là cơ hội cho con giao tiếp và rèn luyện

Lần tới đây nếu thấy các con cãi nhau, thay vì buồn bực hoặc phiền lòng thì chúng ta nên cảm thấy vui mừng. Bởi đó chính là cơ hội vô cùng tuyệt vời để các bé học hỏi, luyện kỹ năng giao tiếp xã hội. Nếu không thể tỏ vẻ bàng quang khi con cãi nhau thì ít nhất phụ huynh không nên can thiệp, bởi như thế là bạn đang tước đoạt cơ hội phát triển của bé.

Thụy Anh

Thông tin và sản phẩm gợi ý trong bài viết chỉ mang tính chất tham khảo, vui lòng liên hệ với Bác sĩ, Dược sĩ hoặc chuyên viên y tế để được tư vấn cụ thể. Xem thêm

Dược sĩ Đại học Nguyễn Tuấn Trịnh

Đã kiểm duyệt nội dung

Từng làm ở Viện ISDS, nhiều năm cộng tác với CDC Thái Nguyên triển khai dự án phòng chống HIV/AIDS, 2 năm cộng tác với WHO.

Xem thêm thông tin